Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Vận dụng cách tiếp cận quốc tế vào quy hoạch nông thôn Việt Nam

Vận dụng cách tiếp cận quốc tế vào quy hoạch nông thôn Việt Nam

Viết email In

Phát triển nông nghiệp phải gắn kết chặt chẽ với phát triển nông thôn, trong đó quy hoạch nông thôn là yếu tố tiên quyết đầu tiên. Trên thế giới, quy hoạch xây dựng nông thôn mới không còn xa lạ và cũng có rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi chính vẫn còn để ngỏ cần được đặt ra với công tác quy hoạch nông thôn mới theo hướng bền vững: “Quy hoạch là để phát triển nhưng cần theo cách tiếp cận nào và định hướng nào?”. Bài viết này dựa trên kinh nghiệm quốc tế để tìm lời giải đáp câu hỏi đó.  

Xây dựng chiến lược phát triển cộng đồng nông thôn bền vững 

Khu dân cư nông thôn có thể phát triển theo cách tiếp cận hành chính (xã) hay cách tiếp cận “dựa vào cộng đồng” hay “cộng đồng làm chủ” (Community Based/Community Driven). Hiện nay nhiều quốc gia và tổ chức phát triển quốc tế (như ngân hàng Thế giới) ưa chuộng cách tiếp cận sau, vì ở nông thôn sự gắn kết cộng đồng rất mạnh mẽ, tạo ra nguồn vốn xã hội (Social Capital) hữu dụng có thể huy động cho phát triển. Chúng ta nên theo cách tiếp cận dựa vào cộng đồng vì rất phù hợp với Quy chế dân chủ ở cơ sở và các phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược phát triển đô thị (CDS) với 4 yếu tố đánh giá là chất lượng sống (Livability), năng lực cạnh tranh (Competitiveness), trị lý giỏi (Good Governance) và tài chính mạnh (Bankability), Việt Nam nên đưa ra một chiến lược tương tự đối với nông thôn, gọi là Chiến lược phát triển cộng đồng nông thôn (Rural Community Development Strategy/RCDS) cũng bao gồm 4 thước đo chính bao gồm chất lượng sống, hiệu quả, trị lý giỏi và khả năng tiếp cận (Accessbility). Hai yếu tố đánh giá trước của RCDS là đầu ra còn hai yếu tố đo sau là đầu vào, là điều kiện thực hiện hai độ đo trước. 


Làng nông thôn mới bảo tồn nguyên trạng kiến trúc truyền thống tại Nhật Bản 

Quy hoạch khu dân cư nông thôn bền vững 

Hiện tại đang có sự thiếu rõ ràng trong quan niệm về quy hoạch (QH) nông thôn mới, ngoài ra còn một số chồng chéo trong các văn bản pháp quy. QH nông thôn nên gồm hai phần gắn bó với nhau là: QH ruộng đồng và QH khu dân cư, mà theo cách tiếp cận cộng đồng thì nên gọi là “Quy hoạch phát triển cộng đồng nông thôn” (Rural Community Development Planning). Muốn vậy thì trước hết cần nhận rõ các đặc điểm chủ yếu của “tam nông” nước ta hiện nay là: 

Về kinh tế, tổng sản phẩm nông nghiệp tuy tăng trưởng khá, nhưng tỷ trọng nông nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế lại giảm đi nhanh chóng (từ 31,8 % năm 1990 giảm xuống còn 16,4% năm 2010).

Về dân số, tỷ trọng dân số nông thôn trong tổng dân số quốc gia giảm nhanh, nhưng dân số nông thôn không giảm mà lại tăng (từ 53,1 triệu dân năm 1990 tăng lên đến 60,4 triệu dân năm 2010).

Về xã hội, tỷ suất xuất cư hàng năm (Out-migration), chủ yếu là từ nông thôn ra thành thị, tăng gần gấp đôi, từ 0,5 % năm 2005 lên đến 0,97% năm 2010, khiến tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh.

Nhìn chung trong 20 năm qua, tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp trong tổng sản phẩm xã hội giảm bớt một nửa trong khi tỷ trọng dân số nông thôn trên tổng dân số cả nước chỉ giảm đi 14%, điều đó nói lên sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và đô thị ngày càng mở rộng. Từ những điều trình bày trên đây, có thể thấy đối với nước ta quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tuy đều là quy hoạch vì sự phát triển nhưng lại khác nhau cơ bản ở chỗ: quy hoạch đô thị phục vụ cho sự tăng trưởng bền vững của đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, còn quy hoạch nông thôn chủ yếu hướng đến nâng cao chất lượng sống và năng suất lao động, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng nông thôn. 

Xuất phát từ đặc điểm nói trên, tùy theo hiện trạng của từng cộng đồng mà nội dung QH phát triển khu dân cư nông thôn bền vững nên hướng vào một số hoặc toàn bộ các chủ đề sau đây: 

Về quy hoạch nhà ở: So với đô thị thì cộng đồng nông thôn tương đối ổn định về số người, hàng năm tăng bình quân không đến 1%, một số cộng đồng thậm chí còn giảm người do nhiều thanh niên chuyển ra nhập cư vào đô thị hoặc đi lao động nước ngoài, vì vậy vấn đề nhà ở không nặng về số lượng mà chủ yếu tập trung vào nâng cao điều kiện vệ sinh, ứng phó với thiên tai và giúp đỡ người nghèo cải thiện nhà ở. Tại vùng đồng bằng Bắc bộ và ven biển miền Trung, nhà ở nên hướng tới hai tầng để tiết kiệm đất ở, tăng mật độ dân số theo “hình thái nông thôn nén” (Compact Rural Form). Cần hạn chế xây dựng mới ra ngoài khu vực đó, không hình thành điểm dân cư mới nếu không có lý do vững chắc (chẳng hạn, nhu cầu đổi mới phương thức sản xuất, phòng tránh thiên tai, ứng phó nước biển dâng, nhường đất cho phát triển hạ tầng quốc gia và vùng). Quy hoạch cũng cần xử lý tình trạng nhà ở xây mới bám theo các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ theo 2 phương án: để tồn tại nhưng có sắp xếp lại (bảo đảm hành lang giao thông, tầm nhìn giao thông), hay quy tụ thành thị tứ, thị trấn tại địa điểm thích hợp (ngã ba, ngã tư; gắn với bến xe, nhà ga, chợ). Tốt nhất là theo phương án sau với sự phối hợp của UBND Huyện.

Quy hoạch phát triển Doanh nghiệp nông thôn, bao gồm các loại doanh nghiệp công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ sản xuất do HTX hay tư nhân lập ra ở nông thôn (trạm xay xát, xưởng cơ khí, xưởng đóng thuyền, xưởng chế biến nông sản, thức ăn gia súc, trạm máy cày, cơ sở vận tải v.v.) để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng địa phương mà đưa phát triển doanh nghiệp nông thôn vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và cải thiện môi trường, nhất là đối với làng nghề. 

Quy hoạch trung tâm Thị tứ thường gắn với chợ và bến xe. Đây cũng là nơi tọa lạc trụ sở UBND và các công trình công ích.

Quy hoạch Hạ tầng công cộng, nâng cấp và phát triển hạ tầng công cộng khu vực dân cư và cả ngoài đồng ruộng. 

Quy hoạch Công trình công ích, nâng cấp và phát triển các công trình sự nghiệp công ích như chợ, bưu điện viễn thông, trạm y tế, nhà trẻ mẫu giáo, trường học v.v.. Bảo tồn và tôn tạo các cảnh quan thiên nhiên đặc sắc và các di sản văn hóa lịch sử, bổ sung các địa tiêu (Landmark) như cây gạo, cổng làng, tháp chuông... dễ nhận biết từ xa. 

So với đô thị thì khu dân cư nông thôn khá ổn định, ít bị đảo lộn. Nông thôn nước ta rất khác biệt nhau do các khác biệt về vùng địa lý và phương thức sản xuất, về dân tộc và tôn giáo tín ngưỡng, về mối quan hệ với đô thị, do đó QH cộng đồng nông thôn không nên làm theo một mẫu hình phát triển với bộ tiêu chí thống nhất, mà là QH “vì sự thay đổi tốt hơn” (For a Better Change) theo nguyện vọng của cộng đồng trong từng giai đoạn, do cộng đồng làm chủ theo Quy chế dân chủ ở cơ sở. Cộng đồng là bên thực hiện QH, có trách nhiệm chủ trì việc lập QH với sự hậu thuẫn và tài trợ của UBND xã và sự giúp đỡ của chuyên gia QH. 

Sau đây là kiến nghị về trình tự các bước triển khai quy hoạch chiến lược phát triển cộng đồng nông thôn: 

Về tổ chức và tài trợ: Cộng đồng thành lập Hội đồng Quy hoạch UBND xã là nhà tài trợ (bằng nguồn vốn ngân sách, lấy từ Chương trình 135). Mời một số trí thức nông thôn (giáo viên sử-địa cấp 2, cấp 3; kỹ sư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông, thủy lợi; y sĩ, bác sĩ) thành lập tổ tư vấn. Dùng tiền tài trợ gửi tư vấn đi dự bồi dưỡng về phương pháp luận QH do UBND Tỉnh mở.

Nhận dạng các chủ đề then chốt: Cộng đồng chỉ nên tập trung vào một bộ chủ đề hạn chế, dựa trên kết quả trả lời của các câu hỏi: Cộng đồng hiện thời đang ở đâu? Chúng ta muốn cộng đồng của mình trở nên như thế nào trong tương lai? Cộng đồng chuyển đến tương lai bằng cách nào hiệu quả hơn cả? Khả năng đóng góp của cộng đồng như thế nào? Tư vấn dùng bộ chủ đề này để tiến hành điều tra xã hội học trong các hộ dân.

Phân tích các mục tiêu phát triển và đề xuất biện pháp thực hiện: Mục tiêu là đầu ra mà cộng đồng muốn đạt tới theo từng chủ đề trong bộ chủ đề đã được chọn. Mỗi mục tiêu cũng được xem như một thách thức. Đối với từng mục tiêu, chia tổ tư vấn thành nhiều nhóm, mỗi nhóm phân tích chủ đề và đề xuất các biện pháp thực hiện với Hội đồng QH để so sánh chọn lựa. 

Lập Kế hoạch Hành động: Hội đồng QH tổ chức thảo luận lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng về các mục tiêu đó, nhận dạng các bên thực hiện và các nhóm trợ giúp chủ chốt đối với từng mục tiêu. Sau khi đã chốt lại các mục tiêu và biện pháp thực hiện, tổ tư vấn xây dựng Kế hoạch Hành động (Action Plan) để thực hiện. Đối với mỗi mục tiêu, KHHĐ đưa ra các bước thực hiện, giao trách nhiệm cho các cá nhân hay bộ phận phải thực hiện bước đó theo tiến độ và thời hạn hoàn thành được quy định, và trách nhiệm kèm theo của các nhóm trợ giúp. 

Thực hiện Kế hoạch Hành động: Khi đã có KHHĐ, các bên có liên quan phải thực sự quán triệt nhiệm vụ và kỳ hạn hoàn thành được giao và triển khai ngay việc thực hiện. Hiển nhiên có thể xẩy ra những sự kiện bất ngờ khiến phải có những điều chỉnh trong quá trình thực hiện, vì vậy việc theo dõi (monitoring) của Hội đồng QH phải được tổ chức tốt, chẳng hạn thông qua Hội Cựu chiến binh.

Theo dõi và đánh giá kết quả: Công tác theo dõi liên tục giúp cho các cơ quan bảo trợ của chính quyền có được thông tin cần thiết để đánh giá các tiến bộ đạt được trong quá trình tiến tới mục tiêu phát triển của cộng đồng. Các thông tin phản hồi giúp cho Hội đồng được cảnh báo kịp thời về các hành động sai lệch không theo đúng kế hoạch để kịp thời xử lý. Ngoài ra, Hội đồng cần định kỳ sơ kết và xem có bỏ qua cơ hội hoặc nhân tố trở ngại nào mới xuất hiện không. Sau cùng, công tác theo dõi phải theo sát việc chi tiêu và phân bổ nguồn lực. 

Dựa trên kinh nghiệm quốc tế về Chiến lược phát triển đô thị (CDS), Việt Nam nên đưa ra một chiến lược tương tự đối với nông thôn, gọi là Chiến lược phát triển cộng đồng nông thôn (Rural Community Development Strategy/RCDS) cũng bao gồm 4 thước đo chính bao gồm chất lượng sống, hiệu quả, trị lý giỏi và khả năng tiếp cận (Accessbility). Đối với nước ta quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tuy đều là quy hoạch vì sự phát triển nhưng lại khác nhau cơ bản ở chỗ: quy hoạch đô thị phục vụ cho sự tăng trưởng bền vững của đô thị trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, còn quy hoạch nông thôn chủ yếu hướng đến nâng cao chất lượng sống và năng suất lao động, xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng nông thôn. 

Kết luận 

Hoạt động xây dựng nông thôn mới nước ta hiện đang đi vào con đường hành chính hóa, được đôn đốc làm nhanh để kịp tiêu hóa kế hoạch chi ngân sách. Xuất phát từ quan điểm: Xây dựng nông thôn là cuộc vận động quần chúng và phải do cộng đồng làm chủ; Chính quyền có vai trò hướng dẫn, giúp đỡ, tài trợ; QH xây dựng điểm dân cư nông thôn khác hẳn với QH đô thị, không phải là công việc áp dụng tiêu chuẩn, đo đạc bản đồ, lập nhiều bản vẽ, cần nhiều chi phí và kỹ năng chuyên môn. Mọi việc dựa trên đồng thuận, từng bước tiến tới loại bỏ dần chuyện thu hồi đất. Đó là tập hợp các việc cấp bách nhất cần làm trong từng giai đoạn kế tiếp nhau để “tạo ra những thay đổi tốt hơn” đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng nông thôn thời kỳ đổi mới.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam

(Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam số 5/2014) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo