Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Chuyên mục Bất động sản HoREA kiến nghị về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

HoREA kiến nghị về lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

Viết email In

Chính phủ cần ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi mua nhà ở xã hội với cùng một loại lãi suất tại Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV, theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA).

Ttong văn bản đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện chính sách nhà ở xã hội được HoREA gửi đến Chính phủ và Bộ Xây dựng hôm 18/2, hiệp hội này nêu thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội còn chậm do nguồn vốn ngân sách có hạn, việc xã hội hóa vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội của người dân.


Nhu cầu về nhà ở xã hội là rất lớn nhưng nguồn cung hạn hẹp.
(Ảnh: Nguyên Đăng)

Bên cạnh hạn chế về vốn, HoREA cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý trong chính sách cần sửa đổi để phát triển nhà ở xã hội.

Đầu tiên về lãi suất, HoREA cho rằng, quy định mức lãi suất tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội bằng với mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội (năm 2018, mức lãi suất là 4,8%/năm) là rất thấp và chưa hợp lý.

Vì thế, HoREA kiến nghị, người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được hưởng lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm thông thường tại các ngân hàng thương mại (hiện nay khoảng 7%/năm) đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng, để khuyến khích người dân tham gia, tạo thêm nguồn vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Tại văn bản số 2510/NHCS-TDSV ngày 26-7-2016, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với "mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn".

Theo HoREA, quy định này còn có điểm bất hợp lý là mức gửi tiết kiệm hàng tháng ở mức cao, bên cạnh đó người mua nhà ở xã hội còn phải trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội, thì toàn bộ chi phí hàng tháng là rất lớn và là gánh nặng cho người mua nhà ở xã hội.

Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức không quá một triệu đồng để dễ thực hiện và phù hợp với khả năng tài chính của người vay hơn.

Hiệp hội này cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất và cùng thực hiện cơ chế gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV.

Năm 2018 lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm; bốn ngân hàng còn lại cho vay với lãi suất 5%/năm.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM 134.000 căn; Hà Nội 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra.

Riêng TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa vẫn chưa thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nhà ở xã hội.

Lê Anh

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo