Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu

Thứ bảy, 04 Tháng 12 2010 18:00 ICT Đà Nẵng
In

Ngày 4/12/2010 tại Đà Nẵng, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư TP Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đô thị Việt Nam với biến đổi khí hậu”.

Đây cũng là phiên hội thảo đầu tiên của giới kiến trúc sư (KTS) cả nước nhằm đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp theo hướng Ứng phó - Thích nghi – Sống bền vững cùng mô hình Đô thị Xanh (đô thị kinh tế - sinh thái bền vững). 



Hiểu đúng bản chất vấn đề và thích nghi, chung sống

Không còn bàn cãi gì hơn, Việt Nam chúng ta với đường bờ biển kéo dài từ mũi Cà Mau đến Móng cái (dài 3.260km) sẽ chịu ảnh hưởng do tác động mạnh của biến đổi khí hậu, mà trước hết là mực nước biển dâng.

Khi mực nước biển dâng có thể gây ra những biến đổi theo xu hướng (như sự gia tăng diện tích bị ngập lụt lúc triều cường; sự gia tăng xâm nhập mặn, nhất là xâm nhập vào tầng nước ngầm); những biến đổi trong các hiện tượng thời tiết cực hạn (bão-lũ). Tiến sĩ Đoàn Quang Sinh - Cục Quản lý và Khai thác Biển đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo VN) khẳng định.

Cũng theo ông Sinh, hiện nay, nhận thức trong cộng đồng vẫn còn hạn chế, các kênh truyền thông đã chưa chuyển tải được một thông điệp rất quan trọng, đó là nhận thức về mặt thích nghi (phải chấp nhận chung sống và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu) và quan trọng hơn, đó là chưa nói thật rõ “Nhân tai” cũng gây tác hại khôn lường như “Thiên tai”. Chính những tác dộng xấu của con người vào môi trường tự nhiên (Nhân tai) mà thảm họa (thiên tai) tìm đến với chúng ta.

Thể chế cho việc ứng phó ở tầm vĩ mô lẫn vi mô

Một trong những giải pháp được nhiều KTS và giới quy hoạch quan tâm đó là thể chế KTS trưởng với vai trò tham vấn và tham gia phản biện các đồ án quy hoạch, hướng đến chiến lược đô thị quốc gia hợp nhất phù hợp hợp với khung thiên nhiên xanh quốc gia, trong bối cảnh thảm họa nước biển dâng.

Chúng tôi đang nghĩ đến việc phải thành lập hẳn một cơ quan – theo ý tưởng, mà lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng tâm đắc và ông đã đưa ra nhiều lần, ông Sáu Dân còn xem đó là yêu cầu bức thiết của tình hình hiện nay – đó là, Ủy ban quốc gia về phát triển, quản lý đô thị và môi trường - Phó GS.TS.KTS Trần Trọng Hanh - Ủy viên Ban Thường vụ Hội KTS Việt Nam cho biết.

Theo đó, Ủy ban sẽ là tổ chức hợp nhất tất cả các bộ phận phát triển và quản lý đô thị lại với nhau, đảm bảo một sự phối hợp đồng bộ hài hòa với các kế hoạch đầu tư đã được chuẩn bị trên một cơ sở chiến lược hợp nhất. Đó là một Ủy ban với đủ nguồn nhân lực, quyền hạn và năng lực chịu trách nhiệm để chuẩn bị một Chiến lược đô thị hóa quốc gia, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan và hỗ trợ cho Chính Phủ trong chỉ đạo quá trình khá lâu dài và có nhiều biến đổi.



“Kích hoạt” mạnh mẽ hơn vai trò phản biện của giới chuyên môn am tường

KTS Nguyễn Tiến Thuận (Hà Nội) đồng tình với ý kiến này, ông nhấn mạnh thêm: Thể chế hóa việc chia sẻ quyền lực, để không chỉ bộ máy hành chính, bộ máy công quyền mà nhiều ngành giới cùng tham gia vào nội dung “những việc cần làm ngay” để ứng phó với biến đổi khí hậu chính là việc nên nghĩ đến và làm ngay. Bởi chúng ta thừa biết rằng, biến đổi này là khôn lường.

Cũng trên quan điểm đó, Tiến sĩ Bạch Tân Sinh - Viện Chiến lược và Chính sách KHCN đã nhấn mạnh thêm, biến đổi khí hậu luôn mang tính chất "bất định", để ứng phó, rất cần sự tham gia của chính những người đã chung sống với sự khắc nghiệt của khí hậu. Chúng ta phải tạo ra những kênh tham gia hoạch định đối với vấn đề quan trọng này cho những người ở cấp cơ sở. Thực tế ở dưới (cơ sở) là những thực tiễn rất sinh động, những bài học rất quý, giúp giảm bớt đi sự trả giá.

KTS Nguyễn Văn Tất (TP. Hồ Chí Minh) bổ sung thêm: Chúng ta cần sớm có ngay một chiến lược, một đối sách thật cụ thể với chuyện nước biển dâng.Có thể nói chúng chậm thể chế hóa, pháp quy hóa những vấn đề rất bức xúc trong quy hoạch, trong xây dựng. Ví dụ, cao trình xây dựng ở vùng lũ là bao nhiêu thì phù hợp. Trước đây chúng ta áp dụng cao trình 2000 rồi hơn 2000, và nay phải là mấy ngàn?

Ông Tất cũng bày tỏ sự chưa hài lòng với cách ứng phó còn tạm bợ của một số địa phương. Ở TP.Hồ Chí Minh, ông nói, đê bao chống triều cường do nhân dân và chính quyền sở tại đắp nên. Nói là đê nhưng chủ yếu là bao nhựa bên trong là đất sình nén chặt. Do vậy năm nào đê cũng vỡ. Có thể nói chúng ta còn thiếu những giải pháp căn cơ, bền vững.

Tiến sĩ Vũ Chí Đồng - Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị - Nông thôn (Bộ Xây dựng): Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ trong thời gian gần đây đã làm giảm đi rất nhiều những nét tự nhiên. Nhờ sự tiến bộ của khoc học kỹ thuật, công nghệ, con người đã làm biến đổi bộ mặt tự nhiên đó, để rồi cũng chính con người tự chuốc lấy hiểm họa của thiên nhiên nhiên. Bởi con người đã chưa nghiên cứu kỹ lưỡng các quy luật của tự nhiên, chưa hiểu kỹ đặc điểm của tự nhiên, và kể cả đôi khi (dù không phải không biết đâu), là do chính con người chưa thật sự có ý thức bảo vệ tự nhiên!. Vấn đề đơn giản là cần hiểu, ta đang đứng trên mảnh đất nào, hiểu mảnh đất đó ra sao và từ đó ta-chúng ta định làm gì với mảnh đất đó, sao cho nó sinh sôi ra nguồn lợi chung mà vẫn không mất đi bản sắc tự nhiên.

Trần Ngọc (thực hiện)

>> Việt Nam xây dựng chiến lược dài hạn ứng phó biến đổi khí hậu 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: