Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Điểm đến Con đường di sản ở Penang (Malaysia)

Con đường di sản ở Penang (Malaysia)

Viết email In

Chỉ là điểm dừng chân ngắn ngủi trong chuỗi ngày lang thang vùng bờ biển phía tây Malaysia, nhưng rồi Penang đã níu chân chúng tôi lâu hơn dự tính, bởi những con đường di sản đa sắc màu văn hóa, tín ngưỡng.

Chúng tôi chỉ định dành cho Penang một ngày rưỡi, vì nghĩ rằng nơi này chắc cũng giống các thành phố di sản khác, như Melaka (Malaysia) hay Hội An (Việt Nam), nhỏ xinh, cổ kính, chỉ hơn một ngày là đủ. Nhưng hòn đảo hình mu rùa nối với đất liền bằng cây cầu dài nhất Malaysia này rộng lớn và thú vị hơn chúng tôi tưởng rất nhiều.

Penang có đủ cả rừng, biển, đồi núi, khu nhà chọc trời, với những trung tâm mua sắm sầm uất và thành phố di sản Georgetown có khu phố Hoa kiều (Chinatown) với đền chùa, hội quán, nhà cổ của người Hoa và khu Tiểu Ấn (Little India) với đền Hindu, nhà thờ Hồi giáo cùng một pháo đài từ thời thuộc địa Anh.

Bởi Penang là nơi giao thoa văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đa sắc màu, đã từng là thuộc địa của Anh vào cuối thế kỷ XVIII, trở thành một thương cảng quan trọng trên trục đường hàng hải Á – Âu, điểm bắt đầu của “con đường gia vị trên biển”, thu hút người Hoa, người Ấn di cư đến sinh sống cạnh người Mã Lai bản địa. Đến nay, có tới 50% cư dân trên đảo là người Hoa, còn lại là người gốc Ấn, người Mã Lai... Ngay những cái tên ở Penang cũng thể hiện rõ sự đa dạng văn hóa và sắc tộc. Tên gọi Pulau Penang có nguồn gốc từ Pokok Pinang, nghĩa là cây cau - loài cây rất phổ biến trên đảo. Còn Georgetown được đặt theo tên của Vua George III của Vương quốc Anh.

Văn hóa phương Tây pha trộn với văn hóa bản địa, đã tạo nên một thành phố di sản với những nét đặc trưng Âu – Á rất cuốn hút. Dãy nhà phố với hàng hiên xây cột vòm phổ biến trong khu Chinatown, nối liền với những cửa hàng, cửa hiệu sầm uất trong khu Little India. Một đền thờ Hindu kề bên những mái chùa Trung Hoa cong vút. Nhà thờ Hồi giáo mái vòm cách không xa quảng trường, với tháp canh đồng hồ và pháo đài xây từ thời thuộc địa Anh.

Gần như góc phố nào ở Georgetown cũng có những di tích kiến trúc, văn hóa, tạo nên những con đường di sản cho du khách khám phá cả ngày không hết. Con đường di sản của chúng tôi bắt đầu từ dinh thự Cheong Fatt Tze sơn màu xanh biếc, được xây dựng từ những năm 1890, đã được chọn là công trình đặc sắc nhất trong giải thưởng Di sản Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.

  • Dinh thự Cheong Fatt Tze - tòa nhà đẹp và độc đáo bậc nhất Penang. 

Tiếp theo là chùa Quan Âm có cặp rồng uốn lượn quanh cột đá xanh và những bức tường chạm khắc cực kỳ tinh xảo, rồi đi qua những hội quán thơm mùi hương trầm của người Phúc Kiến (Trung Quốc), di cư đến Penang từ những thế kỷ trước. Những dãy đèn lồng đỏ đung đưa, treo ngang lối vào Khoo Kongsi – nhà thờ của gia tộc họ Khoo – hoành tráng với cột rồng chạm trổ tỉ mỉ, vì kèo đỡ mái và hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng lộng lẫy, cùng những đầu đao mái nhà cong vút đắp nổi hình rồng, phượng.

Rời khu Hoa kiều, những đèn lồng đỏ, rồng phượng uốn lượn bỗng đột ngột được thay thế bằng những mái vòm và chóp nhọn vươn thẳng lên nền trời xanh bồng bềnh mây trắng của nhà thờ Hồi giáo Kapitan Kelling Mosque. Những bức tường trắng thanh thoát dưới mái ngói đỏ tươi và mái vòm sẫm màu đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Hồi giáo không hề tạo cảm giác khập khiễng, lạc lõng, mà trái lại, ăn nhập hoàn hảo với những mái ngói ống, đền chùa chạm trổ rồng, phượng của khu người Hoa cách đó một góc phố.

Tiếng cầu kinh dưới mái vòm duyên dáng cứ rì rầm bên tai, theo chúng tôi sang khu Little India sặc sỡ màu saree, tới đền Sri Mariamman. Ngôi đền Hindu cổ nhất Malaysia này gây ấn tượng đặc biệt với mái đền cao ngất tới cả chục mét, được đắp nổi 40 pho tượng thần cực kỳ sống động. Khi chúng tôi đến, trong đền đang cử hành một nghi lễ gì đó. Các bà, các chị xúng xính saree lấp lánh kim tuyến, vừa cầu nguyện vừa thắp những bát nến nhỏ xíu đựng trong những đĩa hoa xinh xắn.


Nhà thờ Hồi giáo Kapitan Kelling Mosque

Chúng tôi lại vượt qua các dãy phố, đi vòng quanh pháo đài Cornwallis ở góc tây bắc của đảo. Bước qua cây cầu treo giả bằng gỗ, pháo đài rộng mênh mông mở ra với một nhà thờ nhỏ, ngọn hải đăng và những khẩu thần công cũ kỹ  gác trên tường thành...

Ngồi giữa bãi cỏ xanh mượt nhìn ra mặt biển xanh mờ, chúng tôi thầm tiếc, đã dành quá ít thời gian cho Penang và tự nhủ, nhất định sẽ quay lại, để được đi xuyên cây cầu dài nhất nhì Đông Nam Á, được đùa nghịch trong vườn bướm giữa rừng rậm và ra những bãi biển xanh biếc, đầy nắng ở nơi đã từng được ví là “hòn ngọc Viễn Đông” này.

Ngân Hà

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo