Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Kỳ tích đê sông Hồng - Kỳ cuối

Kỳ tích đê sông Hồng - Kỳ cuối

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Kỳ tích đê sông Hồng
Kỳ 2: Những trận vỡ đê lịch sử
Kỳ 3: Vụ án đê Yên Phụ
Kỳ 4: Những tranh luận trên đê sông Hồng
Kỳ cuối: Hành trình của con đê lịch sử
Tất cả các trang

Kỳ cuối: Hành trình của con đê lịch sử

Nỗi ác mộng của các cán bộ bảo vệ đê điều và người dân sống hai bên bờ đê chính là những ổ mối âm thầm khoét sâu vào thân đê. Trăm phương ngàn kế đã được áp dụng để diệt mối tận gốc nhưng vẫn chỉ là đánh rắn đằng đuôi, diệt mối khi tổ nó đã ăn ruỗng thân đê.

Khúc đê nào phát hiện có vài con mối là chỉ vài ngày sau đã có hàng chục tổ mối, mối đào đất làm tổ, thân đê cứ ruỗng từ bên trong, mưa xuống nước lên, kiểu gì cũng sụp.

Con mối và cuộc “đổi đời” của đê

Ngành thủy lợi đã tổ chức rất nhiều đợt phát huy sáng kiến diệt mối, từ tìm bắt thủ công đến đổ hóa chất bảo vệ hàng ngàn kilômet đê Bắc bộ. Có những cá nhân đã được tuyên dương chiến sĩ thi đua toàn quốc vì thành tích diệt mối như ông Nguyễn Văn Chấp ở xã Gia Lương, Thuận Thành (Bắc Ninh)... Nhưng mối vẫn hoành hành, có những ổ mối to như ổ voi, sụp xuống nuốt gọn cả một chiếc xe commăngca.

Ông Nguyễn Gia Quang, nguyên phó cục trưởng Cục đê điều, kể lại: “Có lần chúng tôi đi kiểm tra đê phải dừng vì xe hỏng, cậu lái xe cuống quít: “Mau lên anh ơi, xe dừng lâu là mối ra nhiều lắm”. Quả nhiên, một lúc sau mối bay ra từng đàn. Tôi mới để ý quan sát khắp các tuyến đê miền Bắc: ở đâu có xe cộ chạy nhiều thì ở đó không có mối. Chưa có nghiên cứu khoa học nào chính xác, nhưng theo ghi nhận trực quan hàng chục năm của tôi, rõ ràng mối không chịu được tần số rung do ôtô đi trên đê gây ra.

Trong khi đó, suốt hàng chục năm chúng ta vẫn nghiêm cấm các phương tiện cơ giới đi lại trên mặt đê vì sợ ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ đê. Chính vì vậy, tôi đã kiên trì đề nghị Bộ Thủy lợi và Bộ GTVT cho phép ôtô đi trên đê để đuổi mối, nhưng với điều kiện phải cứng hóa mặt đê, tức phải trải bêtông hay đổ nhựa
”.

Mới thập niên 1990, khi phong trào lô đề ở Hà Nội bùng phát lan rộng, nhiều gia đình khuynh gia bại sản vì có người thân ham hố món cờ bạc này thì lúc đó câu cửa miệng để người ta răn dạy nhau: “Đánh đề ra đê mà ở”.

Ông Đặng Quang Tính, nguyên cục trưởng Cục Đê điều, kể rằng thời đó và xa hơn nữa, hệ thống đê điều Hà Nội vẫn toàn bộ là đê đất, nhiều đoạn chỉ thấp ngang ngực người đi đường, cỏ mọc lúp xúp, hoang vắng. Phía ngoài đê chỉ là các bãi sậy, dân cư thưa thớt mà chủ yếu là dân ngoại tỉnh buôn bán dọc sông cắm lều ở tạm. Thậm chí những đối tượng trốn lính, trộm cắp... không chốn dung thân mới tìm đến vệ đê dựng lều tá túc. Vì thế đê là nơi mà chẳng đặng đừng người ta mới tìm đến.

Việc cứng hóa thân đê theo các chuyên gia Cục Đê điều là quy luật tất yếu, chứ chẳng phải lý do nào. Không phải đắp đê cao hơn, cứng hơn để mời gọi người ta đến lập làng, lập xóm, mà lý do chính là để bảo vệ Hà Nội, bảo vệ người dân nội thành sống trong đê.

Theo ông Nguyễn Ty Niên, nguyên vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Thủy lợi những năm 1985-1990, kế hoạch cứng hóa đê Hà Nội có từ năm 1985. Nhưng khi đó để gia cố đê cho chắc, biến đê mềm (đất) thành đê cứng thì cần rất nhiều tiền để triển khai nhiều hạng mục. Đất nước khi đó khó khăn, Bộ Thủy lợi lúc đó chủ trương vay tiền từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhưng khổ nỗi lúc đó VN vẫn bị cấm vận nên việc vay tiền quốc tế là không thể.

Vậy nên muốn lũ không phá đê, tràn đê thì VN cần phá vỡ “đê cấm vận”- là cách duy nhất khi đó. Đích thân ông Niên phải xây dựng kế hoạch, tham gia đàm phán, thuyết phục ADB suốt năm năm trời, với lý do vay tiền để ổn định thân đê, và cuối cùng đến năm 1990 ADB đồng ý cho vay hơn 11 triệu USD để chủ yếu xây dựng hệ thống kè dọc đê sông Hồng từ Hà Tây về Hà Nội, xử lý các đùn, xủi thân đê và xây tường bêtông trên mặt đê (thay thế các con trạch xấu xí mà mỗi khi lũ lên người dân hay đắp trên mặt đê để chống sóng và ngăn lũ tràn).

Có tiền nhưng phải đến năm 1993 các dự án này mới được triển khai xây dựng. Phải mất năm năm, đến 1998 các hạng mục dự án cơ bản hoàn thành. Câu chuyện về các tổ mối trên thân đê đã hầu như lùi vào dĩ vãng. Bây giờ các tuyến đê xung yếu hầu như cũng đồng thời trở thành những con đường huyết mạch, phục vụ dân sinh.

Đi vào... gốm sứ 

Nhớ những con đê thành lối xe, bước chân năm tháng đi về...” là lời bài hát quá đỗi thân quen của nhạc sĩ Hoàng Hiệp Nhớ về Hà Nội mà người Hà Nội và bất kỳ ai chỉ một lần qua thành phố này cũng thuộc nằm lòng. Nhưng những con đê thành lối xe ấy cũng vẫn chỉ là những con đường bêtông xám xịt, cỏ may leo kín triền đê. Thành phố vốn đã quay lưng ra sông, bờ đê lại xấu và bẩn, sông Hồng vì thế càng xa.


Một góc của “con đường gốm sứ” - đê sông Hồng ngày nay - Ảnh: V. Dũng

Trong rất nhiều dự án chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, một dự án đầu tiên rất đơn lẻ, khởi phát từ một nữ họa sĩ trẻ nhằm làm đẹp những bức tường trên đê Yên Phụ, Trần Quang Khải đã được đông đảo các giới, các thế hệ người Hà Nội cả trong và ngoài nước hưởng ứng vì tính thiết thực và khả thi của nó.

Ý tưởng của Nguyễn Thu Thủy, họa sĩ trình bày báo Hà Nội Mới, là “Toàn bộ bức tường ngăn sóng trên mặt đê được trang trí bằng những bức tranh gốm tái hiện lịch sử văn hóa dân tộc từ Đông Sơn đến Đinh, Lê, Lý, Trần... Nguyễn. Chất liệu là gốm sứ Bát Tràng của làng gốm nổi tiếng ngay bên kia bờ sông Hồng”. 21 trường đoạn kéo dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp, chạy suốt từ dải bờ sông phía nội thành Hà Nội quả thật đã mang lại một bộ mặt mới trẻ trung, rực rỡ và quan trọng nhất là rất sáng sủa, sạch sẽ cho thành phố.

Trong quá trình thi công, bắt đầu từ tháng 2-2007, con đường gốm sứ đã gặp phải rất nhiều ý kiến phản biện, thậm chí chống đối quyết liệt. Nhiều họa sĩ coi đó là một thứ “rác văn hóa”, tương đương với thứ nghệ thuật “vẽ bậy, bôi bẩn” kiểu phương Tây. Ở một cực khác, những nhà sử học như giáo sư Lê Văn Lan, họa sĩ như chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Trần Khánh Chương lại rất nhiệt tình ủng hộ. Quan trọng hơn nữa là sự đóng góp tự nguyện của các bạn sinh viên mỹ thuật trẻ, của các doanh nghiệp...

Giữa tháng 9/2010, con đường gốm sứ chào mừng 1.000 năm Thăng Long được xây dựng chủ yếu bằng tiền xã hội hóa đã chính thức hoàn thành với 3.950m chiều dài và diện tích 7.000m2 tranh gốm, lập kỷ lục Guinness cho bức tranh gốm dài nhất thế giới.

Cái mới không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay và văn hóa thì phải được gìn giữ hằng ngày, vì con đường gốm sứ hoàn thành ngày 15/9, đến 18/9 đã phát hiện một vài vết nứt trên mặt các tranh gốm đã làm xong 1-2 năm trước đó.

Công cuộc giữ đê đã trải qua ngàn năm, từ nay thêm một phần việc quan trọng: giữ gìn “con đường gốm sứ”. 

THU HÀ - ĐỨC BÌNH

>> Thành phố, con đê và dòng sông 



 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo