Nghệ sĩ thiết kế cảnh quan Andy Cao: Tôi tìm cái mới khi tĩnh tâm

Thứ sáu, 05 Tháng 8 2016 18:00 Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
In

Andy Cao được biết đến là một trong những nghệ sĩ có tiếng tăm trên thế giới, mang đến cách tiếp cận mới trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan. Anh là người Việt đầu tiên nhận các giải thưởng uy tín trong ngành là Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard và Rome Prize Fellowship tại Viện Hàn lâm Hoa Kỳ tại Rome. Anh thường sử dụng những vật liệu rất quen thuộc như thủy tinh, dây thừng, dây cước, dây kẽm… để tạo nên những khu vườn độc đáo, đưa người xem chìm đắm vào cõi mơ. 

Andy Cao tự nhận mình là nghệ sĩ cảnh quan chứ không phải là kiến trúc sư. Anh lý giải: 

"Kiến trúc sư khi thiết kế cảnh quan thường phải tuân thủ nhiều quy tắc, số liệu. Chỉ có người nghệ sĩ thì mới có thể sáng tạo tự do, không tuân theo một chuẩn mực hay khuôn mẫu nào. Trong nghề thiết kế cảnh quan, tôi cho rằng ý tưởng sáng tạo là yếu tố quan trọng nhất. Khu vườn đầu tiên của tôi làm từ kính vụn được nhiều người biết đến cũng nhờ ý tưởng khác biệt". 

Ý tưởng về khu vườn bằng kính ra đời như thế nào?

Andy Cao: - Khu vườn bằng kính ra đời trong hoàn cảnh tôi bị… thất nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, tôi mang hồ sơ xin việc đến gõ cửa nhiều công ty về kiến trúc nhưng không ai nhận tôi vào làm cả. Vì thế, tôi quyết định tự làm một khu vườn cho riêng mình bằng 45 tấn kính tái sinh. Tôi định làm khu vườn trong ba tháng nhưng kết quả là mất đến hai năm rưỡi mới hoàn thành. 

Thấy tôi ngày đêm miệt mài ngồi rửa kính đã được mài tròn các cạnh sắt nhọn, gia đình và bạn bè rất lo lắng nhưng vẫn thể hiện sự ủng hộ tôi về mặt tinh thần. Họ hiểu tôi là một người bướng bỉnh và nhẫn nại nên không dễ dàng bỏ cuộc trước khó khăn.

Vườn kính lấy cảm hứng từ những ký ức tuổi thơ của tôi ở Việt Nam. Đó là những đồng lúa ở Hóc Môn và những ruộng muối ở đất miền Trung. Tôi xa Việt Nam năm 13 tuổi nên hầu như những ký ức về quê hương đến nay vẫn khá đậm nét.

Trong khu vườn của tôi, kính được rải trên lối đi và được đổ thành từng đụn cao thấp như một cánh đồng muối. Ánh nắng chiếu lên kính vụn được phản quang tứ phía và thay đổi màu sắc liên tục.

Vào những đêm trăng, cả khu vườn long lanh như được trải bằng hàng triệu hạt đá quý. Lần đầu tiên tôi đã tìm thấy chính mình trong ngành cảnh quan với khu vườn kính rực rỡ trong màu nắng, soi ánh trăng lại càng lung linh lạ thường. May mắn là khu vườn kính đã được sự quan tâm của 100 tạp chí, báo và kênh truyền hình và người ta biết đến tôi từ đó. 


Vườn kiếng (Glass garden) là tác phẩm khởi nghiệp của Andy Cao. (nguồn: Ashui.com) 

Anh đã nghĩ ra rất nhiều nguyên liệu để thiết kế, như "Vườn ru" được làm từ chiếu cước hay Khu vườn trên mây được làm từ dây kẽm và hạt pha lê. Anh tìm nguyên liệu mới bằng cách nào?

- Tôi tìm nguyên liệu mới khi thật sự tĩnh tâm. Tâm phải tĩnh thì mới có thể nhìn ra những điều khác biệt trong những sự vật quen thuộc thường ngày. Tôi học được cách nhìn khác về sự vật có lẽ là sau một năm sống ở Ý.

Có cơ hội được sống cùng với những người làm vườn, người lát gạch, tôi mới có dịp quan sát để nhìn thấy những điều đặc biệt trong một công việc có vẻ như rất bình thường. Rồi khi đứng hàng giờ trước những bức điêu khắc tuyệt đẹp trong các bảo tàng nghệ thuật ở Ý, tôi thấy rằng dù kỹ thuật, máy móc có hiện đại đến đâu thì cũng không thể chạm khắc được những bức tượng khéo léo và có hồn đến thế.

Tôi chọn dây cước làm Vườn ru vì nguyên liệu này phản chiếu ánh sáng rất tốt. Cũng nhờ làm Vườn ru mà tôi được trở về Việt Nam sau mấy chục năm xa quê hương. Tôi mất ba tháng, hoãn vé máy bay bảy lần mới tìm được một làng dệt chiếu thủ công ở ngoại thành Sài Gòn để các nghệ nhân đan đủ 200 tấm chiếu cước. Vườn ru chính là tấm thảm được nối từ 200 chiếc chiếu đó, khi ẩn khi hiện trong ánh nắng, lấy cảm hứng từ lưới của làng chài ở Nha Trang.

Lời hát ru của ca sĩ Hương Thanh được phát trong vườn tạo âm hưởng của làng quê Việt Nam. Nhìn từ bên ngoài, nhiều người tự hỏi: “Như thế này mà bảo là vườn Việt Nam ư?”. Chỉ đến khi họ cởi bỏ đôi giày, đi chân trần trên chiếu, nghe tiếng hát liêu trai của nữ ca sĩ Thanh Hương thì mọi người mới bất chợt cảm thấy nhớ đến quê hương.

Vườn ru cùng nhiều khu vườn khác của tôi cố gắng gợi lên những ký ức đẹp, những mùi hương tuổi thơ khó quên như mùi nếp hương từ ruộng sau nhà hay mùi biển mặn trên những ruộng muối miền Trung. Hy vọng những người Việt xa quê dù quên đi nhiều kỷ niệm về quê hương thì vẫn nhận ra những nét đẹp của nơi chôn nhau cắt rốn được thể hiện trong những khu vườn mà tôi tạo ra. Được như vậy tôi sẽ rất mãn nguyện. 


Vườn Ru (Lullaby garden) thực hiện năm 2004 tại California, dùng vật liệu dừa Bến Tre. (nguồn: Ashui.com) 

Ý nghĩa của những khu vườn anh làm khá trừu tượng, làm sao để mọi người hiểu hết ý nghĩa của nó?

- Tôi không kiểm soát cảm xúc và ấn tượng của khách tham quan mà để mỗi người tự cảm nhận theo cách của riêng mình. Sự tuyệt vời của cuộc sống chính là nghe tiếng nói từ trong tâm hồn mình khi chìm đắm trong ánh sáng và sự im lặng, như câu nói của nhà văn nổi tiếng John Uplike – “Hãy nhận vẻ đẹp của trần gian như nó vốn có”. 

Sức sáng tạo của anh là do năng khiếu hay nhờ được đào tạo ở trường đại học?

- Thú thật, tôi từng là một học sinh cá biệt của khoa Kiến trúc cảnh quan, đến nỗi phải học nhiều năm mới ra trường. Tôi đã không thể thuộc nổi những bài học khô khan về công dụng, cấu trúc của cây, điều tôi mong muốn nghe giảng viên truyền đạt là tiếng nói, linh hồn của từng loài cây.

Ngày tôi tốt nghiệp sau khi phải học đến hai lần khóa Kiến trúc cảnh quan, thầy giáo nói: “Tôi biết em đã cố gắng rất nhiều nhưng tôi nghĩ em đã chọn sai ngành”. Đến năm 2011, tôi đoạt giải thưởng Loeb Fellowship tại Trường Cao học Thiết kế Harvard để nghiên cứu và giảng dạy, tôi có dịp gặp các thầy cô mình từng rất ngưỡng mộ ở trường. Có lẽ, sự trở lại của tôi cũng khá bất ngờ với những người từng biết tôi thời sinh viên.

Tôi thường tưởng tượng rằng bụi cây, phiến đá biết trò chuyện và muốn được mài giũa, nâng niu để tỏa sáng như thế nào. Càng đi xa chúng ta càng quý phong tục tập quán Việt Nam. Âm thanh tiếng nhạc mẹ ru con ngủ thì tuyệt vời đến thế.

Tôi hay khuyên những bạn trẻ sinh viên thiết kế cảnh quan hãy sống chậm lại, dùng cả tâm trí và tình cảm để cảm nhận về thế giới xung quanh. Các bạn trẻ ngày nay chăm lướt ngón tay trên các công cụ của công nghệ hiện đại nên thường quên rằng đang có rất nhiều điều tuyệt vời trong tự nhiên.

Đôi khi cuộc sống đầy đủ về vật chất khiến chúng ta càng khó cảm nhận được những điều giản dị. Tôi phải cảm ơn thời gian thất nghiệp đã cho tôi cơ hội làm khu vườn kính và những khu vườn sau này.

Anh nhận xét gì về ngành thiết kế cảnh quan ở Việt Nam so với thế giới?

- Tôi thấy ngành này đang thu hút nhiều bạn trẻ nhưng họ lại chưa được định hướng một cách đúng đắn. Không cha mẹ nào muốn con mình học xong ra ngoài đường trồng cây, dọn cỏ cả. Nhưng với tôi, đây là công việc vô cùng thú vị. Thiết kế cảnh quan là ngành mà người nghệ sĩ không thể ngày đêm ngồi trong văn phòng.

Họ phải bước ra ngoài, phải làm việc bằng tay chân, không ngại đất cát vấy bẩn quần áo. Tôi thấy rất nhiều trường đại học quá nặng về lý thuyết, nếu tiếp tục làm nghiên cứu hàn lâm thì tốt, còn nếu muốn trở thành một người thiết kế cảnh quan thì hai thế giới đó cách nhau rất xa.

Nếu có cơ hội về Việt Nam làm việc, tôi mong ước sẽ cùng các cộng sự thí nghiệm và phát triển ngành cảnh quan một cách tự nhiên, không ràng buộc, gò bó trong chương trình, tôi cho là cách học này hiệu quả hơn.

Thiết kế cảnh quan không hoàn toàn là kiến trúc xanh. Nếu là người làm về cảnh quan bên ngoài thì kiến trúc xanh bao giờ cũng đi kèm, giá trị xanh ấy nằm ở sản phẩm mình. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng về kiến trúc xanh mà thiếu yếu tố nghệ thuật thì có làm bao nhiêu công trình cũng giống nhau cả. Thiết kế cảnh quan muôn hình muôn dạng, không nên lạm dụng yếu tố xanh của cây cối, để rồi cái gì cũng môi trường xanh, ai cũng kiến trúc xanh.

Người thiết kế cảnh quan không thể coi thường tính nghệ thuật được, đây chính là giá trị bền vững của công trình. Cách đây năm năm, tôi bắt đầu có xu hướng làm những khu vườn ngẫu nhiên, tận dụng những chi tiết đẹp trong tự nhiên như thân cây cổ thụ, dây leo… chứ không chặt bỏ và làm mới lại hoàn toàn.

Anh có lời khuyên nào cho những người trẻ theo nghề thiết kế cảnh quan?

- Tôi không có lời khuyên, nếu bạn trẻ nào dám dầm mưa dãi nắng, sẵn sàng xắn tay áo lên làm việc thì rất hợp với nghề này. Còn nếu chỉ muốn ngồi văn phòng, máy lạnh thì tốt nhất hãy chọn nghề khác. Tôi muốn khích lệ các nhà thiết kế cảnh quan trẻ ở Việt Nam hãy chậm lại và dành thời gian để quan sát cuộc sống hằng ngày của họ. Và trên hết, hãy giữ gìn và trở nên tự hào với di sản văn hóa của chúng ta, tin vào trực giác và cảm nhận của chính mình. Sáng tạo, sáng tạo và sáng tạo liên tục chứ đừng lạm dụng sáng kiến của người khác.

Tại Việt Nam, tôi thấy các thiết kế cảnh quan thường chỉ sử dụng như một phần nhỏ của dự án bất động sản trong khi trên thế giới các công trình thiết kế cảnh quan có giá trị rất lớn.

Các khu công viên, khu vui chơi, bảo tàng muốn tạo ấn tượng với du khách hay các doanh nghiệp muốn giới thiệu sản phẩm của mình thường nhờ đến các nghệ sĩ thiết kế cảnh quan. Chẳng hạn vào năm 2009, chúng tôi đã làm một khu vườn cây có lá từ 20.000 vỏ ốc xà cừ để giới thiệu một loại rượu mới cho hãng Champagne Laurent – Perrier.

Sau đó, chúng tôi mất bốn tháng để một gia đình người Trung Quốc cắt 80.000 vỏ ốc xà cừ thành hình những chiếc lá và mất thêm một tháng để gắn những chiếc lá này lên cây dương liễu trong công viên phía nam thành phố Grand Prairie, Texas. Mỗi khi có làn gió thổi qua, cây dương liễu này lấp lánh ánh sáng và có âm thanh giống tiếng sáo diều nghe rất vui tai. 


Andy Cao (đứng, hàng thứ nhất) và nghệ sĩ Xavier Perrot (đầu tiên, bên phải) cùng các đồng sự tại một dự án. (nguồn: Người Đô thị) 

Vì sao công ty anh thường làm các dự án lớn lại giữ một bộ máy nhỏ trong mười năm qua?

- Trong nghề này, tôi và cộng sự Xavier Perrot thường phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác như dân du mục, nếu giữ bộ máy công ty cồng kềnh vừa tốn kém lại vừa khó đi theo dự án. Hơn nữa, điều quan trọng nhất không phải là bề ngoài của công ty mà là ý tưởng để tạo nên tiếng vang. Trong dự án thiết kế cảnh quan, quan trọng nhất là nét đẹp của thế giới cảnh quan, đó là sự hòa kết giữa thiên nhiên và nhân tạo để tạo ra một thế giới cảnh quan ngẫu hứng.

Tôi muốn đưa mọi người vào cõi mơ, nơi chúng ta có thể nhận ra được nét đẹp lạ lẫm của thiên nhiên. Những khu vườn của tôi đều có gửi gắm vào một chút văn hóa nghệ thuật của Việt Nam, như tiếng hát ru của chị Hương Thanh, những sợi dây cước đan thành chiếu ở Bình Chánh, dừa Bến Tre, đồng muối Bình Thuận, làng chài Khánh Hòa… tôi muốn từng bước chia sẻ văn hóa của người Việt, để du khách nước ngoài không chỉ biết đến Việt Nam ở chiến tranh, mà một đất nước thời bình với những nét đẹp văn hóa, cảnh quan…

Các khu vườn của anh đã được thế giới biết đến, đó là thành công lớn của người làm thiết kế. Anh đã hài lòng với thành công hiện tại chưa?

- Thành công là một hoài bão rất xa vời, còn tôi vẫn từng bước chậm rãi trên hành trình của riêng mình. Điều tôi đạt được là những trưởng thành trong nhận thức. Thời sinh viên, tôi khá nhút nhát và tự ti vì mình là một người Việt Nam thấp bé sống trên đất Mỹ. Nhưng nay tôi nhận thức được rằng người ta không quan tâm tôi là ai, đến từ nước nào mà họ chỉ muốn biết tôi có khả năng làm được gì.

Tôi cảm thấy mình đang hoàn toàn tự do để theo đuổi con đường của mình, đó là một bước đi giúp tôi trở nên khác biệt. Khi đến Trường Đại học Harvard, tôi hân hạnh được gặp nhiều nhà thiết kế hàng đầu thế giới và tiếp cận rất nhiều nguồn thông tin khác nhau.

Tôi càng quyết tâm phải đi con đường riêng của mình bởi nếu mình đi theo bước chân của những người khác thì mình sẽ không bao giờ thành công. Ở nước ngoài việc cạnh tranh rất lớn, mình giỏi một nhưng người đồng nghiệp sẽ giỏi mười. Vì vậy mình phải có tiếng nói riêng, nếu không sẽ “biến mất” vào đám đông. Bao nhiêu năm nay, dù nhận công trình lớn hay nhỏ thì chúng tôi đều giữ được tiếng nói riêng đó.

Công việc mà chúng tôi đang làm có sức mạnh đáng ngạc nhiên trong việc thay đổi tâm trạng của hầu hết những người tham gia. Như trong bốn tháng xay cắt liên tục Khu vườn may pha-le với bề mặt cảnh quan rộng 1.400 m2, tôi cắt đứt mọi liên lạc với thế giới xung quanh, không điện thoại, không đọc sách báo, thậm chí hạn chế trò chuyện với những người làm cùng với mình. Tôi làm việc trong im lặng, tập trung toàn bộ tâm trí vào khu vườn của mình.

Hơn 200 người làm cùng chúng tôi cũng vậy, ban đầu họ cũng trò chuyện, hỏi han nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ cũng thôi không làm phiền người khác bằng các câu chuyện của mình. Trong không khí lạnh giá, tuyết giăng bốn bề, chúng tôi cứ chăm chỉ gắn từng chi tiết, cố gắng điều khiển đôi tay vụng về vì lạnh cóng.

Tất cả sự tập trung đó là để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật để người xem một khi đã đi vào thì lưỡng lự từng bước chân không muốn đi ra. Đó không chỉ là một khung cảnh đẹp để người xem ghé qua chụp một vài tấm ảnh kỷ niệm mà nó sẽ gợi lên những ấn tượng về thiên nhiên bí ẩn và cả những ký ức tuổi thơ vẫn đọng lại trong tiềm thức của chúng ta. 

Câu cảm thán mà anh thường nghe nhiều nhất về tác phẩm của mình là gì?

- Đó là “Có gì hay đâu. Ai làm cũng được thôi”. Trước đây, tôi dùng cây sả để trang trí cho một khu vườn, người ta giễu cợt: “Đi học nước ngoài về để trang trí nhà bằng sả à?”. Thực ra, sả là cỏ kiểng nếu được dùng một cách chăm chút sẽ đẹp mắt và rất tốt cho sức khỏe nên sả thường được trồng trong những khu vườn dưỡng thương (healing garden).

Những khu vườn rộng lớn được làm trong mấy năm trời của tôi cũng vậy, nếu chỉ nhìn sơ qua thì không có gì lạ, chỉ khi hoàn toàn tĩnh lặng trong khu vườn đó, cảm nhận ánh sáng phản chiếu qua các chất liệu mộc mạc tựa như hàng ngàn chiếc cầu vồng thì người ta mới nhận ra đó là một khu vườn đặc biệt.

Khu vườn tiếp theo của anh sẽ từ chất liệu gì?

- Tôi ước mơ sẽ hoàn thành hệ thống Vườn Âu Cơ gồm 100 khu vườn nhỏ, trải dài từ Nam ra Bắc, nhằm tôn vinh những làng nghề thủ công và nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Một trong những nguyên liệu tôi đang muốn đưa vào khu vườn này là lụa hoặc gốm. Tôi đã nghe nói đến làng lụa lãnh Mỹ A (An Giang) nhưng chưa có dịp sử dụng chất liệu này cho một khu vườn nào của mình.

Những mảnh lụa đen bóng loáng, mềm rũ và mát lạnh chắc hẳn sẽ tạo một khu vườn tuyệt đẹp, để du khách biết đến tay nghề khéo léo của những người thợ làm lụa thủ công Việt Nam. Mới nghĩ đến thôi mà trong tôi đã cảm thấy xúc động và muốn bắt tay vào làm ngay.

Cảm ơn anh về buổi trò chuyện. 

Xuân Lộc thực hiện / Tranh: Hoàng Tường
(Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần) 

Andy Cao với Cao Perrot Studio cùng Ashui.com hợp tác phát triển thương hiệu thiết kế cảnh quan tại Việt Nam: vietscapes | www.vietscapes.com 

Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: