Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hành động cho tương lai

Hành động cho tương lai

Viết email In

Tuần qua, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và kiên quyết về môi trường: Không đánh đổi môi trường vì lợi ích trước mắt, không đầu tư bằng mọi giá mà hy sinh môi trường. 

Không phải những chỉ đạo chung chung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ hàng loạt nhiệm vụ phải hoàn thành trong năm 2017. Đó là, đưa ra tiêu chí môi trường để lựa chọn, sàng lọc các dự án đầu tư; quy chuẩn kỹ thuật để kiểm soát các dự án thuộc lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm cao; công bố danh mục công nghệ tiên tiến, công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phân vùng môi trường, khoanh định các khu vực nhạy cảm về môi trường để làm căn cứ phê duyệt đầu tư; sửa đổi quy trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng chặt chẽ, hiệu quả và có giám sát; xây dựng đề án về tăng cường năng lực quan trắc, giám sát chất lượng môi trường… 

Về lâu dài, chỉ 4 năm nữa, Việt Nam yêu cầu toàn bộ các KCN, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh nằm ngoài khu, cụm công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000m3/ngđ trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở TN&MT địa phương. Bắt buộc toàn bộ các KCN, KCX, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp phải hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. 

Cũng trên tinh thần này, đến năm 2020, chúng ta phải hoàn thành kế hoạch xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn; di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở sản xuất trong khu vực làng nghề, nông thôn có nguồn thải gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp tập trung có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Cùng đến năm 2020, lập quy hoạch và thực hiện lộ trình chuyển đổi các làng nghề sang mô hình khu, cụm công nghiệp làng nghề hợp lý có hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; hoàn thành việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực khai thác khoáng sản...

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là động thái vô cùng cần thiết trong lúc này khi Việt Nam đang phải trả giá đắt vì đã có lúc chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà coi nhẹ môi trường. Bảo vệ môi trường - cần hành động ngay lập tức. Nếu không, cái giá mà thế hệ tương lai phải trả sẽ đắt đỏ hơn rất nhiều so với những gì mà các dự án mang lại.

Lợi ích từ một dự án kinh tế chỉ mang lại lợi nhuận ngắn hạn, còn sự trong lành của môi trường sống, sự an toàn của người dân là yêu cầu vĩnh viễn, gắn với sự tồn vong. Lợi ích lớn lao ấy không thể đánh đổi bằng bất cứ giá nào. 

Linh Chi 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo