Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tin tức Việt Nam Mở rộng trung tâm TPHCM: Bảo tồn hài hòa với phát triển

Mở rộng trung tâm TPHCM: Bảo tồn hài hòa với phát triển

Viết email In

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH-KT) TPHCM đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân về quy hoạch chi tiết 1/2.000 và quy chế quản lý kiến trúc khu trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố, gồm quận 1, 3, một phần quận 4 và quận Bình Thạnh với tổng diện tích khoảng 930ha. 

Theo kế hoạch, quy hoạch sẽ được báo cáo trước các đại biểu HĐND TPHCM trong tuần này.  

Lưu giữ dấu ấn Sài Gòn xưa 

Từng công trình kiến trúc có giá trị sẽ có những quy định cụ thể về bảo tồn. Thế nhưng, theo ông Hồ Quang Toàn, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, một trong những nguyên tắc chung nhất về bảo vệ và phát huy giá trị của những công trình kiến trúc có giá trị ở khu trung tâm hiện hữu mở rộng của thành phố là công trình xây dựng mới phải hài hòa với công trình cổ. 

  • Ảnh bên: Sẽ có thêm nhiều cao ốc mới tại trung tâm TPHCM (Ảnh: Kim Ngân) 

Tại những khu vực cần bảo tồn đặc biệt như khu vực chợ Bến Thành, trung tâm hành chính TPHCM hiện hữu, khu Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TPHCM… việc sửa đổi liên quan đến mặt tiền của công trình chỉ được thực hiện nếu không ảnh hưởng đến thiết kế và hình dạng nguyên thủy của công trình. Màu sắc mặt tiền các công trình mới phải giống với màu mặt tiền của các khu phố xung quanh hoặc sẽ được sơn với màu sắc nhẹ và sắc độ thấp. 

Nếu một phần công trình lịch sử buộc phải sửa chữa, cải tạo lớn thì mặt tiền của công trình đó phải được phục hồi trong trạng thái gần nhất với phần kiến trúc còn lại của công trình và việc sửa chữa cải tạo phải được sự hỗ trợ của các chuyên gia về lịch sử kiến trúc và các kiến trúc sư. Việc lắp đặt biển hiệu hay mái hiên mới vào mặt ngoài của các công trình kiến trúc cổ phải được hạn chế và cân nhắc thận trọng, Đặc biệt, độ cao của các công trình mới sẽ phải thấp dần khi “tới gần” công trình được bảo tồn để tạo sự cân đối với các công trình này.

Đối với việc lưu giữ các biệt thự thời Pháp, ông Hồ Quang Toàn cho hay, Sở QH-KT và các sở ngành liên quan dự kiến sẽ thống kê và chia các biệt thự này làm 3 nhóm với các mức độ bảo tồn khác nhau. Nhóm 1, những biệt thự có kiến trúc đẹp, nằm xen trong các trường học và bệnh viện. Các biệt thự này sẽ được giữ gìn và bảo tồn với hình dáng nguyên thủy. Nhóm 2 cũng là những biệt thự có giá trị kiến trúc nhưng nằm trong các khu vực phát triển. 

Để hài hòa giữa bảo tồn với phát triển, các công trình này được phép xây dựng mới nhưng phải theo nguyên tắc: giữ được không gian của biệt thự xưa. Nhóm 3, những biệt thự được phép chuyển đổi thành công trình xây dựng mới phù hợp với quy hoạch.

Thêm nhà mới, đường mới 

Bên cạnh những công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn, dự kiến khu vực trung tâm TPHCM sẽ xuất hiện thêm khoảng 100 cao ốc mới. Những cao ốc này sẽ tập trung ở trung tâm thương mại, tài chính của quận 1 và một phần khu bờ Tây sông Sài Gòn. 

  • Ảnh bên: Một góc trung tâm TPHCM hiện nay (Ảnh: Cao Thăng) 

Cùng với các cao ốc, nhiều tuyến đường giao thông mới sẽ được mở. Trước hết, đường Lê Lợi sẽ được kéo dài, nối với đường Tôn Đức Thắng và dưới đường Tôn Đức Thắng sẽ có một đường ngầm nhằm tăng năng lực giao thông cho khu vực. Song song đó, nhiều tuyến vận tải hành khách công cộng sẽ được hình thành. 4 trong 6 tuyến metro của TPHCM kết nối các quận 2, 9, 7, Bình Tân, Tân Bình và huyện Nhà Bè sẽ kết thúc hành trình ở ga trung tâm đặt tại khu vực Công viên 23-9 và trước chợ Bến Thành.

Một tuyến buýt nhanh chạy dọc đường Nguyễn Tất Thành, một đường xe điện hiện đại trên đường Võ Văn Kiệt, một tuyến giao thông thủy chạy từ Thanh Đa… tất cả sẽ làm nhiệm vụ đưa đón khách đến khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM.

Theo ông Hồ Quang Toàn, những công trình này sẽ đảm bảo giao thông thành phố thông suốt dù có thêm nhiều công trình xây dựng mới hình thành. 

Theo Sở QH-KT, khu vực trung tâm hiện hữu mở rộng của TPHCM sẽ được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau. Khu vực thứ nhất, khu lõi thương mại, tài chính nằm gọn trong ranh giới quận 1 có diện tích 92,3ha. Khu vực thứ hai, trung tâm văn hóa lịch sử cũng nằm gọn trong ranh giới quận 1 nhưng bao quanh trục đường Lê Duẩn có diện tích 212,2ha. Khu thứ ba, khu bờ Tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận, thuộc một phần quận 1, quận 4, quận Bình Thạnh, có diện tích khoảng 248,34ha. Khu thứ tư, khu biệt thự có diện tích khoảng 232,3ha nằm trong địa bàn quận 1 và quận 3. Khu thứ năm, khu cận thương mại - tài chính có diện tích 117,5ha bao gồm một phần quận 1 và quận 4.

Tùy theo đặc tính từng khu, mật độ dân số, hệ số sử dụng đất từng khu sẽ rất khác nhau. Khu thương mại, tài chính, dân số dự kiến 32.000 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 3,5; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 6,6. Khu trung tâm văn hóa - lịch sử: 43.600 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 1,8; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 2,4. Khu biệt thự: 76.300 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,3; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 3,3. Khu vực lân cận khu thương mại, tài chính: 42.900 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,6; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 4,2. Khu bờ Tây sông Sài Gòn: 31.200 người, hệ số sử dụng đất toàn khu 2,5; hệ số sử dụng đất trên đất xây dựng 5,5. Về cơ bản, việc điều tiết dân số sẽ theo hướng hạn chế tăng ở quận 1, 3, 4 và bổ sung dân đối với quận Bình Thạnh. 

Nguyễn Khoa 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo