Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Kéo dài metro từ TPHCM về Bình Dương, Đồng Nai cần hơn 21.200 tỉ đồng

Kéo dài metro từ TPHCM về Bình Dương, Đồng Nai cần hơn 21.200 tỉ đồng

Viết email In

Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, hồi cuối tháng 4/2017, tỉnh Bình Dương, đã làm việc với nhóm nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về phương án kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) - giai đoạn 1. 

Sau khi khảo sát nhóm nghiên cứu của Nhật Bản đề xuất kéo dài tuyến metro số 1 làm 3 đoạn với 3 tiểu dự án gồm: đoạn 2 km từ ga Suối Tiên đến ga Nút Giao; đoạn 6 km từ ga Nút Giao đến thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và đoạn kéo dài khoảng 8 km từ ga Nút Giao đến thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai).


Sơ đồ hướng tuyến việc kéo dài tuyến metro số 1
(Ảnh: binhduong.gov.vn) 

Nhóm nghiên cứu đề xuất phương án thực hiện theo 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện đoạn 2 km từ ga Suối Tiên đến ga Nút Giao. Giai đoạn 2, đoạn kéo dài từ ga Nút Giao đến Bình Dương và Đồng Nai. Giai đoạn này cần điều chỉnh hạ tầng đường sắt của tuyến metro số 1 và mua thêm đầu máy. 

Tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 21.234 tỉ đồng, bao gồm 2.315 tỉ đồng cho giai đoạn 1 và 18.919 tỉ đồng cho giai đoạn 2. Chi phí phát triển quảng trường nhà ga và các công trình cho vận tải đa phương thức cho cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 ước tính khoảng 8.630 tỉ đồng và không tính vào chi phí xây dựng 3 đoạn kéo dài.

Theo nhóm nghiên cứu, việc tiến hành sớm giai đoạn 1 có thể tiết kiệm chi phí xây dựng của đoạn 2 km kéo dài, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tới quá trình thương mại của tuyến số 1. Ngoài ra, có thể hiện thực hóa ý tưởng phát triển định hướng vận tải công cộng ở khu vực quanh nhà ga Nút Giao.

Về phía tỉnh Bình Dương, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương đã thống nhất phương án đề xuất đối với giai đoạn 1 việc kéo dài tuyến metro số 1. Trong đó, TPHCM chịu chi phí đầu tư, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai có kế hoạch thu hồi đất và chịu chi phí giải tỏa đền bù.

Tỉnh Bình Dương đề nghị nhóm nghiên cứu báo cáo phương án ga Nút Giao với Bộ Giao thông Vận tải và TPHCM, đồng thời khảo sát, cắm mốc thực tế để thị xã Dĩ An có kế hoạch thu hồi đất và điều chỉnh các phân khu chức năng.

Mặc dù nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã đưa ra được tổng mức đầu tư dự kiến cho việc kéo dài tuyến metro số 1 nhưng nguồn vốn này được bố trí nguồn nào thì chưa được làm rõ. 

Mới đây, trao đổi với TBKTSG Online, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết, năm nay dự kiến thành phố cần 5.200 tỉ đồng chi cho thi công tuyến metro số 1, tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình phân bổ chỉ được 2.900 tỉ đồng.

Do bố trí vốn chậm nên hiện nay TPHCM đang nợ các nhà thầu 1.339 tỉ đồng. Ông Quang cho biết, nếu không có tiền thanh toán cho nhà thầu, khi đó nhà thầu ngừng thi công thì tuyến metro số 1 sẽ có nguy cơ bị chậm tiến độ.

Trước đó, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kéo dài metro số 1 đến 2 tỉnh này. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng việc kéo dài tuyến metro sẽ giảm lượng xe cá nhân đi vào TPHCM và sẽ giảm được ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TPHCM.

Ngoài việc kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai, tỉnh Bình Dương hiện tại cũng đang nghiên cứu để xây dựng một tuyến metro nối từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên để nối vào tuyến metro số 1 của TPHCM.

Nếu tuyến metro nối từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên được xây dựng thì trung tâm đô thị Bình Dương sẽ được kết nối liên thông với TPHCM bằng đường sắt đô thị.

Tuyến metro số 1 của TPHCM từ Bến Thành đến Suối Tiên hiện đang được xây dựng cả đoạn đi ngầm và đi trên cao. Trong đó, đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Long Bình, Quận 9 dài hơn 17 km hiện đã hoàn thành một số đoạn cầu trên cao. 

Tuy nhiên, phải đến năm 2020 toàn tuyến metro từ Bến Thành đến Suối Tiên mới hoàn thành và đưa vào khai thác. 

Lê Anh 
(TBKTSG Online) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2304 khách Trực tuyến

Quảng cáo