Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Cộng đồng Kiến trúc sư Chủ nhân Pritzker 2014 Shigeru Ban: Nhà giấy cũng trường tồn nếu được yêu thích

Chủ nhân Pritzker 2014 Shigeru Ban: Nhà giấy cũng trường tồn nếu được yêu thích

Viết email In

Kiến trúc sư Nhật Bản Shigeru Ban, người tạo dựng danh tiếng cho mình trong suốt hơn 30 năm qua với nhiều công trình trên khắp thế giới, vừa đoạt giải Pritzker 2014, vẫn được xem là "giải Nobel Kiến trúc”.

Shigeru Ban, 56 tuổi, là kiến trúc sư thứ 7 của Nhật Bản được trao tặng giải thưởng trên.


Kiến trúc sư Nhật Bản Shigeru Ban, chủ nhân giải Pritzker năm nay.

Con người giàu lòng bác ái

Trong 2 thập niên qua, ông thường xuyên lao tới các địa điểm xảy ra thảm họa, như trận động đất Kobe 1995 hay cuộc xung đột Rwanda 1994, để giúp đỡ các nạn nhân, xây cho họ các ngôi nhà ở tạm thời.

Ông thường dùng các ống giấy các-tông làm vật liệu xây dựng, do chúng dễ kiếm ở mọi nơi, dễ vận chuyển, chống lửa và chống nước. “Kể cả khi làm những ngôi nhà tạm ở Kigali, Rwanda, tôi cũng có thể tìm được các ống giấy các-tông. Tôi không tạo nên bất cứ một thứ gì mới mẻ, mà chỉ đang sử dụng chất liệu đang có sẵn theo một cách khác hẳn” - ông nói.

Tuy nhiên công trình do ông tạo ra luôn mang ý nghĩa nhiều hơn một nơi ở tạm. Ví dụ sau các trận động đất, sóng thần hồi năm 2011 ở Nhật Bản, ông đã tạo vách ngăn trong các ngôi nhà tạm để các gia đình sống tại đây có sự riêng tư tối thiểu. Trong trận động đất tại L'Aquila, Italy hồi năm 2009, ông đã tạo ra một thính phòng tạm để các nhạc công của thành phố có thể tiếp tục chơi nhạc.

Hay sau trận động đất ở Kobe hồi năm 1995, ông đã tạo dựng một công trình mang tên Nhà thờ giấy. Do được yêu thích nên công trình này vẫn tồn tại tới tận 10 năm sau. Tuy nhiên, sau đó nó đã bị tháo dỡ để nhường chỗ cho một công trình cố định khác và được tái dựng lại ở Đài Loan, trở thành trung tâm cộng đồng.

Tại cuộc phỏng vấn gần đây, Shigeru cho biết các công trình nhân đạo luôn là ưu tiên cao nhất, là "công việc cả đời" của ông.


Nhà ở từ container - Onagawa, MIYAGI, 2011

Kiến trúc sư cần gánh vai trò xã hội lớn hơn

Ngoài công việc mang tính nhân đạo, các dự án đáng chú ý của Ban gồm có Trung tâm Pompidou-Metz, một bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Metz (Pháp). Công trình này có mái cong rất đặc biệt được làm bằng gỗ. Shigeru đã thiết kế công trình này sau khi lấy cảm hứng từ một loại mũ Trung Quốc.

Trong thông báo chính thức, Ban giám khảo giải Pritzker năm nay ca ngợi cách sử dụng chất liệu độc đáo của Shigeru trong xây dựng: “Shigeru nhận thấy rõ được tác dụng của các thành phần thông thường và chất liệu thông dụng, như ống giấy, bao bì đóng gói hay các container và sử dụng chúng theo những cách hoàn toàn mới”.

Với công trình Naked House nổi tiếng ở Saitama (Nhật Bản), Shigeru đã dùng các tấm nhựa để làm tường bên ngoài và mica trắng lắp quanh một khung gỗ để tạo nên một ngôi nhà. Công trình này đã thách thức quan niệm truyền thống về các căn phòng và lớn hơn là cuộc sống trong một ngôi nhà.

Tại công trình Curtain Wall House ở Tokyo, Shigeru đã dùng các bức rèm trắng dài phủ kín 2 tầng, để mở hoặc đóng ngôi nhà với thế giới bên ngoài. Tương tự, công trình Metal Shutter Houses của ông ở New York đã sử dụng một hệ thống cửa chớp bằng kim loại để mở cửa các căn hộ, đón không khí ngoài trời.

Shigeru cho rằng, các kiến trúc sư thật may mắn vì họ luôn được phục vụ những người có đặc quyền. Nhưng theo ông, cộng đồng kiến trúc sư cần phải có vai trò lớn hơn với xã hội.

“Sau khi trở thành kiến trúc sư, tôi đã rất thất vọng về nghề của mình, bởi chúng tôi thường làm các công trình cho những người có quyền lực và tiền bạc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các kiến trúc sư phải có vai trò xã hội lớn hơn. Chúng ta có thể vận dụng các trải nghiệm hay kiến thức của mình để hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ ở các vùng chịu thảm họa. Kể cả làm một ngôi nhà tạm, chúng ta cũng có thể làm cho nó thoải mái và đẹp hơn” - Shigeru nói.


Trung tâm Pompidou-Metz ở Pháp, công trình do Shigeru Ban thiết kế.

Cảm thấy chưa xứng đáng đoạt giải

Shigeru sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, trước khi tới Mỹ vào năm 17 tuổi để học kiến trúc. Năm 1985, Shigeru bắt đầu làm việc ở Tokyo. Một trong những dự án đầu tiên của ông là làm cửa hàng nhỏ cho mẹ mình, một nhà thiết kế thời trang.

Giờ có văn phòng ở 3 thành phố lớn là Tokyo, Paris và New York, Shigeru vẫn nói rằng ông cảm thấy mình chưa xứng đáng nhận giải Pritzker. “Tôi vẫn chưa đạt được thành tựu xứng đáng, tuy nhiên tôi sẽ lấy giải thưởng này làm nguồn khích lệ cho các dự án tương lai của mình” - ông cho biết.

Shigeru bày tỏ, khi nhìn thấy các khách hàng sống hạnh phúc, dù là tại công trình đắt tiền nhất hay trong các ngôi nhà tạm đơn giản, ông đều thấy vui như nhau. Ông cũng xem sự yêu thích của người sử dụng công trình là yếu tố quan trọng nhất giúp nó có tồn tại lâu dài hay không. "Ngay cả một ngôi nhà làm từ giấy cũng có thể trường tồn, nếu người ta yêu mến nó" - ông nói - "Và ngay cả một ngôi nhà bê tông cốt thép cũng có thể chỉ là một thứ tạm bợ, như những gì chúng ta đã thấy trong các trận động đất".

Do Tổ chức Hyatt bảo trợ, giải kiến trúc Pritzker thường niên được doanh nhân (đã quá cố) Jay A.Pritzker và vợ ông Cindy sáng lập từ năm 1979, nhằm "tôn vinh một kiến trúc sư còn sống, người có tài năng, có tầm nhìn và tận tâm, luôn có những đóng góp ý nghĩa cho nhân loại, tạo dựng môi trường thông qua nghệ thuật kiến trúc".

Việt Lâm (theo AP)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo