Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư "Thành phố Văn Lang": Ý tưởng táo bạo về thành phố văn hoá

"Thành phố Văn Lang": Ý tưởng táo bạo về thành phố văn hoá

Viết email In

“Thành phố Văn Lang” là đồ án do ông Trần Văn Liêm - một họa sỹ người Pháp gốc Việt công bố, kết quả của hơn 20 năm dày công nghiên cứu.
 
Họa sỹ Trần Văn Liêm (ảnh bên) cũng vừa bay từ Pháp về Việt Nam để trình bày ý tưởng trên tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam và đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này.

Một thành phố văn hoá

“Thành phố Văn Lang” là đồ án được xuất phát từ khao khát hình thành một công trình vĩ đại có thể trở thành biểu tượng cho nền văn hoá Việt Nam. Hoạ sỹ Trần Văn Liêm cho biết, “Thành phố Văn Lang” được thiết kế phác hoạ dựa trên Kinh Dịch “tiên thiên bát quái”. Thành phố được phác hoạ trên mặt bằng hình tròn với đường kính 1.800m bao gồm 8 đại lộ dẫn vào khu vực quảng trường trung tâm. Các đại lộ sẽ mang tên các loài cây như thiên trúc, hoàng mai, trinh nữ, phượng vỹ, thiên thông, ô lưu, vạn liên, dương liễu. Tại các đại lộ sẽ đều được trồng loài cây tương ứng với tên đường.

Theo ông Trần Văn Liêm, các loài cây này được chọn đều liên quan đến yếu tố địa lý và ý nghĩa về mặt triết học. Trên các đại lộ sẽ đều có những bia đá trích dẫn các quan điểm triết học của các triết gia lớn.  Điểm nhấn đặc biệt nhất của hai đại lộ đầu tiên là hai công trình hình nón mang tên “Thiên tự tháp” - thờ tự Lạc Long Quân và “Hoàng tự tháp” thờ tự Âu Cơ. Hai công trình này sẽ được xây dựng cao khoảng 5m, bắt nguồn từ một hình vuông và một hình tròn, tượng trưng cho trời, đất và cũng chính là biểu tượng cho hình ảnh của bánh chưng và bánh dày. Điểm cuối 6 đại lộ còn lại sẽ là những khối cầu điêu khắc các màu tương ứng với mỗi quan niệm triết học.

  • Ảnh bên : Sơ đồ tổng thể "Thành phố Văn Lang" 

Chính giữa thành phố là khu vực quảng trường có sân khấu âm thanh và ánh sáng được điều chỉnh bằng hệ thống máy vi tính hiện đại. Tại sân khấu này, đồ án đưa ra giả định sẽ là khu vực trình diễn nghệ thuật các tiết mục dựa trên âm vang trống đồng và đều có liên quan đến truyền thuyết Âu Cơ - Lạc Long Quân, truyền thuyết các Vua Hùng, sự tích bánh chưng, bánh dày... Bên ngoài công trình sẽ là hệ thống kênh đào bao quanh với chiều rộng có thể đáp ứng được cho khoảng 300 du thuyền đi lại. Theo tác giả, các du thuyền sẽ là những khách sạn du lịch để đảm bảo yếu tố có thể di chuyển dễ dàng phục vụ nhu cầu tham quan của khách. Những du thuyền khách sạn này cũng sẽ không bị động như các khách sạn thông thường vì có thể di chuyển theo các vùng có khách theo từng thời điểm. Ngoài ra, trong thành phố sẽ có 8 khu vườn bao quanh các công trình. Với thiết kế như trên, họa sỹ Trần Văn Liêm cho rằng toàn bộ công trình sẽ chứa được khoảng 1 triệu người.

  • Ảnh bên : Tháp thờ mẫu Âu Cơ

Mất 20 năm và 1 triệu euro để ra đời đồ án

Theo họa sỹ Trần Văn Liêm, đồ án “Thành phố Văn Lang” đã được ông dành khoảng 20 năm để nghiên cứu. Trong quá trình lập đồ án, ông cũng không nhớ đã đọc bao nhiêu cuốn sách liên quan đến lịch sử Việt Nam, các tư tưởng triết học và kiến trúc. Ông đã tốn khoảng 1 triệu Euro để cho ra đời được đồ án. Để có thể thực hiện được công việc phi thường này, ông và vợ đã khá vất vả. Vợ ông làm thương mại cho một công ty còn ông thì dùng chính nghề hoạ sỹ của mình để nuôi ý tưởng. Công việc hàng ngày của ông hiện nay là vẽ tranh và vẽ chân dung để mưu sinh.

Họa sỹ Trần Văn Liêm hy vọng công trình không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hoá, lịch sử trong nước mà nó còn để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và nền văn hoá Việt Nam với bạn bè quốc tế. Theo tác giả đồ án, nếu ý tưởng trên được được triển khai thì những chi tiết cụ thể sẽ cần phải có sự thảo luận của các nhà khoa học liên quan. Tuy nhiên, theo ông, nếu được thi công thì công trình nên được đặt gần các khu trung tâm thành phố lớn và gần một con sông lớn để hệ thống du thuyền có thể ra vào thuận tiện.

  • Ảnh bên : Đại lộ Thiên Trúc dẫn tới tháp thờ mẫu Âu Cơ 

Họa sỹ Trần Văn Liêm cho biết, “Thành phố Văn Lang” đã được xác định bản quyền ngày 1/7/2008 tại Paris, Pháp tại số chứng nhận INPI- 323996. Tác giả cũng đã báo cáo đồ án với Uỷ ban Người Việt Nam ở nước ngoài và nhận được sự đồng thuận. Chính vì vậy, ông đã tự bỏ kinh phí để bay về Việt Nam và trình bày đồ án trên tại Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào ngày 24/12. Theo họa sỹ, ông sẽ quay về Việt Nam và tổ chức một cuộc triển lãm về ý tưởng này bằng các mô hình trực quan sinh động. Triển lãm này sẽ được tổ chức vào năm 2010 - đúng thời điểm Hà Nội tổ chức kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ông cho biết, nếu chưa nhận được sự giúp đỡ về tài chính để thực hiện cuộc triển lãm thì ông vẫn sẽ tiếp tục “bỏ tiền túi” ra để thực hiện cuộc triển lãm này.

Hoạ sỹ Trần Văn Liêm hiện sinh sống tại Paris - Pháp. Ông từng đạt nhiều giải thưởng và huy chương trong lĩnh vực hội hoạ do Chính phủ Pháp trao tặng. Đặc biệt, ông từng là tâm điểm chú ý trong giới hội hoạ thế giới khi sáng lập ra trường phái “Không gian năm chiều” năm 2005. 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo