"Đô thị gọn chặt" và chiến lược phi tập trung hóa

Thứ hai, 21 Tháng 11 2011 00:03 T/c Kiến trúc Việt Nam Quy hoạch đô thị
In

Những nghiên cứu lý luận về các chính sách "đô thị gọn chặt" đã được triển khai nhằm tìm ra phương cách vận dụng cho vùng (kinh tế) đô thị nằm ở khu vực trung tâm đất nước Hà Lan. Tuy vậy đây là một vùng đô thị của một thể loại không bình thường với 36% dân số Hà Lan tập trung trên một diện tích vào khoảng 5% đất đai của họ - một độ tập trung đô thị cực cao.

“Đô thị là nơi người ta sống và làm việc. Đô thị gọn chặt được xem là câu trả lời cho hai vấn đề chủ yếu mà trái tim kinh tế của Hà Lan và là khu vực đông đặc dân cư nhất của đất nước phải đối diện - đó là sự đô thị hóa nhanh chóng của các khu đất còn trống và sự tăng trưởng liên tục của độ di động. Người ta từng hy vọng rằng "đô thị gọn chặt" sẽ góp phần làm tăng chất lượng không gian cho các vùng đô thị và nông thôn. Khái niệm "đô thị gọn chặt" cùng với các khái niệm đô thị hoá và độ di động và cả ba đã gây sức ép lên phương cách giải quyết các vấn đề đô thị từ đó đến giờ”.

Thế nào là đô thị "gọn chặt"?

Đô thị "gọn chặt" (không phải đô thị “nén”) và nguyên lý phi tập trung hóa một cách tập trung đều là sản phẩm của tư duy và thực hành quy hoạch mang thương hiệu Hà Lan và gắn liền với việc sắp xếp, tăng cường các chức năng đô thị của cả vùng kinh tế trung tâm Hà Lan để hình thành nên một siêu đô thị rất đặc thù hình móng ngựa mà người ta gọi là Randstad. Đặc thù thứ ba cũng mang thương hiệu Hà Lan là hình thái không gian. Từ một ngẫu hợp đô thị không theo quy tắc nào, người ta biến nó thành một tổ hợp có quy củ được gọi là cụm đô thị rất gọn ghẽ và chặt chẽ. Nguyên lý cụm đô thị đã làm nảy sinh một phương thức mới về phân bố dân cư cho các đô thị cực lớn với nhiều triệu dân không để cho nó lan tỏa ra xung quanh một cách tự phát.

Hội đồng Quốc gia về Quy hoạch không gian của Hà Lan đã định nghĩa chính sách "đô thị gọn chặt" như là chính sách hướng vào mục tiêu tập trung hơn trước đây vào các chức năng sinh sống, lao động và phân phối trong đô thị. Thực ra các đô thị Hà Lan nhìn chung là khá gọn chặt. Không ai được phép xây dựng bất cứ cái gì ở ngoài tường thành trong phạm vi của tầm bắn. Luật ấy đã đóng góp cao độ vào tính chất gọn chặt của các đô thị.

Nhưng chính sách về phát triển "đô thị gọn chặt" lại còn có lý lẽ quan trọng khác. Đó là cấu trúc không gian chức năng bên trong đô thị. Các khu đô thị đa chức năng được coi như có khả năng kích thích hơn là các khu vực đơn chức năng. Các khu đô thị đa chức năng làm giảm sự sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới. Đơn giản là vì các chức năng đô thị đều ở trong tầm với của cự ly đi bộ. Cho nên khái niệm đô thị gọn chặt có thể được đặc trưng bởi sự sử dụng với cường độ cao của các khu đô thị hiện hữu, tập trung các chức năng thay vì cho phân tán, hòa trộn các chức năng thay vì cho tách biệt và xây dựng với mật độ cao.

Randstad - siêu đô thị hình móng ngựa của Hà Lan

Những nghiên cứu lý luận về các chính sách "đô thị gọn chặt" đã được triển khai nhằm tìm ra phương cách vận dụng cho vùng (kinh tế) đô thị nằm ở khu vực trung tâm đất nước Hà Lan. Tuy vậy đây là một vùng đô thị của một thể loại không bình thường với 36% dân số Hà Lan tập trung trên một diện tích vào khoảng 5% đất đai của họ - một độ tập trung đô thị cực cao. Tuy vậy, nhưng ấn tượng của người quan sát chắc chắn không phải là cảm giác về sự phát triển xô bồ của các đô thị khổng lồ. Sở dĩ thế là vì đô thị cực lớn của Hà Lan tự gọi là Randstad (đô thị hình vành khuyên - ring city) - một vành khuyên của các đô thị tách biệt nhau về mặt không gian theo dạng hình móng ngựa dài khoảng 110 hải lý.

Trong một cuốn sách của mình, Halll Peter cho rằng các chính sách đi theo ba tuyến: Tuyến thứ nhất là “gìn giữ các đô thị lịch sử của vành đai đô thị” như những điểm riêng biệt của tập trung hóa. Tuyến thứ hai của các chính sách là “gìn giữ bằng mọi giá trái tim nông nghiệp của vành móng ngựa Randstad". Và tuyến thứ ba của các chính sách, có thể là kiến nghị mang tính cách mạng nhất lần đầu chứa đựng trong báo cáo năm 1958 đề cập đến sự phát triển của Randstad. Nếu như không phát triển ra bên cạnh vì lo sẽ kết dính các đô thị với nhau, không phát triển vào phía trong sợ chạm phải trái tim nông nghiệp, thì rõ ràng là các đô thị phải phát triển ra phía ngoài vành đai các đô thị.


Đô thị cực lớn có trái tim xanh (Greenheart Metropolis) 

"Đô thị gọn chặt"...

Đến với các vấn đề đô thị muộn hơn và đối diện với nhu cầu phải có quy hoạch để phát triển nên người Hà Lan đã chối bỏ để đổi lấy sự mở rộng không gian xanh theo tuyến và cái nêm xanh: một giải pháp cho phép mở rộng không giới hạn dọc theo các tuyến giao thông quan trọng, nơi mà phần lớn các phát triển đô thị hiện hữu đã từng xảy ra song vẫn giữ được mọi ưu thế của miền đồng quê ở giữa các tuyến đường ấy. Hình như có rất ít người nghi ngờ rằng đối với phần lớn các đô thị thế giới phát triển nhanh thời hiện đại thì giải pháp của người Hà Lan là mô hình tốt và đúng.

…và nguyên lý phi tập trung hóa một cách tập trung

Ở Hà Lan, sau một loạt biến cố, các nhà quy hoạch đã nghiên cứu, đưa ra các chính sách mới: Từ bỏ chính sách phi tập trung hóa ra các vùng nông thôn để thay thế bằng chính sách tập trung không gian theo cách gọi của KAMMEL và DE KLERK (1993), Hà Lan và nhiều nước khác gần đây gọi là chính sách "đô thị gọn chặt" và giới lý luận quy hoạch - nguyên lý (hay chiến lược) phi - tập trung hóa một cách tập trung.

Nguyên lý “phi tập trung hóa một cách tập trung" dựa trên những luận điểm về xu thế hiện tại cũng như những dự định cho tương lai. Công ăn việc làm (là cái phải quy hoạch đầu tiên) được chờ đợi sẽ được phi tập trung hóa khỏi các trung tâm đô thị lớn để tránh cho các đô thị ấy phình ra, kể cả từ khi Randstad nói chung. Các khu xây dựng, khu xây dựng nhà ở lại càng trải ra xa nhiều hơn nữa bởi đại đa số dân chúng (50%-70%) muốn ở trong những tòa nhà - gia đình lẻ. Mật độ cũng có thể thấp hơn trong các đơn vị đô thị, nhưng các quần cư cỡ ấy thường mang lại các dịch vụ không mấy đa dạng.

Trong khi đó thì ở các thị tứ, thị trấn việc sử dụng ô tô con dễ dàng hơn, điều mà hễ đô thị càng lớn càng khó khăn hơn, nhất là các đô thị từ 0,5 triệu người trở lên. Đó cũng là ngưỡng theo đó người ta phải tiến hành làm đường sắt đô thị. Cho nên phi tập trung hóa và hệ thống (phân bố dân cư) có cơ sở đường sắt là giải pháp đáp ứng cho nhu cầu của tương lai: giảm sử dụng ô tô - xe máy và tăng cường đi bộ - xe đạp: giải pháp vừa mang lại những hệ quả tốt cho bảo vệ môi trường, vừa phù hợp với việc xăng dầu ngày càng hiếm.

Và cấu trúc đô thị xuất hiện từ sự phân tích đó phải là một hệ tầng bậc có quy mô khác nhau mà về mặt lý thuyết có thể tổ hợp theo nhiều cách khác nhau; Các đơn vị quy hoạch hay đơn vị đô thị sẽ đi từ quần cư với 5.000 người (A) thông qua quần cư 15.000 người (B) để đi tới 60.000 người (C) và 250.000 người (D) là những đơn vị mang lại một loạt các dịch vụ đô thị đa dạng.


Thành phố Canberra theo sơ đồ Quy hoạch chung 1912 của GRIFFIN theo quan niệm "Thành phố đẹp" (City beautiful) 

Bài học từ quan niệm về đô thị gọn chặt và nguyên lý phi tập trung hóa một cách tập trung

Người ta rút được bài học nào từ "đô thị gọn chặt" và nguyên lý phi tập trung hóa nhưng không giống kiểu phi tập trung hóa kiểu cũ như người Anh, người Pháp và người Nga. Ở đây chúng tôi muốn trình bày về cách thức người Bắc Âu và người Australia rút ra những bài học của nguyên lý ấy vào việc giải quyết các đô thị. Người Đan Mạch vận dụng mô hình Dynapolis vào giải quyết sự phát triển của thủ đô Copenhagen của họ. Người ta không tuyến hóa mà “chuỗi hóa” các hướng có triển vọng nhiều nhất theo kiểu anh em nhà Vesnin làm cho Staligrad.

Những bài học từ dự án thủ đô Canberra của Australia:

Năm 1912 Walter B. Griffin đoạt giải thưởng thiết kế đô thị Canberra với bản vẽ quy hoạch chung được tổ chức theo quan niệm “Thành phố đẹp” (City beautiful). (H.1)

Năm 1965 thành phố Canberra tiến hành quy hoạch theo mô hình cụm đô thị, (ảnh hưởng bởi Abercrombie - Anh). Nhưng sau đó để tránh tạo ra những vùng có mật độ dày đặc, từ năm 1970 Canberra đã chuyển sang mô hình Y plan (1970 - 1984). Sơ đồ quy hoạch mới của Canberra theo quan niệm quy hoạch chiến lược vạch ra có hình chữ Y nên gọi là Y plan. Thủ đô Canberra tổ chức theo mô hình cụm đô thị, mỗi “in town” tương đương một đô thị lớn (khoảng 200.000 - 300.000 dân). Mỗi đô thị có trung tâm riêng, giữa các đô thị là tuyến đường chạy giữa các vùng cây xanh gọi là parkway, một hệ thống đường giao thông công cộng nhanh nối liền các trung tâm các đô thị.

Từ năm 1970 các nước lần lượt áp dụng hệ thống quy hoạch hành động bao gồm quy hoạch chiến lược, quy hoạch sách lược và quy hoạch vận dụng.

Từ năm 1984, thành phố Canberra đề xuất ”Quy hoạch sách lược” cho chiến lược phát triển không gian vùng thủ đô Canberra. Bài học kinh nghiệm từ thành công của Canberra khi thiết lập Dự án không gian Canberra năm 2004 sẽ giúp ích cho các quốc gia trong việc phát triển đô thị theo các xu thế phát triển mới về quy hoạch.

Cần có chiến lược phát triển không gian (nói chung) của một đất nước, chiến lược phát triển của thành phố cực lớn và vùng tương tác của nó, đồng thời với xu thế phát triển bền vững (cả ba thành phần này đều phải kết nối với nhau không được tách rời) trong dự báo của tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam.

Áp dụng mô hình "thành phố gọn chặt” cho Hà Nội, TP.HCM và các đô thị Việt Nam... đảm bảo phát triển đô thị bền vững theo mô hình "thành phố gọn chặt" kinh nghiệm của Randstad - Hà Lan, Canberra - Australia...

Bạch Anh Tuấn - Trương Quang Thao


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: