Chiếu phim "Bài học từ Ánh sáng: Cách nhìn của I.M.Pei"

Thứ tư, 15 Tháng 6 2016 14:21
In

Ngày 4/6 vừa qua CLB Điện ảnh Kiến trúc đã giới thiệu tới các bạn bộ phim về kiến trúc sư Oscar Niemeyer, người thể hiện được "bản sắc văn hoá" Brasil trong kiến trúc hiện đại của mình. Bản sắc kiến trúc của một đất nước, của một vùng miền là đề tài quan trọng trong sáng tác, đặc biệt là trong thời điểm hiện nay với sự toàn cầu hoá trong thế giới phẳng mà chúng ta đang sống. Không có gì là khó hiểu khi UNESCO đặt "văn hoá" là cột trụ thứ tư của sự phát triển bền vững (cùng với xã hội, kinh tế và môi trường). Chủ đề năm nay của CLB hướng về một ý nghĩa chung là Lịch sử kiến trúc, nhưng đồng thời thông qua mỗi kiến trúc sư hay cuốn phim nói về họ, chúng ta có cơ hội để bàn về những vấn đề hiện tại. 

Kiến trúc sư mà các bạn sẽ gặp trong bộ phim sẽ chiếu ngày 18/6 tới, tuy có quan điểm về thể hiện hình thái kiến trúc hoàn toàn khác biệt với Oscar Niemeyer, nhưng cũng là người rất coi trọng vấn đề bản sắc văn hoá khi thiết kế. Ông năm nay đã 99 tuổi và được coi là kiến trúc sư cuối cùng trong trào lưu Kiến trúc hiện đại còn sống, đó là Ieoh Ming Pei.  

Ieoh Ming Pei sinh ngày 26/4/1917 tại Tô Châu, Giang Tô trong một gia đình thuộc giới thượng lưu Trung Quốc. Do công việc của người cha mà gia đình ông hay phải chuyển chỗ ở, lúc đầu đến Hồng Kông, sau đó về Thượng Hải. Cha ông tuy làm ngành ngân hàng (từng là giám đốc Bank of China tại Hồng Kông) nhưng rất quan tâm đến nghệ thuật. Ngoài sở thích âm nhạc, cha ông còn tự tìm hiểu và trau dồi cho mình các ngành nghệ thuật khác. Sự mở cửa của thành phố Thượng Hải những thập niên 1920-30 tạo nên bùng nổ trong xây dựng đã ảnh hưởng lớn tới Ieoh Minh Pei. Nhưng chính những khu vườn truyền thống đậm đà bản sắc Trung Quốc mà cả nhà ông hay tới vào kỳ nghỉ hè mới để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm trí ông. 

Học xong cấp ba ở Thượng Hải, Ieoh Ming Pei chọn nước Mỹ để học kiến trúc. Nhưng khi vào trường Đại học Pennsylvania, ông thất vọng vì cách giảng dạy theo kiểu Học viện "Beaux-arts". Hơn nữa ông rất ái ngại khi thấy các sinh viên ở đây vẽ tay rất đẹp (môn vẽ rất quan trọng theo cách giảng dạy này). Ông bỏ trường và chuyển sang Học viện Công nghệ Massachusettes (MIT) định học kỹ sư, nhưng thầy trưởng khoa kiến trúc thấy ông có năng khiếu về thiết kế nên thuyết phục ông quay lại với kiến trúc. Nhưng ở đây cũng tương tự, cách giảng dạy cũng thiên về cổ điển. Tháng 11/1935, Le Corbusier tới thăm MIT đã tạo ấn tượng mạnh tới Ieoh Ming Pei. Hai ngày Le Corbusier ở đây được ông coi là một trong những khoảng thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời học kiến trúc của mình. Năm 1940, ông lấy bằng ở MIT và chỉ hài lòng khi học được các kỹ thuật về xây dựng. Nhưng cuộc đời đi học của Ieoh Ming Pei không dừng lại ở đây. Năm 1942, ông vào học Cao học tại Đại học Harvard và tìm được sự thoả mãn của mình. Thực ra lúc đó Harvard đang có sự cải tổ về đào tạo kiến trúc khi Walter Gropius về làm trưởng khoa năm 1937. Như chúng ta đã biết, Walter Gropius là một trong những kiến trúc sư đi đầu trong trào lưu Kiến trúc hiện đại và từng là hiệu trưởng trường nghệ thuật Bauhaus ở Đức. 

Sau khi học xong, Ieoh Ming Pei không về Trung Quốc (đang chiến tranh với Nhật Bản) mà ở lại Mỹ. Sau này ông nhập quốc tịch ở đây. Phần lớn các công trình của ông là ở Mỹ, nhưng cũng có một số ở châu Âu. Đặc biệt, công trình kim tự tháp bằng kính ở bảo tàng Louvre (Paris) đưa tên tuổi ông lên hàng đầu thế giới. Ông cũng đổi lại tên bằng cách viết tắt I.M.Pei. Đây cũng là cách chơi chữ khi phiên âm thành "I am Pei", một cách để khẳng định tên tuổi của mình...! Ông đã giành rất nhiều các giải thưởng cao quý về kiến trúc, trong đó có giải Pritzker năm 1983.

Có thể nói hình thái kiến trúc của I.M.Pei là sự tổ hợp của các hình học cơ bản. Nhưng khi nhìn tổng thể, công trình mang hình khối trừu tượng. Ông cũng hay dùng lại hình thái kiến trúc truyền thống nhưng sử dụng kỹ thuật và vật liệu hiện đại để thể hiện tính đối lập. Điều cần nói nhất ở đây là tuy nhiều năm sống và làm việc tại Mỹ, nhưng khi quay lại xây dựng tại Trung Quốc, Nhật Bản và sau này là Qatar, ông không áp dụng kiến trúc của một cường quốc công nghiệp, mà rất chú trọng đến bản sắc văn hoá. Mỗi công trình ông luôn khát khao kiếm tìm cảm hứng từ truyền thống. 

Chính cuốn phim "Bài học từ Ánh sáng: Cách nhìn của I.M.Pei" (Learning from Light: The Vision of I.M.Pei) nói về phương pháp làm việc của I.M.Pei, khi ông xây dựng công trình Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo tại thành phố Doha, Qatar. Để thiết kế công trình này, ông đã phải mất 9 tháng để tìm hiểu văn hoá và kiến trúc Ả rập. Cuốn phim là một bài học về ánh sáng. Nhưng không chỉ có thế, nó cũng là bài học về hình học, về thiên nhiên và nhân tạo, tính huyền bí của nước, chất thơ trong kiến trúc... đã được I.M.Pei truyền tải vào công trình. Hai đạo diễn Bo Landing và Sterling Van Wagenen dàn dựng cuốn phim theo một phương pháp rất "sư phạm". Chúng ta sẽ thấy cả một "quá trình" từ khi đi tìm cảm hứng sáng tác của người kiến trúc sư đến lúc thiết kế, rồi những căng thẳng trên công trường xây dựng trước khi hoàn thiện. Bộ phim thực hiện khi I.M.Pei đã hơn 90 tuổi, nhưng chúng ta vẫn thấy ông ở ngoài công trường tranh luận về những chi tiết để bảo vệ ý tưởng của mình.

Việc chọn lựa phim của CLB lần này có nét khác với các lần trước, chúng ta chỉ tập trung vào một công trình thay vì những công trình tiêu biểu của mỗi kiến trúc sư. Nhưng điều đó cho phép người xem có một cái nhìn cụ thể hơn về công việc của người kiến trúc sư. Năm nay I.M.Pei đã sống gần một thế kỷ, và chúng ta cũng chỉ hy vọng ông sống thật lâu. Các kiến trúc sư hậu bối sẽ nhớ mãi con người có dáng vẻ lịch thiệp với nụ cười đầy thiện cảm đó! 

- Thời gian: 3h00 chiều thứ Bảy, 18/06/2016 
- Địa điểm: 
. Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm (cạnh Bến xe Mỹ Đình) 
. TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3. 

Chương trình:

. 14h30 - 15h00: Gặp gỡ 
. 15h00 - 16h30: Xem phim
. 16h30 - 17h00: Thảo luận

# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt. 
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / Heritage Space / Cà phê thứ bảy 

Link sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/1754588798118156/


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: