Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Việt Nam TPHCM: chờ các dự án lớn hoàn thành mới bớt ngập

TPHCM: chờ các dự án lớn hoàn thành mới bớt ngập

Viết email In

Cơn mưa lớn kéo dài hơn 2 giờ chiều 15/5, lại làm nhiều tuyến đường ngập nặng, giao thông đi lại khó khăn. Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (Trung tâm chống ngập), đến đầu năm 2017, trên địa bàn thành phố còn 40 điểm ngập do mưa ở những tuyến đường lớn, 23 điểm đã giải quyết được, 17 điểm còn lại vẫn đang được lên phương án giải quyết hoặc chờ các dự án lớn đang thực hiện, sau khi hoàn thành mới phát huy tác dụng.  


Chỉ qua vài cơn mưa đầu mùa năm 2017 đã cho thấy tình hình ngập tại TPHCM chưa được cải thiện nhiều
(Ảnh: Anh Quân) 

Về tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, trong số các dự án đang thi công thì dự án chống ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (gồm các hạng mục 6 cống ngăn triều, 3 trạm bơm và một tuyến đê ven sông Sài Gòn - từ Vàm Thuật đến sông Kinh, dài gần 8 km) đang thi công đạt tiến độ. 

Theo tiến độ cập nhật từ Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư), dự án đã thi công được khoảng 40% và sẽ hoàn thành vào tháng 4-2018. Sau khi hoàn thành sẽ giải quyết ngập cho khu vực rộng khoảng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân.

Ngoài dự án này, trung tâm cũng đang thực hiện 35 dự án chống ngập. Trong đó, có 9 dự án chống ngập hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2017, để giảm ngập cho một số tuyến đường như An Dương Vương, quận Bình Tân; Đỗ Xuân Hợp, quận 9; Thủ Đức; Bình Thạnh; Hóc Môn… Có 11 dự án hoàn thành trong 6 tháng cuối năm 2017, các dự án còn lại sẽ hoàn thành sau năm 2017.

Bên cạnh các dự án đang xây dựng, nhiều dự án đã có trong quy hoạch để chống ngập cho các khu vực hiện chưa thể xây dựng được do chưa bố trí được vốn.

Trong đó, dự án cống kiểm soát triều Rạch Tra, chưa được bố trí vốn để thực hiện. Nếu dự án được bố trí vốn thì dự kiến sẽ khởi công trong năm 2017 và hoàn thành trong năm 2019.

Ở khu vực quận 12, dự án cống ngăn triều Vàm Thuật, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán đã được phê duyệt, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 12 đang hoàn thiện hồ sơ để giải phóng mặt bằng. Còn cống ngăn triều Nước Lên đang hoàn thiện các thủ tục để ký hiệp định vay vốn và trình duyệt các thủ tục.

Dự án xây dựng tuyến đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và chưa được bố trí đủ vốn để triển khai. Chính quyền TPHCM đang xem xét vận động nguồn vốn đầu tư theo hình thức PPP.

Còn dự án bờ tả sông Sài Gòn (đoạn còn lại) từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị Thủ Thiêm, Trung tâm Chống ngập đang triển khai lựa chọn nhà thầu và phối hợp các đơn vị tư vấn đo vẽ bản đồ vị trí, cắm ranh mốc công trình, phối hợp UBND quận 2, quận Thủ Đức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án. 

Đối với dự án nạo vét trục tiêu thoát nước chính như rạch Bà Lớn; rạch Xóm Củi; rạch Ông Bé; Rạch Tra - kênh Xáng - An Hạ - kênh Xáng Lớn... đều đã có chủ trương đầu tư song chưa bố trí được vốn.

Đối với dự án chống ngập sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó việc cải tạo kênh A41 để thoát nước cho sân bay hiện nay quận Tân Bình đang khảo sát, đo đạc, thống kê các trường hợp lấn chiếm kênh để xây dựng phương án sử dụng đất trong năm 2017 và dự kiến quí 1-2018 sẽ thi công. Trước mắt, Trung tâm Chống ngập sẽ nạo vét suốt chiều dài tuyến kênh để giảm bớt ngập trong mùa mưa năm nay.

Một dự án quan trọng nữa để chống ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất là hồ điều hòa đến nay vẫn chưa thể thi công. Dự án này đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, tuy nhiên theo nguồn tin TBKTSG Online có được thì do khó khăn trong việc thu hồi đất nên dự án vẫn chưa thể thực hiện.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, năm nay lượng mưa tại TPHCM sẽ tăng mạnh vào đầu mùa. Điều này đã thấy rõ qua vài cơn mưa đầu mùa, nhiều tuyến đường tại TPHCM đã ngập nặng.

Có thể thấy, với tình hình thi công các dự án như hiện nay, qua vài cơn mưa đầu mùa thì năm 2017, tình hình ngập do mưa và triều cường tại TPHCM vẫn chưa cải thiện được nhiều. Có lẽ, người dân TPHCM phải chờ các dự án lớn hoàn thành ít nhất là đến năm 2018 thì mới có thể giảm ngập cho thành phố. 

Lê Anh 
(TBKTSG Online) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo