Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư "Đánh thức không gian": Cải tạo và thay đổi không gian chợ Hàng Bè

"Đánh thức không gian": Cải tạo và thay đổi không gian chợ Hàng Bè

Viết email In

(Ý tưởng dự thi "Đánh thức không gian" năm 2008)

1. Ý nghĩa lịch sử và văn hóa

-  Trước kia là phố buôn bán nhỏ, buôn bán nhiều mặt hàng khác nhau. Thành phần chợ phần lớn là bà con tiểu thương, ít người là thương gia lớn. Tuy nhiên phố Hàng Bè cũng có nhà giàu lớn, họ làm giàu về nghề thầu khoán. Như Trương Trọng Vọng, thàu đá kè đê ở các tỉnh; Hàn Tính cũng là thầu khoán, có cổ phần trong một công ty nấu rượu ở Hà Đông.

-  Phố Hàng Bè : là tên một phố đi từ ngã ba Hàng Mắm – Hàng Bạc đến ngã tư Cầu Gỗ – Hàng Thùng, nối tiếp phố Hàng Dầu. Phố dài 172m, thuộc quận Hoàn Kiếm. Thời Pháp thuộc, phố có tên là phố Des Radeaux. Tên gọi này về sau được dịch ra tiếng Việt là phố Hàng Bè.

-  Vào những năm 1920 - 1930, đa số các nhà dân ở Hàng Bè đều có cửa hàng bán cau tươi, cau khô, trong đó nổi tiếng như những nhà Phúc Lợi (số 18), Thịnh Phát (số 4). Ngoài ra, đoạn gần ngã tư Cầu Gỗ còn có một khu các nhà chuyên bán sơn, một vài nhà chuyên bán đồ khô. Năm 1940, trên phố xuất hiện hiệu bánh gai Đan Quế (số 24) nổi tiếng đến ngày nay.

-  Nói chung Hàng Bè thời kỳ xa lòng sông không có nhà nào buôn bán vào loại lớn. Việc buôn bán cau, sơn ở trong tay phụ nữ, đàn ông đi làm. Những nhà không buôn bán, con cái đi làm, ban ngày đóng cửa.

-  Phố Hàng Bè xưa thuộc thôn Nam Hoa, thuộc tổng Hữu Túc. Sau đó thôn Nam Hoa đổi tên thành Nam Phố và tổng Hữu Túc cũng đổi tên là tổng Đông Thọ. Trên phố Hàng Bè còn có số nhà 29 vốn là đình Ngũ Hầu thờ Cao Tứ . Ngũ Hầu là một làng vạn, đình ở ngoài đê, đến khi dòng sông Cái ra xa để lại một đoạn sông ( hồ Hoàn Kiếm bây giờ) thì làng chài cũng lênh đênh theo còn đình vẫn ở nguyên tại chỗ.

-  Tuy nhiên, phố Hàng Bè là nơi ghi dấu nhiều tên tuổi phú gia cũng như các giai thoại về các văn nghệ sĩ những năm đầu thế kỉ như thầu khoán Trương Vọng Trọng ở số 42 Hàng Bè. Ngôi nhà 42 này gồm nhiều lớp, bên trong có nhà thờ họ (nay là Trường PTCS Bắc Sơn) được xây vào năm 1925 - 1926. Nhà Phúc Lợi số 18 Hàng Bè của ông Cả Tung cũng là một di tích của phố với kiến trúc nhà cổ, diện tích nhà rộng, lòng sâu. Căn nhà số 10 được xây dựng vào năm 1938 của bác sĩ Nguyễn Hữu Thuyết (1912 - 1995) - một bác sĩ yêu nước, thương yêu và luôn chăm lo cho những người nghèo khó, là lớp bác sĩ đầu tiên của trường thuốc Đông Dương, người thầy thuốc đầu tiên có mặt trong những ngày đầu kháng chiến. Số nhà 15 Hàng Bè từng là nhà của nhà văn Nhất Linh - một cây bút đại thụ của văn học Việt Nam đầu thế kỉ XX, thành viên nhóm Tự lực văn đoàn.

-  Phố Hàng Bè là một phố nhỏ của khu phố cổ Hà Nội. Ngày nay, Hàng Bè mang một ít dáng dấp cổ xưa nhưng cũng có những nét cận đại, những ngôi nhà phố đan xen. Sinh hoạt của phố Hàng Bè không còn như trước. Các hàng bán cau tươi, cau khô đã không còn nhiều mà đã trở thành một phố buôn bán nhỏ với đủ các mặt hàng quần áo, giày dép, thức ăn… Hàng Bè cũng như những phố khác của khu phố cổ đang từng ngày đổi thay và đánh mất diện mạo cổ kính của mình.

2. Hiện trạng chợ Hàng Bè hiện nay

-  Chợ Hàng Bè hiện nay mang tính chất chợ bán kiên cố, dù có lịch sử từ thời Pháp đến nay.

-  Chợ Hàng Bè luôn nằm trong những dự án cải tạo, tháo dỡ, xây mới của chính phủ và các cơ quan chức năng cũng như bảo tồn thành phố Hà Nội với những dự án kéo dài 5-6 năm. Tuy nhiên vẫn chưa bất cứ dự án nào được xử lý triệt để.

-  Khác với các chợ thông thường, chợ Hàng Bè nằm giữa làn đường của đoạn đường Gia Ngư- Ngõ Hàng Bè- Ngõ Cầu Gỗ- môt phần tiếp xúc ngõ Trung Yên.

-  Hình thức chợ là do các tiểu thương họp tự phát ,ban ngày lều lán được dựng lên ,tối lại cuốn về chứ không được xây dựng kiên cố,không được tổ chức hay theo một cấu trúc hay không gian cụ thể.

-  Di tích của chợ còn tồn tại đến bây giờ là :Địa điểm gần như không có gì thay đổi ,chỉ là sự kéo dài hay thu hẹp do ảnh hưởng, thay đổi,phát triển theo nhiều yếu tố lịch sử của từng thời khác nhau.Một số hộ vẫn giữ truyền thống buôn bán và không gian buôn bán theo kiểu nhà phố đặc trưng có cửa hàng ở tầng 1.Nếp sinh hoạt ,họp chợ,lấy mối hàng từ sáng sớm cho đến 7h tối tất cả các ngày trong tuần và mặt hàng buôn bán đặc trưng và cũng là đặc sản đất Hà Thành vẫn còn được lưu giữ.Theo thời gian diện mạo chợ có nhiều biến đổi, thời họp thưa ,thời họp đông,thời khá dài từ lúc sơ khai chỉ là những gánh hàng,chỗ ngồi tạm trên vỉa hè lòng đường, che nắng mưa bởi lều,bạt, vải thô xơ…sau này được tổ chức chia không gian chạy tuyến theo 4 nhánh phố, 4 đầu là 4 ngõ ra vào các tiểu thương được phân ô,sạp hàng .Cơ sở hạ tầng chủ yếu có khung mái thống nhất và lợp tôn ,các đường dây điện tới từng sạp có nhu cầu,hệ thống cống ,mặt đường được xây hay cải tạo cùng theo hệ thống của khu phố cổ.Gần đây mái tôn được dỡ xuống thay vào đó là mái di động bằng tấm bạt …

-   Chợ phố với tuổi đời kéo dài 1 thế kỷ nằm ngay sát bên Hồ Gươm,không chỉ là nơi trao đổi ,thương mại mà đã trở thành một không gian văn hóa,một nếp sống sinh hoạt trong truyền thống của người dân nơi đây.Chợ nổi tiếng với đồ ăn ngon,rau quả tươi,thức quà bánh đặc sản không chỉ ở Hà Nội mà còn quy tụ ở nhiều vùng miền trên cả nước.

-   Tuy nhiên sự sắp xếp các gian hàng trong chợ chưa hợp lý, hàng khô hàng ướt, có sơ chế và không, chế biến sẵn đồ ăn chín còn lẫn lộn, dẫn đến tình trạng chung trong cả chợ là ẩm ướt, vệ sinh chưa bảo đảm. Việc che bạt kín không gian chợ làm mất ánh sáng mặt trời, một điều kiện rất tốt cho việc triệt tiêu vi khuẩn.

-   Sự dụng bạt tuy cơ động nhưng thời gian sử dụng có giới hạn.

3. Bảo tồn và phát triển chợ Hàng Bè

1. Không tác động gì tới công trình bảo tồn.

2. Lưu giữ lại như bảo tàng sống .

3. Giữ gìn và bảo tồn để chúng trở gần về với nguyên dạng.

4. Chấp nhận sự cộng sinh và bảo vệ tính dân tộc lịch sử.

5. Áp dụng kỹ thuật mới và quan điểm mới để tái hiện lại không gian kiến trúc đó theo tinh thần truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

-  Theo như đặc điểm của chợ Hàng Bè dựa trên quá trình phân tích trên về lịch sử,di tích, hiện trạng,các giá trị, vai trò cũng như mục đính bảo tồn nhóm làm việc và thống nhất áp dụng kết hợp quan điểm bảo tồn 4 và 5.

-  Chấp nhận sự cộng sinh và bảo vệ tính dân tộc lịch sử vì chợ. Hàng Bè hình thành dần dần từ một quá trình lâu dài,có sự phát triển liên tục và đóng góp của nhiều thế hệ nối tiếp những dấu ấn văn hóa mang tính lịch sử đó là sự cộng sinh của nhiều loại ,hình thức,kỹ thuật công nghê…Trên quan điểm đó ,sẽ chấp nhận có sự đan xen phong phú giữa truyền thống và những cái mới …Sẽ chỉ gạt bỏ những thứ tùy tiện phát sinh,chắp vá … kết hợp với việc áp dụng kỹ thuật và quan điểm tiên tiến nhằm bảo lưu lâu dài , giữ nhưng nét đẹp truyền thống còn phù hợp với xã hội hiện đại.

- Đã có một số dự án khác nhau được đưa ra:

  • Phương án thứ 1: Cải tạo phía chợ tạm ở khu vực phía sau chợ Đồng Xuân - Bắc Qua để chuyển toàn bộ 60 hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống sang khu vực này. Lựa chọn 10 hộ trong số 60 hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống kinh doanh sản phẩm sạch để giới thiệu. Số hộ kinh doanh còn lại sau khi xây dựng Trung tâm thương mại Hàng Da.
  • Phuơng án thứ 2: Giải toả trắng chợ Hàng Bè sẽ phối hợp với Ban quản lý chợ điều tra, lấy ý kiến của nhân dân và sắp xếp ngành nghề để có sự đồng thuận của nhân dân.
  • Phương án thứ 3: Chuyển chợ Hàng Bè, là chợ quà tặng lưu niệm để phù hợp với hoạt động khu phố cổ. Hiện nay, Ban quản lý chợ lấy ý kiến đóng góp của nhân dân sinh sống tại khu vực và hộ kinh doanh tại chợ.

-  Tuy nhiên tất cả các phương án trên đều thay đổi hoàn toàn tính chất buôn bán của chợ hoặc thay đổi không gian cũng như cơ cấu chợ.

4. Giải pháp mới cho chợ Hàng Bè- một giải pháp mang tính chất chợ cố định

-  Sau khi nghiên cứu, đưa ra giải pháp mái mới cho khu chợ cố định, việc xây 1 khu chợ cố định giúp cho bà con tiểu thương có khả năng ổn định công việc kinh doanh buôn bán.

-  Theo nguyên lý bảo tồn, để giữ được không gian chợ như hiện tại và cân bằng giữa không gian sống và không gian buôn bán, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp mái theo dạng module bằng bê tong nhẹ và kết cấu thép.

-  Việc đưa mái che kín đường và nối liền với các hộ xung quanh cũng đồng nghĩa với việc đưa nhà cổ và nhà dân xung quanh 2 bên đường trở thành 1 thành phần thực sự của chợ Hàng Bè.

-  Sử dụng mái bê tông và module theo dạng hình nấm khiến cho mặt bằng mái trở nên sinh động và tạo cảm giác dễ chịu hơn với những người dân sống ở hai bên. View nhìn từ trên tầng 2,3 xuống dải mái, với hệ thống cửa sổ mái và khoảng thông lấy sáng và không khí cùng kết hợp với cây xanh, đem lại cảm giác dễ chịu

-  Khu vực bán hàng giữa chợ được nâng cốt sàn lên 200mm,tạo sự phân cách rõ ràng giữa khu bán hang và đường đi lại , đồng thời tạo các nơi thoát nước trực tiếp từ nơi bán hang xuống cống ( hiện nay các hộ bán hàng đổ nước ngay ra đường đi ,gây ướt và bẩn)

-  Đường thoát nước đạt dộ dốc với chỗ thu và thoát nước 2%.Cải tạo đường cống ,đầu thông tắc đễ dàng thuận tiện, đảm bảo chất lượng mặt đường và đặc biệt là các nắp cống .

-  Cải tạo lại hệ thống dây điện ,các cột đèn đảm bảo chức năng ,thẩm mỹ và an toàn.

-  Bố trí lại không gian buôn bán trên vỉa hè bằng cách  giải tỏa hết các hộ đang kinh doanh trên vỉa hè thay vào đó là tổ chức có hệ thống ,đồng dạng về hình thức của các hộ đang kinh doanh hoặc đồng ý cho thuê cửa hàng tầng một của nhà dân.

-   Các sạp hàng ở giữa cũng cần có một thống nhất thành 1 hệ thống ,đồng dạng về hình thức,sao cho để vừa tích kiệm diện tích ,kiểu sạp hàng thích hợp với từng loại nhóm mặt hàng .

-   Thay đổi cơ bản các không gian buôn bán trong chợ 1 cách qui củ, phân ra khu hàng ướt và khô thành các khu vực khác nhau giúp thuận tiện cho vệ sinh chợ sau 6h tối.

-  Sau 6h tối, chợ được vệ sinh sạch sẽ, thu dọn các sạp hàng vào các nhà dẫn 2 bên ( hiện tại các hộ kinh doanh trên lòng đường ở khu vực chợ Hàng Bè vẫn sử dụng phương pháp tương tự để cất giữ hàng hóa cho đến sáng ngày hôm sau). Và khi đó chúng ta có 1 không gian trống, một không gian xanh có thể làm nơi vui chơi, 1 phố đi bộ trong không gian chật hẹp của phố cổ và trung tâm thành phố.

-  Tất cả các hình thức trên được tiến hành 1 cách đồng bộ để việc giữ gìn văn hóa chợ tại khu chợ Hàng Bè vẫn được bảo đảm nhưng vẫn giữ được vệ sinh môi trường và một khu không gian xanh- sạch, một môi trường sống thoải mái cho những người dân xung quanh chợ.

5. Lời kết

Việc chợ Hàng Bè tồn tại suốt gần 1 thế kỷ qua chứng minh vị trí về văn hóa cũng như kinh tế và thậm chí cả du lịch đối với người dân Hà Nội nói chung  và người dân phố cổ nói chung. Việc di dời hay xây mới với hình thức kiến trúc chợ mới ( với trên là khu trung tâm thương mại, phía dưới là chợ) hoàn toàn không phù hợp với vị trí của chợ Hàng Bè cũng như phá đi cảnh quan của chợ và bản chất phố cổ là loại hình phố chợ

Chợ Hàng Bè nằm giữa con phố là một đặc điểm rất thú vị rất hiếm trên thế giới, điều đó gây sự thú vị cho khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Nguyễn Thị Minh Phượng - Tạ Thị Tâm - Bùi Thị Thu Hà

[ http://ashui.com/danhthuckhonggian/cai-tao-va-thay-doi-khong-gian-cho-hang-be/ ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo