Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Sáng tác kiến trúc: Hiện đại hóa & Hội nhập

Sáng tác kiến trúc: Hiện đại hóa & Hội nhập

Viết email In

... Xét theo góc độ cá nhân, con đường hiện đại hóa năng lực và tri thức nghề nghiệp không có khoảng cách lớn, càng không có khoảng cách bất khả thi với thế giới. Có chăng điều kiện nền xã hội, điều kiện vật chất để thực hiện đòi hỏi cố gắng tự thân của mỗi kiến trúc sư nhiều hơn.

Mục tiêu hiện đại hóa nếu không là một khát vọng tự thân thì cũng hàm chứa mong muốn vươn lên từ một mặc cảm tụt hậu. Lĩnh vực sáng tác kiến trúc năm thứ 10 của thế kỷ 21 này rồi buồn thay, vẫn đang ở tình trạng thứ hai. Và giới kiến trúc sư (KTS) cũng không có thời gian để mà cảm thán tình cảnh tụt hậu của mình trước sự bủa vây của sóng gió hội nhập. Sóng gió lắm lúc thành bão táp. Thủy thủ đoàn, bằng bản năng sinh tồn, đã chống chọi quyết liệt. Có nhiều người tỏ ra xuất sắc, vượt lên, nhưng vô nghĩa. Vì chúng ta cần một hành trình vượt lên của cả “con tàu kiến trúc” chứ không phải vài cuộc “đào thoát cá nhân” dù có ngoạn mục đến thế nào… Hiện đại hóa và hội nhập trong sáng tác kiến trúc thực chất là một thể thống nhất của hiện trạng mà chúng ta đang sống, chống chọi và phát triển. Cần nhận định đúng và hành động có hiệu quả. Không chỉ để tồn tại mà còn vì trách nhiệm và danh dự của cả giới.

Hội nhập - Xa lộ không có đường nhánh

Sự bùng nổ xây dựng trong cả nước thời gian qua đã đun nóng mọi bầu không khí có liên quan. Thế giới đã không chờ đợi ta hội nhập. Thế giới đã tràn ập vô, cuốn mọi thứ từ vật liệu, thiết bị, kỹ thuật xây dựng, tư vấn... vào dòng chảy của hội nhập. Thế giới không gõ cửa, cứ thế cuốn phăng giới KTS vào cuộc so đọ với mọi đỉnh cao của đồng nghiệp quốc tế, bất kể những bất cập, yếu kém. Không chấp nhận biện hộ. Kể cả thị phần truyền thống, khách hàng truyền thống Việt Nam, trong cuộc hội nhập của riêng họ, cũng sòng phẳng đòi hỏi chất lượng quốc tế ở giới KTS trong nước.

Nếu có được lý lẽ để biện hộ, thời gian làm việc đó đủ cho hợp đồng sang tay đơn vị khác rồi. Quy luật thị trường khắc nghiệt này được pháp lý hóa bằng sự chính thức gia nhập AFTA của ASEAN hay WTO của thế giới. Biến hội nhập thành con đường lớn phải bước lên, đi về phía trước. Không có đường nhánh nào để tạm dừng hoặc rẽ ngang cho giới KTS cả.

Nhưng, Hội nhập cũng còn là Cơ hội lớn

Cự ly để tiếp nhận vật liệu, thiết bị, công nghệ mới trở nên gần gũi, nhộn nhịp. Xa rồi thời kỳ bị cô lập, ếch ngồi đáy giếng. Đó là chưa kể chúng ta còn được chủ động chào mời, khuyến mãi, hỗ trợ kỹ thuật từ các công ty cung ứng đa quốc gia. Những chủ đầu tư nước ngoài, cùng với tư vấn của họ, tìm nguồn lao động và chất xám hợp lý cũng chủ động cung cấp kiến thức và cơ hội thực nghiệm cho nguồn nhân lực tại chỗ.

Sự phát triển mô hình sản xuất “out sourcing” của các nước phát triển tạo điều kiện thành lập nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam. Nguồn nhân lực tại chỗ có cơ hội lớn hơn về trình độ công nghệ để nâng cao tay nghề cá nhân, kiến thức và thực nghiệm các loại quy trình tiên tiến. Đặc biệt đáng mừng, một số trường hợp công ty tư vấn nước ngoài, có thái độ làm ăn nghiêm túc và lâu dài, thực hiện liên doanh với cá nhân hoặc công ty tư vấn trong nước. Công việc thực nghiệm và đào tạo bài bản tạo tiền đề cho một số công ty trong nước tạo được năng lực, phong cách và uy tín tốt, bằng vai phải vế với nhiều công ty trong khu vực và quốc tế.

Hội nhập với những mặt khắc nghiệt cũng như cơ hội thuận lợi mà chúng ta bắt buộc bước lên còn có một thúc bách khác: phải đánh giá đúng thực lực và hoàn cảnh của mình. Không khó nhận ra, niềm vui được sự trang bị tốt hoặc thành đạt của một số cá nhân chỉ là niềm vui đào thoát khỏi một tình trạng yếu kém chung về chất lượng. Còn về thực tế thị trường, lực lượng, kỹ năng... uy tín tư vấn nghề nghiệp của cả giới KTS Việt Nam vẫn chưa sánh ngang được với trình độ của giới KTS đồng nghiệp quốc tế. Đáng nói là điều đó xảy ra ngay trên đất nước Việt Nam quen thuộc của mình.

Dù có phản ánh đúng thực chất hay không, thực tế là thực tế. Và như đã nói ở trên, trách nhiệm xã hội về lâu dài và lòng tự trọng nghề nghiệp thúc bách chúng ta phải thay đổi hình ảnh trong tương quan lực lượng. Giới KTS phải hiện đại hóa. Hiện đại hóa từ đâu? phải chăng từ khả năng tự nhận biết chính xác về mình?

Nghề kiến trúc là một nghề sáng tạo cá nhân và hoàn thiện tác phẩm tập thể. Nếu một cá nhân không thể đảm đương mọi việc trong tác phẩm của mình thì ngược lại công lao động của nhiều người lại cũng không thể thay thế được dấu ấn sáng tạo cá nhân. Mỗi vế, mỗi cá nhân và tập thể có những đòi hỏi riêng trong khái niệm hiện đại hóa, không được lẫn lộn trong cách thức ứng xử.

Cá nhân kiến trúc sư - chủ thể của sáng tạo

Ở góc độ sáng tạo cá nhân, việc hiện đại hóa cũng mang đậm tính riêng biệt và chủ động của cá nhân. Không thể xô đẩy mọi trách nhiệm về sự tụt hậu hay thất bại trong tư duy của mình cho hoàn cảnh. Nếu có một sự bình đẳng tuyệt đối cho mọi KTS không phân biệt quốc gia hay lứa tuổi thì đó là bình đẳng trong trong ý tưởng sáng tạo kiến trúc. Và một hệ luận quan trọng không kém nữa là bình đẳng trong quyền từ chối sản sinh ra những sản phẩm đi ngược lại đạo đức và danh dự nghề nghiệp. Tất nhiên, có những hoàn cảnh mà quyết định từ chối đầy khó khăn, thử thách.

Về khả năng tiếp cận vật liệu, thiết bị và công nghệ mới cũng không còn khoảng cách đáng kể với thế giới. Các nhà cung cấp luôn sẵn sàng giới thiệu và hỗ trợ kỹ thuật cho KTS. Chưa kể thông tin mạng ngày nay đã rút ngắn một cách thần kỳ thời gian vật chất để truy tìm hoặc xác minh một thông tin kỹ thuật bất kỳ. Cũng từ thế giới mạng, từng cá nhân KTS cũng không thể vin vào cớ gì để nói rằng mình không tiếp cận được với bất kỳ quan điểm trào lưu kiến trúc hiện đại nào, không tiếp cận được với những công trình bậc thầy nào. Riêng công cụ cá nhân để nâng cao hiệu quả sáng tác là máy tính thì giới KTS Việt Nam hiện tại, nhất là giới trẻ có lẽ cũng không có gì phàn nàn khi chính họ đang sở hữu thuần thục một cách đáng ganh tị với đồng nghiệp trên thế giới về các phần mềm tác nghiệp tiên tiến nhất. Như vậy, xét theo góc độ cá nhân KTS, con đường hiện đại hóa năng lực và tri thức nghề nghiệp không có khoảng cách lớn, càng không có khoảng cách bất khả thi với thế giới. Có chăng điều kiện nền xã hội, điều kiện vật chất để thực hiện đòi hỏi cố gắng tự thân của mỗi KTS nhiều hơn. Ngoại trừ một việc: kiến thức và năng lực làm việc cùng với một hệ thống quản trị ngày càng phức tạp trong ngành kiến trúc xây dựng.

Hiện đại hóa công nghệ và năng lực hệ thống

Giá trị phi vật thể trong kiến trúc là giá trị cốt lõi nhưng tỉ trọng của quản trị và kỹ thuật hỗ trợ trong mỗi công trình ngày càng lớn. Có khi lớn đến mức quyết định sự hình thành công trình hay không. Tổ chức và làm việc với hệ thống và công nghệ thì phải học và trải nghiệm thực tế từ dễ đến khó, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi KTS có thể tự tổ chức bộ máy làm việc của mình nhưng học từ đâu, trải nghiệm kiểu nào, lớn lên cách nào... thì hiện thời là một rừng công ty, nhóm thiết kế tự cấp tự túc, và nếu có thành công chút nào thì cũng không chuyển giao cho ai được. Chưa kể mỗi lần có nhân viên nghỉ việc thì đau như mất của và còn sợ bị chảy máu kinh nghiệm. Tình trạng hiện nay là có rất nhiều công ty thiết kế nhưng không có lực lượng nào đủ mạnh để làm công trình tầm cỡ. Vậy điều đầu tiên, cần hiện đại hóa là từ các nguồn đào tạo cơ bản giới KTS có thể chủ động phát triển và chuyển giao một hệ thống quản trị và nhân lực có kiến thức và trải nghiệm chuyên ngành trong môi trường và thị trường làm nghề của mình, thoát ra khỏi hoàn cảnh lạc hậu của tự cấp tự túc hiện tại.

Trong sự tương thích bắt buộc về hệ thống khi hội nhập, giới KTS trong nước cần những quy tắc giao lưu chặt chẽ với KTS đồng nghiệp nước ngoài để hỗ trợ lẫn nhau, chuyển giao công nghệ và cơ hội trải nghiệm những công trình đặc biệt hoặc phức tạp. Tạo tiền đề làm quen quy trình xây dựng lực lượng và nhất là xây dựng tâm lý tự tin trong sáng tạo kiến trúc.


Sài Gòn Mũi Né Resort - công trình do KTS Nguyễn Văn Tất và cộng sự thiết kế, nhận giải thưởng Hiệu quả Năng lượng cho loại hình Tòa nhà Nhiệt đới năm 2009 do tổ chức Asean Energy và Bộ Tài Nguyên Môi trường trao tặng (Ashui.com) 

Hội nhập không phải là trận giác đấu một mất một còn. Đó là môi trường nếu ta chứng tỏ một giá trị riêng độc đáo mà người khác muốn có, tức khắc ta có từ họ nhiều thứ ta cần. Vậy giới KTS cần phải xây dựng nhiều cơ hội để bộc lộ và quảng bá phát kiến, lý thuyết, thương hiệu cá nhân KTS, tác phẩm độc đáo được vinh danh... với chủ đích một thời điểm nào đó, một sự kiện kiến trúc nào đó có vinh dự được xem như thương hiệu Việt.

Giới KTS là người đầu tiên và cuối cùng chịu trách nhiệm về mọi đổ vỡ giá trị kiến trúc và quy hoạch trên một lãnh thổ. Từng cá nhân KTS có “quyền” nhưng không có “lực” để đảm bảo được điều tốt nhất (kể cả đảm bảo không làm điều không tốt).

Vậy “lực” đó giới KTS có quyền đòi hỏi một thể chế hợp pháp để đảm bảo giúp từng cá nhân KTS và cả giới KTS chịu trách nhiệm trước xã hội. Nếu cả cộng đồng KTS thế giới đang cư xử với nhau theo một tập quán pháp chế thống nhất mà ta chưa tiếp cận được, thì có nghĩa giới KTS Việt Nam còn tụt hậu.

Cần phải có bước đi vào hiện đại !

Hiện đại hóa cái nhìn từ xã hội

Công việc tạo dựng giá trị kiến trúc nhiều lúc như một cuộc chơi từ ngữ, một tập hợp mong manh của đường nét, thậm chí một chút hãnh tiến ích kỷ của KTS, nhưng tiêu tốn hàng đống tiền của và di hại khôn lường đối với xã hội. Nhưng cũng từ đó, hình ảnh những nơi chốn trú ngụ rạng rỡ của cả thế giới đã hình thành. Kiến trúc luôn được hình thành bằng quyền lực. Có nhiều loại quyền lực nhưng cuối cùng đều quy về quyền lực vật chất. Quyền lực này không nằm trong tay KTS mà nó đóng vai Mạnh thường quân, hình thành cơ thể vật chất của ý tưởng kiến trúc. Hoặc ngược lại, giam giữ vĩnh viễn trên giấy những ý tưởng kiến trúc mà vị Mạnh thường quân cho là không phù hợp.

Cho một bước đi vào hiện đại, xã hội cần có luật KTS. Là cơ chế giao quyền lực và trách nhiệm kiến trúc trong sự cân bằng vì một giá trị kiến trúc lâu dài, mà không cản trở quy luật phát triển của thị trường. Qua đó, xã hội kiên định chủ trương:

- Tạo sự bình đẳng giữa nhà tổ chức và KTS trong các cuộc thi tuyển kiến trúc;
- Bảo vệ KTS không làm nghề theo cơ chế làm thuê đơn thuần (dù là thuê tư vấn);
- Bảo đảm sự đầu tư hợp lý và theo thị trường giá trị về cơ cấu thiết kế phí trong Hợp đồng;
- Đảm bảo sự bình đẳng trong chính sách hợp tác khu vực và quốc tế. Có nhắm đến tạo điều kiện xây dựng nguồn nhân lực lâu dài.

Nói tóm lại, mỗi công trình kiến trúc là một tích hợp phức tạp nhiều thứ cơ chế vật chất và xã hội, thì hoạt động sáng tạo có liên quan cũng mở ra nhiều mối nối phức tạp tương thích.

Đi vào hiện đại bắt đầu từ từng người KTS. Nhưng không chỉ có vậy, mà phải cả một môi trường xã hội và pháp chế.

KTS Nguyễn Văn Tất (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam - 09/2011)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo