Ashui.com

Tuesday
Apr 23rd
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Tiểu thương khốn đốn vì mất chỗ kinh doanh

Tiểu thương khốn đốn vì mất chỗ kinh doanh

Viết email In

Cách đây năm năm, hàng ngàn tiểu thương Chợ Lớn Quy Nhơn (Bình Định) thất thần nhìn ngọn lửa thiêu rụi toàn bộ tài sản của họ trong ngôi chợ này vào đêm 16/12/2006. Bây giờ, bà con tiểu thương Quy Nhơn lại ngỡ ngàng trước nguy cơ mất chỗ kinh doanh mà họ đã gắn bó hàng chục năm qua.

Cam kết một đằng, thực hiện một nẻo

  • Trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn đã cơ bản hoàn thành, nhưng nhà đầu tư không bố trí cho các hộ tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ trước đây. (Ảnh: Uyên Thu) 

Tháng 4/2008, công ty cổ phần đầu tư xây dựng và du lịch An Phú Thịnh (gọi tắt là công ty An Phú Thịnh) được UBND tỉnh Bình Định chọn làm nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại Chợ Lớn Quy Nhơn (gọi tắt là trung tâm thương mại) trên khu đất của Chợ Lớn bị cháy trước đây theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Hợp đồng BOT được ký kết giữa UBND thành phố Quy Nhơn và công ty An Phú Thịnh nêu rõ: trung tâm thương mại có hai khối nhà tách biệt: khối trung tâm thương mại và khối nhà chợ truyền thống, dành từ tầng 1 đến tầng 3 để bố trí mặt bằng kinh doanh cho 535 hộ tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ trước đây, với mức ưu đãi miễn tiền thuê mặt bằng trong hai năm đầu, giảm 50% trong năm năm tiếp theo; đồng thời ưu tiên bố trí mặt bằng kinh doanh cho 130 hộ kinh doanh có mã số thuế ở chợ cũ. Mỗi hộ sẽ được bố trí từ 6 – 14m2. Bấy giờ, trong hồ sơ dự tuyển, công ty An Phú Thịnh đưa ra mức cho thuê mặt bằng là 48.000 đồng/m2/tháng, phí quản lý 20.000 đồng/m2/tháng.

Trong khi đang xây dựng, tháng 8/2009, công ty An Phú Thịnh xin điều chỉnh phương án kiến trúc của trung tâm thương mại, không tách biệt khối nhà chợ truyền thống và khối nhà siêu thị. Theo sở Xây dựng Bình Định, trong khi đang chờ UBND tỉnh Bình Định xem xét phương án điều chỉnh, tháng 11/2009, công ty An Phú Thịnh tự ý ra thông báo với các tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ với nội dung: mỗi hộ chỉ được cấp 4m2/lô tại tầng 3, ai có nhu cầu sử dụng lớn hơn thì phải thuê với giá 210.000 đồng/m2/tháng. Đặc biệt, công ty An Phú Thịnh bất ngờ tuyên bố: 244 hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống và 130 hộ có mã số thuế ở chợ cũ sẽ không được bố trí vào khu chợ truyền thống, mà sẽ bố trí vào chợ khác. Cũng từ đây, công ty An Phú Thịnh bắt đầu hợp đồng chuyển nhượng các lô mặt bằng cho bất kỳ ai có nhu cầu với giá từ 40 – 46 triệu đồng/m2/48 năm. Trong khi đó, những vị trí mặt bằng này dùng để bố trí cho các hộ bị cháy chợ. Việc làm lạ lùng này của nhà đầu tư đã gây hoang mang, bức xúc trong bà con tiểu thương.

Mọi chuyện chưa ngã ngũ, tháng 8/2010, UBND tỉnh Bình Định đồng ý cho công ty An Phú Thịnh xây dựng một khu chợ ở một địa điểm khác, lấy tên là “Chợ lớn mới Quy Nhơn” để bố trí mặt bằng kinh doanh cho 244 hộ tiểu thương ngành hàng tươi sống (trong số 535 hộ được ưu đãi). Trong khi đó, tại buổi gặp mặt lấy ý kiến của 244 hộ tiểu thương trên, hầu hết bà con đều không chấp nhận vào mua bán tại khu chợ mới này. Ông Ngô Hoàng Nam, phó chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, nói: “Thời điểm đó, khi lấy ý kiến, có hơn 70% bà con tiểu thương không đồng ý đến mua bán tại Chợ lớn mới vì cho rằng, địa điểm này xa trung tâm, dân cư thưa thớt, nên khó khăn trong việc buôn bán”. Còn bà Võ Thị Trinh, một tiểu thương có mặt trong buổi “trưng cầu dân ý”, nói: “Lúc đó, hầu hết bà con đều không chấp nhận chuyển sang kinh doanh tại vị trí mới. Thế nhưng, không hiểu sao tỉnh vẫn cho xây dựng chợ đó”.

Trách nhiệm và lời hứa

Hiện nay, khi trung tâm thương mại đã hoàn thành, công ty An Phú Thịnh vẫn không bố trí 244 hộ kinh doanh mặt hàng tươi sống và 130 hộ có mã số thuế ở chợ cũ vào trung tâm này, mà tiếp tục sang nhượng mặt bằng (dùng để bố trí cho các hộ được ưu đãi) cho bất cứ ai có nhu cầu. Trong khi đó, những hộ tiểu thương trên đều kiên quyết không vào mua bán tại khu chợ mới đang xây dựng dở dang. Trong những ngày qua, hàng trăm tiểu thương ở Quy Nhơn bức xúc yêu cầu chính quyền tỉnh Bình Định phải can thiệp giải quyết.

Thời gian qua, chính quyền tỉnh Bình Định cũng đồng tình với công ty An Phú Thịnh trong việc không bố trí 244 hộ kinh doanh ngành hàng tươi sống vào trung tâm thương mại. Trong văn bản ban hành ngày 1/12/2010 về giải quyết vụ việc trên, ông Hồ Quốc Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, kết luận: “Đối với 244 hộ kinh doanh hàng tươi sống: bố trí kinh doanh tại Chợ lớn mới Quy Nhơn. Nếu các hộ muốn buôn bán kinh doanh tại trung tâm thương mại, thì phải chuyển đổi hình thức (hoặc ngành nghề kinh doanh) phù hợp với chức năng của trung tâm thương mại”. Ý kiến này của ông Hồ Quốc Dũng đã làm nhiều tiểu thương cho rằng, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã ép buộc họ phải chuyển đổi ngành nghề kinh doanh. Bà Huỳnh Thị Kim Loan, một tiểu thương, than: “Cách giải quyết của lãnh đạo tỉnh Bình Định chẳng khác nào ép chúng tôi phải từ bỏ nghề nghiệp, nơi mua bán, nghề kinh doanh thành truyền thống đã nuôi sống gia đình mình hàng chục năm qua”. Còn ông Nguyễn Văn Gia, một tiểu thương bị thiệt hại nặng do cháy chợ trước đây, bức xúc: “Bà con tiểu thương chúng tôi không hiểu sao khi chính quyền lại đồng tình với nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết ban đầu và tỉnh đã phớt lờ lời hứa với tiểu thương chúng tôi trước đây”.

Uyên Thu

“Nhà đầu tư đã vội vàng”

“Trong hợp đồng BOT và cam kết ban đầu của nhà đầu tư, toàn bộ diện tích mặt bằng từ tầng 1 đến tầng 3 của trung tâm thương mại dành bố trí cho tất cả các hộ tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ trước đây. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng, công ty An Phú Thịnh muốn thay đổi, đưa toàn bộ số hộ kinh doanh ngành hàng tươi sống vào Chợ lớn mới. Lúc nhà đầu tư đưa ra đề nghị này, tỉnh nói nhà đầu tư hãy thương lượng với tiểu thương; nếu tiểu thương chấp thuận, thì tỉnh đồng ý. Thế nhưng, nhà đầu tư đã vội vàng, chưa trao đổi thống nhất với tiểu thương, mà đã làm.

Còn việc nhà đầu tư sang nhượng, cho thuê mặt bằng làm lén lút, tỉnh chưa cho phép. Tiểu thương bức xúc ban đầu bảo đưa vào trung tâm thương mại, giờ lại không cho vào. Chính vì thế, tôi đã yêu cầu dừng ngay việc bán, chuyển nhượng lô, sạp tại trung tâm thương mại, tập trung xây dựng hoàn thành công trình Chợ lớn mới. Sau khi Chợ lớn mới hoàn thành, phải đề ra cơ chế, chính sách ưu đãi tại chợ mới cao hơn trung tâm thương mại để thu hút 244 hộ tiểu thương ngành hàng tươi sống và 130 hộ có mã số thuế trước đây vào kinh doanh tại chợ mới. Tiếp đó, phải tổ chức họp tiểu thương để công bố chính sách ưu đãi, hộ nào đồng ý vào “Chợ lớn mới”, thì bố trí, còn lại sẽ vào trung tâm thương mại Chợ Lớn. Trước mắt, tập trung giải quyết cho tất cả những hộ bị thiệt hại do cháy chợ xong, mới tính đến các hộ đăng ký mới. Sau khi giải quyết xong toàn bộ các vấn đề trên, thì mới xem xét việc khai trương trung tâm thương mại Chợ Lớn”,

Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định 
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2024 khách Trực tuyến

Quảng cáo