Hoàng Tường house & studio / thiết kế: Trường An architecture

Thứ hai, 12 Tháng 11 2018 17:20 Ashui.com
In

Thiết kế nhà cho một họa sĩ đương đại (của Việt Nam)? Thách thức, là điều hiển nhiên, vì đối tượng khách hàng có thẩm mỹ dồi dào, và dĩ nhiên đòi hỏi cao, lạ, khi mà mỹ thuật và kiến trúc là “họ hàng” gần. Trên thế giới, cánh họa sĩ thường “chướng”, hay tự thiết kế nhà theo ý mình. Không biết họa sĩ này có ý làm khác người, đánh đố tôi không. Mà có sao đâu, thú vị là ở chỗ này…

Cách đây chừng ba năm, tôi nhận lời mời thiết kế nhà cho gia đình họa sĩ Đỗ Hoàng Tường. Sau nhiều năm họ sống và làm việc tại trung tâm Sài Gòn - một siêu đô thị ngột ngạt, hỗn loạn về thông điệp và triết lý kiến trúc, nay họ muốn chuyển ra vùng ngoại ô Sài Gòn để có được không khí trong lành và không gian cho sáng tác.

Khu đất mà căn nhà được thiết kế và dựng lên được ngăn cách với con đường đầy hoa và cây bóng mát bởi một dòng kênh nối liền với sông Sài Gòn, một cây cầu nhỏ bắc qua kênh nước để đi vào khu đất thấp hơn mặt đường độ chừng 1m.

Và ý tưởng xuyên suốt trong quá trình thiết kế là một ngôi nhà sàn thời hiện đại. Bố cục gồm hai khối nhà hình chữ nhật, đan cài vào bố cục là hai hồ nước tự nhiên - nước hồ thông lấy từ kênh. Đất lấy từ đáy ao hồ được dùng đắp nền cho xưởng vẽ, cây cối lâu năm được giữ lại và vun trồng.

Khối nhà ở có sàn tầng trệt được nâng cao hơn mặt đất tự nhiên 1,8m, cầu thang ngoài trời nối với hàng hiên là một không gian quan trọng - nơi chuyển tiếp giữa ngoại thất và nội thất. Sử dụng chất liệu phổ thông cho sàn, tường và khung kèo thép để phù hợp với nền đất yếu và chi phí xây dựng. Mặt cắt mái tole hai lớp để thông gió, giảm nhiệt và tiếng ồn cho phòng ngủ.

Không gian nội thất với khoảng thông tầng là điểm nhấn chính, nơi có thể quan sát và kết nối với các không gian khác trong nhà, nhiều góc nhìn rộng mở hướng về thiên nhiên, cửa sổ cao từ sàn đến trần được bố trí linh hoạt để các phòng được đón nắng, gió. Hệ rèm sắt sơn đen chiếm toàn bộ mặt tiền tầng lầu làm dịu ánh sáng hướng Bắc, đồng thời xác lập tính riêng tư cho phòng ngủ. Những chiếc ghế ăn, sofa, bàn nước ... được thiết kế riêng biệt để hài hoà với tổng thể ngôi nhà.

Xưởng vẽ, nơi chân và đỉnh của bức tường lớn nằm ở hướng đón gió là hai ô cửa sổ băng dài để đón những làn gió nhẹ thổi xuyên qua, kết hợp với ô cửa dọc trên mái làm cho ánh sáng chan hòa và chất lượng không khí trong phòng luôn được thay đổi.

Cố yêu lấy sự giản dị và chân thực. Và rồi, sự giản dị chân thực của đường nét, hình khối của vật liệu phổ thông cùng những lớp không gian tầng bậc chuyển tiếp, của những khoảng trống… đã được đeo bám, nhằm làm cho những yếu tố riêng biệt được hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, tạo nên một tổng thể hài hoà, một môi trường sống trong đó sự trú ngụ của con người được chở che bao bọc.

Thực hành kiến trúc là một điều thú vị, qua đó thấy ta lớn thêm từng ngày trong sự bình an và hạnh phúc. Điều đó là cao cả chứ không phải một mục đích nào khác. Tôi nhắc tôi ở công trình đây, giữa một xu thế cuộc sống đầy thực dụng và nháo nhào ngày nay, phần lớn con người xem tự nhiên như là một khối vật liệu xây dựng khổng lồ, mặc nhiên cắt xén. Ở đó con người như tự giam hãm, “lồng” mình lại, rồi từ đó làm cho kiến trúc tách bạch với tự nhiên và con người không còn hòa hợp với môi trường sống của họ nữa.

Tôi tìm về giá trị thiên nhiên bằng sự không ồn ào, mà đi vào vi tế, lặng thầm, thoát tục được chừng nào tốt chừng ấy.

Lại được nghĩ về quan hệ giữa con người với tự nhiên, về sự đa dạng và khả biến của không gian, về cách chúng ta cư xử với đất mẹ, nơi chứa đựng sự sống của con người, nơi nuôi dưỡng cỏ cây muông thú. Bởi, mặc cho con người có thô bạo bao nhiêu thì mẹ đất vẫn oằn mình chở che không mỏi mệt.

Địa điểm: Củ Chi, TPHCM  
Thiết kế: Trường An architecture
Chủ trì: KTS Nguyễn Công Duy
Diện tích khu đất: 300 m2
Hoàn thành: 2017
Nhiếp ảnh: Hiroyuki Oki

KTS Nguyễn Công Duy


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: