Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Chất liệu độc nhất vô nhị gây 'bế tắc' trong trùng tu tháp Chăm

Chất liệu độc nhất vô nhị gây 'bế tắc' trong trùng tu tháp Chăm

Viết email In

Dù các chuyên gia đã phần nào giải mã được bí mật chất liệu làm loại gạch độc nhất vô nhị này, nhưng đến nay việc trùng tu di tích Chăm vẫn gặp nhiều khó khăn.

Tại hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ cao trong bảo tồn di tích Chăm tổ chức tại Quảng Nam mới đây, các nhà bảo tồn đều bày tỏ lo ngại về tình trạng xuống cấp của các di tích Chăm, nhất là khu đền tháp Mỹ Sơn.  


Nhiều di tích tháp Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn và một số địa bàn khác thuộc tỉnh Quảng Nam bị hư hại nghiêm trọng. Công tác trùng tu cũng gặp nhiều khó khăn.
(Ảnh: Tiến Hùng) 

Báo cáo của hội thảo nêu rõ, gần 40 năm qua, với sự giúp sức của nhiều tổ chức khoa học trong và ngoài nước, Việt Nam đã nỗ lực tu bổ nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các đền tháp Chăm. Nhiều chương trình hợp tác trùng tu đã đem lại tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên sau thời gian, mỗi phương pháp lại bộc lộ điểm yếu, như làm lên mốc, muối bề mặt, bị mủn, thối gạch. Đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn "bế tắc" trong việc tìm ra giải pháp trùng tu tháp Chăm hiệu quả. 

PGS.TS Ngô Văn Doanh (ảnh bên), ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, một trong những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về tháp Chăm cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến việc trùng tu tháp Chăm gặp khó khăn, trong đó ban đầu là do chưa giải mã được bí ẩn chất liệu xây dựng.

Ông kể, năm 1978, nhóm chuyên gia Ba Lan sang giúp Việt Nam khôi phục khu đền tháp Mỹ Sơn. Họ xây tường xi măng để chống đỡ tháp bị nghiêng. Tuy nhiên, chỉ 1-2 năm sau, gạch ở khu vực được tu bổ này bị mốc.

"Đền tháp Chăm được xây bằng gạch xốp có ngấm nước, nhưng nắng lên lại tỏa hơi nước nên rêu phong chết hết. Trong khi đó tường xi măng lại thấm nước mưa nhưng không thoát ra được khiến tháp bị ngâm nước và chỉ sau vài tháng là gạch thối, mủn", ông Doanh nói. Khi thấy di tích xuống cấp do tu bổ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lệnh không được dùng xi măng để trùng tu tháp Chăm.

TS Doanh kể, sau khi mang những mảnh gạch vỡ của tháp Chăm về phân tích, các chuyên gia đã tính toán được độ nung của gạch chỉ ở mức 900-1.000 độ (gạch hiện đại là 1.300 độ). Theo nguyên lý, gạch non sẽ dễ mủn, nhưng chất đất tốt, phỏng đoán là được trộn tro, trấu để có độ xốp dẻo, đặc biệt chất kết dính bằng dầu thực vật giúp tháp tồn tại được hàng nghìn năm. 

Trong dự án hợp tác giữa Việt Nam - UNESCO và Italy giai đoạn 2003-2013, Việt Nam đã làm ra loại gạch gần giống và đưa vào tu bổ một số đền tháp. Thành công của chương trình này là sau 10 năm trùng tu đã đưa được nhóm tháp G Mỹ Sơn vào hoạt động, đón khách tham quan. Tuy nhiên, một thời gian sau phương pháp của người Italy cũng bộc lộ hạn chế. Nhiều mảng tường của khu tháp G bắt đầu vì rêu mốc. Các chuyên gia đã đẩy nhiệt độ nung gạch lên cao hơn và không mài sắc cạnh, việc trùng tu sau đó đã tốt hơn.

"Chúng ta đã biết được bí mật nguyên liệu xây dựng, nhưng trùng tu bằng phương pháp nào cho hiệu quả nhất và phải đảm bảo tối đa tính nguyên vẹn cho di tích thì vẫn cần thời gian để đánh giá", ông Doanh nói và đánh giá tháp Chăm Việt Nam làm bằng gạch "độc nhất vô nhị". Nguyên liệu bị mủn chỗ nào là hỏng chỗ đó, không giống như tháp ở Angko Wat (Campuchia) dựng từ đá lúc nào cũng có sẵn nguyên liệu cùng loại để trùng tu. Đây là thách thức sống còn của Việt Nam mà nhiều chuyên gia nước ngoài vào thực hiện cũng gặp ít nhiều thất bại.

Chuyên gia nghiên cứu về đền tháp Chăm chỉ ra thêm một số bế tắc trong công tác trùng tu tháp, như làm mái che cho di tích bị đổ nát nhưng lại khiến tháp rêu phong, thối mủn. Tháp Chăm Phú Diên ở Huế được che chắn bằng nhà kính ban đầu bị hấp nhiệt, khô, mủn đi, nhưng trước đó để ngoài môi trường tự nhiên, tháp cũng bị bạc màu, có nguy cơ bửa ra.

"Để ngoài tháp cũng hỏng, che đi cũng hỏng, nhưng không thể không cố gắng tìm phương pháp bảo tồn hiệu quả. Tháp Chăm ở Huế giờ đã được phun sương để tạo độ ẩm, một số di tích khác như tháp đôi, tháp Dương Long ở Bình Định cũng bước đầu thấy được thành công khi trùng tu 10 năm vẫn chưa thấy dấu hiệu bị hỏng", TS Ngô Văn Doanh phân tích.

Một nguyên nhân khác khiến việc trùng tu tháp Chăm của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, theo chuyên gia Doanh là do trước đây công việc này bị yêu cầu thực hiện và cấp kinh phí theo kiểu dự án xây dựng, bị đốc thúc tiến độ. Trong khi đó, trùng tu di tích đòi hỏi sự tỉ mỉ, mất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng rồi bắt tay làm. Quy định này nay đã thay đổi, tạo thuận lợi hơn cho công tác bảo tồn.

"Việt Nam chưa có cơ quan nào được nhà nước lập ra để trùng tu tháp Chăm. Đơn vị duy nhất hiện nay chuyên làm công việc này là Bộ Khoa học, nhưng chính họ cũng không phải là chuyên gia và phải mời những nhà chuyên môn khác về tư vấn", Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nói. 

Tháp Chăm, hay còn gọi là tháp Chàm, là dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay.

Các đền tháp Champa được xây dựng kéo dài từ cuối thế kỷ 7 đến đầu thế kỷ 17. Tháp được xây bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp, thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng mặt trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. 

Hiện Việt Nam có khoảng hai mươi cụm di tích kiến trúc đền tháp và rất nhiều phế tích kiến trúc Champa. Các di tích này có giá trị đặc sắc, mang tính toàn cầu. Năm 1999, khu đền tháp Champa - thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. 

Quỳnh Trang 
(VnExpress)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo