Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Hà Nội: Đô thị cổ, kiến trúc cũ

Hà Nội: Đô thị cổ, kiến trúc cũ

Viết email In

Hà Nội cổ về lịch sử, chưa hẳn đã cổ về kiến trúc đô thị. Các di chỉ kiến trúc, khảo cổ học có niên đại cả ngàn năm. Song quỹ kiến trúc đô thị hiện hữu, tính cả các di tích, có độ tuổi hầu hết không quá 200 năm. Đại đa số công trình kiến trúc và phố xá xuất hiện từ nửa sau thế kỉ 19. Nói gọn, đô thị cổ, kiến trúc cũ.

Ngay cả khu phố thường quen gọi là cổ, thì trên những gì còn lại, cũng nên gọi là cũ. Ở tình trạng hiện nay, Hà Nội vẫn là một thành phố có quy mô không lớn, quỹ kiến trúc đô thị cũ kĩ, hạ tầng kĩ thuật lạc hậu. Hiện hữu nhiều tồn dư kiến trúc và thời gian, ví dụ là hàng chục làng cổ và cũ, chật chội, chỉ còn cơ may phát triển lên trời, các khu tập thể xây dựng cấp tập cách nay ba bốn chục năm đã lỗi thời, khu bờ sông Hồng nảy sinh hoàn toàn tự phát.

  • Ảnh bên : Hồ Gươm xưa...

Hơn hai chục năm qua đã có nhiều nỗ lực để cải thiện và hiện đại hóa thủ đô. Mấy năm trước, khi lễ kỷ niệm 1000 năm chưa cận kề, chúng tôi gợi ý thành phố tiến hành một cuộc Tổng điều tra và kiểm kê toàn bộ gia sản tích lũy qua 1000 năm: tài nguyên thiên nhiên, quỹ kiến trúc đô thị, cơ sở kĩ thuật hạ tầng…Ta làm việc ấy hệt như người quản kho. Trước là để đánh giá tổng thể, lần đầu tiên, cái gia tài ta sở hữu ở mốc 1000 năm. Hai là để, từ đó, hoạch định các chương trình và các quy hoạch phát triển. Ba là để bàn giao cho hậu thế. Giá mà cuộc đại kiểm kê ấy được thực hiện, có phải những người làm quy hoạch Hà Nội mở rộng lúc này dễ biết bao! 

Không có những dữ liệu điều tra và kiểm kê cơ bản như thế, ta đành làm cái việc kiểm kê mình quen hơn, tức là nhắc lại những điều đã nhắc lại nhiều lần. Sau ngày 1/8/2008, Hà Nội làm chủ một cơ ngơi thiên nhiên và đất đai đồ sộ, đủ để cho một thành phố lớn và một thủ đô thỏa sức mở mang. Tất cả những gì cần cho Hà Nội về phương diện tài nguyên thiên nhiên đã hội tụ đủ, thậm chí dư, chỉ thiếu biển. Song, sông ngòi và ao hồ hầu hết đã lâm bệnh, núi rừng đa phần nhân tạo hóa, quỹ đất bị chiếm dụng nham nhở. Những phác thảo quy hoạch dụng đất hôm nay và mai sau, nên xuất phát từ bài tính chiến lược: trời - đất - ta, một cách hết sức tằn tiện, dụng chỗ nào và dụng vào việc gì phải so đo cho kĩ. Chí ít cũng phải như cái anh thợ da trước tấm da bò. Ta quen lối cái gì cũng phục dựng được, làm giả được. Song, thiên nhiên, hỏng hoặc mất, thì không tài nào phục sinh được. Đất ruộng đô thị hóa thì dễ, đã đô thị thì không hóa thành ruộng được nữa!

Về quỹ kiến trúc đô thị, Hà Nội đang sở hữu 5 thành phần lớn: khu phố Việt truyền thống, khu phố thời thuộc địa, các làng cổ và cũ, quỹ kiến trúc xây dựng sau năm 1954 và các khu vực cảnh quan thiên nhiên. Khu phố cổ, là một di sản đô thị, có giá trị không hẳn bởi niên đại và cũng không hẳn bởi kiến trúc. Giá trị ở chỗ nó là một cấu trúc phố thị truyền thống thuần Việt, với một cộng đồng thị dân vẫn lưu giữ phần nào nếp sống và cách làm ăn xưa cũ. Cách ứng xử đúng và khả thi hơn cả là kết hợp bảo tồn, cải tạo và hiện đại hóa. Chính sự kết hợp ấy đảm bảo dòng chảy tự nhiên và sự hòa nhập với cơ thể đô thị hiện đại. Khu phố và các công trình kiến trúc thời Pháp thuộc, rõ ràng là di sản đô thị của Hà Nội, đa dạng về thể loại, phong phú về phong cách, bền dai về thẩm mỹ, có vai trò đặc biệt trong diện mạo đô thị Hà Nội. Cơ hội duy trì vốn liếng kiến trúc này chính là chính sách, các chế độ trong ứng xử. Đặc biệt cần giảm thiểu sự thách thức về quy mô và độ cao của các công trình xây xen kẽ.

Các làng cổ và làng cũ trong cơ thể Hà Nội đặt ra những bài toán cải tạo khó gấp bội so với các thành phần đô thị khác. Người dân hẳn sẽ tiếp tục xây cất nhà nhiều tầng, lèn nén không gian vốn đã chật. E ngại, đây sẽ là những dị thể của thành phố hiện đại. Quỹ kiến trúc hình thành sau năm 1954, khá lớn và rất đa dạng. Trong đó các khu xây dựng thời chiến tranh và bao cấp đang trở thành những tồn đọng kiến trúc - lịch sử khó bề giải quyết.

Các khung cảnh thiên nhiên của thủ đô, trước tiên là hồ ao và sông ngòi, có vai trò đặc biệt trong cấu trúc hình thái không gian. Song chúng đang đòi hỏi được chữa trị, phục sức và tô điểm. 

  • Ảnh bên : Hồ Gươm nay

Hà Nội về tổng thể vẫn còn là một cơ thể đô thị chưa hẳn đã tan vỡ, vẫn duy trì được sự chuyển hóa không gian đô thị mềm mại, một khung cảnh đô thị gắn kết. Về phương diện hình thái học đô thị, Hà Nội có khuôn mặt của sự chuyển hóa và hòa đồng giữa làng và phố, làm cho thủ đô vẫn giàu chất Á Đông. Hà Nội mở rộng ra 3.340km2, có nghĩa là sự phát triển theo bề rộng là chính yếu rồi. Song, Hà Nội cũ, để thành nhân tố trung tâm, phải được chủ trương phát triển thâm canh, kết hợp cải tạo và hiện đại hóa. Ngược lại, nhân tố trung tâm có thể trở thành thực thể kiến trúc và lịch sử thiểu năng. Sự lan tỏa từ cái nhân đô thị, được củng cố và nâng cao, sẽ quyết định tương lai của thủ đô. Không một cấu trúc đô thị nào có thể thay thế được nó.

Trong công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa, thành thị hóa, có 2 cục diện rất bản chất, diễn ra xuyên suốt và song song, hàm chứa mâu thuẫn và thách thức: đô thị hóa đất đai và thành thị hóa dân cư. Các nhà quy hoạch hoạch định: đến năm 2030, đất đô thị Hà Nội sẽ là 880km2, trên tổng diện tích 3.340km2. Cho đến 1/8/2008, Hà Nội cũ chỉ có trên dưới 100km2 đô thị hóa, bằng 1/9 lãnh thổ. Sau mở rộng địa giới hành chính, tỷ lệ ấy là 1/33. Ấy thế mà đến 2030, tỷ lệ đô thị hóa sẽ là 1/4. Ai đó phân vân: ngàn năm vun đắp và hơn một trăm năm đô thị hóa theo khái niệm hiện đại, Hà Nội mới chỉ đô thị hóa 100km2, nay chỉ cần 20 năm đã có 880km2, tăng thêm 8 lần. Ai đó e ngại, sự chiếm dụng đất đai nhanh và gấp như vậy sẽ dẫn đến những lãng phí tài nguyên đất, hủy hoại môi trường tự nhiên, nạn xây dựng đô thị nham nhở, khó bề tạo dựng một đô thị phát triển bền vững và thực sự hiện đại.

Về thành thị hóa dân cư, xin dẫn vài dữ liệu: năm 1954, nội thành có 400.000 người, ngoại thành có 130.000 người. Năm 2002, người nội thành là 2.875.000 người, còn ngoại thành có 1.339.000 người. Năm 2008, sau mở rộng địa giới hành chính, người nội thành 2.474.000, người ngoại thành 3.684.600. Dễ dàng nhận ra, tỉ lệ dân cư ngoại thành so với dân cư nội thành ngày càng lớn, trước 1/8/2008 là 46%, nay 149%. Thành thị hóa dân cư đặt ra những vấn đề nan giải gấp bội, so với việc mở rộng địa giới và đô thị hóa đất đai. Mọi cấu trúc quần cư chỉ trở thành thành phố đích thực, có sức hút và sức tỏa, tính tiêu biểu, sức cạnh tranh và có thương hiệu, khi dân cư đã thành thị hóa và tạo lập cho thành phố mình những giá trị và đặc trưng văn hóa. Trong phát triển thủ đô hơn nửa thế kỉ qua đã có những biến động lớn về dân cư. Năm 1954, sau giải phóng, hàng vạn bộ đội – nông dân và cán bộ chuyển về Hà Nội, hàng vạn người Hà Nội gốc di cư hoặc xây dựng các vùng kinh tế mới. Một mặt, dân cư Hà thành đổi máu và tiếp thu đời sống mới. Mặt khác, yếu tố thành thị và văn hóa thành thị đặc trưng bị vơi hụt đi. Thêm vào đó, hàng chục thôn làng hòa nhập vào cơ thể nội thị, xóa mờ những giới hạn mong manh giữa thành thị và thôn quê. Sau mở rộng địa giới, về phương diện thành thị hóa dân cư, hình thành chuỗi: dân cư nội thành - dân cư ngoại thành - dân cư nông thôn. Trong đó, dân cư nội thành chưa đạt độ thành thị hóa cao. Dân cư ngoại thành trong quá độ thành thị hóa. Dân cư nông thôn chắc phải có thời gian dài để trở thành người thành phố. Mở rộng lãnh thổ, mở rộng địa hạt đô thị hóa, ở mức độ nào đó, tỉ lệ nghịch với thành thị hóa dân cư, kéo dài thời kỳ quá độ của công cuộc hiện đại hóa thủ đô.

1000 năm trước đây, Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô, đứng trước nhiều tham vọng và những trăn trở. 1000 năm sau, chúng ta quyết xây dựng thủ đô rộng lớn và đồ sộ gấp trăm lần. Tham vọng và trăn trở tăng lên gấp bội phần. Hà Nội, đi vào thiên nhiên kỷ thứ hai, cần tầm nhìn và tư duy thực tế.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

>> Hà Nội trong mắt KTS Hoàng Đạo Kính 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo