Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Phản biện TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch để giải bài toán phát triển đô thị

TPHCM: Điều chỉnh quy hoạch để giải bài toán phát triển đô thị

Viết email In

Bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 6/1, với mục tiêu phát triển kinh tế trong sự hài hòa, đồng bộ với không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bảo vệ môi trường.

Quy hoạch này cũng được xem như định hướng phát triển các ngành công nghiệp sạch và hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa… của vùng TPHCM.

Những ý tưởng ban đầu về việc quy hoạch TPHCM trở thành hạt nhân của một vùng bao gồm tám tỉnh, thành phố tại khu vực phía Nam đã được đề xuất từ năm 2005. Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu thực tế, quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được phê duyệt điều chỉnh, với quan điểm phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với Vùng TPHCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và khu vực Đông Nam Á.

  • Bài toán phát triển đô thị TPHCM vẫn ngổn ngang (Ảnh minh họa: Lê Toàn)

Bộ Xây dựng cho biết, đây là mô hình quy hoạch của một vùng đô thị lớn lần đầu tiên được lập. Phạm vi nghiên cứu quy hoạch gồm tám tỉnh, thành phố trong Vùng TPHCM, bao gồm toàn bộ TPHCM và bảy tỉnh xung quanh: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích 30.404 km2.

Quy hoạch đề xuất bốn hành lang ưu tiên phát triển gồm: hành lang phía Đông (dọc tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa thuộc tỉnh Đồng Nai; hành lang phía Nam dọc đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Hành lang hướng Tây - Bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa của Long An, Trảng Bàng của Tây Ninh và Thủ Dầu Một thuộc Bình Dương.

Hành lang hướng Tây, Tây - Nam dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các khu đô thị phía Nam, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh...

Việc đề xuất bốn hành lang ưu tiên này nhằm tạo nên một hướng đi lâu dài và bền vững cho các kế hoạch về phát triển kinh tế- xã hội của thành phố.

Dự báo đến năm 2025, dân số của thành phố khoảng 10 triệu người (trong đó, dân số các quận nội thành là 7,4 triệu người) với diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 100 ngàn héc ta.

Theo quy hoạch, bán kính khu vực nội thành của TPHCM là 15 km. Với diện tích này, thành phố có khu vực nội thị rất lớn, phát triển theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại bốn hướng phát triển trên.

Tuy nhiên, sẽ không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ và các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi. Hạn chế đến mức thấp nhất phát triển đô thị trong các khu vực nông - lâm nghiệp có chức năng kết hợp làm vành đai sinh thái. Đồng thời, hành lang bảo vệ dọc ba con sông Đồng Nai, Sài Gòn và Nhà Bè cũng là khu vực cấm xây dựng.

Sẽ có bốn tuyến đường trên cao và 19 cây cầu qua các sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải được xây dựng theo quy hoạch, riêng trong khu vực nội thành TPHCM sẽ khuyến khích xây dựng các bãi đậu xe cao tầng.

Thành phố cũng xây dựng các tuyến đường sắt đô thị như xe điện chạy trên mặt đất (tramway), đường sắt trên cao (monorail), tàu điện ngầm (subway) đi kèm đó là hệ thống các nhà ga, đặc biệt là các ga ngầm đáp ứng vận tải hàng hóa và hành khách.

Ngoài  việc cải tạo, nâng các tuyến giao thông đường bộ, TPHCM sẽ cải tạo một số tuyến đường sắt, xây tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia tới cảng Cát Lái và Hiệp Phước... Hai tuyến đường sắt kết nối thành phố và các tỉnh lân cân là Trảng Bàng - Tân Thới Hiệp và Thủ Thiêm - Nhơn Trạch - sân bay Long Thành cũng được đưa vào quy hoạch.

Về giao thông đường thủy, sẽ tiến hành nạo vét để đảm bảo lưu thông cho hai luồng sông Lòng Tàu và Soài Rạp ra biển. Bên cạnh đó, các cảng biển dọc sông Sài Gòn trong khu vực nội thành như Tân Cảng, Ba Son, Nhà Rồng và Khánh Hội sẽ được gấp rút dời đi.

Song song đó là phát triển khu cảng Cát Lái, Hiệp Phước. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới, bên cạnh kế hoạch xây dựng sân bay Long Thành (Đồng Nai) với công suất 100 triệu hành khách/năm phục vụ cho sự phát triển chung của vùng.

Một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng triều cường, ngập nước là sử dụng hệ thống đê bao nhỏ và hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa và tách nước thải ra khỏi hệ thống cống chung, nạo vét mở rộng kênh rạch để xóa các điểm ngập.

Song Nguyên

[ Download : Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 06/01/2010

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo