Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Điểm đến Về phố cổ Hội An nghe tiếng xưa

Về phố cổ Hội An nghe tiếng xưa

Viết email In

Từng là thương cảng sầm uất nhất, là trung tâm buôn bán lớn nhất vùng Đông Nam Á từ thế kỷ 15 – 19, Hội An ngày nay vẫn là nơi buôn bán tấp nập với những cửa hàng may mặc, đồ thủ công và tác phẩm nghệ thuật… Nhưng vẫn giữ được không khí của phố cổ trầm lắng đã ngàn năm.

Khác nhiều phố cổ trên thế giới, Hội An, tuy tràn ngập hoạt động kinh doanh, nhưng không hề tác động đến sự cổ kính, yên ắng vốn có của một trong những đô thị cổ nhất của Việt Nam.


Một con đường ở phố cổ không có tiếng động cơ.

Âm thanh và hình ảnh từ quá khứ

Thả bộ quanh hơn chục con đường và hẻm tại phố cổ, những âm thanh ồn ào đời thường vẫn thấy ở mọi nơi dường như biến mất. Không gian tĩnh lặng và bình yên bao trùm hầu hết khoảng chục con đường dọc ngang trong khu vực với tổng chiều dài khoảng 2km và rộng chừng 1km. Như sợ đánh thức hồn phố cổ, tiếng con người cũng nhẹ nhàng hơn. Các cuộc mua bán thương lượng thì thầm ở sâu bên trong mỗi cửa hàng. Không có ồn ào hay khói bụi của xe hơi, xe máy cũng chỉ xuất hiện vài giờ nhất định trong ngày.

Du khách và người địa phương đi lại trên đường, gặp gỡ, trò chuyện, nhưng dường như gắng cho thật nhẹ đến mức không ảnh hưởng đến sự “trầm ngâm” của du khách. Tiếng nhạc hoà tấu văng vẳng đó đây là thứ có thể nghe thấy rõ nhất khi dạo quanh phố vào bất cứ lúc nào trong ngày. Âm thanh du dương hoà với màu xanh của vài cây cổ thụ trong dãy phố khiến cái nắng gay gắt của Quảng Nam những ngày tháng 3 như dịu hẳn.

Sử sách ghi rằng, Hội An từng là cảng thị của người Chăm. Vùng này bị ảnh hưởng bởi nền văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá của người Việt, rồi đến thời gian bang giao với thương nhân từ Trung Quốc, Nhật Bản. Những vết tích văn hoá từng thời gian vẫn còn đậm nét trên hơn 1.300 di tích, thắng cảnh, từ đình chùa, lăng mộ, cầu giếng, nhà thờ họ, thánh thất, hội quán và nhà ở… Những công trình gỗ cũng như gạch cũ xưa, những mái nhà kiến trúc cổ phủ đầy rêu phong, những con hẻm sạch sẽ chỉ vừa một người đi, tất cả toát lên không khí hoài niệm của khu phố có độ tuổi cả ngàn năm. 

Công viên nhỏ mang tên Kazik nằm trên đường Trần Phú, ngay giữa lòng Hội An. Phố cổ đã dành một vị trí đẹp để tưởng nhớ công dân danh dự của Việt Nam – kiến trúc sư người Ba Lan Kazimier Kwiatkowsky. Ông, được người Việt gọi bằng cái tên thân mật Kazik, là người phát hiện và đưa Hội An thành niềm tự hào của Quảng Nam và Việt Nam: di sản văn hoá thế giới. Đứng trước bia tưởng niệm Kazik, bên tai tôi văng vẳng câu phát biểu của giáo sư Hoàng Đạo Kính: “Không có Kazik, chúng ta đã không có Hội An ngày hôm nay”.

  • Những khoảnh khắc bình yên nơi phố cổ.

Lung linh đêm Hội An

Hội An về đêm lung linh huyền ảo qua ánh đèn lồng giăng khắp phố. Không khí dịu mát hơn nhờ hơi nước từ sông Hội An và sông Thu Bồn trôi lặng lẽ dọc phố. Và như ai cũng muốn dừng chân hít thở không khí ven sông, ngắm nhìn phố cổ về đêm. Nhiều du khách miệt mài đặt máy ảnh, ráng chụp cho được tấm hình hài lòng nhất về cây cầu Nhật Bản, còn gọi là chùa Cầu. Phần lớn trong số họ là du khách Nhật. Có lẽ họ muốn có được một tấm hình về một vùng đất tại Việt Nam có những mối giao thương với tổ tiên họ. Cạnh đó là cây cầu An Hội nối phố cổ với cồn đất An Hội nhỏ xinh nằm ngay cạnh cửa Đại, nơi con sông Hoài chảy ra Biển Đông.

Trước cửa các trung tâm văn hoá, nhà hát, sân khấu hay bảo tàng, những nhạc công, ca sĩ trình diễn những tiết mục văn nghệ truyền thống Quảng Nam.

Du khách, có người dừng lại thưởng thức, có người tiếp bước đi, nhưng hầu như họ đã tìm thấy một điểm đến đậm chất địa phương không nhầm lẫn với bất cứ ở đâu. “Đây là nơi mà tôi cảm nhận được cái hồn của địa phương một cách sâu đậm nhất từ khi đặt chân đến Việt Nam”, Julie – cô bạn người Đức nói với tôi. Thật dễ hiểu khi Hội An nằm trong top 10 điểm đến hấp dẫn nhất tại châu Á trong năm 2011 do tạp chí du lịch trực tuyến châu Á Smart Travel Asia bình chọn.

Người Hội An thân thiện, cởi mở và nhẹ nhàng. Ngồi trên chiếc ghe đi dọc quãng sông men phố cổ, người chèo kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện ngày xưa. Bà cũng nói rằng tôi đã bỏ lỡ đêm tắt đèn hàng tháng tại phố cổ – đêm 14 âm lịch, đèn điện đường và trong các căn nhà đều tắt. Dân bản địa cũng như du khách thắp những chiếc đèn giấy thả trôi trên sông và cầu nguyện. Đón ngọn gió trong lành tại ngã ba, nơi sông Hội An gặp sông Thu Bồn, tôi cảm nhận thời gian như ngừng trôi. Tận hưởng trọn vẹn cái không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng mái chèo khua nhẹ phía sau. Trăng tròn ngày rằm phía trước rọi xuống mặt sông, tạo thành chiếc đĩa bạc to vành vạnh, lấp lánh những ánh đèn lồng hắt xuống từ hai bên bờ sông như một bức tranh đầy màu sắc. Về thăm Hội An sau khi đã đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, tôi lại muốn tiếp tục hành trình khám phá những vùng đất ngay trên quê hương mà tôi chưa có dịp đặt chân đến.

Kim Dung


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo