Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Khôi phục môi trường biển miền Trung như thế nào?

Khôi phục môi trường biển miền Trung như thế nào?

Viết email In

Tập đoàn Formosa của Đài Loan đã cúi đầu nhận lỗi gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung và chấp nhận bồi thường 500 triệu USD. Nhưng vấn đề quan trọng, cốt lõi đặt ra hiện tại là khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường như thế nào? 

Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra đã làm ảnh hưởng nặng đến 460 ha san hô và khó có thể tự phục hồi. Chất thải chưa qua xử lý từ nhà máy Formosa cũng khiến cho lượng lớn tôm cá sinh sống ở vùng biển dọc từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế không còn.  


Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết ven biển

Khôi phục môi trường biển

Trước những bằng chứng khoa học thuyết phục, Formosa đã phải nhận lỗi và chịu bồi thường 500 triệu USD, số tiền lớn nhất mà một doanh nghiệp phải bồi thường về môi trường từ trước tới nay ở Việt Nam. 

Nhưng chỉ bồi thường bằng tiền thôi thì chưa đủ, bởi tiền chỉ phần nào khỏa lấp đi thiệt hại về môi trường và kinh tế mà người dân bốn tỉnh dọc bờ biển miền Trung phải chịu đựng.

Ngay sau khi kết luận về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở biển miền Trung được công bố, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nói rằng sẽ còn nhiều việc phải giải quyết nữa. Một trong những việc phải giải quyết đó là các cơ quan điều tra đã vào cuộc để điều tra trách nhiệm của chính các cơ quan nhà nước có liên quan thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nhằm ngăn chặn bất cứ sự tắc trách nào trong tương lai.

Nhưng ông Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, điều quan trọng nhất cần giải quyết sắp tới là tăng cường các giải pháp để khắc phục môi trường biển, hệ sinh thái biển đang bị ảnh hưởng. Bởi nếu không có biện pháp khôi phục lại môi trường, vùng biển dọc từ Hà Tĩnh vào Thừa Thiên Huế sẽ mãi là vùng biển chết.

Theo ước tính của các nhà khoa học, trong điều kiện bình thường sẽ mất khoảng 50 năm hệ sinh thái biển nơi đây mới phục hồi hoàn toàn. Điều kiện bình thường có nghĩa là Formosa hay bất kỳ nhà máy nào trong khu vực không lặp lại thảm họa nào nữa, đồng thời phải xử lý những chất độc vẫn đang còn tồn dư dưới đáy biển.

Ông Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng tìm nguyên nhân cá chết cho biết, giải pháp làm sạch môi trường đáy biển đã được các nhà khoa học nghiên cứu thời gian qua. Trong trường hợp xyanua, phenol ở vùng đáy không phân hủy hết, một giải pháp có thể được cân nhắc là hút trầm tích đáy biển, sau đó phải tiến hành các công đoạn xử lý, chôn lấp an toàn.

Ông Lợi cho biết phương pháp này từng được sử dụng trong quá trình làm sạch vịnh Minamata ở Nhật Bản, nơi xảy ra thảm họa môi trường Minamata.

Nhưng ông Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương, cho rằng cách tốt nhất là phải hỗ trợ sự phục hồi tự nhiên.

“Nhiệm vụ của con người là làm thế nào thuận lợi nhất cho quá trình tái sinh tự nhiên. Phải chấm dứt tình trạng khai thác bằng các biện pháp hủy diệt, vốn khá phổ biến ở các tỉnh này. Phải giữ gìn được sinh cảnh, không chỉ rạn san hô, mà cả các hệ đầm phá, các vùng cửa sông. Đừng hủy hoại các thảm rong biển, cỏ biển,” ông Tuấn nói. 

Bài học từ tập đoàn dầu khí BP của Anh

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đã chịu thảm họa môi trường nặng nề, để khắc phục hậu quả. Và kinh nghiệm có thể học hỏi được là chính từ nước Mỹ, nơi cách đây bốn năm tập đoàn dầu khí BP của Anh đã gây ra thảm họa tràn dầu tồi tệ nhất lịch sử, hủy hoại hoàn toàn môi trường biển ở Vịnh Mexico.

Sau sự cố nổ giàn khoan và tràn dầu kéo dài hơn 2 tháng ngoài vịnh Mexico năm 2010, BP đã phải bồi thường tới 20 tỷ USD. Nhưng những gì mà tập đoàn này phải khắc phục vẫn còn kéo dài tới tận ngày hôm nay và tác động xấu từ sự cố tới môi trường vẫn chưa chấm dứt.

Đến nay, hơn 500 triệu lít dầu rò rỉ khỏi giếng khoan lan rộng gần 70.000 km vẫn còn ảnh hưởng tới động vật hoang dã trong vùng. Tính đến năm 2015, đã có hơn 1.100 con cá heo và cá voi mắc cạn được cho là hậu quả từ vụ tràn dầu, trong khi hàng trăm ngàn con rùa biển cũng phải vật lộn với bi kịch ô nhiễm.

Hiện tại, tập đoàn BP cũng đang đối mặt với hàng chục nghìn yêu cầu bồi thường, cho dù tính đến giữa tháng 7/2015, hãng này đã phải chi bồi thường 18,7 tỷ USD. 

Cụ thể, BP phải giải quyết yêu cầu bồi thường từ các nguyên đơn cho rằng công việc làm ăn, kinh doanh của họ bị tổn thất nặng nề từ vụ tràn dầu ngoài khơi vịnh Mexico. Theo báo Financial Times, có thêm 115.000 đơn kiện đòi bồi thường liên quan đến vụ Deepwater Horizon.

Đã có hàng ngàn đơn trong số này hoặc đi đến thỏa thuận ban đầu, hoặc bị bác bỏ, nhưng Financial Times nói hơn 60.000 đơn kiện vẫn chưa được xử lý hoàn tất. BP ước tính số tiền mà tập đoàn này phải bỏ ra để khắc phục môi trường và đền bù có thể sẽ lên tới hơn 50 tỷ USD. Để có được khoản tiền bồi thường, BP đã từng phải bán một loạt tài sản ở nhiều nước, trong đó có cả tài sản ở Việt Nam.

Như vậy, có một điều chắc chắn rằng dù xử lý hậu quả môi trường như thế nào, thì Formosa cũng không thể thoát khỏi trách nhiệm phải khôi phục lại môi trường đến cùng. Tập đoàn này cũng đã tuyên bố ngoài 500 triệu USD, sẽ còn phải khôi phục lại môi trường biển và hỗ trợ người dân chuyển đổi nghề nghiệp.

Trước mắt, Formosa đã cam kết sẽ thay đổi công nghệ sản xuất thép và đầu tư thêm vào hệ thống xử lý nước thải. Đây là một động thái tích cực nhằm đảm bảo nhà máy thép ở Hà Tĩnh sẽ không lặp lại thảm họa môi trường mới. Nhưng Bộ trưởng Hà cho biết rằng công nghệ này có được chấp thuận hay không sẽ phụ thuộc vào sự thẩm định của một hội đồng các nhà khoa khọc do Chính phủ lập ra. 

Ninh Kiều 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo