Tổ hợp nhà máy nước mặt Sông Đuống / Infinitive Architecture

 

  • Vị trí: huyện Gia Lâm, Hà Nội
  • Thiết kế: Infinitive Architecture
  • Kiến trúc sư: Nguyễn Quang Hiền và các cộng sự

Do tính chất đặc thù, công trình tọa lạc ở vị trí thích hợp của hồ chứa nước. Do đó, để hòa mình vào bao cảnh đồng ruộng bao la và cái tứ của làng Gióng, chúng tôi đề xuất hình khối kiến trúc cô đọng, tối giản, bền vững và thân thiện, hòa lẫn vào thiên nhiên. Khác hẳn với các văn phòng công nghiệp, chúng tôi đưa giải pháp về hình khối và không gian hữu cơ, thân thiện của một khu nghỉ dưỡng, và cái không khí tĩnh lặng, khúc chiết của một tiện ích giáo dục, cộng đồng. Đây là ý tưởng xuất phát từ khái niệm tự nhiên và tồn tại như chính bản nghĩa của giọt nước, là nguyên liệu và sản phẩm của nhà máy này.

Tất cả các ý tưởng trong tư duy sơ khởi khi được thể hiện vào hình khối và không gian đều được cân nhắc và thử nghiệm kĩ càng, ở phương diện ứng dụng, thực tiễn.

 

PHẦN 1: Khối nhà làm việc

Bố cục theo lối hướng nội, với bốn diện mái dốc về một sân trong lớn. Sân trong này tiếp giáp với hành lang giao thông chính bằng rèm xanh bằng cáp bọc căng và cây leo, được tổ chức với nhiều khoảng nghỉ chân và bóng mát, là nơi gặp gỡ thường ngày thay cho một hành lang kín chật chội của một không gian văn phòng thường thấy.

Lớp áo ngoài sử dụng mành trúc lõi cáp bọc. Lớp mành này như đóng vai trò lớp áo giảm bức xạ mặt trời và điều tiết độ chói cho ánh sáng văn phòng làm việc vốn là một khối trong suốt. Vật liệu này được xử lý lớp phủ 2k và kéo căng theo phương đứng vừa phải để chống gió giật. Hiệu quả của lớp mành này ngoài hiệu quả vật lý kiến trúc, còn mang hiệu ứng về:

1. Hình ảnh: Họa tiết đơn giản và thanh, tạo cảm khái tĩnh tại cho không gian.

2. Âm thanh: Gió nhẹ tác động vào mành căng còn tạo ra những âm thanh xào xạc của rừng tre, cái hồn của cây tre làng Gióng. Đây là hiệu ứng giác quan rất đặc biệt, tạo không khí tĩnh mịch, làng quê cho một không gian của khoa học kỹ thuật.

 

PHẦN 2: Khối thực nghiệm và hội nghị

Như một phần của sứ mạng công trình, không gian này dành cho hoạt động nội bộ và rộng hơn, là các chương trình tham quan thực nghiệm đến đây giúp các em học sinh hiểu thêm về trách nhiệm với môi trường. Các em sẽ được hướng dẫn làm ra nước uống từ nước sông, uống bằng ly giấy, tìm hiểu câu chuyện về vòng tuần hoàn và khởi nguyên của nước qua sự hướng dẫn của các nhà khoa học. Khối nhà được tổ chức dưới một mái cong bằng bê tông phủ xanh như một triền đồi mọc lên từ mặt đất, mái hình vòm này là một biểu trưng giản lược của Aqueduct (cầu dẫn nước) trong phương thức cấp nước cổ. Tiện ích nhà xe được giấu trong các phần đồi thấp cùng với các phòng thí nghiệm và lưu trữ vốn cần tiết chế ánh sáng, dành không gian lớn thoáng đãng cho hội họp và trưng bày. Các không gian triển lãm được bố trí như các giọt nước hội tụ vào tâm điểm là hội trường được làm bằng các vách corten di động, khi cần có thể thu về một điểm, trả lại không gian trống lớn cho các hoạt động phù hợp. Mái xanh của khối này có thể đi dạo lên trên, và sử dụng độ dốc cho các khán đài ngoài trời phục vụ cho mục đích giáo dục về môi trường.

 

PHẦN 3: Cảnh quan tổng thể

Công trình lọt vào giữa 2.343 m²cảnh quan cây xanh mặt nước với mật độ cực kì khiêm tốn (0,45%). Chúng tôi thiên về tổ chức cảnh quan loãng dần vào trọng tâm, không dùng các loại cây quý hiếm, mà chú trọng vào bố cục đường nét, để thiên nhiên và công trình trở thành những nét chấm phá của nhau.

Phía trước nhà làm việc là hồ nước căng, tạo sự nối tiếp của kiến trúc vào không gian theo chiều đứng, chiều của mưa. Những sợi mành trúc chuyển tải ý nghĩa này. Mặt bằng khối nhà văn phòng, là não bộ của nhà máy, được bố trí như một chuyển vị của hồ nước căng, với khuôn viên khép kín trong một đường dạo tròn lệch tâm với hồ nước căng.

Phía trước nhà hội nghị là một cấu trúc nước căng tương tự trong chu vi của một dấu chân khổng lồ trong truyền thuyết Thánh Gióng, và cũng là mô phỏng của một đập tràn chứa nước, dành cho mục đích giáo dục.

Việc xây dựng một tiện ích văn phòng gần gũi với thiên nhiên, giãn ra khỏi đô thị và các khu công nghiệp, trong bán kính đi lại của ô tô và tàu điện ngầm của tương lai gần, có lẽ sẽ là một sự lựa chọn thân thiện và hiệu quả của các doanh nghiệp không có nhu cầu làm việc ở các khu CBD (central business district). Hơn nữa, việc khai thác tiềm năng của vật liệu địa phương ứng dụng vào kiến trúc không chỉ là vật liệu hoàn thiện, vật liệu trang trí mà còn là giải pháp, là hiệu ứng do kiến trúc mang lại, cụ thể như giải pháp mành trúc (công năng, hình ảnh, âm thanh), cáp căng và dây leo tự nhiên, mặt nước và cảnh quan… sẽ còn là câu chuyện dài và phong phú, sẽ được các kiến trúc sư kể, trong đó có Infinitive Architecture.

Share Button