Vạn Bảo House / SAA

Van Bao House-SAA

 

  • Địa điểm: Số 1, ngõ 222B, Phố Đội Cấn (Tập thể Văn phòng Trung ương), quận Ba Đình, Hà Nội
  • Thiết kế: Sonthai Architects & Associates (SAA)
  • Kiến trúc sư chủ trì:  Nguyễn Thái Sơn
  • Chủ đầu tư: Ông Nguyễn Đức Hòa
  • Diện tích khu đất : 80,2 m2
  • Tổng diện tích xây dựng: 500 m2
  • Tầng cao: 6,5 tầng
  • Năm thiết kế: 2016

VanBao_House05

VanBao_House06

VanBao_House07

Vạn Bảo House (VBH) là dự án nằm trong trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội – vị trí hành chính tối quan trọng của Thủ đô. Nắm được yếu tố này, chủ đầu tư có mong muốn tạo lập một ngôi nhà vừa kết hợp để ở, vừa kết hợp làm căn hộ dịch vụ với đối tượng chính hướng đến là các chuyên gia người nước ngoài qua sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Hiện nay tại Hà Nội và các thành phố lớn, mô hình nhà ở homestay – nhà ở kết hợp dịch vụ đang gia tăng, và thực tế đây là một nhu cầu chính đáng của người dân. Tuy nhiên, việc kiểm soát về mặt thiết kế bằng các quy định, quy chuẩn còn hạn chế. Thêm nữa, vấn đề quản lý công trình đa chức năng này từ khâu thiết kế đến vận hành đối với cả chủ đầu tư lẫn nhà quản lý còn thô sơ, thậm chí còn chưa nghĩ tới.

VanBao_House08

VBH không chỉ đơn thuần là một công trình dân dụng thông thường. SAA đã trao đổi và làm việc rất kỹ với Chủ đầu tư và hai bên đã đi đến thống nhất với mong muốn VBH sẽ trở thành một mô hình nhà ở kết hợp dịch vụ cho tương lai. Vì sao nó mang yếu tố “Tương lai”? Yếu tố tương lai đối với SAA chúng tôi là những yếu tố mới nhưng phải sát với thực tế, có tính ứng dụng cao cho một xã hội tiên tiến và bền vững trong cấu trúc lẫn vận hành. Những mục đích dưới đây sẽ nói lên điều đó:

* VBH được nghiên cứu trên các mô hình công nghệ tiên tiến và phù hợp nhất nhằm tạo một môi trường sống tiện nghi, hiện đại ví dụ như:

– Áp dụng các công nghệ phân tích và kiểm soát năng lượng, ánh sáng và thông gió hiệu quả trong quá trình thiết kế;
– Sử dụng hệ thống điện, chiếu sáng, an ninh… thông minh (Smart Home);
– Công nghệ xây dựng và Kết cấu bê tông nhẹ nhằm tiết kiệm không gian, vượt khẩu độ lớn, giữ nhiệt và cách nhiệt tốt, tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho công trình;
– Sử dụng vật liệu nội thất bền vững, thân thiện: sử dụng nguồn gỗ tự nhiên tái sinh, không dùng các gỗ nhóm A và gỗ công nghiệp (dùng gỗ thuộc họ Sồi, teak… là nguồn gỗ đang được trồng từ các vùng rừng tái sinh, có chu kỳ thu hoạch ngắn).

* Bên cạnh đó, chúng tôi thiết lập một mô hình vận hành và quản lý công trình hiệu quả cùng với hiệu suất cao cho Chủ đầu tư thông qua quy trình BIM xuyên suốt 4 giai đoạn: Thiết kế – Thi công – Hoàn công – Vận hành và bảo trì.

Với mô hình BIM (Building Information Modeling / Mô hình Thông tin Xây dựng) cùng những tham số của nó còn giúp Chủ đầu tư và Kiến trúc sư kiểm soát được vấn đề giá cả và dự toán công trình dẫn tới bài toán đầu tư rõ ràng và chính xác hơn.

Quy trình này giúp Chủ đầu tư hình dung được rất rõ về công trình của mình, nắm được thông tin sát nhất từ các khối lượng thi công thô, vật liệu, đến từng vật dụng nội thất của căn nhà, rất thuận tiện cho công việc quản lý, an ninh, duy tu bảo dưỡng sau này. Đồng thời tiết kiệm nhân lực quản lý công trình. Công trình đơn thuần cần đến 3 nhân sự cho việc quản lý, lễ tân nay chỉ cần 1 người cũng có thể kiểm soát hết công việc. Đây cũng chính là tính hiệu quả và bền vững của công trình.

Việc áp dụng quy trình BIM cũng là việc hướng tới chủ trương quản lý của Nhà nước và Bộ Xây dựng – chuẩn hóa việc quản lý và thiết kế theo tiêu chuẩn BIM đến năm 2021, theo kịp các nước khu vực và thế giới. Do đó, với mô hình dân dụng như VBH đã được thiết kế và quản lý bằng BIM nếu nhân rộng sẽ có sức ảnh hưởng tích cực rất lớn đến các cơ quan quản lý xây dựng, giúp các cơ quan dễ dàng kiểm soát chuyên môn hơn và dần chuẩn hóa thông tin trên cả nước.

Share Button