Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Kiến trúc Công trình Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hà Nội)

Công trình Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hà Nội)

Viết email In

Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Hôtel de la Résidence Supérieure) ban đầu được dự định nằm trong quần thể kiến trúc trục vườn hoa Paul Bert (vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay), đặt vuông góc với hồ Hoàn Kiếm, bao gồm toà Đốc Lý, Kho bạc, Bưu điện, Dinh Thống sứ … Tuy nhiên ý tưởng này không được thực hiện. Tới những năm đầu thế kỷ XX, vị trí chính thức của Dinh Thống sứ được quyết định nằm ở vị trí giao nhau giữa đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) và phố Chavassieux (phố Lê Thạch), nhìn ra một vườn hoa nhỏ cũng mang tên Chavasieux, nhưng người dân đương thời thường gọi là vườn hoa Con cóc do ở giữa vườn có một bể nước với những hình con cóc phun nước lên cụm điêu khắc nằm giữa bể.


Dinh Thống sứ Bắc Kỳ (Nhà khách chính phủ ngày nay)

Dinh Thống sứ Bắc kỳ được kiến trúc sư A. Bussy thiết kế lần đầu năm 1909 theo tinh thần cổ điển Pháp thời Napoléon III nên có phần nặng nề. Tuy nhiên, khi thiết kế lại năm 1917, ông đã sửa bớt đi những chi tiết quá rườm rà và thêm vào đó một số yếu tố kiến trúc hiện đại thời bấy giờ nên công trình đã bớt phần thô nặng nhưng vẫ mang tính bề thế và hoành tráng, thể hiện quyền năng của cơ quan hành chính cao cấp nhất xứ Bắc Kỳ.

Toà nhà gồm 3 tầng: tầng hầm chủ yếu là các kho một số phòng phục vụ và phòng lưu trữ giấy tờ hành chính; tầng 1 có phòng khách lớn dùng làm nơi tiếp tân, các phòng khách nhỏ, phòng ăn, các phòng làm việc và phòng đợi, ngoài ra còn có phòng ăn, phòng chơi bi – a, phòng hút thuốc; tầng 2 có phòng họp Hội đồng Bắc Kỳ và các phòng nghỉ với đầy đủ tiện nghi.

Mặt bằng công trình theo hình chữ nhật, các phòng chính được bố trí đối xứng có hành lang bao quanh, phía sau là các phòng phục vụ và khu vệ sinh chung. Đảm trách giao thông theo phương đứng là một cầu thang đại hội ngay chính giữa nhà, ngoài ra còn có cầu thang phục vụ cạnh thanh chính và hai cầu thang phụ ở góc phía sau nhà. Nội thất các phòng được trang trí cầu kỳ và lộng lẫy theo tinh thần cổ điển Châu Âu nhưng một số họa tiết trang trí kiểu Việt Nam cũng được đưa vào, đặc biệt rõ trong cách sử lý mặt sàn mosaïque bằng đá màu theo kiểu Italy nhưng mang chủ đề mỹ thuật Việt. 


Mặt bằng tầng hầm


Mặt bằng tầng 1


Mặt bằng tầng 2

Mặt chính công trình hướng ra đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền ngày nay) có cấu trúc đối xứng và được chia thành 3 phần theo cả phương ngang lẫn phương đứng. Tuy nhiên khác với nhiều tòa nhà mang phong cách Tân cổ điển đương thời, phương ngang của mặt chính công trình là một diện phẳng chạy dài liên tục  thay vì có phần nhô ra ở hai phía (avant corps) như ở Dinh Toàn quyền hay Trụ sở Tòa án. Khối trung tâm được nhấn mạnh bởi một cửa vào lớn hình cuốn vòm kết hợp với một mái hiên hình cánh hoa bằng kính và kim loại theo phong cách Art Nouveau của Hertor Guimard. Phía trên mái hiên là một cửa sổ lớn được kết thúc bằng một Fronton tương đối lớn và trang trí khá cầu kỳ dựa trên hai cặp bổ trụ vuông. Những bổ trụ kéo dài này được kết thúc bằng các chi họa tiết đầu cột Ionic gợi cảm. Chính giữa Fronton là một motif trang trí khá phổ biến thời Phục Hưng - cartouche hình trái xoan đầy chất thẩm mỹ.


Mặt đứng chính

Đặc biệt là ở phía trên khu vực trung tâm tác giả còn tổ chức một khối mái Mansard lợp ngói đá đen có phần đỉnh mái được trang trí khá cầu kỳ, có vai trò làm điểm nhấn chính giữa và tạo sự đăng đối hoàn chỉnh. Hai bên là hai phần thân nhà đối xứng, mỗi bên có 5 bước gian gồm 2 hàng cửa sổ, phía dưới là các cửa cuốn vòm, phía trên cửa hình chữ nhật, giữa các cửa là mảng tường được kết thúc phía trên bởi một cartouche kiểu Phục hưng. Kết thúc phương ngang nhà là các cặp bổ trụ vuông với đầu cột Ionic, phía dưới là một cartouche lớn được trang trí bởi một tràng lá theo motif cổ điển.


Các mặt đứng do A. Bussy thiết kế năm 1909

Mặt bên có diện tích không lớn nên các chi tiết trang trí mang tính thống nhất với mặt chính, các bổ trụ vuông với đầu cột Ionic được nhắc lại làm tăng tính vững trãi và uy nghiêm của toà nhà. Các cửa sổ bố trí khu vực giữa được phối kết thành từng hàng 3 cửa liên tục làm tăng diện tích các mảng tường đặc ở hai phía, một thủ pháp làm tăng tính chắc đặc cho hồi nhà.

Mặt sau nhà được sử lý theo cùng quy tắc với mặt chính nhưng ở mức độ đơn giản hơn về tính trang trí. Khu trung tâm vẫn được nhấn mạnh nhưng chủ yếu bằng thủ pháp hình khối, các bổ trụ với đầu cột Ionic, các hình thức trang trí cầu kỳ không còn được sử dụng. Phần thân nhà có hệ thống cửa sổ bố trí giống như mặt trước nhà nhưng giữa chúng chỉ có những hoạ tiết trang trí đơn giản. Tuy nhiên thì về mặt hình khối, tỷ lệ, phương cách trang trí theo tinh thần cổ điển vẫn đảm bảo sự thống nhất với các mặt bên và mặt chính.


Dinh Thống sứ Bắc Kỳ đầu thế kỷ 20


Cartouche chính giữa và lớp mái Mansard được trang trí cầu kì.


Một số chi tiết trang trí phần dưới nhà

Nhìn chung về nghệ thuật kiến trúc thì Dinh Thống sứ Bắc Kỳ mang đậm tinh thần Cổ điển Pháp, song được tô điểm thêm bởi những chi tiết trang trí của các phong cách khác như cartouche kiểu Phục Hưng, lối cho xe lên uốn cong kiểu Baroque và đặc biệt là mái hiên kiểu Art Nouveau – một phong cách được coi là hiện đại thời bấy giờ.

Dinh Thống sứ Bắc kỳ được xây dựng gần như đồng thời với Văn phòng Phủ Thống sứ (Trụ sở Bộ lao động thương binh xã hội), khách sạn Métropole và đều mang phong cách Tân cổ điển, cùng vườn hoa Chavasieux (vườn Diên Hồng) tạo thành một quần thể có giá trị rất lớn không chỉ về mặt kiến trúc mà  cả về mặt lịch sử, văn hoá và cảnh quan, đã trở thành một di sản quý giá của thủ đô Hà Nội.

KTS Trần Quốc Bảo
Giảng viên chính Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng,
Nhóm nghiên cứu Kiến trúc Hà Nội cận-đại (GRAH)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo