Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật “Luật hoá” việc ưu tiên vốn ODA, tín dụng ưu đãi cho Hà Nội

“Luật hoá” việc ưu tiên vốn ODA, tín dụng ưu đãi cho Hà Nội

Viết email In

Đây là một trong những cơ chế chính sách đặc thù được đề cập trong Dự thảo Luật Thủ đô, sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tuần tới.

Trong phiên họp Thường vụ Quốc hội thứ 38 vào trung tuần tháng 2 vừa qua, khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Thủ đô lần cuối, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, ông Nguyễn Văn Thuận và một số thành viên khác của Thường vụ Quốc hội “khẩn khoản”, chưa nên thông qua Luật Thủ đô trong Kỳ họp thứ 9 này mà nên để cho Quốc hội khoá XIII tiếp tục nghiên cứu, bổ sung trước khi thông qua.

Là người chịu trách nhiệm chính trong việc Thẩm tra Dự thảo Luật Thủ đô, tôi kiến nghị chưa nên thông qua Luật Thủ đô trong năm nay vì còn khá nhiều quy định chung chung, nhiều cơ chế đặc thù thực ra không có gì đặc thù hoặc rất khó thực hiện do thiếu tính ổn định, khó khả thi. Để Luật đi vào cuộc sống, cần phải có thời gian để Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tế và chỉ khi thực sự chín muồi mới trình Quốc hội thông qua”, ông Thuận đặt vấn đề.

Tuy nhiên, mong muốn của ông Thuận và một số thành viên của Uỷ ban Pháp luật không được đa số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Vì vậy, Dự thảo Luật thủ đô vẫn được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tuần tới.

Theo Dự thảo Luật Thủ đô mới nhất, Quốc hội cho ý kiến về Quy hoạch chung của Thủ đô và quyết định vị trí Trung tâm chính trị - hành chính quốc gia (khu vực đặt trụ sở đầu não của Trung ương Đảng và Nhà nước).

Đây là quy định mới so với quy định của pháp luật (theo Luật quy hoạch đô thị, thì UBND cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch chung), thể hiện rõ tính đặc thù của Thủ đô so với các tỉnh, thành phố khác. Quy định này cũng thể hiện rõ trách nhiệm của Trung ương đối với công tác xây dựng Thủ đô Hà Nội”, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Sĩ Dũng nhận định.

Vẫn theo ông Dũng, để giải quyết tình trạng xây dựng lộn xộn, không có quy hoạch tổng thể hợp lý của Hà Nội hiện nay, Luật Thủ đô sẽ quy định, khi triển khai dự án phát triển các tuyến đường giao thông, Hà Nội phải đồng thời thu hồi đất ở 2 bên đường theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với các tuyến đường trong nội thành cần cải tạo, chỉnh trang thì Hà Nội có trách nhiệm lập dự án đồng bộ cả đường giao thông và cải tạo, chỉnh trang công trình 2 bên đường, đảm bảo phát triển cân bằng, ổn định, giữ không gian kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị.

Để đảm bảo quyền lợi cho người dân, Luật Thủ đô cũng sẽ quy định, trong trường hợp quy hoạch có xây dựng nhà ở tái định cư hoặc thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thì phải ưu tiên cho người dân có đất bị thu hồi được tái định cư tại chỗ hoặc tham gia dự án sản xuất, kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề tạo đất sạch cho Hà Nội khai thác và phát triển theo quy hoạch, ông Dũng cho biết, trong Kỳ họp này, các Đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc giao cho UBND TP. Hà Nội phối hợp với các cơ quan hữu quan lập và trình Chính phủ quyết định lộ trình, cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai và việc quản lý, sử dụng diện tích đất, công trình trên đất của cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, cơ sở giáo dục, y tế, cơ quan, tổ chức sau khi di dời ra khỏi nội thành. 

Nhằm bảo đảm quy hoạch chung Thủ đô vừa có tính ổn định, lâu dài nhưng đồng thời phải đáp ứng linh hoạt, kịp thời sự phát triển kinh tế - xã hội thì phải có sự đánh giá, báo cáo thường xuyên với Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh quy hoạch Thủ đô trong trường hợp cần thiết. Vì vậy, Luật Thủ đô sẽ bổ thêm quy định, định kỳ 2 năm, UBND Hà Nội phải tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch chung của Thủ đô và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong trường hợp cần thiết phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thủ đô”, ông Dũng cho biết thêm.

Vẫn theo ông Dũng, ngoài việc cho phép Hà Nội được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách vượt dự toán, Luật Thủ đô sẽ quy định một số cơ chế, chính sách khác nhằm khai thác nguồn lực tài chính, đất đai đầu tư cho xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô.

Một trong những cơ chế chính sách đặc thù được “luật định” là quy định, Chính phủ có trách nhiệm ưu tiên bố trí nguồn vốn ODA cùng với vốn đối ứng trong nước, vốn thực hiện các chương trình, dự án và nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho Hà Nội trên cơ sở các dự án, chương trình xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường và phúc lợi công cộng đã được phê duyệt.

Luật thủ đô cũng giao cho UBND Hà Nội được thực hiện một số biện pháp tài chính để xây dựng, phát triển Thủ đô như sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và các công trình phúc lợi công cộng. Trong trường hợp cần thiết, được vay vốn ưu đãi từ các nguồn tài chính của Nhà nước, tổ chức, cá nhân để đầu tư, phát triển Thủ đô.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, về cơ bản, Dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 đáp ứng được yêu cầu trong việc quản lý, phát triển Thủ đô Hà Nội ở cả hiện tại và tương lai.

Cần sớm trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô để Hà Nội có cơ sở pháp luật xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, kế thừa và phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến; quy hoạch phát triển ổn định, lâu dài; xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại…”, ông Lưu phát biểu.

Mạnh Bôn

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2279 khách Trực tuyến

Quảng cáo