Chiếu phim "Những người có tầm nhìn, một lịch sử khác của kiến trúc"

Thứ hai, 15 Tháng 8 2016 10:09
In

Ngày 6/8 vừa qua, CLB Điện ảnh Kiến trúc đã giới thiệu tới các bạn hai bộ phim về kiến trúc sư Antoni Gaudi, một trong những người đại diện cho trường phái kiến trúc "Art nouveau", trường phái diễn ra ngay trước trào lưu "Kiến trúc hiện đại". Ngày 20/8 tới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu công việc của một số kiến trúc sư ngay sau trào lưu này. Họ có một cách nhìn nhận hoàn toàn khác với thế hệ kiến trúc sư trước đó, và luôn được coi là những kiến trúc sư "Utopia" (Không tưởng). Thời gian hoạt động của họ trong khoảng giữa hai thập niên 50-70 thế kỷ trước, nhưng cao trào nhất là tại thập niên 60 ở châu Âu.  

Trào lưu "Kiến trúc hiện đại" phát triển đến đỉnh cao ở những thập niên 20-30, sau đó được lan toả khắp nơi trên thế giới. Cho tới thập niên 60, những tư tưởng tiến bộ của trào lưu này không còn được tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ mà có phần phai mờ. Tuy vẫn có những kiến trúc sư tài danh tiếp nối như Louis Kahn, Jorn Utzon, Kenzo Tange, James Stirling hay Oscar Niemeyer, nhưng họ không tạo nên được một sức mạnh đồng nhất. Hơn nữa sau Thế chiến thứ hai, việc xây dựng đáp ứng nhu cầu về số lượng hơn là chất lượng cộng với sự quan liêu của những nhà lập định quy hoạch đã tạo ra một thị trường kiến trúc ở châu Âu rất "nghèo nàn". Các công trình mọc lên có thể vẫn mang phong cách hiện đại như hình khối đơn giản, kết cấu bê tông hay mái bằng, nhưng chúng không hề có ý nghĩa sâu sắc. Kiến trúc hiện đại bị "tha hoá". Chủ nghĩa công năng bị "tối giản" theo nghĩa đen của nó, hoàn toàn không mang đúng tinh thần như những người sáng lập ra nó mong muốn. 

Trong bối cảnh đó, một số kiến trúc sư ở châu Âu đã đề xuất ra những ý tưởng kiến trúc rất táo bạo. Tuy không cùng tư tưởng, nhưng họ có chung mong mỏi thay đổi cách tư duy về thiết kế. Phần lớn các tác phẩm của họ chỉ trong giai đoạn thử nghiệm hoặc đồ án. Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng kiến trúc không phải chỉ có một kết quả là xây dựng mà còn mang tính nghiên cứu, hay còn là một công cụ để phản ánh và chỉ trích xã hội cũng như chính trị.

Để hiểu cách tiếp cận của những kiến trúc sư rất tự do này, chúng ta phải hiểu tinh thần ở thời điểm đó. Vì kiến trúc không bao giờ đứng độc lập mà phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Về văn hoá, thập niên 60 đã nổi lên nghệ thuật Pop Art với thời trang và âm nhạc "subculture", nghệ thuật đồ hoạ của quảng cáo và điện ảnh khoa học viễn tưởng. Về kinh tế, ba thập niên 50-70 là thời điểm phát triển rất mạnh ở các nước châu Âu. Nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng cho đồ dùng sinh hoạt gia đình, cũng như nhiều mặt của cuộc sống. Về xã hội, ở những thập niên này lối sống Hippie và tự do tình dục đang được giới trẻ đón nhận một cách tích cực. Về chính trị, một thế hệ trẻ sinh viên sinh ra ở nhiều tầng lớp xã hội là một điều mới sau Thế chiến thứ hai. Họ đứng lên biểu tình khắp nơi với nhiều mục đích: chống chiến tranh (đặc biệt chống chiến tranh tại Việt Nam), yêu cầu bình đẳng giới và bình đẳng về chủng tộc, chống lại chủ nghĩa gia trưởng ở nơi làm việc cũng như trong chính trị, họ muốn có tiếng nói riêng của mình trong xã hội.

Cuốn phim "Những người có tầm nhìn, một lịch sử khác của kiến trúc" (Les Visionnaires, une autre histoire de l'architecture) của đạo diễn Julien Donada cho chúng ta gặp lại những nhà sáng tạo ở những thập niên kể trên. Đây là cơ hội hiếm có khi nhà làm phim tập hợp được hầu hết những kiến trúc sư này trong một bộ phim. Chúng ta sẽ khám phá kiến trúc hình cầu của Pascal Häusermann và Antti Lovag, mặt bằng nghiêng của Claude Parent, kiến trúc để cho người dân tự do phát triển của Yona Friedman, kiến trúc tâm lý của Coop Himmelb(l)au, "thành phố tạm thời" của Archigram, kiến trúc và thành phố không giới hạn của Superstudio và Archizoom... và nhiều kiến trúc sư khác nữa! 

Tất nhiên đạo diễn Julien Donada cũng muốn thể hiện cho chúng ta thấy, những tác phẩm trên không chỉ dừng lại ở các bản vẽ. Một loạt các kiến trúc sư đương đại sau này đã biến nhiều ý tưởng "Utopia" đó thành những công trình cụ thể. Vì vậy kiến trúc sư không chỉ là người có tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng mà còn phải có khả năng nhìn xa trong tương lai. 

- Thời gian: 3h00 chiều thứ Bảy, 20/08/2016 
- Địa điểm
. Hà Nội: Heritage Space / Dolphin Plaza - 6 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2, Quận Nam Từ Liêm. 
. TPHCM: Salon Cà phê thứ bảy, 19B Phạm Ngọc Thạch, Phường 6, Quận 3.

Chương trình:

. 14h30 - 15h00: Gặp gỡ 
. 15h00 - 16h15: Xem phim 
. 16h15 - 17h00: Thảo luận

# Vào cửa tự do. / Phim có phụ đề tiếng Việt. 
# Thực hiện: Ashui Academy / VUUV / TID Group / Heritage Space / Cà phê thứ bảy 

Link sự kiện trên Facebook: https://www.facebook.com/events/1102255699840040/

 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: