Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Cứu vãn cảnh quan đô thị bằng nét văn hoá đặc sắc

Cứu vãn cảnh quan đô thị bằng nét văn hoá đặc sắc

I. Quy hoạch văn hóa là nội dung quan trọng của quy hoạch cảnh quan đô thị

Đô thị là kết tinh của văn hóa nhân loại. Sự phát triển của đô thị là một quá trình diễn biến dần dần. Lịch sử và văn hóa của đô thị hàm chứa nét đặc sắc và diện mạo của đô thị. Nét đặc sắc văn hóa biểu hiện sự phát triển, tích lũy, lắng đọng và đổi mới của đô thị. Quan niệm giá trị xã hội về đô thị của con người thay đổi cùng với sự sinh tồn và phát triển của đô thị. Do đô thị đổi mới và phát triển, những thứ cũ kỹ và vô giá trị sẽ không ngừng bị vứt bỏ và đào thải, còn văn hóa tinh thần và vật chất có giá trị trong đô thị như công trình kiến trúc cổ, di tích cổ... được nâng niu gìn giữ. Chúng trở thành chứng cứ lịch sử phát triển đô thị và dấu ấn hoạt động của loài người. Trong đó, một số công trình kiến trúc nổi tiếng trở thành tiêu chí vĩnh hằng của đô thị như Cố Cung, Thiên Đàn của Bắc Kinh, Nhà thờ Đức Bà, tháp Eiffel của Paris... Đồng thời, ta cũng tìm thấy dấu tích xây dựng cảnh quan nhân văn đô thị và phát triển văn hóa đô thị trong từng thớ thịt của đô thị. Những dấu tích lắng đọng văn hóa này sẽ trở thành đặc tính tri thức văn hóa chung của nhân loại, tạo nên nét đặc sắc văn hóa của đô thị, trở thành nội dung quan trọng của quy hoạch cảnh quan đô thị.


Cố cung Bắc Kinh

Có thể nói rằng, tư tưởng xây dựng cảnh quan đô thị truyền thống của Trung Quốc “coi trọng ý tưởng, xem nhẹ đồ vật”, đối với xây dựng môi trường vật chất, hầu như chú trọng ý cảnh hơn, hay nói cách khác là tạo ra bầu không khí. Nhưng trong xây dựng và phát triển đô thị, tư tưởng quy hoạch cảnh quan hiện hành thường làm cho công trình kiến trúc cao tầng tập trung cao độ và mạng lưới đường sá tỏa đi khắp nơi trở thành mô thức điển hình của cảnh quan đô thị, đa số cảnh quan đô thị đều từa tựa như nhau: không có tư tưởng, không có trọng tâm, thiếu mỹ cảm tự nhiên và đặc sắc văn hóa. Đúng như ông hội trưởng Hội kiến trúc sư Hoàng gia Anh nói: "Cả thế giới đang đứng trước nguy cơ lớn, các đô thị của chúng ta đều na ná như nhau. Điều đó thật đáng tiếc, bởi vì nhiều hứng thú trong cuộc sống bắt nguồn từ sự đa dạng và đặc sắc của địa phương”.

Vì vậy, nghiên cứu đặc sắc văn hóa đô thị, cần phải đưa đặc sắc văn hóa vào quy hoạch cảnh quan đô thị, thông qua cảnh quan đô thị để phản ánh đặc sắc đô thị và các quan niệm giá trị của người dân đô thị của một khu vực nhất định, ở một thời kỳ nhất định, thể hiện nội hàm văn hóa như nhận thức, cảm nhận và niềm tin... của người dân đối với môi trường. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với quy hoạch cảnh quan đô thị. Đồng thời, quy hoạch văn hóa khiến cho đô thị hình thành một bầu không khí văn hóa có đặc sắc, có thể đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của mọi người, do vậy đô thị cũng có linh hồn.



II. Quan niệm văn hóa là tiền đề sáng tạo cảnh quan đô thị

Nét đặc sắc của đô thị là sự biểu hiện hình tượng không gian bên trong bên ngoài của hình thái vật chất đô thị, nó vừa là nhân tố bên ngoài, vừa là nhân tố bên trong. Khi chúng ta hồi tưởng lại thành phố mà mình đã tới hoặc vừa mới tới, ấn tượng sâu nhất thường là tiêu chí hình tượng đô thị. Những kiến trúc cổ mang tính lịch sử, công trình kiến trúc công cộng và quảng trường nổi tiếng dẫn tới sự phản ứng của thị giác mọi người, mang lại cho mọi người ký ức và liên tưởng sâu sắc; những đường phố phồn hoa trong thành phố, nét đặc sắc khu vực của thành phố, diện mạo tinh thần của mọi người, niềm vui thích của họ... tạo thành bầu không khí đô thị, mang lại sự hứng thú cho mọi người . Khi anh tham quan Cố cung Bắc Kinh, tầng tầng lớp lớp cung điện, quần thể công trình kiến trúc tráng lệ được thu cả vào tầm mắt anh. Khi anh đi thuyền du ngoạn sông Seine, nhà thờ Đức Bà Paris cao vút, những cầu đá diễm lệ, công trình kiến trúc công cộng lớn khiến cho anh cảm thấy mình như lạc vào thế giới thần kỳ trong đó đá và nước giao hòa với nhau... Thậm chí ở mục dự báo thời tiết trên truyền hình, người ta cũng thường dùng những phù hiệu có tính tiêu chí trong thành phố làm tượng trưng cho thành phố. Những tượng trưng đó là công trình kiến trúc cao vút, hoặc là chùa chiền miếu mạo, hoặc là danh lam thắng cảnh và công trình kiến trúc kỷ niệm, hoặc công trình kiến trúc công cộng... khiến mọi người chú ý, hồi tưởng.


Nhà thờ Đức Bà, Paris

Có thể nói, sự hình thành công trình kiến trúc có đặc điểm riêng rõ ràng có tác dụng chủ đạo và làm nổi bật đối với hình tượng đô thị. Vì vậy, cần phải xuất phát từ đặc điểm môi trường, làm tốt việc thiết kế quảng trường, công trình kiến trúc công cộng, công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm và tiêu chí ở những nơi quan trọng khi quy hoạch cảnh quan đô thị vì chúng là văn hóa kiến trúc thể hiện hình tượng và phong cách đô thị. Vì vậy, người xây dựng, người quản lý, người quy hoạch đô thị cần phải có quan niệm văn hóa đối với đô thị. Vì nền văn hóa tổng hợp của đô thị thể hiện sự tích lũy, lắng đọng và đổi mới của đô thị, phản ánh hoạt động cư trú tập trung của con người đang không ngừng thích ứng và cải tạo đặc trưng tự nhiên; nét đặc sắc văn hóa đô thị phản ánh đặc điểm mô thức hành vi xã hội và hành vi quan niệm đô thị, là sự tổng hòa phản ánh tổng hợp hoạt động xã hội đô thị; tính chất và quy mô đô thị ảnh hưởng tới nét đặc sắc văn hóa của đô thị, còn các công trình đô thị hiện đại hóa, khoa học công nghệ hiện đại hóa mang lại cho đô thị nét đặc sắc văn hoá mới. Tóm lại, với một ý nghĩa nào đó, nét đặc sắc văn hóa đô thị là sự phản ánh tổng hợp tố chất và trình độ của người quản lý, người quy hoạch và người thiết kế đô thị ở những thời kỳ lịch sử khác nhau. Muốn có đủ quan niệm này, phải chú trọng đặc trưng văn hóa mới kế tục và sáng tạo mạch văn hóa của kiến trúc đô thị. Một mặt, cần phải bảo vệ văn hóa lịch sử của đô thị, mặt khác cần phát triển văn hóa đô thị và những biểu hiện của nó. Khi xây dựng đô thị mới, cần đặc biệt chú ý nét đặc trưng văn hóa của công trình kiến trúc mới. Còn đối với một số công trình kiến trúc cổ hoặc di tích có lịch sử văn hóa lâu đời nhưng không tồn tại, cần phải nghiên cứu đối chiếu với văn hoá kiến trúc mới tái hiện trên cơ sở vốn có. Tóm lại, xây dựng nét đặc sắc cảnh quan có tiền đề là tạo lập quan niệm văn hóa.

Con đường xây dựng nét đặc sắc văn hóa cảnh quan đô thị

Lấy con người làm gốc, thoả mãn yêu cầu công năng. Con người là chủ thể của môi trường đô thị, trung tâm và mục đích của thiết kế cảnh quan đô thị là con người, là nhằm khiến cho con người và môi trường tạo thành một thể thống nhất hài hòa và hoàn mỹ. Vì vậy, mọi thiết kế cảnh quan đô thị đều phải coi nhu cầu của con người là điểm xuất phát, quan tâm tới con ng-ời, tạo ra những không gian có thể đáp ứng nhu cầu của ng-ời dân thành phố với độ tuổi và năng lực hành vi khác nhau tùy theo đặc điểm hoạt động và đặc điểm tâm lý của họ. Đó vốn là nguyên tắc cơ bản mà công tác xây dựng cảnh quan đô thị phải tuân theo, nhưng trong thực tế nguyên tắc này thường bị xem nhẹ. Lấy thiết kế quy hoạch đường sá làm ví dụ, hiện nay đường sá ngày càng rộng, thậm chí vẫn có người hăng hái “cải tạo” đường sá “cũ” của đô thị - chủ yếu là mở rộng đường ô tô trên cơ sở đường vốn có, kết quả là chiếm dụng các khoảng đất trống trước các ngôi nhà, xe đạp lại chiếm đường đi bộ. Một ví dụ nữa, khi cải tạo khu bãi Ngoại than ở Thượng Hải, người ta đã chặt phá nhiều cây to lâu năm, người đi lại phải dầu dãi dưới ánh nắng hè, du ngoạn ở Ngoại than mà như đi phơi cá khô, không có một chút bóng mát nào - ở đây con người bị coi nhẹ. Nếu khi quyết định, người thiết kế xuất phát từ góc độ con người, thoả mãn yêu cầu thích ứng của họ về công năng thì những sai lầm tương tự có thể tránh được.


Tây Hồ ở Hàng Châu

Thiết kế kết hợp với tự nhiên. Quan niệm môi trường cổ đại Trung Quốc nhấn mạnh sự hài hòa giữa con người và tự nhiên, cố gắng đạt tới giới hạn của “trời đất hợp nhất với con người”. Quan niệm này vẫn còn ý nghĩa hiện thực đối với việc xây dựng cảnh quan đô thị ngày nay. Môi trường tự nhiên là nền tảng cho loài người sinh tồn và phát triển, các yếu tố như địa hình địa mạo, sông hồ, thảm thực vật... cấu thành nên nguồn cảnh quan chủ yếu của đô thị, tôn trọng và nhấn mạnh đặc trưng cảnh quan tự nhiên của đô thị khiến cho môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên hài hòa với nhau. Hầu như mọi thành phố lịch sử nổi tiếng trên thế giới đều gắn bó với núi, sông, hồ, chúng có ảnh hưởng rất lớn đối với bố cục công năng, hình thái, cảnh quan đô thị. Ví dụ, Hàng Châu có đỉnh cao Nam Bắc và Tây Hồ, Tế Nam có núi Thiên Phật và hồ Đại Minh, Nam Kinh có núi Tử Kim và hồ Huyền Vũ... Một thành phố đẹp như tranh không thể tách rời núi, sông hồ, phát triển, mở mang thành phố cũng không thể tách rời tự nhiên, thiên nhiên và thành phố cùng dựa vào nhau để tồn tại, thiên nhiên đem lại cho thành phố nét đặc sắc, cảnh quan, sự cân bằng sinh thái và cân bằng tâm lý, khi lợi dụng thiên nhiên phải bảo vệ là nguyên tắc chuẩn, hễ sinh thái thiên nhiên bị phá hoại thì sự sinh tồn và phát triển của đô thị sẽ bị đe dọa. Tổ chức và bảo vệ môi trường thiên nhiên đô thị là biện pháp quan trọng để tạo dựng và giữ gìn nét đặc sắc đô thị.


Dương Châu

Kế tục lịch sử, phù hợp với thời đại. Đa số xây dựng cảnh quan đô thị là cải tạo và đổi mới trên cơ sở vốn có. Xây dựng hôm nay trở thành cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Đối với cảnh vật có giá trị lịch sử, giá trị kỷ niệm và giá trị nghệ thuật, cần phải khai thác, lợi dụng và bảo tồn một cách có ý thức nhằm khiến cho không gian đô thị đã được nhiều đời kinh doanh và cảnh quan được nối liền với nhau. Nhưng khi xây dựng cảnh quan, nhiều thành phố của Trung Quốc thường đã tách rời lịch sử, không quan tâm tới nhân tố nhân văn. Ví dụ, lầu Bình Viễn chùa Đại Minh thành phố Dương Châu nhìn về phía nam, ngày xưa lên lầu ngắm các dãy núi Giang Nam, cảnh đẹp như tranh, vì vậy lầu Bình Viễn lưu danh xưa nay. Nhưng đáng tiếc, tòa nhà chính quyền thành phố Dương Châu lại xây chắn giữa lầu Bình Viễn và cảnh núi sông: thành phố mất đi cảnh đẹp tuyệt trần. Hai chữ "Bình Viễn” đã trở nên hữu danh vô thực. Vì vậy, ở các thành phố văn hoá lịch sử nổi tiếng, đối với các công trình kiến trúc và di tích cổ lịch sử, ngoài việc khảo cứu chứng cứ về lịch sử của chúng, về ảnh hưởng của sự phát triển xã hội, đối với công trình kiến trúc cổ, duy tu và sử dụng công trình kiến trúc cổ trước nhu cầu về nghệ thuật nhìn, cảnh quan đô thị, còn phải lập khu bảo vệ chúng. Ví dụ, lập vành đai bảo hộ tuyệt đối, khu bảo hộ phong cảnh, hành lang ngắm cảnh xung quanh công trình kiến trúc cổ... Đồng thời, với việc bảo hộ kiến trúc văn vật, chúng ta cũng cần nhận thức được rằng, bất cứ kiến trúc phỏng cổ nào cũng đều không phải là văn vật. Gía trị của công trình kiến trúc văn vật là nó đã ghi chép lịch sử một cách chân thực. Khi mới xây dựng, các công trình kiến trúc cổ thực sự cũng là “công trình mới”. Không có thành phố nào của một nước nào trên thế giới lấy công trình kiến trúc phỏng cổ làm nét đặc sắc của mình.


Tượng Nữ thần Tự do, New York

Hiến chương Venice - văn kiện mang tính cương lĩnh về bảo vệ công trình kiến trúc văn vật được thế giới công nhận - quy định: khi cần phải mở rộng công trình kiến trúc văn vật, phải làm cho phần mở rộng có phong cách đương đại, quyết không được phỏng cổ, mục đích là tránh làm rối lịch sử, tránh cho công trình kiến trúc văn vật mất đi tính chân thực lịch sử. Văn vật là chứng cứ lịch sử, người đời sau thông qua nó để hiểu thời đại sản sinh ra những công trình kiến trúc này. Vì vậy, cảnh quan mới, công trình kiến trúc mới phải đại diện cho kỹ thuật tiên tiến đương đại, phản ánh phương thức sinh hoạt và diện mạo tinh thần điển hình của đương đại, đạt tới trình độ mới của nghệ thuật cảnh quan đương đại.

Thể hiện nét đặc sắc của địa phương. Do vị trí địa lý và môi trường tự nhiên khác nhau, bối cảnh lịch sử và quá trình phát triển khác nhau nên mỗi một đô thị đều có tính cách, hình tượng và dáng dấp đặc thù. Đó là chỗ dựa cho thiết kế quy hoạch, cấu tứ cảnh quan đô thị. Cho dù ngày nay là thời đại văn hóa của các dân tộc hòa nhập với nhau, nhưng tính dân tộc và tính địa phương vẫn là một nguyên tắc chủ yếu của sáng tác nghệ thuật môi trường đô thị. Cảnh quan và nét đặc sắc của đô thị được phản ánh chủ yếu bởi một số không gian công cộng, các nhân tố chủ yếu cấu thành hình tượng thị giác của không gian công cộng là công trình kiến trúc, đất phủ xanh, sông nước, đường phố, tiểu phẩm nghệ thuật, quảng trường... Kiến trúc, tượng đài, quảng trường có tác dụng quyết định đói với nét đặc sắc của đô thị. Cố cung, Thiên đàn, quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, cung điện Luvre, tháp Eiffel của Paris, tượng Nữ thần tự do, tòa nhà chọc trời của New York, đấu trường của La Mã, cung điện Kremli của Matxcơva ... đều đại biểu cho nét đặc sắc của thành phố. Vì vậy, vấn đề mà mọi người thiết kế phải quan tâm là tạo ra nét đặc sắc mới cho đô thị như thế nào khi xây dựng đô thị, đó cũng là phương hướng mà họ phải phấn đấu.

>> Thiết kế đô thị trong điều kiện phát triển bền vững đô thị ở Trung Quốc 

>> Nghiên cứu phương pháp thiết kế mầu sắc môi trường đô thị hiện đại 

Nguồn : Tạp chí Thành Hương Kiến Thiết; Những vấn đề đô thị; Xây dựng đô thị và nông thôn; Kiến trúc học báo của Trung Quốc
Người dịch : Hoàng Thế Vinh
Biên tập và hiệu đính : Nghiêm Văn Thọ

Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm