Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhà ở xã hội: Nhiều lợi thế cạnh tranh

Nhà ở xã hội: Nhiều lợi thế cạnh tranh

Viết email In

Sau hơn 2 năm triển khai, tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, hàng chục dự án nhà ở xã hội đã chính thức được khánh thành và đi vào sử dụng. Đồng nghĩa với đó là hàng trăm nghìn hộ gia đình có thu nhập thấp thỏa ước muốn có chốn an cư. 

Đã có suy nghĩ rằng, nhà ở xã hội nghĩa là dành cho những người có thu nhập thấp; giá nhà rẻ đồng nghĩa với chất lượng, dịch vụ thấp. Tuy nhiên, sau khi nhiều dự án nhà ở xã hội được bàn giao cho người mua, thực tế môi trường sống tại những dự án nhà ở xã hội đã mang tới cho những người thu nhập không thấp có cái nhìn khác về nhà ở xã hội. Không chỉ vậy, nhà ở xã hội đã trở thành mục tiêu săn tìm của không ít người có nhu cầu thực về nhà ở bởi mức giá hợp lý, chính sách hỗ trợ về vốn vay tốt, hạ tầng không thua kém gì nhà ở thương mại...  

Có thể kể đến một vài dự án nhà ở xã hội đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội như: Dự án nhà ở xã hội 143 Trần Phú (của Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà); dự án nhà ở xã hội Bambo Garden tại đô thị Sunny, Quốc Oai (Công ty CP Đầu tư C.E.O); dự án nhà ở xã hội Ecohome (Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô). 

Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Mua nhà đẹp dưới 1 tỷ” do Báo Điện tử VnMedia tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, chính sách xã hội về nhà ở cũng nên như y tế và giáo dục là giúp đỡ cho những người yếu thế được hưởng những dịch vụ tối thiểu, còn việc cung ứng những dịch vụ thì tạo điều kiện cho thị trường thực hiện. 

TS Liêm cũng chia sẻ, tỉnh Bình Dương có nhiều bí quyết thành công trong việc xây dựng nhà ở giá rẻ. Ngoài giá đất rẻ thì họ xây nhà theo phố, tầng 1 bán cho người làm kinh doanh, các tầng trên bán hoặc cho công nhân thuê ở. Doanh nghiệp kiếm lãi từ việc bán cho người mua tầng 1, phía trên bán rẻ… nên thu hồi vốn nhanh. 

Hà Nội, có người cho rằng là nơi đất chật người đông không thể làm như Bình Dương được. Nếu muốn làm thì Thành phố nên tạo điều kiện xây những tòa nhà 20 tầng, trong đó bán giá cao những tầng 1, 2, 3 để làm kinh doanh, rồi các tầng cao hơn bán căn hộ tương đối sang trọng, 8 tầng trên cùng làm căn hộ nhỏ bán hòa vốn hay giá rẻ. Lấy lãi này bù cho thiệt kia. Nếu ai đưa ra dự án như vậy thì Thành phố tạo điều kiện. Tiền thuế của những tầng cao thì giảm… như vậy, tạo ra điều kiện cho người giàu và người nghèo cùng được hưởng hạ tầng xã hội như nhau” – ông Liêm chia sẻ. 

Cũng theo ông Liêm, tư duy hiện nay về nhà ở trên thế giới muốn cho người giàu và người nghèo ở cùng, không nên tách họ ra, tạo nên sự gắn kết chứ không phải là sự nghi kỵ và đặc biệt là tạo điều kiện cho người nghèo kiếm sống. "Người nghèo sử dụng ít dịch vụ hơn thì trả ít tiền hơn và người nghèo có thể kiếm sống bằng cách cung cấp dịch vụ cho người giàu… Không làm cho người nghèo có cảm giác bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên đây mới chỉ là ý tưởng, chưa được thực hiện. Vậy, những đô thị lớn như Hà Nội hãy làm thí điểm" - TS Liêm cho biết.

Bàn về giá bán căn hộ nhà ở xã hội có quy định cứng cho tới khi hoàn thành nhận nhà hay không? Ông Tạ Văn Tố - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư C.E.O cho biết, theo quy định của Nhà nước, giá bán nhà ở xã hội là giá tạm tính, khi quyết toán lúc đó mới có giá chính thức. “Kể từ ngày động thổ dự án 1/6/2013, mức giá bán của dự án Bamboo Garden được CEO công bố là dưới 10 triệu đồng và cho tới thời điểm này, sau hai năm, mức giá đó vẫn được giữ nguyên” – ông Tố cho biết. 

Bàn về việc trong thời gian mua nhà chưa đủ 5 năm, nếu vì lý do nào đó mà bên mua nhà ở thu nhập thấp muốn chuyển nhượng thì được giải quyết thế nào? Ông Nguyễn Trọng Phước - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà cho biết, theo quy định nhà ở xã hội trong thời gian chưa đủ 05 năm kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội theo Hợp đồng đã ký thì người mua nhà ở xã hội chỉ được bán lại nhà ở đó (nếu có nhu cầu) cho chủ đầu tư dự án hoặc cho đối tượng khác thuộc diện được mua, thuê mua nhà ở xã hội (theo giá bán không được vượt quá mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán).

Người có nhu cầu bán lại nhà ở xã hội phải liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư dự án để thực hiện thủ tục chuyển hợp đồng mua bán nhà ở xã hội cho người mua lại thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Ngoài ra người mua lại nhà ở xã hội phải có các giấy tờ xác nhận về đối tượng và điều kiện theo quy định về đối tượng mua nhà xã hội (Khoản b, mục 1, Điều 25 Thông tư số 08/2014/TT-BXD ngày 23/05/2014 quy định).

Trả lời câu hỏi về hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án Ecohome, ông Vũ Hồng Thành - Giám đốc Ban Quản lý Tòa nhà Ecohome1, thuộc Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ Đô cho biết, theo thông tư số 08/2014/TT-BXD quy định điều kiện được mua nhà ở xã hội phải là người thuộc đối tượng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân dưới 8m2 và phải là người có hộ khẩu tại Hà Nội hoặc có tạm trú dài hạn, có hợp đồng lao động thời hạn trên 1 năm, phải đóng bảo hiểm xã hội, thì đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội. "Hiện nay lượng hồ sơ đủ điều kiện xin mua tương đối nhiều, Công ty Thủ Đô chấm điểm dựa theo tiêu chí về thang điểm và chọn thứ tự điểm theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới đến đủ số lượng. Trường hợp các căn hộ có số điểm bằng nhau thì sẽ tổ chức bốc thăm. Tiêu chí chấm điểm sẽ tùy thuộc vào đối tượng được thuê mua nhà ở và có tính đến các trường hợp ưu tiên theo quy định của pháp luật như gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ" - ông Thành cho biết. 

Tại buổi giao lưu, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, mục tiêu triển khai dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của thị trường, đồng thời góp phần hoàn thiện dự án để thu hút người dân sinh sống tại khu đô thị. 

Các doanh nghiệp cũng khẳng định giá nhà ở thương mại trong thời gian qua đã có sự điều chỉnh mạnh ở tất cả các phân khúc trên thị trường, tuy nhiên tính tới thời điểm hiện nay giá nhà khó có thể giảm sâu hơn và đang có xu hướng tăng trở lại. “Hiện tại giá chênh lệch giữa nhà ở thương mại và nhà ở xã hội cùng vị trí dao động từ 3 - 5 triệu đồng/m2 nên nhà ở xã hội vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn so với nhà ở thương mại. Hơn nữa, người dân đủ điều kiện mua nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất 5%/năm cho suốt 15 năm, trong khi mua nhà ở thương mại lãi suất cao hơn nhiều” - một doanh nghiệp cho biết. 

Linh Nhi 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo