Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Kiến trúc Bảo tàng Acropolis mới của Hy Lạp

Bảo tàng Acropolis mới của Hy Lạp

Viết email In

Sau nhiều năm trì hoãn, ngày 20/6/2009, Bảo tàng Acropolis mới của Hy Lạp mới được khánh thành với một buổi lễ hoành tráng tốn kém tới gần 3 triệu euro (4,1 triệu USD) với sự tham dự của hơn 200 nhà lãnh đạo các nước. 

10 năm xây dựng với tốn kém 130 triệu euro (180 triệu USD) và tọa lạc trên khu vực đầy những phế tích có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ 12 trước Công nguyên, bảo tàng cao ba tầng có diện tích 14.000m2 này do kiến trúc sư Thụy Sĩ Bernard Tschumi thiết kế.



Nằm ở chân ngọn đồi Acropolis, tòa nhà bằng kính có dáng vẻ góc cạnh này khai thác triệt để ánh sáng thiên nhiên và dù có đứng ở vị trí nào trong bảo tàng khách tham quan cũng có được cái nhìn toàn cảnh về thủ đô Athens của Hy Lạp. Nơi đây trưng bày hơn 4.000 cổ vật và tầng trên cùng của bảo tàng có thiết kế giống ngôi đền Parthenon, nơi trưng bày các tác phẩm điêu khắc 2.500 năm tuổi mà nhiều tác phẩm trong bộ sưu tập đó hiện đang ở bảo tàng Anh.

Toàn bộ tòa nhà bày được đỡ bằng những cột bê-tông lớn và như vậy toàn bộ trung tâm mua bán và tầng một của bảo tàng có một diện tích mở ở bên dưới và đó là nơi trưng bày các đồ tạo tác khảo cổ được tìm thấy trong quá trình xây dựng bảo tàng.

Đồi Acropolis ở Athen, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1986, là một trong những di tích quan trọng nhất của nền văn minh nhân loại, nơi tập trung một loạt công trình văn hóa quan trọng. Trong đó đáng chú ý nhất có đền Parthenon, được xây dựng ở thời hoàng kim của Athens vào khoảng năm 447 - 432 trước Công nguyên để thờ vị nữ thần bảo trợ của thành phố này.

Chính phủ Hy Lạp xây dựng Bảo tàng Acropolis mới đầy tốn kém nói trên không chỉ để tôn vinh di sản văn hóa này, mà còn nhằm mục đích đòi chính phủ Anh trao trả lại một bộ điêu khắc vô giá bị nước Anh cướp đi hồi đầu thế kỷ 19. Đó là một bộ các tác phẩm phù điêu và tượng mô tả các vị thần trên đỉnh Olympia, những người anh hùng cũng như những trận đánh trong thần thoại Hy Lạp từng được trang trí bên trong đền Parthenon và các công trình khác trên đồi Acropolis. Nếu đặt liền các tấm và tác phẩm điêu khắc này với nhau, chúng dài tới hàng trăm mét.

Bộ điêu khắc cẩm thạch này bị Huân tước Elgin, lúc đó là đại sứ Anh của đế chế Ottoman lấy đi khỏi Hy Lạp vào năm 1802, nhưng sau do khánh kiệt nên ông đã bán cho Bảo tàng Anh và chúng được trưng bày ở đó cho đến nay. Từ hàng chục năm nay, bộ điêu khắc mang tên “Elgin Marbles” (Bộ cẩm thạch Elgin) này là chủ đề tranh cãi giữa hai chính phủ Hy Lạp và Anh.

Người Hy Lạp đã mở rất nhiều chiến dịch yêu cầu London phải trả lại bộ điêu khắc - niềm tự hào của dân tộc họ - cho Acropolis để cả nhân loại được chiêm ngưỡng chúng ở đúng chỗ của chúng. Các nhà chức trách Anh thì vẫn khăng khăng rằng, trải qua hai thế kỷ những tác phẩm điêu khắc này đã nghiễm nhiên thuộc quyền sử hữu hợp pháp của Bảo tàng Anh, thế nên họ sẽ không bao giờ trao trả chúng về Hy Lạp. Họ còn viện lý do rằng Athens thiếu không gian trưng bày thích hợp để đảm bảo sự an toàn và bảo tồn những cổ vật vô giá này.

Nhưng giờ Bảo tàng Acropolis mới đã hoàn thiện và thậm chí đã xây săn sẵn những không gian trưng bày riêng cho bộ điêu khắc cẩm thạch đó thì các nhà chức trách Anh vẫn không hề thay đổi thái độ. Hôm đầu tuần, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh, nhấn mạnh trên tờ The Guardian rằng: “Chính phủ Anh cho rằng không nên trao trả các tác phẩm điêu khắc này về Hy Lạp” và quả quyết “chúng đang được lưu giữ trong bảo tàng có nhiều khách tham quan nhất thế giới, được bảo tồn trong các điều kiện môi trường hoàn hảo".

Đối với người Hy Lạp, đây là một thất bại lớn, bởi không thể có một bảo tàng Acropolis hoàn chỉnh, nếu không có bộ tác phẩm điểu khắc nói trên. Bộ trưởng Văn hóa Hy Lạp Antonis Samaras cay đắng nói: "Chúng ta không thể có được niềm vui trọn vẹn trong lễ khánh thành bảo tàng khi chúng ta không thể giới thiệu được một cách đầy đủ thành tựu nghệ thuật được sáng tạo từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên vì gần một nửa các tác phẩm điêu khắc từ ngôi đền Parthenon đã bị lấy đi khỏi đó từ cách đây 207 năm và hiện đang nằm cách xa chúng ta 4.000 km”.

Nhà chức trách Hy Lạp cho rằng Chính phủ Anh đang mắc sai lầm lớn, khi đã không biết tận dụng việc xây dựng Bảo tàng Acropolis mới như một cơ hội để sửa chữa sai lầm lịch sử mình. 

Lương Tuấn Vĩ

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo