Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Hòa cùng thiên nhiên với GDP xanh

Hòa cùng thiên nhiên với GDP xanh

Viết email In

Năm sau Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu hạch toán và công bố con số về giá trị GDP xanh. Hiểu một cách đơn giản, GDP xanh là giá trị GDP truyền thống trừ đi các chi phí tổn thất liên quan đến tài nguyên nhiên nhiên và chi phí suy thoái môi trường. 

Trên thực tế, Việt Nam có mô hình tăng trưởng được đánh giá là thiếu bền vững khi chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên. Dù đã được cảnh báo từ lâu nhưng đến nay những đánh giá định lượng về suy thoái môi trường và hao hụt tài nguyên thiên nhiên vẫn chưa được quan tâm đúng mức. 

Từ những năm 1970, Na Uy, Canada, Pháp và Hà Lan đã hình thành cơ chế gắn kết thiệt hại môi trường và suy thoái tài nguyên vào hệ thống tài khoản quốc gia. Đến 1993, Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới đã xuất bản sổ tay về Hệ thống hạch toán Kinh tế gắn kết với Môi trường (SEEA). Sổ tay này được chỉnh sửa, hoàn thiện vào năm 2003 và giờ đã được một số nước đưa vào hệ thống tài khoản quốc gia. 

Theo Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), việc áp dụng GDP xanh rất phức tạp và khó khăn. Cho đến nay, những nước đã thử nghiệm việc này đều không có ý định đưa tất cả các tiêu chí của SEEA để đánh giá GDP xanh. Phần lớn các nước này đều áp dụng SEEA theo từng phần, có nghĩa chỉ tập trung xây dựng các tài khoản xanh được xem là quan trọng nhất đối với nền kinh tế. Sau đó, họ gắn kết các tài khoản này vào tài khoản kinh tế quốc gia.

Vậy, nếu áp dụng vào Việt Nam, GDP xanh sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tổng thể nền kinh tế? Về điều này, Ấn Độ có thể là quốc gia mà Việt Nam nhìn thấy nhiều điểm tương đồng. Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy, các hoạt động kinh tế của Ấn Độ đã gây tổn hại đến môi trường tới 80 tỉ USD, tương ứng với 5,7% GDP nước này. Theo Ngân hàng Thế giới, nếu không có những hành động quyết liệt hơn đối với những thách thức môi trường, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này sẽ khó mà duy trì được tốc độ tăng trưởng.

“Tăng trưởng vào thời điểm này và khắc phục hậu quả trong tương lai sẽ không phải là chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn cho Ấn Độ”, Muthukumara S. Mani, nhà kinh tế học môi trường cấp cao của Ngân hàng Thế giới, cho biết.

Theo Ngân hàng Thế giới, nếu cắt giảm được 30% lượng khí thải vào năm 2030 GDP của Ấn Độ sẽ giảm đi 97 tỉ USD. Nhưng con số thiệt hại này sẽ được bù đắp bởi 105 tỉ USD tăng thêm nhờ những tác động tích cực do sức khỏe và năng suất của người dân tăng lên.

Trung Quốc đã đánh đổi thành quả tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong suốt hơn 30 năm qua bằng những thiệt hại về môi trường và tài nguyên. Hậu quả là giờ đây giới giàu có của quốc gia này sau khi đạt được mục tiêu về tiền bạc đang có khuynh hướng chuyển sang định cư ở Úc, Mỹ, những nơi có thiên nhiên trong lành hơn. Liệu Việt Nam sẽ lặp lại tình trạng này trong tương lai?

Đối với các doanh nghiệp, một khi chỉ tiêu GDP xanh xuất hiện và kèm theo đó các luật lệ bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Đơn cử như một chính sách cắt giảm sử dụng năng lượng hay một chính sách hạn chế các hoạt động kinh doanh đất đai có thể sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy họ sẽ ngăn cản việc áp dụng GDP xanh, như đã diễn ra tại Trung Quốc.

Chính phủ nước này đã sớm nhận ra những lợi ích của GDP xanh và triển khai từ năm 2003. Tuy vậy, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vào năm 2007 do áp lực từ cấp dưới. Đối với nhiều địa phương Trung Quốc, nguồn thu từ việc cho thuê và bán đất có thể chiếm đến 30 - 50% tổng nguồn thu ngân sách ở các vùng nông thôn và 50 - 60% ở các thành phố lớn. Hạch toán GDP xanh sẽ làm giảm các nguồn thu này. Vì vậy, các địa phương không có động cơ để thực hiện và cuối cùng gây sức ép ngược lại chính quyền trung ương để dừng thực hiện hạch toán chỉ tiêu này.

Do đó, đối với Việt Nam, có thể cũng sẽ có những lực cản từ phía các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và người dân.

Về phía các doanh nghiệp, việc tích cực áp dụng các phương thức kinh doanh gần gũi hơn với môi trường có thể giúp họ cải thiện được hình ảnh, tránh lặp lại những thiệt hại như việc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ rút lại quyết định tài trợ vốn cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2 vì sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. 

Sơn Thanh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo