Quy định rõ mức xử phạt trong Luật Bảo vệ Môi trường

Thứ ba, 06 Tháng 1 2015 05:45 Vietnam+
In

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/6/2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ môi trường.

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang.

Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có nhiều thay đổi và tiến bộ hơn Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, có nhiều quy định rất chặt chẽ trong bảo vệ môi trường nhất là vấn đề đánh giá tác động môi trường đối với các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên…


(Ảnh minh họa: Công Tường/TTXVN)

Cùng với những quy định chặt chẽ, Luật có chế tài xử lý vi phạm với mức xử phạt có thể lên đến 2 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng cùng với việc tuyên truyền, giáo dục thì mức xử phạt quy định rõ trong Luật rất quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề khó khăn đối với hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương khi muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, nhưng nếu không áp dụng hình thức xử phạt thì khó quản lý.

Bên cạnh đó, việc không xử phạt hay buông lỏng quản lý thì tình trạng vi phạm sẽ tiếp tục diễn ra và có xu hướng tăng.

Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật là trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đến các cấp chính quyền, vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để tất cả có ý thức giữ gìn, chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên tốt hơn.

Thực tế, nhiều vấn đề được pháp luật quy định nhưng vẫn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện, do vậy, Bộ sẽ đẩy mạnh thực hiện cơ sở pháp lý, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để từng bước đưa pháp luật vào việc bảo vệ môi trường.

Vì vậy, trong năm 2015, để triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2015 đi vào cuộc sống, trước hết ngành Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành; ban hành các thông tư hướng dẫn; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 179/2013 ngày 14/11/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về quy chế phối hợp liên ngành trong kiểm soát hoạt động nhập khẩu phế liệu; rà soát, chuyển đổi và xây dựng mới các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định của Luật bảo vệ môi trường, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Theo đó, các cơ quan chức năng trực thuộc Bộ triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh hoạt động và nâng cao vai trò của của các Chi cục môi trường lưu vực sông; cải thiện chất lượng môi trường, kiểm soát, xử lý triệt để nguồn gây ô nhiễm; thực hiện đồng bộ các biện pháp về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động quản lý chất thải. Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016-2020; Cơ chế, chính sách tài chính về phát triển dịch vụ môi trường ở Việt Nam.

Đồng thời tăng cường xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, đặc biệt là đối với các cơ sở đã đến hạn xử lý; rà soát và bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh; kiểm tra, đảm bảo hiệu quả sử dụng kinh phí đối với các dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư, đánh giá môi trường chiến lược, quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên; phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên mới, bảo vệ các hành lang đa dạng sinh học; bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên có tầm quan trọng quốc gia, quốc tế; ngăn ngừa, kiểm soát chặt chẽ và phòng trừ có hiệu quả các loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

Mặt khác, Tổng cục Môi trường với chức năng của mình phải kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm; đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề và hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản; nâng cao năng lực, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải.

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn chi sự nghiệp môi trường, tiếp tục đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, kiến nghị Quốc hội tăng dần mức chi cho sự nghiệp môi trường, bảo đảm đến năm 2015 không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; thực hiện công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định./.

Thu Hà (TTXVN /Vietnam+)

[ Download: Luật Bảo vệ Môi trường ]


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: