Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Những biến đổi hình thái không gian đô thị Hà Nội dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa

Những biến đổi hình thái không gian đô thị Hà Nội dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa

Viết email In

Toàn cầu hóa là một quá trình của những tương tác mạnh mẽ giữa các quốc gia trên thế giới, tạo ra những biến đổi sâu sắc trên nhiều phương diện trong sự phát triển của mỗi quốc gia tham gia vào quá trình trên. Nói cách khác, toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở nhiều phương diện trên quy mô toàn cầu.

Toàn cầu hóa cũng là quá trình chứa đựng trong đó những dòng chảy xuyên biên giới, xuyên lục địa về vốn, hàng hóa, con người, kỹ thuật, công nghệ và văn hóa. Những dòng chảy này – trước tiên là do động lực kinh tế thúc đẩy, tiếp đến là để làm cho quá trình này thêm hiệu quả, kéo theo những quan hệ khác như trao đổi ngoại giao, chuyển giao công nghệ, thông tin và văn hóa. Quá trình này gắn kết các quốc gia lại với nhau thông qua các đô thị - là các đầu mối kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của mỗi quốc gia; dần dần làm hình thành nên mạng lưới các thành phố với mối quan hệ toàn cầu. Trong mạng lưới liên kết đó, người ta thấy nổi lên các đô thị có tầm chi phối và ảnh hưởng toàn thế giới như New York, London, Tokyo, Paris. Những thành phố này được gọi là các Thành phố toàn cầu hay Thành phố đẳng cấp thế giới (global city), hay còn gọi là các thành phố Anpha, để phân biệt với các thành phố Beta có tầm ảnh hưởng khiêm tốn hơn một chút và các thành phố Gama – là những thành phố vẫn có ảnh hưởng quốc tế nhưng ở mức độ thấp hơn nữa. 

Như một xu hướng tất yếu và một sự phát triển theo quy luật khách quan, các quốc gia, các đô thị trên thế giới đều đang cố gắng để tham gia vào "cuộc chơi" toàn cầu này và để được là một mắt xích trong chuỗi quan hệ toàn cầu. Điều này một mặt sẽ mang lại cho quốc gia, cho thành phố đó nhiều cơ hội tốt để phát triển kinh tế, xã hội nhưng cũng đồng thời cũng làm gia tăng sự ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, các thành phố và tăng nguy cơ bị "tổn thương" đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế khi có khủng hoảng xảy ra.   

Bài viết này sẽ không bàn về các mặt thuận và trái của quá trình toàn cầu hóa nói chung. Quá trình toàn cầu hóa là không thể lật ngược và Hà Nội cũng như các thành phố lớn của Việt Nam đang tham gia vào quá trình này ở những mức độ khác nhau. Trong bối cảnh đó, bài viết này cố gắng tìm hiểu và phân tích những tác động của quá trình này đến không gian đô thị của Hà Nội. Bài viết được chia làm ba phần. Phần thứ nhất thu thập những thông tin, số liệu để có một bức tranh cơ bản về tình hình tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng để trả lời câu hỏi “chúng ta đã và đang tham gia vào toàn cầu hóa như thế nào?". Phần thứ hai của bài viết là một cuộc khảo sát nhanh bức tranh không gian của Hà Nội, nhận diện những biến đổi gần đây trong bức tranh không gian tổng thể đó, để - ở một mức độ nhất định - trả lời câu hỏi “toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến không gian của Hà Nội như thế nào?”. Phần cuối của bài viết sẽ nêu lên một số vấn đề cần suy ngẫm về quy hoạch và quản lý đô thị trong sự phát triển theo trào lưu toàn cầu hóa cho Hà Nội của chúng ta. 


Không gian cafe cũ.. trong những ngõ hẻm phố phường Hà Nội


Những thương hiệu cafe toàn cầu xuất hiện ở những khu trung tâm thương mại hiện đại

 

1. Hà Nội đã và đang tham gia vào toàn cầu hóa như thế nào? 

Việt Nam là quốc gia tham gia khá muộn mằn vào quá trình toàn cầu hóa do hoàn cảnh lịch sử rất đặc thù: chiến tranh kéo dài, đường lối phát triển Xã hội chủ nghĩa chính thống, lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt lên Việt Nam cho mãi đến năm 1994 mới được xóa bỏ. Năm 1986, chúng ta áp dụng chính sách Đổi mới, đưa cơ chế thị trường vào một nền kinh tế chính trị theo cơ chế  tập trung bao cấp. Cùng với các chính sách “mở cửa” về ngoại giao và kinh tế sau đó, Việt Nam bắt đầu hội nhập vào cộng đồng quốc tế với một loạt các mốc quan trọng: gia nhập ASEAN năm 1995, AFTA năm 1996, ASEM năm 1996, và APEC năm 1998, và năm 2007 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sau 11 năm đàm phán. Mặc dù Hà Nội – Thủ đô, đồng thời là đô thị lớn thứ hai của Việt Nam chưa có tên trong "bản đồ mạng lưới các thành phố toàn cầu" nhưng với tất cả những nền tảng chính sách và thể chế Việt Nam đã xây dựng được trong những năm qua, chúng ta có thể nhìn thấy những dòng dịch chuyển toàn cầu rất rõ nét về vốn, con người và tri thức đã và đang chuyển động giữa Hà Nội và thế giới. 

Dòng tiền:

Ngoại hối bắt đầu chính thức được đổ vào Việt nam từ năm 1994 sau khi Lệnh cấm vận của Mỹ được dỡ bỏ thông qua các tổ chức tài chính quốc tế như IMF (International Monetary Fund), Ngân Hàng Thế Giới (World Bank), các tổ chức tài chính song phương và đa phương như JBIC, ADB và từ các tổ chức phí chính phủ. Bên cạnh đó, một phần lớn nguồn vốn từ bên ngoài đổ vào Việt nam là thông qua các dự án đầu tư FDI (Foreign Direct Invesment) hay các dự án ODA (các gói viện trợ và cho vay ưu đãi để hỗ trợ phát triển từ các quốc gia khác). Trao đổi thương mại và dịch vụ với quốc tế phát triển mạnh mẽ trong những năm qua cũng tạo ra nguồn lưu chuyển ngoại tệ đáng kể ra vào Việt Nam. Ngoài ra cũng cần phải nhắc đến nguồn ngoại tệ được chuyển về nước thông qua các cá nhân Việt Nam định cư, lao động và học tập ở nước ngoài. Số liệu năm 2004 cho thấy lượng ngoại tệ chuyển qua kênh này lên đến 1,5 tỷ USD, tương đương với 3,3% GDP toàn quốc, góp phần đáng kể tăng nguồn vốn ngoại tệ cho nền kinh tế Việt Nam. 

Rõ ràng là với lượng vốn mới này đổ vào Việt Nam theo cách này hay cách khác của quá trình toàn cầu hóa đã có vai trò đáng kể trong sự phát triển kinh tế xã hội Việt Nam những năm gần đây. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực sự làm thay đổi cấu trúc kinh tế của Việt Nam theo hướng Công nghiệp hóa và phát triển dịch vụ. Trong khu vực sản xuất CN, Giá trị sản xuất Công nghiệp với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chiếm tỉ trọng 35%  tổng giá trị SXCN của Việt Nam; tỉ trọng này chiếm đến 65 – 70% đối với một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc. Những dòng vốn này làm xuất hiện những khu vực phát triển mới trong các thành phố lớn mà trước đây chưa hề có: những khu công nghiệp tập trung, những khu Công nghệ cao, những khu chế xuất, những dự án bất động sản trong lòng đô thị như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ, nhà ở cao cấp; các khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng. Các dịch vụ trước đây được xem là phúc lợi xã hội do nhà nước chăm lo như y tế, giáo dục cũng xuất hiện với hình thức mới, chất lượng mới như các trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế.

Trong suốt 20 năm qua, Hà Nội đứng thứ hai, sau thành phố Hồ Chí Minh về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số hơn 1500 dự án với tổng mức đầu tư lên đến trên 20 tỷ USD. Đến năm 2007, vẫn có trên 1000 dự án FDI hiện đang được triển khai tại Hà Nội.


Món chả cá Lã Vọng lừng danh của Hà Nội ..


...dần "bị thay thế" bằng những cửa hiệu fastfood như KFC, Loteria,... 

Dòng người:

Cùng với dòng chảy về vốn là các dòng chảy con người giữa Hà Nội, Việt Nam với thế giới tạo ra và kéo theo hàng loạt các tương tác về văn hóa và xã hội: đó là những dòng người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, du lịch; là những dòng người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập và tham quan du lịch; và những tương tác văn hóa xã hội trực tiếp và gián tiếp qua nhiều cấp độ giữa người Việt Nam và người nước ngoài, xảy ra ngay trên mảnh đất Việt Nam hay ở các quốc gia khác trên thế giới. Những dòng chảy con người xuyên lục địa như trên cũng là một bản chất của quá trình toàn cầu hóa.
Ở Việt Nam, nền kinh tế hội nhập đã tạo ra hàng triệu công ăn việc làm mới ở các thành phố lớn. Riêng khu vực kinh tế FDI đã tạo ra 1,2 triệu công việc ở Việt Nam những năm qua. Số lượng lưu học sinh, nghiên cứu sinh và tu nghiệp sinh Việt Nam ở nước ngoài đã lên đến con số hai lăm ngàn người. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 70 ngàn lao động sang các nước và hiện nay có khoảng 400 ngàn lao động Việt Nam đang sống và làm việc ở hơn 40 quốc gia khác nhau trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó phải kể đến một số lượng lớn các thương gia, chuyên gia nước ngoài đến làm việc và sống ở Việt Nam; cùng với họ là lực lượng khách du lịch ngày càng đông đảo. Những năm gần đây, Việt Nam thu hút hơn 3 triệu khách du lịch mà Hà Nội là một trong những thành phố thu hút du lịch mạnh nhất của Việt Nam.  

Quá trình gặp gỡ và tương tác giữa người dân của các quốc gia thông qua công việc hay du lịch đều mang đến những cơ hội trao đổi và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và văn hóa; đồng thời cũng làm nảy sinh nhưng nhu cầu mới về thương mại và dịch vụ, và chính nó tạo ra cơ hội phát triển kinh tế mới mẻ ở các đô thị.  

Riêng trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch, những năm gần đây xuất hiện hàng loạt các công ty, văn phòng tư vấn nước ngoài hoạt động mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam như: Site Architect, Architype, Archipel (Pháp), Iros lackner (Đức), Jina, Posco (Hàn quốc), Almec, Nikken Sekkei (Nhật Bản), Surbana (Singapore),...

Dòng chảy tri thức và văn hóa:

Các dòng chảy thông tin, trí thức và văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa không chỉ được thực hiện thông qua nhưng tương tác thực thể giữa người với người qua các dòng dịch chuyển con người nói trên. Một trong những yếu tố làm ‘phẳng hóa’ thế giới sâu sắc và rộng lớn là mạng internet và các kênh truyền thông như báo chí và truyền hình.

Internet không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Cà phê đi kèm với dịch vụ wifi đã trở thành phổ biến và hiển nhiên ở Hà Nội và nhiều thành phố khác. Số liệu điều tra của Asia Digital Marketing Yearbook năm 2007 cho thấy Việt Nam đứng thứ 17 trên thế giới về số lượng thuê bao Internet. Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong việc gắn kết Việt Nam về mặt thông tin với những gì đang diễn ra trên thế giới và ngược lại. Bên cạnh Internet phải kể đến hàng loạt các tạp chí các loại phục vụ mọi mặt của đời sống từ thời trang, ô tô, xe máy cho đến kiến trúc và ẩm thực; cùng với đó là các hang, các kênh truyền hình với nguồn thông tin văn hóa đa dạng. Hơn 50 kênh truyền hình toàn cầu như CNN, Discovery, HBO, Disney channel, hay các chuỗi phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, Trung Quốc đã trở thành món ăn tinh thần hàng ngày của người Hà Nội.

Cùng với những dòng dịch chuyển về VỐN, CON NGƯỜI, dòng chảy thông tin và văn hóa qua các hình thức, cách thức khác nhau đã khẳng định một cách … sự tham gia của Hà Nội và Việt Nam vào quá trình “phẳng hóa” thế giới.

 

2. Toàn cầu hóa đã ảnh hưởng đến không gian của Hà Nội như thế nào?

Những dòng chảy về vốn, con người và tri thức nói trên là những động thái của quá trình toàn cầu hóa mà chúng ta không dễ dàng nhìn thấy bằng mắt. Nhưng những quá trình phi vật thể ấy lại tác động mạnh mẽ đến kết cấu không gian của các thành phố. Với thành phố Hà Nội, có thể nêu ra ba nhận định lớn về sự biến đổi cấu trúc không gian đô thị khá mạnh mẽ trong những năm gần đây dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa.

Sự xuất hiện những khu vực chức năng mới: 

Làn song đầu tư từ nước ngoài, từ những Việt Kiều và cả khu vực tư nhân Việt Nam vào các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp, dịch vụ, bất động sản đã làm xuất hiện hàng loạt các khu vực chức năng mới trên bản đồ sử dụng đất của Hà Nội. Trước hết phải kể đến sự xuất hiện của các khu công nghiệp tập trung như khu Sài Đồng, Bắc Thăng Long với hàng loạt các doanh nghiệp như Honda, Sony, Canon, đến từ nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Tiếp đến là hàng trăm các dự án đầu tư nhà ở các loại. Những dự án có quy mô diện tích lớn chủ yếu nằm ở phần rìa khu vực đã đô thị hóa của Hà Nội, phần lớn cung cấp quỹ nhà ở đáng kể cho tầng lớp trung lưu khá giả; nhưng cũng phải kể đến sự xuất hiện của các công trình nhà ở cực kỳ cao cấp phục vụ những nhóm thu nhập rất cao và người nước ngoài như các khu Ciputra, The Manor, Placific Place, Vincom City Tower. Ciputra là dự án đô thị mới được các nhà đầu tư Indonesia thực hiện, một trong những nơi có giá nhà cao nhất thành phố và là một “gated community” (cộng đồng được rào chắn) đúng nghĩa theo kiểu Mỹ ở Hà Nội.  Trên toàn bộ không gian thành phố bắt đầu xuất hiện rõ nét sự phân tách xã hội (social segregation) thông qua sự phân bố không gian – một hiện tượng phổ biến ở các nước tư bản – nhưng hoàn toàn xa lạ với môi trường quân bình kiểu XHCN trước đây. Giờ đây thông qua nơi ở, chúng ta phần nào cảm nhận được khả năng tài chính và vị thế xã hội của một người.

Các khu vực vui chơi, giải trí mới như sân gôn, sân tennis, bể bơi nước nóng, công viên nước, các điểm chiếu phim hiện đại như Megastar, các trung tâm Bia, các bar, pub đã xuất hiện và trở nên phổ biến trong thành phố. Người nhiều tiền có thể đến những điểm vui chơi giải trí đắt tiền. Người nghèo, người thu nhập thấp và đại bộ phận dân cư thành phố vẫn có thể dành thời gian nghỉ ngơi của mình tại các công viên, đường dạo xung quanh những hồ Hà Nội. Với dân nghèo đô thị những không gian công cộng không mất phí như trên cần được duy trì và bảo vệ tránh sự chiếm đoạt vì lợi nhuận tư nhân.

Một dạng chức năng đô thị mới xuất hiện ở Hà Nội trong những năm hội nhập là các trung tâm thương mại theo phong cách mới; từ các trung tâm bán buôn ngoại ô (out of town shopping center) như Metro, Big C, đến các trung tâm TM cao cấp nằm trong trung tâm thành phố như Tràng Tiền Plaza, Vincom, Parkson, Ruby Plaza. Những trung tâm thương mại kiểu mới này đã thực sự tạo ra một nếp mua sắm mới, rất "quốc tế" cho một nhóm thu nhập khá và giàu có ở Hà Nội. Mô hình siêu thị cũng đã trở nên phổ biến, bổ sung nhưng không thể thay thế mô hình chợ truyền thống. 

Bên cạnh đó, phải kể đến sự xuất hiện nhanh chóng hàng loạt các công trình phức hợp đa chức năng gồm khách sạn, văn phòng, thương mại và nhà ở cao tầng mọc lên khắp nơi trong thành phố.

Tóm lại, bên cạnh những khu vực đô thị cũ, quá trình phát triển kinh tế và đô thị Hà Nội trong thời kỳ hội nhập đã làm xuất hiện hàng loạt các chức năng đô thị mới như high-tech park, gated community, out-of-town shopping mall, CBD complex, golf course, gentrified area… Điều này đã thúc đẩy sự bành trướng nhanh chóng về mặt không gian của thành phố Hà Nội, đồng thời cũng làm cho Hà Nội ngày càng bị "đồng hóa" với những thành phố khác trên thế giới. Trên khía cạnh xã hội, nhìn chung những chức năng mới đều có xu hướng phục vụ nhóm người khá giả, giàu có hay người nước ngoài sống ở Hà Nội. Điều này đặt ra vấn đề “vậy thì trong quá trình toàn cầu hóa, ai sẽ là người chăm lo cho nhóm dân cư thu nhập thấp, nhóm xã hội ngoài lề?”.
 
Sự phát triển theo chiều đứng:

Cùng với sự bành trướng về không gian là sự phát triển vượt bậc theo chiều đứng của thành phố Hà Nội. Cho đến đầu những năm 1990, Hà Nội vẫn được xem là một thành phố Á Đông xinh xắn với các kiến trúc thấp tầng có tỉ lệ gần gũi con người. Những năm gần đây, phát triển theo chiều đứng có lẽ là biểu hiện rõ rệt và dễ nhận thấy nhất trong sự biến đổi không gian của Hà Nội. Nhà cao tầng đã và đang mọc lên khắp mọi nơi với tốc độ chóng mặt. Một cuộc khảo sát nhanh thực hiện bởi nhóm các sinh viên khoa Kiến trúc Trường Đại học Xây dựng gần đây cho thấy thành phố có hơn 500 công trình cao trên 11 tầng. Hiện nay, công trình Keangnam Landmark Tower (ảnh bên) với 3 tòa tháp cao 47 tầng và 70 tầng đang được xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thực sự là một "cột mốc" kỷ lục về chiều đứng của không gian của thành phố.

Có hai yếu tố tác động vào sự vươn lên theo chiều đứng của các công trình; đó là áp lực về không gian do kinh tế phát triển đòi hỏi việc khai thác quỹ đất với hệ số sử dụng cao hơn, làm gia tăng số tầng. Yếu tố thứ hai phải kể đến là quá trình chuyển giao công nghệ hiện đại từ quốc tế về thiết kế, thi công, vận hành và bảo dưỡng nhà cao tầng. Cả hai yếu tố trên đều xuất hiện trong quá trình toàn cầu hóa.

Sự vươn lên của các công trình theo chiều đứng làm thay đổi ngay lập tức diện mạo đô thị, đặt ra cho chúng ta vấn đề cần tổ chức sắp xếp các công trình theo cách nào để có thể tạo ra một "hình bóng đô thị" đẹp mắt. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng, đặc biệt là không gian giao thông và đỗ xe để những công trình cao tầng này không ảnh hưởng đến sự vận hành chung của đô thị.

Những không gian cũ thay áo mới:

Cùng với những thay đổi mang tính cấu trúc về không gian theo bề rộng và chiều cao như đã mô tả ở trên, chúng ta cũng dễ dàng quan sát thấy sự "thay áo" của các khu vực không gian cũ nhằm thực hiện những công năng mới, những vai trò mới. Hiện tượng này ở Hà Nội tựa như quá trình gentrification (trưởng giả hóa) ở các nước phương Tây nhưng theo những kiểu cách rất thú vị và sáng tạo, rất linh hoạt và rất Việt Nam. Phố Bảo Khánh là một ví dụ. Phố này cũng với một số con phố lân cận đã trở thành một phố Tây trong lòng Hà Nội cổ, nơi tập trung các dịch vụ khách sạn mini, quán ăn Âu Á, các văn phòng du lịch, các souverner shop, các pub, bar dành riêng cho khách du lịch “Tây balô”.  Phố Ngõ Huyện, phố Hàng Hành, phố Hàng Trống, phố Nhà Thờ cũng theo cùng xu hướng, trở thành các phố được Tây hóa, phục vụ chủ yếu khách du lịch với những cửa hàng, cửa hiệu được cải tạo, trang hoàng theo những hình thức quốc tế hoặc ngược lại rất bản địa để thu hút khách quốc tế. Quá trình biến đổi và cải tạo không gian kiểu này không làm xáo trộn và biến đổi đáng kể các cấu trúc không gian cũ.


Không gian buôn bán truyền thống còn tồn tại trong khu phố cổ  


Trung tâm thương mại hiện đại Vincom City Tower

 

3. Một số vấn đề cần suy ngẫm

Sự dịch chuyển dòng người, dòng tiền và tri thức xuyên quốc gia, xuyên lục địa của quá trình toàn cầu hóa như phân tích ở trên đã làm thay đổi "bộ mặt" không gian của Hà Nội. Thành phố đã rộng hơn, đã cao hơn và đã không ngừng thay áo mới. Phải chăng Hà Nội đã trở thành một thành phố quốc tế, một thành phố dịch vụ, một thành phố hiện đại?

Chỉ với những gì tồn tại trên bề mặt đất, chúng ta không thể không quan ngại về sự phát triển của Hà Nội trong kỷ nguyên hội nhập. Một loạt các vấn đề cho sự phát triển bền vững, hiệu quả và để trở thành một "thành phố sống tốt" cho Hà Nội vẫn còn bỏ ngỏ như:

- Cơ sở hạ tầng nào cần phải được triển khai trước mắt và lâu dài để chất chở trên nó một thượng tầng kiến trúc có xu hướng ngày một rộng lớn hơn, to cao hơn? Một thành phố hiện đại sẽ không thể là thành phố với nhiều công trình cao tầng mà tách nghẽn giao thông, úng ngập thường xuyên và ô nhiễm môi trường?

- Với hiện tượng toàn cầu hóa trong kiến trúc và quy hoạch, chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn bản sắc cho Hà Nội? Liệu Hà Nội có trở thành một bản sao méo mó của một Seoul hay Bangkok? Những gì là giá trị đích thực nào trong không gian Hà Nội mà chúng ta cần xác định để giữ gìn trong sự phát triển của nó?

- Toàn cầu hóa là một phần của chủ nghĩa tư bản toàn cầu mà trong quá trình đó sự phân tầng xã hội, phân tách giàu nghèo ngày càng rõ rệt. Các nhóm xã hội ngoài lề sẽ luôn có nguy cơ bị thiệt thòi trong một sân chơi không cân sức. Cơ chế nào để cung cấp và đảm bảo những quyền lợi và dịch vụ cơ bản cho người nghèo, người thu nhập thấp khi mà thị trường có xu hướng chỉ đáp ứng cho nhóm người có khả năng chi trả? Chủ trương ‘hiện đại hóa’ các chợ truyền thống trong thành phố bằng các trung tâm thương mại như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da … liệu có thực sự biến Hà Nội thành thành phố tốt hơn khi công cụ kiếm sống của những người dân nghèo ở đây bị lấy đi?

Toàn cầu hóa là quá trình hai mặt. Ba vấn đề nêu trên là rất căn bản nhưng không phải là tất cả các vấn đề nảy sinh trong quá trình toàn cầu hóa. Trách nhiệm lớn thuộc về các nhà chuyên môn và quản lý đô thị. Họ cần phải có tầm nhìn dài hạn và sự chuẩn bị thận trọng về cơ sở hạ tầng trước khi tiếp nhận sự phát triển, không thể cho phép khu vực tư nhân trực tiếp hay gián tiếp gây ra những chi phí xã hội và môi trường từ những phát triển vì lợi nhuận của họ; cần có sự nhạy cảm và tinh tế về các vấn đề văn hóa và bản sắc, để quá trình toàn cầu hóa không cuốn phăng đi những giá trị đô thị đã được tích lũy lâu đời; đồng thời cũng cần có một thái độ xã hội chân chính để cân đối hài hòa lợi ích chung và lợi ích riêng, dung hòa những mâu thuẫn của các nhóm xã hội có quyền lợi đối kháng và luôn phải đứng về phía những nhóm xã hội cần sự giúp đỡ.

TS. Phạm Thúy Loan - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị (UAI), Đại học Xây dựng  
(Bài đăng trên Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 6 - 2011)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo