Cần cái nhìn văn hoá làng trong phương hướng kiến trúc cho đô thị hoá nông thôn

Thứ sáu, 17 Tháng 10 2008 15:31 PGS. Vũ Ngọc Khánh / T/c KTVN Kiến trúc
In

“... Chắc chắn chúng ta sẽ phải xây dựng một nông thôn mới trong hoàn cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Lúc đó sẽ có bao nhiêu điều được đặt ra. Hoặc có thể biến nông thôn thành hình ảnh thu nhỏ của thành phố, hoặc có thể giữ nguyên nông thôn, nhưng phải tạo nên một diện mạo mới với nhiều điều chỉnh cơ cấu và tăng cường xây dựng cơ bản, thực hiện những qui hoạch đa dạng cho thích hợp với nhu cầu phát triển....”

Chưa thành một phong trào sôi nổi, một chủ trương cấp bách, nhưng cái khuynh hướng đô thị hoá nông thôn thì đã rõ ràng. Trước mắt, chúng ta đang xúc tiến thành lập những đô thị mới, hoặc phát triển quanh các thành phố lớn, thì đồng thời ở nông thôn cũng có sự biến chuyển, chắc không bao lâu nữa sẽ trở thành một yêu cầu mãnh liệt. Chắc chắn chúng ta sẽ phải xây dựng một nông thôn mới trong hoàn cảnh CNH - HĐH. Lúc đó thì sẽ có bao nhiêu điều được đặt ra. Hoặc có thể biến nông thôn thành hình ảnh thu nhỏ của thành phố, hoặc có thể giữ nguyên nông thôn, nhưng phải tạo nên một diện mạo mới với nhiều điều chỉnh cơ cấu và tăng cường xây dựng cơ bản, thực hiện những qui hoạch đa dạng cho thích hợp với nhu cầu phát triển. Vấn đề này đang dần dần trở nên cấp thiết ở nước ta, trong khi hiện tại, nhiều nước ở Đông Nam Á đã và đang thực hiện với nhiều thành công mỹ mãn. Singapore đã hoàn toàn đô thị hoá nông thôn. Trung Quốc thì xem việc xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ lịch sử to lớn trong tiến trình thúc đẩy hiện đại hoá. Đã có những hội thảo nghiên cứu chủ đề xây dựng nông thôn mới mà Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo phải đích thân chủ trì (xem Tài liệu tham khảo đặc biệt của Thông tấn xã Việt Nam số 070.TTX ngày 24 - 3 - 2006).

Vấn đề này được đặt ra thì sẽ đòi hỏi sự suy ngẫm, tính toán kỹ lưỡng của nhiều ngành. Có những vấn đề thuộc phạm vi chủ trương đường lối, việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và đô thị hoá là hai phương diện trong phát triển nông thôn và thành thị. Không hiểu vấn đề này thì sẽ có những chủ trương đi quá đà hay bất cập. Nhà nghiên cứu Trung Quốc Tằng Nghiệp Tùng, Tổng thư ký Trung tâm Nghiên cứu vấn đề nông nghiệp Trường Đảng Trung ương, đã chỉ ra được những chỗ mạnh, chỗ yếu trong các chủ trương. Ông nói: “Có địa phương coi trọng việc xây dựng nông thôn mới đơn giản là xây dựng xóm làng mới, cũng có nơi làm theo chủ nghĩa hình thức, thông qua phương thức xây dựng nhà to, thu hút mọi người đến tham quan, biến thành công trình chạy theo thành tích. Có một nơi để xảy ra những việc như phá dỡ xây dựng rầm rộ, cưỡng chế di rời, tách làng, ghép làng tuỳ tiện, rồi vay mượn, bán đổi ... tuỳ tiện”. Một nhà nghiên cứu khác, ông Hàm Tuấn ở Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc vụ viện Trung Quốc nhấn mạnh: “Nhất định không được nóng vội, cần nghiên cứu kỹ lưỡng năng lực thực tế của nông dân, đồng thời không được làm trái ý của nông dân”.

Ở nước ta, vấn đề này khi được đặt ra, tất cũng đòi hỏi những sự gia công như vậy. Về phía Nhà nước, sẽ phải có những chính sách tăng đầu tư, đẩy nhanh xây dựng, đặt nền tảng vật chất vững chắc, đi đúng hướng lối cải cách nông thôn, thông qua đổi mới cơ chế, kích thích các yếu tố sản xuất nông thôn... Phải đồng thời đẩy nhanh cải cách chọn lọc kỹ thuật nông nghiệp, tổ chức nông dân thì qui hoạch mới có giá trị khoa học và thực nghiệm.

Còn đi sâu vào việc xây dựng diện mạo nông thôn mới thì sự đóng góp của các ngành nghệ thuật, khoa học chuyên môn cũng không phải là nhỏ, trong đó có lẽ ngành kiến trúc, xây dựng của chúng ta đứng  vị trí hàng đầu. Khi thăm một vùng nông thôn mới, chỉ nhìn quang cảnh xây dựng đã thấy được sự đô thị hoá rõ nét, lại đồng thời thấy được nét đặc sắc của làng xóm, đất đai và dân tộc, thì vai trò của những nhà kiến trúc rõ ràng là nổi bật.

Việc xây dựng nông thôn mới, hôm nay và ngày mai đòi hỏi những chủ trương đúng đắn của các nhà lãnh đạo, các nhà tổ chức, cùng với sự hỗ trợ trong chỉ đạo xây dựng của các nhà chuyên môn. Chúng ta có thể kết hợp những tri thức nghệ thuật mới, những kinh nghiệm thành công của ngành kiến trúc thế giới (Phương Đông, Phương Tây) để ứng dụng thích hợp vào hoàn cảnh Việt Nam, tất nhiên là phải phù hợp với xóm làng, cả về mặt thiên nhiên, mặt xã hội.

Có một thực tế thu hút được sự quan tâm của nhiều người là với nông thôn hàng ngàn năm qua có những hạn chế nhất định, do tình trạng lạc hậu của đất nước ta (kém về khoa học, kém về giao lưu, về hoạt động kinh tế) nhưng vẫn có những thành tựu đáng khai thác. Cha ông chúng ta, bao đời nay, lập ra các làng, các xóm, mở chợ búa, xây dựng đền, chùa... dù không có trình độ khoa học, không tổng kết được thành lý luận, nhưng mặc nhiên đã có những sáng kiến quí giá. Không có sáng kiến ấy thì không có những cái làng bền vững và có phong cảnh hữu tình còn lại đến ngày hôm nay.

Đô thị hoá nông thôn, nếu biết xây dựng trên cơ sở thành tựu ấy thì chắc có thể bảo đảm được đặc trưng địa phương, truyền thống văn hoá. Nếu nhìn vào thực tế tại một vài địa điểm ở nước ta (ngay ở những thành phố lớn) có rất nhiều công trình xây dựng đã thiên về yêu cầu kinh tế, yêu cầu giao lưu trước mắt mà làm giảm đi vẻ mỹ quan truyền thống, thậm chí còn phá hoại cả những di tích quan trọng. Các vùng nông thôn ở ta, giờ đây hay mai sau cũng vậy. Không thể để cho bà con nông dân làm theo những lợi ích trước mắt mà quên đi cái vốn văn hoá cố hữu của mình. Con mắt của nhà kiến trúc, trong vấn đề đô thị hoá nông thôn chính là con mắt văn hoá để giúp cho nông dân nhận thấy được sự bền vững, đảm bảo tính dân tộc và tính hiện đại ở đó.

Nói đến văn hoá làng, ngay trong phạm vi kiến trúc xây dựng, là cả một đề tài khoa học phong phú, mà giờ đây đi vào việc xây dựng nông thôn hiện đại - vấn đề  đô thị hoá nông thôn - là rất cần thiết và thú vị, rất thiết thực với khoa học chuyên môn, chứ không phải chỉ là sự kết hợp cho đúng với quan điểm. Quan niệm xây dựng kiến trúc truyền thống Việt Nam có cái  kỳ diệu. Khám phá được cái bề sâu ấy là tiếp cận được với văn hoá làng. Gần đây, chúng ta đều cố gắng đi vào bề sâu các làng văn hoá cổ truyền.


Làng Chuông (Thanh Oai - cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km). Ảnh: Photo.vn

Có điều kiện đi vào thực địa, sẽ nắm bắt được nhiều điều mách bảo. Ví dụ, vì sao các nhà ở nông thôn ta, nhất là các vùng biển, lại là những ngôi nhà thấp bé, mái nhà tranh rất rộng, kéo dài sùm sụp từ nóc cho đến gần sân? Nếu ta không liên hệ với đặc điểm khí hậu, tình hình gió bão hàng năm, cùng với vị trí của ngôi làng ở đầu sóng ngọn gió thì không hiểu được. Nhà ở vùng núi rừng thì lại phải có kiểu nhà sàn, nhà Rông, cũng do môi trường và thực tế qui định. Chúng ta cũng phải tâm phục cách nhìn của người xưa, phải bố trí nhà ở thế nào cho hợp với sinh hoạt, với hoàn cảnh kinh tế địa phương để đặt chợ (có chợ làng, chợ bản...). Cách sắp đặt, bài trí, chọn các địa điểm, các vị trí cho những công trình xây dựng của một làng, cũng chứng tỏ cái nhìn rất văn hoá. Nhiều đền, miếu, điện đặt ở những vị trí khá đặc biệt hoặc giữa lưng chừng núi, hoặc dọc bờ sông... Quang cảnh các đền, miếu, đình, chùa ở khắp nước ta đều có những nét ưu điểm về mặt kiến trúc. Việc xây dựng nhà cửa của từng hộ, từng gia đình nông dân, cũng tỏ ra rất có ý thức về văn hoá. Không phải là những ngôi nhà tầng tầng lớp lớp như thành phố, mà là những khuôn viên riêng, có vườn tược, có luỹ tre xanh, hàng rào râm bụt bao bọc - loại nhà miệt vườn ở Nam Bộ, nhà vườn ở Huế... Có như vậy mới thực sự là nông thôn, mới là làng quê.

Đi sâu vào các kiểu nhà ở các làng quê, từ những chi tiết cụ thể trong việc kiến trúc, xây dựng, ta cũng thấy rõ có những phát hiện, những mẫu hình kiến trúc khác biệt. Có những chi tiết được gọi là cuộn vỉa múi cam, mộng trơn, mộng thắt. Có những kiểu như cửa võng, cửa xếp, cửa ô con tiện... Có những kiểu nhà như: nhà trình tường, nhà rọi, nhà rường, nhà chồng diêm... thật là có văn hoá. So với những kiểu nhà mới theo nghệ thuật tiên tiến của Phương Tây, thì mỗi bên có cái đẹp riêng, nhưng sát với hoàn cảnh của quê hương Việt Nam xưa, để nổi bật nên nét văn hoá làng của dân tộc. Cái nhìn văn hoá làng trong phương hướng kiến trúc cho đô thị hoá nông thôn đúng là điều cần khẳng định.

>> Kiến trúc nông thôn xưa, nay: trách nhiệm và những hành động... 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: