Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2

Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2

Viết email In

Bài 2: Bài toán về sử dụng năng lượng hiệu quả

Để ứng phó tốt với tác động của biến đổi khí hậu, vấn đề cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong kiến trúc và thiết kế đô thị cần được coi trọng đúng mức.

Nhu cầu năng lượng tăng quá nhanh

Theo ông Christian Voigt (Công ty Quy hoạch và Thiết kế đô thị, Berlin, Đức), tính cấp bách của điều kiện khí hậu liên tục xấu đi hiện nay đòi hỏi một phương pháp tiếp cận phức tạp toàn diện hơn của quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng, cũng như việc thực hiện nhanh chóng hơn các chiến lược và những biện pháp tương ứng. Điều này đặc biệt đối với những nước bị tác động nhiều như Việt Nam.


Các công trình khách sạn, tòa nhà văn phòng và các trung tâm thương mại ở TP.HCM - Ảnh: KT&ĐS

Quá trình đô thị hoá, hiện đại hoá nhanh chóng ở Việt Nam đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng ở các ngành công nghiệp, các phương tiện giao thông đồng thời sự gia tăng một cách tự nhiên nhu cầu sử dụng các loại năng lượng hiện đại ơ rcác thành phố, nơi người dân có thu nhập cao. Tất cả những yếu tố trên dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng cuối cùng của Việt Nam tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Cùng với tốc độ phát triển đô thị, nhu cầu sử dụng năng lượng ở khu vực đô thị của Việt Nam đã tăng rất nhanh, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang… Sự phát triển đô thị đã mang đến hàng trăm dự án xây dựng như khách sạn, tòa nhà văn phòng và các trung tâm thương mại… là những “cỗ máy” tiêu thụ năng lượng.

Theo như thống kê của Tổng Công ty điện lực Việt Nam, số lượng điện năng sử dụng cho thương mại và khu vực dân sinh chiếm 50% tổng số điện năng tiêu thụ. Cứ mỗi dự án xây dựng 10.000 m2 sàn thì mỗi năm tổng điện năng tiêu thụ có thể đạt từ 1,5 – 2 triệu kWh, trong đó điện năng dùng cho điều hòa nhiệt độ chiếm 40 – 50%.

Trong tương lai, một quốc gia mạnh là một quốc gia chủ động được nguồn nước, lương thực và đặt biệt là đảm bảo an ninh năng lượng. Năng lượng là một yếu tố cơ bản đồng hành với quá trình phát triển các đô thị trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp tới “sức khoẻ” của nền kinh tế, quyết định giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến môi trường.

Theo đó, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam chỉ có hai con đường: Nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng; phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Năng lượng mặt trời: Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Sự phát triển của đô thị và sự thiếu hụt điện năng trong những năm gần đã là các yếu tố khiến Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh việc phát triển nguồn năng lượng thay thế. Năng lượng tái tạo đã là một trong những lựa chọn cho sự phát triển bền vững ở một số đô thị trên thế giới, và cũng đã được xem là tiềm năng lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là năng lượng mặt trời tuy nhiên nguồn năng lượng này chưa được tận dụng triệt để ở Việt Nam.

  • Ảnh bên : Tiềm năng khai thác năng lượng mặt trời ở Việt Nam là rất lớn 

Với vị trí địa lý gần xích đạo, Việt Nam có tổng sản lượng bức xạ nhiệt mặt trời trung bình khoảng 5kWh/m2/ngày, số giờ nắng trung bình khoảng 2.000 giờ/năm ở hầu hết các tỉnh. Điều đó chứng tỏ điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất thuận lợi cho sự phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời.

Theo bà Ngô Thị Tố Nhiên, Viện Ứng dụng công nghệ- Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay hơn 100 quốc gia đã đưa ra chính sách phát triển năng lượng tái tạo dựa vào điều kiện tự nhiên và địa hình từng nước. Nếu xem xét các nguồn năng lượng tái tạo có khả năng khai thác ở các đô thị Việt Nam thì năng lượng mặt trời là có tính khả thi nhất.

Từ số liệu đo đạc về số giờ nắng bình quân trong 20 năm qua của Ngành Khí tượng Thuỷ văn, tiềm năng năng lượng mặt trời ở nước ta có thể chia thành 3 khu vực: Các tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Lai Châu) có số giờ năng tương đối cao, từ 1897-2102 giờ/năm; Các tỉnh còn lại của miền Bắc và một số tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình: 1400-1700 giờ/năm; Các tỉnh từ Huế trở vào có số giờ nắng cao nhất cả nước, từ 1900-2900 giờ/năm.

Bà Ngô Thị Tố Nhiên phân tích, năng lượng thương mại đã tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong giai đoạn 1999-2006, năng lượng thương mại đã tăng ở mứ độ trung bình 12,4%/năm trong khi GDP chỉ tăng khoảng 7,2%. Hệ số đàn hồi giữa mức độ tăng trưởng của năng lượng thương mại và GDP ở mức rất cao là 1.7. Điều đó đòi hỏi cần có những chính sách cụ thể để khai thác nguồn năng lượng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ không thực hiện được nếu chỉ dựa vào các yếu tố thị trường, mà cần có sự can thiệp hiệu quả của chính sách quốc gia cũng như các chính sách hỗ trợ để tạo ra nguồn doanh thu và khuyến khích đầu tư sử dụng công nghệ năng lượng tái tạo./.

Ngọc Thành

>> Bài 1: Hệ quả từ “du nhập kiến trúc” 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo