Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Công nghệ Giải pháp Tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện - Sự giao thoa giữa “Cũ” và “Mới”

Tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện - Sự giao thoa giữa “Cũ” và “Mới”

Viết email In

Trong quá trình phát triển của thủ đô, quy hoạch đô thị là động lực và công cụ góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, để thành phố có thể trở mình, vươn tầm lên một đô thị hiện đại tầm cỡ thế giới. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội đứng trước cơ hội và thách thức mới. Công tác quy hoạch được triển khai đồng bộ không chỉ đối với các trục đường chính, các khu dân cư mà các cơ quan của chính phủ cũng được xem xét quy hoạch đồng bộ để mang đến một diện mạo mới cho thủ đô ngàn năm văn hiến đang hòa mình vào dòng chảy của đô thị hiện đại. Đặc biệt sự hài hòa giữa những giá trị cũ - mới càng phải được chú trọng và cần sự quy hoạch linh hoạt, tránh lãng phí.

Sự giao hòa giữa Kiến trúc & Công nghệ 

 
Tòa nhà Cục Tần số Vô tuyến điện (cũ / trái) và tòa nhà (mới / phải) sau cải tạo 

Cục Tần số Vô tuyến điện là cơ quan đại diện của Bộ Thông tin và Truyền thông trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế về kỹ thuật, kiểm soát toàn bộ việc thu – phát sóng vô tuyến điện trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tòa nhà này được sử dụng làm văn phòng làm việc của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan. Với vị trí nằm trên trục đường quan trọng, thiết kế hình khối cô đọng mang tính biểu tượng hoàn hảo, hài hòa với cảnh quan của khu vực. Sự giao thoa giữa “cũ” và “mới” cũng trở thành điểm nhấn đặc biệt trong cấu trúc của công trình này. Một tòa tháp 27 tầng được xây dựng mới bao phủ trên một phần nền móng của tòa nhà 10 tầng cũ. Bên cạnh đó, tòa nhà cũ được tận dụng và cải tạo lại, kết hợp với tòa nhà mới để tạo thành một khối kiến trúc hoàn chỉnh và hiện đại. Công trình được bao quanh bởi quảng trường đi bộ, không gian xanh và hệ thống giao thông đa tuyến nội bộ đã tạo nên một tổng thể vừa hài hòa, vừa hiện đại, thân thiện với môi trường. “Lõi xanh” của tòa nhà không chỉ là những không gian cây xanh được bố trí để tạo thành các điểm nhấn, mà những vật liệu thông minh được sử dụng, điển hình như hệ thống tường kính bọc bên ngoài tòa nhà cũng đồng thời góp phần làm giảm bớt sự tiêu hao năng lượng. Và giải pháp hoàn thiện hệ thống vách nhôm kính lớn do tập đoàn TID phát triển được lựa chọn như một giải pháp hoàn hảo, đáp ứng được yêu cầu về tính thẩm mỹ cũng như giải quyết được triệt để khó khăn phải đối mặt trong quá trình xây dựng bởi cấu trúc đặc biệt của công trình. 

Theo thiết kế, tòa nhà được bọc kính phản quang để mang lại phong cách kiến trúc hiện đại, phù hợp với cảnh quan chung của khu vực. Đặc biệt không gian giếng trời được bố trí cây xanh điều hòa không khí từ tầng 21 đến tầng 31 của tòa tháp được lắp đặt hệ kính trong suốt, tạo nên điểm nhấn “xanh” cho công trình. Những tấm kính khổ lớn, kết hợp với hệ dầm bê tông vượt nhịp được chống đỡ bởi giàn thép cột chống xiên kết cấu không gian đầu tiên được sử dụng tại Đông Nam Á do TID cung cấp và thi công được cho là một trong những giải pháp hoàn hảo mang tính thẩm mỹ cao cho các tòa nhà cao tầng. Sự cộng hưởng này tạo tầm nhìn thoáng, đồng thời mang đến sự kết hợp hài hòa giữa con người và môi trường khi toàn bộ không gian có thể đón được ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, khu vực giếng thông tầng (từ tầng 21 đến tầng 31) của tòa nhà với tấm kính khổ lớn (2.4m x 1.8m) liên kết bởi hệ chân nhện (Spider) được thi công lắp dựng trên tầng cao, không có mặt bằng để triển khai, đã tạo ra một thử thách lớn đối với đơn vị thi công lắp đặt kính. Vượt qua những khó khăn và thử thách trong quá trình tìm ra giải pháp thiết kế và thi công, TID càng chứng tỏ bản lĩnh của một đơn vị tiên phong khi hoàn thành công trình với hệ dàn không leo vách kính Spider đầu tiên ở Miền Bắc. 


Trụ sở Cục Tần số giống như một tòa tháp vô hình – Invisible building


(ảnh nguồn: Viracon) 

Ngoài giá trị thẩm mỹ, một trong những điểm nổi bật mà hệ mặt dựng sử dụng kính phản quang Low-E mang lại cho công trình là khả năng làm giảm luồng nhiệt dư thừa và độ chói sáng, cân bằng những ánh sáng thông thường, giảm tiêu thụ năng lượng và ngăn chặn tia UV gây hại cho con người. Toàn bộ kính phản quang Low – E được sử dụng cho công trình Cục tần số vô tuyến điện được TID nhập khẩu từ thương hiệu hàng đầu – Viracon. Màu sắc của kính được lựa chọn vừa đảm bảo hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan khu vực, vừa làm nổi bật khối kiến trúc hiện đại của một “tòa tháp vô hình”. 

Việc xử lý tinh tế sự chuyển động linh hoạt các không gian và việc bố trí các chức năng sử dụng của tòa nhà cũng như sự thay đổi diện mạo bên ngoài của tòa tháp cũ đã tạo nên một quần thể kiến trúc hài hòa, thể hiện được quy mô, tầm vóc của công trình. Đồng thời tạo nên cảnh quan kiến trúc hiện đại góp phần vào quá trình đô thị hóa của thủ đô Hà Nội. 

Nguyễn Hằng - TID Group 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo