Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Công nghệ Giải pháp Thiết kế công trình chịu động đất: Vấn đề cấp bách!

Thiết kế công trình chịu động đất: Vấn đề cấp bách!

Viết email In

Việt Nam hiện chưa có nhiều kinh nghiệm về thiết kế và xây dựng công trình kháng chấn. Do hạn chế về năng lực nên vẫn còn tồn tại một số công trình giao thông, thủy lợi… bởi các tổ chức tư vấn thiết kế trong nước khi thiết kế chưa xem xét tới khả năng kháng chấn…
 
Đó là một trong những nội dung tại công văn số  1915 /BXD-GĐ do Bộ Xây dựng gửi Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến phòng và chống động đất; hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của Quy chuẩn và Tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho các công trình xây dựng, đặc biệt là các dự án công trình công cộng. 

Việt Nam có thể xảy ra động đất yếu
 
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên, trong quá khứ, đã từng xảy ra những trận động đất hoặc chịu ảnh hưởng của dư chấn tại một số nơi trên lãnh thổ nước ta.
 
Căn cứ bản đồ phân vùng động đất lãnh thổ Việt Nam do Viện Vật lý Địa cầu lập, ở nước ta chỉ có một số vùng thuộc khu vực phía Bắc được dự báo là có khả năng xảy ra động đất cấp 8 (theo thang MSK), chấn động do động đất gây ra tại một số địa điểm vùng Tây Bắc có thể đạt tới cấp 9, còn đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam có thể xảy ra động đất yếu và rất yếu. Như vậy, động đất xảy ra tại Việt Nam có cường độ không mạnh và số lượng không nhiều so với nhiều nơi trên thế giới, cường độ thường ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất động đất với cường độ mạnh xảy ra là rất thấp.


Nhiều công trình xây dựng “thờ ơ” với thiết kế kháng chấn

 
Theo Bộ Xây dựng, tình hình chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về phòng chống động đất cho các công trình xây dựng trong những năm qua ở nước ta chưa được tốt và đồng đều. Ở giai đoạn xây dựng thời kỳ 1954 – 1976, với giải pháp kết cấu nhà lắp ghép tấm lớn đã hình thành nên các khu chung cư: An Dương, Phúc Xá, Bờ sông (từ 1 đến 2 tầng); Kim Liên, Nguyễn Công Trứ (từ 4 đến 5 tầng); Yên Lãng, Trương Định (2 tầng); Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ (từ 4 đến 5 tầng). Tuy nhiên, hầu hết các công trình nhà đều là thấp tầng và không được thiết kế kháng chấn.
 
Ở giai đoạn xây dựng thời kỳ 1976 – 1986, tại Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Phúc Yên, Việt Trì và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc xây dựng phổ biến loại nhà lắp ghép tấm lớn. Chính trong một số loại nhà lắp ghép tấm lớn này đã được tính toán để chịu được động đất. Nhà cao tầng đầu tiên do Việt Nam thiết kế có tính toán chịu động đất là nhà 11 tầng Giảng Võ (Khách sạn Hà Nội). Hầu hết các công trình được thiết kế kháng chấn đều ở khu vực miền Bắc. Ở miền Nam phần lớn các công trình được xây dựng trước đây đều chưa quan tâm đến vấn đề kháng chấn.
 
Trong giai đoạn xây dựng thời kỳ từ 1986 đến 1997, một số dự án đầu tư của nước ngoài được triển khai ở Việt Nam. Các công trình cao tầng thuộc các dự án đầu tư nước ngoài đều được thiết kế kháng chấn.
 
Ở giai đoạn xây dựng thời kỳ 1997 đến nay, các công trình xây dựng được phát triển về số lượng, loại và cấp công trình.  Với các công nghệ mới, ở nước ta xuất hiện ngày càng nhiều các công trình cao tầng trên 20 tầng. Riêng ở Hà Nội, nhiều nhà cao tầng do Tổng công ty Vinaconex xây dựng, sử dụng giải pháp thi công trượt lõi cứng kết hợp với sàn và cột lắp ghép. Các công trình có kết cấu thi công theo giải pháp này có nhược điểm là khó kiểm soát được chất lượng mối nối, vì vậy sẽ dần được hạn chế sử dụng. Các công trình được xây dựng ở Hà Nội và một số nơi khác trong giai đoạn này hầu hết đều được thiết kế kháng chấn chịu động đất cấp 7. Tiêu chuẩn kháng chấn được áp dụng vẫn chủ yếu là tiêu chuẩn của Liên Xô và Tiêu chuẩn UBC của Hoa Kỳ.
 
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm về thiết kế và xây dựng công trình kháng chấn. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia đầu ngành khác thuộc các trường đại học chuyên ngành kiến trúc và xây dựng đã hoàn thành Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”. Đây là tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật được nghiên cứu, biên soạn trên cơ sở Tiêu chuẩn châu Âu, phù hợp với định hướng của Bộ Xây dựng về việc đồng bộ hóa hệ thống tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế. Tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật này đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho việc thiết kế và xây dựng nhà và công trình trong vùng động đất để bảo đảm an toàn trong trường hợp có động đất: Sinh mạng con người được bảo vệ; Các hư hỏng được hạn chế; Những công trình quan trọng có chức năng bảo vệ dân sự  vẫn có  thể  duy  trì hoạt động.
 
Căn cứ báo cáo của Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (42/63 địa phương có báo cáo), các công trình xây dựng tại các địa phương trước khi TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất" có hiệu lực, đều không được quan tâm tới thiết kế kháng chấn, ngoại trừ tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được thực hiện tốt.
 
Các công trình giao thông có quy mô lớn và có tầm quan trọng đều có thiết kế kháng chấn như: cầu Thanh Trì, cầu Bãi Cháy, cầu Vĩnh Tuy, cầu Sông Gianh, cầu Thủ Thiêm...  Tuy nhiên, do hạn chế về năng lực nên vẫn còn tồn tại một số công trình giao thông do các tổ chức tư vấn thiết kế giao thông trong nước khi thiết kế chưa xem xét tới khả năng kháng chấn. Các công trình thủy lợi nói chung và các công trình hồ chứa của nhà máy thủy điện nói riêng đều có tình trạng tương tự như công trình giao thông nêu trên.

Trong quá trình động đất, công trình xây dựng bằng kết cấu khung phải chịu các mô men
tăng cường và lực cắt. Mô men lớn nhất tác động tại các mối nối giữa cột và nền móng,
giữa cột và dầm, do đó các mối nối không đủ mạnh sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của lực.


Sẽ phổ biến rộng rãi Tiêu chuẩn “Thiết kế công trình chịu động đất”

 
Bộ Xây dựng đang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ là đối với các công trình khi thiết kế chưa tính đến khả năng kháng chấn tại những khu vực có khả năng xảy ra động đất: Chủ sở hữu, chủ quản lý sử dụng phải tiến hành kiểm tra khả năng chịu lực của công trình thông qua bài toán ngược bằng mô hình toán trên cơ sở các tiêu chuẩn hiện hành về phân vùng động đất và thiết kế kháng chấn. Trên cơ sở đó có biện pháp gia cường nhằm hạn chế các thiệt hại do động đất gây ra.  Sở Xây dựng các địa phương thông báo, hướng dẫn các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng gia cường công trình và có biện pháp sơ tán kịp thời khi xảy ra động đất.
 
Bộ Xây dựng sẽ phối hợp cùng Bộ Khoa học Công nghệ và các Bộ có quản lý công trình chuyên ngành tiếp tục cùng các địa phương, các Hội nghề nghiệp để hướng dẫn, tập huấn, phổ biến rộng rãi nội dung Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006 “Thiết kế công trình chịu động đất”;  Sớm ban hành Phần 3 “Đánh giá và gia cường kết cấu nhà” của Tiêu chuẩn Tiêu chuẩn TCXDVN 375:2006; “Hướng dẫn giải pháp cấu tạo kháng chấn” cho các công trình có quy mô nhỏ trong vùng có xảy động đất nhưng không yêu cầu tính toán, nhất là đối với các nhà ở riêng lẻ, thấp tầng. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát Quy chuẩn xây dựng và các hướng dẫn cần thiết về xây dựng trong vùng động đất; Kiểm tra và kiểm soát các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật trong đó đặc biệt là quy định về phòng, chống động đất.

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo