Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Công nghệ Xu hướng Phát triển công trình xanh - Mục tiêu và hành động

Phát triển công trình xanh - Mục tiêu và hành động

Viết email In

Đã từ lâu, ngành Xây dựng Việt Nam ý thức được lợi ích mà công trình xanh mang lại. Ngay từ năm 2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Năm 2005, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng có hiệu quả... Gần đây nhất, tại Quyết định 1393/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh. Nhưng trên thực tế, việc ứng dụng công trình xanh tại nước ta mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Chúng ta sẽ làm gì để “Công trình xanh” không còn là khẩu hiệu (?)  


CAM KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Việt Nam hiện đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Cả nước có hơn 760 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa trên 32%, và dự đoán sẽ đạt mức 45% trong 10 năm tới. Hàng năm, có khoảng 1 triệu người trở thành cư dân đô thị. Theo dự báo, đến năm 2025, dân số đô thị ở Việt Nam khoảng 52 triệu người, chiếm 50% dân số của cả nước. Do vậy, nhu cầu về xây dựng khu vực đô thị sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. 

  • Ảnh bên: Thiết kế hệ thống pin mặt trời tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia 

Theo báo cáo của Chương trình Tư vấn Cải thiện Môi trường Đầu tư (IFC) khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, xây dựng là ngành tiêu thụ năng lượng nhiều nhất ở Việt Nam, chiếm tới 36% tổng năng lượng tiêu thụ cả nước. Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới cho biết mức tiêu thụ điện năng của Việt Nam đã tăng vọt trong khoảng từ năm 1998 đến năm 2008, góp phần đáng kể vào mức tăng xả thải điôxit cácbon ước tính trung bình 12% mỗi năm. Theo đó, việc xây dựng các công trình năng lượng hiệu quả sẽ giảm áp lực lên nguồn tài nguyên thiên nhiên (nguyên liệu, nước…), làm giảm năng lượng tiêu thụ, giảm áp lực lên hệ thống điện, giao thông, sản xuất điện quốc gia, xử lý chất thải và các chất gây ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo một môi trường sống đô thị lành mạnh gần với thiên nhiên cho người dân”. 

Theo tính toán, đối với các công trình mới, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết kế kiến trúc, sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, lắp đặt và vận hành các thiết bị có hiệu suất năng lượng cao, có cán bộ quản lý năng lượng đủ trình độ, có thể tiết kiệm khoảng 30 – 40% năng lượng hao tốn. Đối với các công trình đang hoạt động, nếu tiến hành kiểm toán năng lượng và sau đó triển khai giải pháp có thể tiết kiệm năng lượng từ 15 – 25%. Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong ngành xây dựng sẽ giúp Việt Nam đạt mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính 8-10% trong giai đoạn 2011-2020. Xây dựng công trình xanh, cũng là phát triển ngành xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu, chính là sự cam kết thực hiện phát triển bền vững có hiệu quả nhất của ngành Xây dựng đối với sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia. 


NGÀNH XÂY DỰNG VÀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH 

Tuy các chương trình, chính sách về công trình xanh (CTX) đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây nhưng thực tế nhìn nhận, công trình xanh tại Việt Nam mới đang phát triển ở giai đoạn đầu. Yếu tố con người được xem là một phần nguyên nhân khi năng lực, kiến thức về CTX của cán bộ quản lý các cấp, các ngành còn thiếu; kinh nghiệm của tư vấn ít. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công trình xanh chưa hoàn thiện, việc thi hành luật chưa toàn diện cũng đã gây ra những khó khăn không nhỏ cho công tác phát triển công trình xanh. Ngoài các giải pháp kiến trúc truyền thống thì các nhà tư vấn Việt Nam mới có kinh nghiệm thiết kế công trình sử dụng tiết kiệm năng lượng vào khoảng 15 năm trở lại đây và thường là qua các dự án hợp tác quốc tế, các nhóm công trình hạng A mà chủ đầu tư chấp nhận đầu tư tương xứng cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Việt Nam cũng chưa nhận thức đúng về chi phí xây dựng cần thiết cho các CTX, dẫn tới các dự án phát triển công trình xanh còn xa rời thực tiễn và không có tính khả thi cao. 

Để thúc đẩy phát triển CTX và sử dụng năng lượng hiệu quả trong ngành Xây dựng, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Chiến lược và kế hoạch hành động về phát triển CTX, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý cấp Trung ương và địa phương, chủ đầu tư, cộng đồng… về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các tòa nhà, hướng tới xây dựng các CTX. Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá và xây dựng quy trình xét duyệt, cấp chứng chỉ công trình xanh; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo hướng dễ hiểu, dễ đo đếm. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các công trình được đạt chuẩn về tiết kiệm năng lượng, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia xây dựng CTX và dưa CTX vào giáo trình giảng dạy trong các trường đào tạo kiến trúc, xây dựng. 


QUAN ĐIỂM VỀ CÔNG TRÌNH XANH Ở VIỆT NAM 

Tiêu chí về công trình xanh sẽ được thể hiện trong các chương trình hành động về phát triển công trình xanh ở Việt Nam, trong đó đảm bảo một số nội dung chính sau: 

Thiết kế quy hoạch địa điểm công trình có tính đến tính bền vững môi trường. Lựa chọn địa điểm xây dựng phù hợp, thiết kế cảnh quan môi trường xung quanh, chọn hướng nhà và thiết kế công trình trên quan điểm phát triển bền vững môi trường. Đây là giai đoạn có ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững môi trường, giảm thiểu tác động môi trường, bảo đảm điều kiện sống tốt và giảm chi phí vận hành trong suốt vòng đời của công trình. 

Sử dụng năng lượng có hiệu quả, điển hình cụ thể là giảm thiểu sử dụng năng lượng nhân tạo phục vụ điều hòa không khí, thông gió, chiếu sáng … bằng cách thiết kế cách nhiệt cho kết cấu tường, mái, sàn nhà, che nắng chống bức xạ mặt trời chiếu qua cửa sổ vào nhà, tổ chức và bố trí các không gian công trình sao cho tận dụng thông gió tự nhiên làm mát công trình trong mùa hè, tận dụng ánh sáng tự nhiên và bức xạ mặt trời sưởi ấm chiếu qua cửa sổ trong mùa đông. Điều tiết vi khí hậu bằng trồng cây xanh, thảm cỏ xung quanh và trong công trình. Sử dụng năng lượng tái tạo như là panel pin năng lượng mặt trời, khí sinh học, sử dụng năng lượng mặt trời cấp nước nóng. chiếu sáng bằng đèn LED năng lượng thấp (low-power LED) và dùng các loại thiết bị, công nghệ trong công trình tiêu thụ năng lượng thấp… 

Sử dụng nước có hiệu quả, giảm thiểu tiêu thụ nước trong công trình và bảo vệ chất lượng môi trường nước xung quanh, tận dụng nước mưa và tái sử dụng nước thải. 

Sử dụng vật liệu có hiệu quả, hạn chế sử dụng và tiến tới không sử dụng vật liệu có tác động xấu đến môi trường, ưu tiên sử dụng vật liệu không nung, vật liệu địa phương, vật liệu tái sinh, tái chế, vật liệu nhẹ có khả năng cách nhiệt tốt… 

Bảo đảm chất lượng môi trường không khí trong công trình: Bảo đảm điều kiện tiện nghi vi khí hậu (nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió tạo cảm giác nhiệt dễ chịu) và chất lượng không khí tốt trong phòng (nồng độ các chất ô nhiễm cơ bản: bụi, SO2, NO2, CO thấp hơn trị số giới hạn tối đa cho phép). Giảm thiểu chất hữu cơ bay hơi (volatile organic compounds - VOC), khí thải ô nhiễm phát sinh từ đun bếp, từ chất tẩy rửa vệ sinh… trong công trình. Sử dụng vật liệu xây dựng và sản phẩm nội thất có phát thải khí ô nhiễm thấp hoặc bằng “0” (low-zero emissions) và bảo đảm đầy đủ điều kiện thông gió tự nhiên, chiếu sáng tự nhiên, điều kiện tiện nghi trong công trình. 

Giảm thiểu chất thải (nước thải, chất thải rắn): Giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải, đặc biệt là đối với chất thải thi công xây dựng và phá rỡ công trình. 

Trong lộ trình hành động, theo “Dự thảo phát triển công trình xanh giai đoạn 2020-2030” do Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Xây dựng) phối hợp cùng World Bank xây dựng: Mục tiêu cơ bản đến năm 2020, bằng mọi biện pháp đưa hoạt động phát triển xây dựng xanh thành một phong trào có tổ chức mạnh mẽ, có nề nếp trong phạm vi toàn quốc, được toàn dân hưởng ứng, 100% các nhà đầu tư và kinh doanh xây dựng tham gia. Xây dựng và ban hành về cơ bản đầy đủ các cơ chế, chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia có liên quan đến phát triển công trình xanh. Bổ túc, nâng cao trình độ cho hầu hết đội ngũ chuyên gia tư vấn thiết kế, xây dựng và quản lý xây dựng hiện có về chuyên khoa thiết kế, xây dựng và quản lý công trình xanh, đồng thời lồng ghép kiến thức khoa học về thiết kế xây dựng và quản lý công trình xanh vào chương trình đào tạo đại học và trên đại học trong các trường đại học xây dựng, kiến trúc và môi trường. Phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 40% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước và đạt tỷ lệ khoảng 20% số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được công nhận là công trình xanh. 

Đến năm 2030, đưa hoạt động phát triển xây dựng xanh thành hoạt động thường xuyên của ngành Xây dựng ở cấp Trung ương cũng như ở cấp địa phương trên phạm vi toàn quốc. Mở rộng phong trào xây dựng công trình xanh dân dụng sang công trình xanh khác như là công trình công nghiệp xanh, công trình giao thông xanh, công trình thủy lợi xanh. Phát triển từ phong trào xây dựng công trình xanh sang xây dựng đô thị mới và cải tạo nâng cấp các đô thị hiện có thành các đô thị xanh. Phấn đấu đạt tỷ lệ khoảng 80% số lượng các công trình được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước và đạt tỷ lệ khoảng 50% số lượng các công trình được đầu tư mới và sửa chữa bằng nguồn vốn tư nhân được công nhận là công trình xanh. 

Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn đối với toàn nhân loại và việc tìm kiếm giải pháp hạn chế biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mọi quốc gia. Xây dựng công trình xanh, cũng là phát triển ngành Xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu, chính là sự cam kết thực hiện phát triển bền vững có hiệu quả nhất của ngành Xây dựng đối với sự nghiệp phát triển bền vững của quốc gia./. 

TS Nguyễn Thanh Nghị - Thứ trưởng Bộ Xây dựng 
(Theo Tạp Chí Kiến Trúc Việt Nam số 5/2013) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo