Quy chế giải thưởng

CÁC HẠNG MỤC (10) – ĐỐI TƯỢNG – TIÊU CHÍ

A- Kiến trúc sư của Năm (Architect of the Year): dành cho một văn phòng kiến trúc có công trình / dự án đề cử ở các hạng mục B hoặc F, G, H, I, J, đáp ứng các tiêu chí:

  • Triết lý: Thiết kế các công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc cao, triết lý thiết kế rõ ràng, đáp ứng xu hướng của thời đại, phát triển bền vững;
  • Thực hành: Tổ chức quá trình thiết kế và xây dựng các công trình một cách chuyên nghiệp, chất lượng cao, được xã hội và khách hàng đánh giá cao;
  • Văn hóa: Giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và ở mỗi con người.

B- Công trình của Năm (Building of the Year): dành cho một công trình hoàn thành xây dựng trong khoảng thời gian 02 năm trở lại (đại diện là đơn vị thiết kế), đáp ứng các tiêu chí:

  • Thẩm mỹ: giá trị nghệ thuật kiến trúc cao;
  • Sáng tạo: tính độc đáo, xu hướng mới;
  • Bền vững: công trình được xây dựng có tính bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.

C- Nhà thầu của Năm (Contractor of the Year): dành cho một doanh nghiệp nhà thầu xây dựng có tham gia công trình được đề cử ở hạng mục B hoặc G, H, I, J, đáp ứng các tiêu chí:

  • Hợp tác: với các đối tác và cộng đồng dự án (nếu có) để cung cấp dịch vụ / sản phẩm thành công;
  • Chuyên nghiệp: phân phối các dự án ngoài sự mong đợi của khách hàng, trong phạm vi ngân sách và đúng hạn;
  • Uy tín: phát triển mối quan hệ tốt với khách hàng, đối tác, và cộng đồng.

D- Chủ đầu tư của Năm (Developer of the Year): dành cho một doanh nghiệp phát triển dự án được giới thiệu ra thị trường trong khoảng thời gian 02 năm trở lại, đáp ứng các tiêu chí:

  • Nhân văn: phát triển các dự án bất động sản mang lại nhiều giá trị cho khách hàng, xã hội.
  • Tầm nhìn: dẫn dắt xu hướng thị trường;
  • Giá trị: cung cấp các sản phẩm, dịch vụ bất động sản ra thị trường đạt chất lượng và lợi nhuận tốt.

E- Hãng Kỹ thuật của Năm (Engineering of the Year): dành cho một doanh nghiệp có tham gia công trình được đề cử ở hạng mục B hoặc G, H, I, J, đáp ứng các tiêu chí:

  • Kỹ thuật: tiên tiến, đổi mới mang lại hiệu suất, chi phí, sức khỏe và an toàn hoặc độ tin cậy cho doanh nghiệp và cách thức này mang lại lợi ích cho cả khách hàng và xã hội.
  • Con người: sáng tạo, sẵn sàng làm chủ công nghệ, tinh thần hợp tác;
  • Dịch vụ: chuyên nghiệp, văn hoá.

F- Dự án Tương lai của Năm (Future Project of the Year): dành cho một dự án (đồ án) đề xuất ở Việt Nam chưa (và có thể không) được xây dựng, đáp ứng các tiêu chí:

  • Tiến bộ: đề xuất công nghệ – giải pháp mới;
  • Tích hợp: trong tư duy thiết kế và phương pháp xây dựng;
  • Tiềm năng: giải quyết những vấn đề hiện tại và định hướng tiềm năng trong tương lai.

G- Xây dựng Xanh của Năm (Green Build of the Year):

Nhánh 1: dành cho một công trình đã hoàn thành xây dựng trong khoảng thời gian 02 năm trở lại (đại diện là ê-kíp liên quan gồm các đơn vị thiết kế, kỹ thuật, chủ đầu tư), đáp ứng các tiêu chí:

  • Hiệu quả: phân tích định lượng hiệu quả sử dụng năng lượng và khuyến khích có tính toán tiện nghi nhiệt, chiếu sáng.  Hiệu quả sử dụng năng lượng có thể chứng minh bằng hoá đơn sử dụng điện quy đổi theo tổng diện tích sàn (chỉ số EUI: kWh/m2.năm) hoặc các phân tích định lượng tính toán mô phỏng – áp dụng cho công trình đang thiết kế hoặc đang thi công;
  • Tối ưu hóa: chỉ ra chi phí đầu tư hợp lý, không tăng hoặc chỉ tăng rất ít so với mặt bằng xây dựng chung, hoặc so sánh với công trình có chức năng tương tự;
  • Xanh: chỉ ra những yếu tố tăng tính bền vững môi trường khác của công trình (bao gồm nhưng không giới hạn: giảm hiệu ứng đảo nhiệt, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nước, xử lý nước và rác thải, bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học,…) .

Nhánh 2: dành cho dự án đang trong quá trình thiết kế, chưa xây dựng (đại diện là đơn vị thiết kế); nhằm thúc đẩy xu hướng thiết kế công trình hiệu quả năng lượng, hướng tới trung hoà về năng lượng (Net Zero Energy), với những yêu cầu và tiêu chí sau:

  • Có sự phối hợp chặt chẽ giữa thiết kế hình thức kiến trúc và thiết kế năng lượng công trình. Có số liệu phân tích, so sánh hiệu quả nhiệt vỏ bao công trình cụ thể, khuyến khích sử dụng infographic để chứng minh thay vì các bảng số liệu;
  • Có đánh giá về tiết kiệm năng lượng do hiệu quả phối hợp chiếu sáng tự nhiên với chiếu sáng nhân tạo; Có tính tới thiết kế đủ sáng nhưng vẫn đảm bảo giảm thiểu hiện tượng kéo rèm, bật đèn;
  • Có đánh giá so sánh định lượng các giải pháp thiết kế hệ thống điều hoà thông gió giúp tăng cao hiệu quả năng lượng hệ thống HVAC;
  • Thực hiện đánh giá hiệu quả tiết kiệm năng lượng tổng thể của công trình theo hệ thống LEED hoặc LOTUS – hồ sơ chứng minh hiệu quả kèm theo, theo cách đánh giá của LOTUS hoặc LEED;
  • Thuyết minh ngắn gọn về thiết kế năng lượng công trình (để hiểu rõ hơn tư duy của đơn vị thiết kế);
  • Các tài liệu bổ sung khác, tuỳ chọn, ví dụ nhưng không giới hạn trong các hạng mục dưới đây: Hiệu quả chi phí đầu tư, so sánh chi phí vận hành với công trình tương tự hoặc thống kê của toà nhà cùng loại, tính toán tiện nghi nhiệt công trình, các tiêu chí hiệu quả tài nguyên khác như tiết kiệm nước, tiết kiệm vật liệu, sử dụng vật liệu tái chế…

H- Nhà ở của Năm (Housing of the Year): dành cho một công trình / khu nhà ở đã hoàn thành xây dựng trong khoảng thời gian 02 năm trở lại (đại diện là đơn vị thiết kế), đáp ứng các tiêu chí:

  • Cộng đồng: có tiện ích, không gian, môi trường sống để cư dân hòa nhập và tương tác;
  • Thiết kế: giải pháp tối ưu cho không gian ở và sinh hoạt gia đình;
  • Chất lượng: đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, tiện nghi (nhiệt, chiếu sáng tự nhiên, thông gió tự nhiên…) đi kèm với hiệu quả năng lượng và chi phí.

I- Nội thất của Năm (Interior of the Year): dành cho một không gian nội thất đã hoàn thiện trong khoảng thời gian 02 năm trở lại (đại diện là đơn vị thiết kế), với các tiêu chí:

  • Phong cách: sáng tạo, giàu trí tưởng tượng và nghệ thuật, thể hiện văn hoá / lối sống của chủ sở hữu;
  • Công năng: có tính ứng dụng, thuận tiện, bài trí đồ đạc hợp lý, chất lượng môi trường tốt;
  • Xu hướng: giải pháp sử dụng vật liệu, thiết bị có công nghệ theo xu hướng thân thiện môi trường.

J- Dự án Chung tay của Năm (Joint Effort Project of the Year): dành cho một dự án chung tay (cộng đồng) đã được thực hiện trong khoảng thời gian 02 năm trở lại, đáp ứng các tiêu chí:

  • Phương pháp: cách tổ chức thực hiện để huy động tốt các nguồn lực và đạt hiệu quả cao;
  • Tác động: dự án có tác động tốt đối với cộng đồng xung quanh và xã hội;
  • Nhân rộng: khả năng nhân rộng / mở rộng phạm vi, địa điểm khác.

Lưu ý:  

  • Các giải pháp / dự án đề cử (thuộc hạng mục B, F, G, H, I, J) phải được đề xuất hoặc xây dựng / thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam;
  • Các cá nhân được đề cử có quốc tịch Việt Nam; các doanh nghiệp được đề cử có pháp nhân tại Việt Nam;
  • Các dự án, công trình, cá nhân và doanh nghiệp đã từng đoạt giải ở hạng mục nào thì không đề cử lại ở hạng mục đó.


QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn đề cử (17/07/2023 – 31/10/2023), qua 2 hệ thống:

  • Gửi hồ sơ đề cử qua địa chỉ email: awards@ashui.com
  • Các đề cử do Ban biên tập Ashui.com đề xuất.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, sau khi nhận được hồ sơ đề cử trong vòng 03 ngày Ban Tổ chức sẽ phản hồi về tính hợp lệ và có thể yêu cầu hoàn thiện, bổ sung. Vì vậy, hồ sơ đề cử càng gửi sớm càng có nhiều thời gian để chỉnh sửa nếu cần.

Giai đoạn chọn đề cử chính thức (01/11/2023 – 12/12/2023): do Hội đồng tuyển chọn gồm các thành viên có uy tín thực hiện. Trong giai đoạn này, Hội đồng có thể xem xét bổ sung đề cử. Mỗi hạng mục không có quá 10 đề cử chính thức (Shortlist).

Giai đoạn bình chọn (từ 15/12/2023 – 18:00, 30/12/2023): lấy phiếu bình chọn online (trực tuyến) của cộng đồng theo mẫu/form trên trang web chính thức của giải thưởng; đồng thời, Hội đồng tuyển chọn bỏ phiếu kín.

Lưu ý: Trong trường hợp thành viên Hội đồng tuyển chọn có liên quan trực tiếp đến đề cử nào thì không được tham gia bình chọn / đánh giá các hạng mục liên quan đến đề cử đó.


HỒ SƠ ĐỀ CỬ

  • Thông tin liên hệ của đối tượng đề cử;
  • Phần mô tả / thuyết minh: theo các tiêu chí tương ứng hạng mục đề cử (dạng file Word);
  • Hình ảnh, video minh họa: tối đa 20 ảnh chất lượng cao kèm chú thích (nếu có), trong đó có 01 hình ảnh đặc trưng (feature) đối với các công trình / dự án, và logo đối với các doanh nghiệp, tổ chức;
  • Đối với đề cử hạng mục G (Xây dựng Xanh của Năm) nhánh 1, cần cung cấp các số liệu, dữ liệu chứng minh tính hiệu quả năng lượng và tiện nghi của công trình (có thể là kết quả mô phỏng bằng phần mềm hoặc bằng chứng đo thực tế tiêu thụ năng lượng, chứng chỉ nếu có) [hướng dẫn].
  • Hồ sơ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt.
  • Việc đề cử là miễn phí.

Lưu ý: Bản quyền thông tin, hình ảnh trong các hồ sơ đề cử thuộc về tác giả hoặc doanh nghiệp sở hữu. Ban Tổ chức được quyền sử dụng nội dung hồ sơ để truyền thông trong phạm vi chương trình giải thưởng.


CÁCH TÍNH KẾT QUẢ

Kết quả cuối cùng được tính theo 30% kết quả bình chọn cộng đồng và 70% kết quả của Hội đồng tuyển chọn. Mỗi hạng mục chọn 01 đề cử đạt kết quả cao nhất giành danh hiệu tương ứng.

  • Kết quả bình chọn cộng đồng là tỷ lệ phần trăm theo số lượng phiếu trực tuyến.
  • Kết quả của Hội đồng tuyển chọn là tỷ lệ phần trăm theo số phiếu của các thành viên hội đồng.


CÔNG BỐ KẾT QUẢ
TRAO GIẢI

Kết quả được công bố trên trang web chính thức của giải thưởng và các phương tiện truyền thông đại chúng vào ngày 31/12/2023.

Lễ trao giải thưởng Ashui Awards 2023 (lần thứ 12) và triển lãm dự kiến được tổ chức vào ngày 13/01/2024.

Website chính thức: www.ashui.com/awards

Share Button