Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Từ chiến lược phát triển các làng quê tại Pháp đến mô hình “Làng đô thị Xanh” Đà Lạt

Từ chiến lược phát triển các làng quê tại Pháp đến mô hình “Làng đô thị Xanh” Đà Lạt

Viết email In

Chiến lược phát triển vùng lãnh thổ Pháp bằng cách phát triển thương hiệu và chiến lược marketing lãnh thổ, được hỗ trợ bởi một mạng lưới các nhân tố và nhà đầu tư kinh tế. Nâng cao tính hấp dẫn của khu vực bằng cách phát huy giá trị mang tính "vùng miền" và củng cố cơ cấu kinh tế-xã hội. Theo đó, các di sản văn hóa và thiên nhiên của Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh tế của các làng sinh thái trong tương lai. Để chiến lược thành công, việc cần thiết mà chính quyền thành phố và các bên liên quan cần làm là nhận dạng các yếu tố cấu thành của di sản để phát triển và trang bị cho mình những công cụ phát huy bảo tồn theo những kinh nghiệm của Pháp. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và du lịch cũng cần phải đáp ứng được nhu cầu của du khách.  


Không gian nông nghiệp sạch làng di sản đô thị xanh Gignan (CH Pháp)

Hiện nay, Pháp vẫn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến để chiêm ngưỡng di sản vật thể và phi vật thể có giá trị cao. Điều này có được là nhờ được hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ thông qua các chính sách của chính phủ trong việc khám phá, phát huy và nâng cao giá trị làng quê. Nói một cách tổng quát là “sự kết hợp giữa yếu tố địa phương và kỹ năng biến bản sắc sẵn có trở thành yếu tố sinh lời”. Đặc biệt, khi đứng trước nguy cơ giảm dân số và tính bấp bênh trong cơ cấu kinh tế nông thôn, thì du lịch đã trở thành yếu tố đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi và phát triển các làng quê Pháp, nơi mà khách du lịch yêu thích và bị thu hút bởi sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân bản địa cũng như nhờ duy trì một môi trường kinh tế – xã hội phong phú, sống động (thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, hàng thủ công địa phương, lễ hội …) và bảo tồn chất lượng môi trường tự nhiên và tài nguyên. Những kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển các mô hình làng quê thịnh vượng có thể xem là những bài học kinh nghiệm tốt cho việc triển khai mô hình đô thị làng quê xanh tại thành phố Đà Lạt trong thời gian tới. 

Ba định hướng chính trong việc phát huy giá trị các “miền quê” tại CH Pháp

Xác định các yếu tố cấu thành và tính đặc trưng của “miền quê”: Việc hoạch định chiến lược phát triển du lịch làng đô thị xanh chỉ có thể được thực hiện thông qua việc đánh giá hiện trạng lãnh thổ và có nhận thức đúng đắn về tính đặc trưng/bản sắc khu vực. Việc này được thực hiện để xác định “bộ mặt” của các miền quê khác nhau tại Pháp.


Trung tâm làng di sản đô thị xanh Gignan (CH Pháp) 

Khái niệm “miền quê” được định nghĩa bởi: (1) Một khu vực cụ thể với cơ cấu đô thị, di sản kiến trúc và cảnh quan (cấu trúc không gian làng, các công trình di tích, cụm công trình, không gian công cộng, các nhà văn hóa nhỏ ở nông thôn, di vật khảo cổ, các địa danh và danh lam thắng cảnh, các đồn điền và khu vực trồng trọt, đường xá, vv…), tính năng và cách thức sử dụng chúng. Một khu vực còn được gọi là miền quê nếu khu vực đó có các hoạt động khai thác mang tính đặc trưng vùng miền (2) một tập hợp các thành phần kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất cụ thể (hợp tác xã nông nghiệp, trồng nho sản xuất rượu, hoạt động chế biến sữa, hiệp hội các nghệ nhân…), các cách thức/công cụ để đảm bảo tính bền vững trong phát triển kinh tế của vùng lãnh thổ, dẫn đến là (3) các sản phẩm đặc trưng và được nhận dạng qua nguồn gốc của sản phẩm.

Các đặc tính của từng vùng lãnh thổ, ngành nghề/hoạt động kinh tế đặc trưng, và các sản vật nên được bảo tồn và nâng cao giá trị thông qua các công cụ và quy chuẩn tiêu chuẩn, xác định các yếu tố gây bất lợi trong các tài liệu, văn bản quy định về quy hoạch đô thị.

Các ví dụ vùng Diois với các hoạt động khai thác mang tính đặc trưng như:

• Ruộng nho AOC và Clairette de Die Vineyard, sản xuất bởi nhà máy rượu hợp tác xã Die.
• Các loại cây gia vị và cây thuốc (góp phần đa dạng hóa hoạt động kinh tế trong vùng từ nhiều năm nay). Chiết xuất thực vật, nước hoa, tinh chất được bán trên toàn châu Âu.
• Hoạt động chăn nuôi cừu và tập quán thay đổi địa điểm chăn thả theo mùa.

Các dự án phát huy giá trị di sản: yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch

Những bài học kinh nghiệm của Pháp đã cho thấy việc tôn trọng, bảo vệ và phát triển các ngôi làng chỉ có thể được thực hiện hiệu quả nếu có các quy định cụ thể cũng như đưa các yếu tố bất lợi gây cản trở vào trong các dự án quy hoạch đô thị (Quy hoạch Đô thị địa phương). Lấy ví dụ ở Pháp, có thể kể đến “Khu vực bảo vệ di sản kiến trúc, đô thị và cảnh quan” (tương lai sẽ được gọi là “Khu vực phát huy kiến trúc và di sản” – AVAP) được xác định và phát triển một cách chủ động ngay từ những giai đoạn đầu và chịu sự quản lý của chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Kiến trúc sư công trình Pháp.

Công cụ quy hoạch này giúp cho chính quyền địa phương có thể nhận dạng, trên toàn bộ lãnh thổ của mình, đâu là di sản và cảnh quan địa phương, đồng thời để xây dựng và phát triển một dự án toàn diện nhằm bảo tồn và nâng cao bản sắc đã có. Những khu vực khoanh vùng bảo tồn có thể là khu vực xung quanh các công trình di tích lịch sử, trong các khu phố và các địa điểm cần bảo tồn hoặc phát huy nhờ giá trị về mặt thẩm mỹ hoặc lịch sử.

Các khu vực bảo tồn này có những yêu cầu cụ thể của kiến trúc và cảnh quan (ví dụ như cấm quảng cáo ở khu vực này) trên tinh thần phát triển bền vững (tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái sinh). Cũng theo định hướng này, khu vực bảo tồn Di sản kiến trúc, đô thị và cảnh quan được coi là một công cụ đặc biệt thích hợp cho các vùng miền nông thôn, và có thể phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, cũng như đáp ứng yêu cầu của dự án Làng đô thị xanh.Ví dụ khu vực phát huy kiến trúc và di sản tại Grigan (CH Pháp).

Các yếu tố xác định bản sắc lãnh thổ (thương hiệu lãnh thổ, các yếu tố hấp dẫn)

Tầm quan trọng của bản sắc lãnh thổ, Uy tín và hình ảnh tại thời điểm với những dữ liệu khách quan hiện có: Cụ thể là phải trả lời được các câu hỏi: Tôi có được biết đến? Được công nhận? Được yêu thích? Tại sao? Vì những gì tôi có?

Xác định vị thế của mình là một hành động có ý thức mà thông qua đó chúng ta muốn xây dựng danh tiếng và hình ảnh của mình. Nó đồng thời là một cơ hội để tự vấn về bản sắc của mình trong mối quan hệ với bên ngoài. Nó là cả một quá trình xây dựng được thực hiện thông qua những bài phát biểu, và hoạt động truyền thông, và thông qua thực tế trong việc cung ứng sản phẩm địa phương.

Chiến lược phát triển vùng lãnh thổ Pháp bằng cách phát triển thương hiệu và chiến lược marketing lãnh thổ, được hỗ trợ bởi một mạng lưới các nhân tố và nhà đầu tư kinh tế.

Như vậy, việc thương hiệu được ghi nhận là một yếu tố bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng/khánh du lịch – đó là bảo đảm việc tiếp cận các địa điểm có giá trị và cung cấp dịch vụ có chất lượng – điều này giúp định hình bản sắc một vùng đất và tạo cơ sở để khu vực có bản sắc riêng được ghi danh vào một mạng lưới, hay một hiệp hội cụ thể nhằm nhận một số lợi ích nhất định. Ví dụ, trong số các danh hiệu ở Pháp, thì danh hiệu “những ngôi làng đẹp nhất ở Pháp” giúp thành phố được cấp thêm nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhà nước và có quyền thu thêm thuế du lịch mang đến cho họ một nguồn thu bổ sung.

Việc ghi nhận danh hiệu ảnh hưởng đến toàn bộ các nhân tố trong tổng thể, cụ thể là như mối quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và các nhà sản xuất địa phương. Lấy ví dụ trong quá trình đánh giá thương hiệu “Du lịch miền quê” cho một doanh nghiệp ở St Chinian, trong đó đồng nhất quyền lợi của người hưởng dịch vụ du lịch và người trồng nho.

Điều cuối cùng, các sản phẩm của sản xuất nông nghiệp tại địa phương cũng đóng vai trò tạo nên sự khác biệt, bằng cách kiểm soát việc đặt tên thương hiệu theo nguồn gốc xuất xứ quy định (AOC), cho phép các doanh nghiệp địa phương có thể tăng thêm doanh thu một cách có cơ sở.

Định hướng tăng sức hấp dẫn du lịch và phát triển đô thị bền vững của dự án làng đô thị xanh tại TP. Đà Lạt 

Với nền tảng là một bề dày lịch sử phong phú và sôi động, vùng lãnh thổ được đề cập ngày nay còn phải được hoạch định để có thể phát triển cân bằng, có khả năng dung hòa chất lượng cuộc sống với công cuộc phát triển kinh tế, đồng thời tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và phương thức sống mang tính bản địa/vùng miền của lãnh thổ đó.


Thiết kế mô hình Nông trại đô thị tại Singapore 

Phương pháp tiếp cận tích hợp định hướng thiết kế mô hình làng đô thị xanh

Nâng cao tính hấp dẫn của khu vực bằng cách phát huy giá trị mang tính “vùng miền’’ và củng cố cơ cấu kinh tế-xã hội. Các di sản văn hóa và thiên nhiên của Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh tế của các làng sinh thái trong tương lai. Để chiến lược thành công, việc cần thiết mà chính quyền thành phố và các bên liên quan cần làm là nhận dạng các yếu tố cấu thành của di sản để phát triển và trang bị cho mình những công cụ phát huy bảo tồn theo những kinh nghiệm của Pháp đã trình bày ở trên. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng và du lịch cũng cần phải đáp ứng được nhu cầu của du khách. Việc kinh doanh du lịch nên được phối hợp một cách linh hoạt với các hoạt động nông nghiệp và thủ công có sẵn trên địa bàn (sản xuất lương thực ngắn hạn để cung cấp cho các cửa hàng/khách sạn và nhà hàng; tiếp thị hàng thủ công địa phương…)

Phát huy hình thức nhà ở riêng mật độ cao, trong số các tiêu chí được liệt kê, hình thức nhà ở riêng có xây vườn đã được đề xuất, theo như “phong cách sống” ở nông thôn. Xét nhu cầu cấp bách của phát triển bền vững và với kinh nghiệm có được thông qua các dự án tương tự tại Pháp, các hình thức ở mới có thể được đề xuất mà vẫn đảm bảo không ảnh hưởng đến không gian bản sắc đã xác định.

Tổ chức không gian sống tốt hơn thông qua đa dạng hóa và xen kẽ chức năng sống với các hoạt động xã hội: Sự đa dạng hóa và xen kẽ chức năng sống với các hoạt động xã hội, cụ thể là các chức năng đô thị quan trọng (nhà ở, hoạt động trồng trọt, khai thác kinh tế, khách sạn, nhà hàng, hoạt động thương mại, dịch vụ…) là yếu tố vô cùng cần thiết để đảm bảo tính trù phú và sống động cho hình mẫu Làng đô thị xanh trong tương lai.

Kết nối lãnh thổ (Giao thông và phương thức đi lại: Khi ngôi làng nằm ở khu vực phụ cận với mạng lưới giao thông hiện hữu, thì việc kết nối với khu vực phải được thực hiện để đảm bảo sự thành công của phát triển đô thị và phát triển kinh tế của ngôi làng. Do đó, công tác quy hoạch giao thông và vận tải là yếu tố vô cùng cần thiết để tổ chức mạng lưới di chuyển bằng xe cơ giới và thô sơ của người dân, bảo đảm tính lưu thông trong toàn khu vực và kiểm soát các hạn chế trong chuyên chở và vận tải, để không ảnh hưởng đến việc giao-nhận hàng hóa (sản phẩm địa phương).

Xác định các dịch vụ có thể cung cấp thông qua tính đa dạng sinh học và nâng cao giá trị các địa danh bằng cách thành lập khu vực giới hạn xanh và sạch: Vùng Đà Lạt mở rộng bao gồm toàn bộ không gian giàu giá trị sinh thái: núi Langbiang, hồ Dankia, Tuyền Lâm, Pernn, Đại Ninh và rừng bảo tồn – di sản cảnh quan thiên nhiên cần được gìn giữ và phát triển. Tính mẫu mực về môi trường và sinh thái của làng đô thị xanh chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc tuân thủ hoặc phục hồi các khu vực giới hạn xanh và sạch của địa danh.

Không gian trồng trọt (Công cụ phát triển đô thị): Các không gian trồng trọt phải được coi là nguồn tài nguyên không tái sinh được và là công cụ trong chiến lược phát triển bền vững của dự án. Những khu vực này đảm bảo chức năng thực sự về bảo tồn đa dạng sinh học (hành lang sinh thái), cung cấp thực phẩm, đồng thời còn để hạn chế mở rộng đô thị. Việc nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, bằng cách kiểm soát việc đặt tên sản phẩm theo nguồn gốc/xuất xứ hoặc đạt chứng chỉ về an toàn sinh học sẽ góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương và làm cơ sở để nâng cấp cho sản phẩm địa phương trở thành thương hiệu đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Các điều kiện tiên quyết trong quá trình hoạch định chiến lược du lịch sinh thái

Xác định vai trò của dịch vụ trong nền kinh tế du lịch của TP Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng: Tham vọng trong việc đề xuất Đà Lạt trở thành một địa danh quan trọng về du lịch của Việt Nam (trong nước và quốc tế) với các mục tiêu sau: Xác định một vị thế rõ ràng, khác biệt, với các loại hình dịch vụ cung cấp và không cung cấp; Hướng tới hình ảnh cao cấp và chất lượng nhằm đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ giữa thành phố/ làng quê và góp phần khẳng định mạnh mẽ Đà Lạt chính là nước Pháp thu nhỏ tại Việt Nam; Đa dạng hóa trong cung cấp dịch vụ và sản phẩm để phát huy tiềm năng vị thế vị trí đã xác định; Quảng cáo dịch vụ nhắm tới thị trường quốc tế, nhằm phục vụ đối tượng khách du lịch đặc biệt có thời gian du lịch ngắn và trung bình.

Chiến lược phát triển du lịch và kinh tế đầy tham vọng bằng cách phát huy các giá trị di sản và văn hóa ở quy mô lãnh thổ nói trên cần phải được quan tâm, chú trọng đến các yếu tố then chốt sau: Xác định và hình thành bản sắc một cách chủ động và hấp dẫn; Có sản phẩm tham quan, du lịch độc đáo, toàn diện; Cung cấp các dịch vụ và tiện nghi phục vụ nhu cầu đặc biệt; Tăng cường liên kết về giao thông với vùng lãnh thổ nói chung và khu vực cảnh quan thiên nhiên nói riêng.

Xác định và đưa nghệ thuật sống thành một nét văn hóa, bản sắc hấp dẫn: Việc nhận dạng và hình thành bản sắc một vùng miền có thể được bao gồm nghệ thuật sống đặc trưng của vùng miền đó. Chủ đề này liên quan tới tính kết nối giữa các thời kỳ khác nhau của Đà Lạt, sự phong phú về lãnh thổ và hình ảnh mà Đà Lạt có được qua cảm nhận của bên ngoài; Đặc biệt khi thành phố đang hướng tới mục tiêu thu hút khách hàng mới và du khách quốc tế.

Nghệ thuật sống theo phong cách Pháp bao gồm những yếu tố tạo nên chất lượng sống tại Đà Lạt: Một môi trường sống lành mạnh với nhiệt độ ôn hòa và dịu mát quanh năm; Nhiều công trình di sản kiến trúc phong phú theo phong cách Pháp; Trồng nho và dâu tây là một trong những hoạt động trồng trọt điển hình của vùng; Vẻ huy hoàng lộng lẫy của cảnh quan thiên nhiên có thể quan sát thấy từ mặt đất và các điểm nhìn đẹp ngay trong thành phố: Làng, cảnh quan hài hòa, hồ, công viên hoa vv … ; Chuyên môn và kinh nghiệm được công nhận rộng rãi trong nghề làm vườn, trồng hoa, nghiên cứu nông nghiệp, mà theo thời gian, đã trở thành biểu tượng thực sự của thành phố.

Xác định vị thế và hình ảnh thông qua chiến lược tiếp thị bài bản và có mục tiêu rõ ràng. Đối với thị trường du lịch quốc tế, đặc biệt là nguồn du khách tới từ các nước đang phát triển, thì sức hút phong cách Pháp liên hệ chủ yếu đến “nghệ thuật sống” của người Pháp, vốn được cả thế giới công nhận thông qua thị trường hàng xa xỉ, các sản phẩm hạng sang với lối sống phong cách đặc trưng và hình ảnh thủ đô Paris.

Việc sử dụng hình ảnh Đà Lạt và cách tiếp cận mô hình “Làng đô thị xanh” như một hình thức đề xuất đặc biệt phục vụ cho mục tiêu xây dựng hình ảnh cao cấp, xa xỉ, đi kèm với chiến lược tiếp thị hợp lý và hiệu quả. 

Xác định hình ảnh thông qua việc đặt lợi ích khách hàng làm mục tiêu thực hiện chiến lược: Vai trò và vị trí của khách du lịch cần phải được củng cố trong quá trình thiết kế và cung cấp dịch vụ, để tối ưu hóa các cách thức tiếp cận/cảm nhận vẻ đẹp cảnh quan của người sử dụng dịch vụ, mang lại cho họ những trải nghiệm thực sự, chứ không chỉ đơn thuần là các tour du lịch đơn giản và mang tính hình thức theo kiểu cũ.

Tính cần thiết của việc giao tiếp với thị trường khách du lịch, nhằm mục đích thu hút du khách đến tham quan: Trong mọi trường hợp, chiến lược tiếp thị cần phải quảng bá được cái cốt lõi, những điểm nổi bật, yếu tố có ý nghĩa một cách dễ hiểu trước công chúng. Nhận dạng bản sắc chính là lựa chọn hình ảnh quảnG bá cho mình, do đó, thông điệp quảng bá phải đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Thời gian địa điểm tiếp cận với người có nhu cầu có thể là ngay tại nhà họ, khi họ đang lưỡng lự chọn lựa chuyến đi của mình, hay khi họ đang thăm quan, tìm kiếm trên mạng… Một cách tiếp thị khác là có thể thực hiện các bài phát biểu trước công chúng về các dịch vụ với nội dung được điều chỉnh tùy theo yêu cầu khác nhau của nhiều đối tượng khách hàng… 

Bên cạnh đó, khi triển khai các hoạt động tiếp thị, cần phải phân biệt các bài phát biểu về định hướng chung, tập trung vào giá trị và hình ảnh cốt lõi muốn hướng tới, với các thông điệp phát tán trên mạng được viết với nội dung khác nhau để phục vụ các đối tượng khách hàng khác nhau./. 

Antoine MOUGENOT - Tổng giám đốc công ty AREP South ASIA 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo