Ashui.com

Tuesday
Apr 16th
Home Công nghệ Xu hướng Bản chất công trình xanh là tiết kiệm năng lượng

Bản chất công trình xanh là tiết kiệm năng lượng

Viết email In

Đây là thông điệp được đưa ra tại cuộc hội thảo “Công trình xanh - Đầu tư chiến lược và sử dụng hiệu quả năng lượng” do Viện nghiên cứu công nghệ FPT và Cty TNHH GreennoCom phối hợp tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/10.

Đại diện Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), ông Darren ODea cho biết: Việt Nam đang đứng trước thánh thức về đô thị hóa nhanh. Từ nay đến năm 2030, mỗi năm dân số đô thị tăng lên 1 triệu người. Đến năm 2020, diện tích xây dựng sẽ tăng gấp đôi. Điều đáng nói ở đây là Việt Nam tuy rất thiếu điện nhưng việc sử dụng điện lại không hiệu quả. Các công trình đang chiếm 30 - 40% năng lượng sử dụng; 19% lượng nước sạch tiêu thụ, 29% lượng gỗ khai thác, 40 - 50% nhiên liệu thô được sử dụng…


(ảnh: GreennoCom) 

Bà Trịnh Thị Hòa (Quỹ Bảo vệ Môi trường - EDF) đề cập đến một thách thức mang tính dự báo: “Nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ vượt xa khả năng tự cung cấp, chắc chắn đất nước sẽ chuyển sang nhập khẩu thay vì xuất khẩu năng lượng trước năm 2015”.

Đưa ra những bằng chứng về sự ảnh hưởng việc tiêu thụ năng lượng đối với sự biến đổi khí hậu, bà Hòa cho rằng: Sử dụng năng lượng một cách hiệu quả là yếu tố quan trọng góp phần giải quyết biến đổi khí hậu, là giải pháp ít tốn kém so với xây mới các nhà máy phát điện… Các học giả khác cũng đồng tình: Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Việt Nam, nơi mà sự bùng nổ kinh tế liên tục hiện đang dẫn đến một số lượng lớn các hoạt động xây dựng… Đề xuất được thống nhất đưa ra là Việt Nam nên ban hành tiêu chuẩn cho các thiết bị điện, xây dựng bộ tiêu chuẩn (máy điều hòa, máy lạnh, bình đun nước nóng…), có các ưu đãi ban đầu cho sử dụng thiết bị tiết kiệm điện (giảm giá bán, hỗ trợ lắp đặt, hoàn một phần tiền mua sản phẩm…). Ở lĩnh vực xây dựng, các tiêu chuẩn phải đề cao yếu tố hiệu quả thông qua các quy định và hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn cho hệ thống chiếu sáng trong và ngoài công trình, thiết bị thông gió, vật liệu cách nhiệt… Cũng theo bà Hòa, nên phân biệt các tiêu chuẩn áp dụng trong công trình xây dựng dân dụng và văn phòng, khu thương mại, đồng thời tiêu chuẩn cũng cần phân chia cho phù hợp với từng vùng địa lý có điều kiện tự nhiên và khí hậu khác nhau. Ngoài ra, cần xây dựng mô hình thí điểm kết hợp tiêu chuẩn xây dựng và thiết bị điện, mô hình tiết kiệm và hiệu quả cho công trình xây mới hoàn toàn để đối chứng với các công trình hiện có sẵn, cũ.


Toà nhà Chinatrust Bank, Đài Loan 

Ủng hộ các giải pháp hiệu quả năng lượng, KTS Trần Thành Vũ (Công ty Kume Design Asia) cho rằng tiết kiệm trung bình từ công trình xanh ít nhất sẽ là 30% năng lượng, 35% khí thải CO2, 30 - 50% nước sử dụng, 60 - 70% điện sử dụng cho hệ thống điều hòa thông gió, 50 - 90% chi phí xả thải. KTS Vũ định nghĩa: “Bản chất công trình xanh là tiết kiệm năng lượng trên cơ sở khoa học! Và việc ý thức thiết kế và tối ưu hóa các hệ thống sử dụng điện để cho hiệu quả sử dụng năng lượng cao trên cơ sở những hệ thống đang sử dụng phổ biến tại Việt Nam sẽ giúp đưa ra một khuôn mẫu về tiêu chuẩn cho hiệu suất công trình, tăng cường nhận thức về những lợi ích công trình xanh mang lại mà không cần đầu tư những thiết bị đắt tiền, khuyến khích sự phối hợp giữa thiết kế và xây dựng, giảm thiểu tác động của phát triển và nhu cầu ở tới môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng…” (Ashui.com)

Đây là một hướng đi quan trọng của nền kinh tế xanh, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới, bền vững cho các nhà đầu tư trong thị trường bất động sản đầy hấp dẫn ở Việt Nam.

Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC) là tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập năm 2007 với mục đích chính là để xây dựng một môi trường xây dựng xanh ở Việt Nam. VGBC được Bộ Xây dựng công nhận vào tháng 3/2009 và hiện là thành viên của Hội đồng công trình xanh Châu Á Thái Bình Dương Network. Các hoạt động của VGBC bao gồm phát triển hệ thống công cụ hỗ trợ việc xây dựng các tòa nhà xanh (LOTUS); thực hiện một chương trình đào tạo chính thức Green và chương trình tư vấn kỳ thi; tạo ra một cơ sở dữ liệu xanh, nghiên cứu dài hạn về khả năng phục hồi thay đổi khí hậu đối với môi trường xây dựng; nâng cao nhận thức về thực tế công trình xanh thông qua các hội thảo... 

Tiểu Vũ

>> Công trình xanh: Vì sao ít? 

 

Lời bình  

 
+6 # Phạm Quốc Huy 10/11/2010 15:54
Xanh và tiết kiệm năng lượng trong thời buổi môi trường "châu", năng lượng "quế" là đúng rồi, nhưng muốn xanh, tiết kiệm ... đi vào cuộc sống và thành trào lưu thì phải có hành lang pháp lý, kỹ thuật cho xu hướng này. Cùng với nó là giới thiệu cụ thể thế nào là xanh, tiết kiệm để áp dụng. Ví dụ muốn sử dụng pin mặt trời thì mua ở đâu, giá thành, hiệu quả?; muốn làm vườn trên mái thì cấu tạo mái thế nào, thoát nước, chống thấm ra sao? ... Về mặt pháp lý phải làm sao để bắt buộc các chủ đầu tư và nhà thiết kế phải "xanh", phải "tiết kiệm" như vỉa hè trong phố phải có khả năng thấm nước mưa (tôi thấy các vỉa hè đang làm vẫn đổ bê tông lót trước khi lát gạch thay vì làm gạch con sâu trên nền cát). Muốn xanh, muốn tiết kiệm thì vốn đầu tư phải cao hơn cũ, vì vậy phải điều chỉnh định mức chi phí và các đầu ngành và cấp cao hơn nữa phải thấm nhuần quan điểm này để chỉ đạo, ... Và "muốn ..." thì "phải ..." quyết liệt hơn nữa.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
+4 # ARDOR Architects 11/11/2010 01:12
Cảm ơn anh Phạm Quốc Huy. Thực hiện công trình xanh bản chất là không quá khó, cái khó là làm sao thay đổi được nhận thức của mọi người về tầm quan trọng và những giá trị lâu dài mà công trình xanh mang lại. Tất nhiên chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao, nhưng ngoài việc giảm thiểu năng lượng, nước tiêu thụ ... là hiệu suất lao động mà chúng ta ít chú ý đến. Nguồn nhân lực vốn rất quan trọng, chiếm phần lớn chi phí của doanh nghiệp và đấy là nơi công trình xanh góp một phần quan trọng. So với các nước Châu Á láng giềng, Việt Nam vẫn còn thua rất xa về lĩnh vực này.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo