Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Thế giới Nhiều trung tâm thương mại ở Đông Nam Á đóng cửa vì ế ẩm

Nhiều trung tâm thương mại ở Đông Nam Á đóng cửa vì ế ẩm

Viết email In

Không ít dự án trung tâm mua sắm tại 6 thành phố: Bangkok, Hà Nội, TP HCM, Jakarta, Kuala Lumpur, Singapore đã phải đóng cửa do vắng khách, chưa nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng và không giữ chân được khách thuê, theo CBRE. 

Bộ phận Nghiên cứu của đơn vị này vừa công bố báo cáo mới về thị trường bán lẻ khu vực Đông Nam Á. Cuộc khảo sát này có độ phủ gần 4 triệu m2 nguồn cung mặt bằng bán lẻ sẽ hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới tại các thành phố Bangkok, Hà Nội, TP HCM, Jakarta, Kuala Lumpur và Singapore.  


(ảnh minh họa)

Điểm nhấn của báo cáo này là mặc dù nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các thành phố lớn khu vực Đông Nam Á đang tăng 4-5% mỗi năm nhưng lời cảnh báo cũng đầy đanh thép. Đó là viễn cảnh các cửa hàng truyền thống bị mất thị phần vào tay những cửa hàng dựa trên nền tảng kỹ thuật số và internet. Nhiều trung tâm thương mại tại 6 thành phố trên đã phải đóng cửa khi đối mặt với tỷ lệ trống cao và lượng khách đến cửa hàng thấp do chưa hiểu thị hiếu của khách hàng. 

Đơn vị này đề xuất các chủ trung tâm mua sắm cần phát triển nền tảng thương mại điện tử hoặc thiết lập mạng lưới dịch vụ hậu cần nhằm mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm mua sắm đa kênh tích hợp một cách toàn diện. Chẳng hạn như áp dụng mô hình trực tuyến cung cấp các dịch vụ “nhấp chuột và nhận hàng” hoặc “từ cửa hàng đến cửa nhà”. Cả nhà bán lẻ truyền thống và nhà bán lẻ trực tuyến đều đang có chiều hướng mở rộng phạm vi hoạt động của họ tại các trung tâm thương mại này trong nỗ lực thực hiện chiến lược bán lẻ đa kênh. 

Theo đơn vị này, nền kinh tế Đông Nam Á đang phải đối mặt với sự thay đổi cấu trúc trước những đột phá về công nghệ. Làn sóng thay đổi này đã ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ tại thị trường ASEAN và là mối đe dọa cho việc nguồn cung trung tâm thương mại ngày càng gia tăng. Đơn vị này đề xuất 5 chiến lược cho các nhà bán lẻ trong thời kỳ mới.

Tạo lập địa điểm

Đây là công cụ quan trọng trong việc định nghĩa sự tiến bộ của khu mua sắm bằng cách đưa trải nghiệm của người tiêu dùng lên hàng đầu. Một trải nghiệm thực tiễn tốt tạo ra một kết nối tích cực chặt chẽ đến người tiêu dùng hơn việc sử dụng nền tảng kỹ thuật số.

Đòn bẩy công nghệ

Các chủ trung tâm thương mại nên tận dụng việc người tiêu dùng Đông Nam Á ưa chuộng sử dụng mạng internet và điện thoại thông minh rộng rãi để nâng cao trải nghiệm mua sắm ngoại tuyến. Công nghệ có thể mang đến cho người tiêu dùng nhận thức và tương tác độc đáo, đồng thời hỗ trợ tăng lượng khách đến cửa hàng và doanh số.

Chủ động thu hút khách hàng

Trở lại vấn đề cơ bản, đẩy mạnh kết nối giữa trung tâm thương mại với người tiêu dùng là điều quan trọng để các chủ trung tâm thương mại vượt trội hơn trong cuộc đua và giữ được các khách hàng thân thiết. Sự tham gia của khách thuê cũng góp phần quan trọng trong giai đoạn thay đổi cấu trúc hiện nay và chủ trung tâm thương mại cần tìm cách để khách thuê nhận thấy sự hỗ trợ của họ.

Kết hợp đa kênh

Các chủ trung tâm thương mại có thể phá vỡ sự tách biệt giữa kinh doanh trực tuyến và truyền thống bằng cách hỗ trợ khách thuê thực hiện chiến lược đa kênh thông qua phương pháp tích hợp ngang và dọc như áp dụng nền tảng thương mại điện tử hay thiết lập mạng lưới dịch vụ hậu cần nhằm đáp ứng nhu cầu giao hàng.

Thu hút khách thuê kinh doanh thương mại điện tử

Các chủ trung tâm thương mại cần tích cực tìm kiếm để thu hút các nhà bán lẻ kinh doanh thương mại điện tử tiềm năng đến thuê mặt bằng, vì họ rất có khả năng thông thạo về tiếp thị kỹ thuật số hơn và luôn nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại với hệ thống trực tuyến đi kèm và mạng lưới dịch vụ hậu cần.

Trưởng bộ phận Nghiên cứu CBRE Singapore và Đông Nam Á, Desmond Sim nhận định: “Thị trường bán lẻ được dự báo sẽ có sự gia tăng đột biến về lượng sử dụng internet tại các nước đang phát triển, đặc biệt là Indonesia, Việt Nam nơi lượng sử dụng điện thoại di động có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ nhất.”

Theo chuyên gia này, cửa hàng bán lẻ hiện hữu vẫn sẽ là điểm mua sắm chính của người tiêu dùng Đông Nam Á trong vòng 5-10 năm tới và chiếm ít nhất hơn 90% tổng giá trị doanh số bán hàng. Tuy nhiên, các chủ trung tâm thương mại sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn vì cơn bão thay đổi thị hiếu người tiêu dùng diễn ra liên tục dựa trên nền tảng công nghệ. 

Vũ Lê 
(VnExpress)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo