Quy hoạch chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cân tỉnh Yên Bái đến năm 2035

Chủ nhật, 28 Tháng 10 2018 17:47 Báo Xây dựng
In

UBND tỉnh Yên Bái vừa có quyết định quy hoạch chung xây dựng thị xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận tỉnh Yên Bái đến năm 2035 với trọng tâm là phát huy thế mạnh các khu du lịch sinh thái, du lịch công cộng gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa bàn. 

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thị xã Nghĩa Lộ hiện hữu và địa giới hành chính của 6 xã, 1 thị trấn với diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 10.780ha.  


Thị xã Nghĩa Lộ nhìn từ trên cao (Ảnh: Trần Trung Hiếu /Ashui.com) 

Mục tiêu của đồ án nhằm xây dựng và nâng cao khả năng phát triển không gian đô thị thị xã Nghĩa Lộ trở thành đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trung tâm kinh tế, văn hóa phía Tây của tỉnh Yên Bái, đồng thời trở thành cầu nối giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng núi phía Bắc. 

Dân số hiện tại của khu vực lập quy hoạch khoảng 73.693 người, quy mô dân số thị xã đến năm 2020 khoảng 75.721 người, trong đó dân số nội thị khoảng 26.867 người; đến năm 2035 khoảng 80.804 người, trong đó dân số nội thị khoảng 29.834 người.

Định hướng phát triển du lịch tại xã Nghĩa Lộ và vùng phụ cận phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống bản địa, hình thái kiến trúc, đóng vai trò là động lực kết nối với các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái trong và ngoài nước.

Định hướng không gian sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển quy hoạch giai đoạn trước, mở rộng kết nối về phía Bắc, phía Đông và phía Nam, phát triển trên các trục kết nối với các đô thị và các khu vực có động lực về kinh tế, dịch vụ, du lịch. Các đô thị vệ tinh dần hình thành, nằm dọc tuyến đường vành đai bao quanh cánh đồng Mường Lò hướng tâm vào thị xã Nghĩa Lộ.

Các phân khu chức năng như khu trung tâm hành chính, chính trị của thị xã phát triển thêm quảng trường tại vị trí đối diện khu tưởng niệm Hồ Chí Minh.

Khu trung tâm thương mại và dịch vụ bố trí tại vị trí chợ Mường Lò và dọc đường QL32 phát triển tới các khu đô thị vệ tinh thuộc các xã, thị trấn; khu trung tâm văn hóa phát triển khu vực sân vận động mới.

Khu trung tâm du lịch theo đồ án sẽ được phát triển tôn tạo nâng cấp khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Căng và Đồn gắn liền với chiến dịch giải phóng Tây Bắc, khu tưởng niệm Hồ Chí Minh. Xây dựng khu du lịch sinh thái, du lịch công cộng gắn với bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại xã Nghĩa An, Nghĩa Phúc.

Tại các trung tâm công cộng, văn hóa, thể thao, công viên cây xanh cũng được nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang đồng bộ đảm bảo mỹ quan và không gian đô thị.

Bên cạnh đó, các khu vực làng nghề, tiểu thủ công nghiệp được đầu tư và phát triển các ngành có lợi thế, khuyến khích phát huy các ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, chăn đệm, đồ thủ công mỹ nghệ.

Tỉnh xác định các vấn đề môi trường có ảnh hưởng lớn trong quá trình triển khai đầu tư theo quy hoạch bao gồm lựa chọn đất xây dựng trong mối liên hệ với phòng chống thiên tai, giảm thiểu ngập úng, lũ lụt, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nguồn nước.

Việc xây dựng các hướng dẫn, tiêu chuẩn và quy trình bảo vệ môi trường trong các khu chức năng, thiết lập kế hoạch quản lý môi trường cho các giai đoạn cụ thể nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường tự nhiên. 

Hà Đào 

(Báo Xây dựng) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: