Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Du lịch và cáp treo

Du lịch và cáp treo

Viết email In

Ba năm sau các cuộc tranh luận về việc nên hay không nên xây dựng cáp treo lên đỉnh Fansipan (Lào Cai), dư luận lại tiếp tục tranh luận về việc xây tuyến cáp treo tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), dù chính quyền thành phố này khẳng định đây mới chỉ là ý tưởng. 

Những năm gần đây, mỗi lần nhà đầu tư đề cập đến dự án xây cáp treo thì lại dấy lên những luồng ý kiến khác nhau, phần lớn là không ủng hộ do lo ngại những tác động xấu đến môi trường, ngăn cản mục tiêu phát triển du lịch bền vững mà Việt Nam đang theo đuổi.  


Sơn Đoòng.
(Ảnh: Mike Rowbottom / Zing.vn) 

Hiện nay, cả nước có hơn 10 hệ thống cáp treo đang hoạt động như cáp treo Vinpearl Land (Nha Trang), Yên Tử (Quảng Ninh), Đà Lạt, Núi Bà Tây Ninh, Tà Cú, Vũng Tàu, Hương Tích - Hà Tĩnh, Núi Cấm - An Giang, Sapa (Lào Cai)... Sắp tới, sẽ có một số hệ thống mới đi vào hoạt động như tuyến cáp treo ở Phú Quốc. 

Điểm chung của những hệ thống này là thường được xây dựng tại những danh thắng đặc biệt, vườn quốc gia, nơi có những giá trị đặc biệt về thiên nhiên, môi trường. Vì thế, phía không ủng hộ đã có lý khi lo ngại rằng, cùng với cáp treo và hàng loạt dịch vụ giải trí tại mỗi cụm cáp là những dòng du khách đổ xô đến, kèm theo những tác hại nặng nề cho tự nhiên và sinh vật tại đó. 

Vào năm ngoái, khi thực hiện chiến dịch Save Sơn Đoòng (Cứu Sơn Đoòng), với mục đích chính là ngăn dự án xây cáp áp treo đến Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, nằm trong quần thể Phong Nha-Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên của thế giới ở tỉnh Quảng Bình, nhóm thực hiện chiến dịch đã trích dẫn nhiều dẫn chứng khoa học để nhận định rằng: "Năm triệu năm mới hình thành nên động Sơn Đoòng đặc biệt. Chúng tôi không muốn dự án cáp treo, đưa hàng ngàn người vào động mỗi ngày phá vỡ hết di sản này".

Trước đó, những nhận định tương tự về hệ thông cáp treo lên đỉnh Fansipan cũng đã được ra nhưng hệ thống này vẫn được xây dựng và khi đi vào hoạt động đã tạo nên một bước đột phá về lượng khách du lịch đến với Sapa, Lào Cai.

Ông Phạm Hà, CEO của Công ty Du lịch Luxury Travel, cho rằng cơ quan quản lý đang đứng giữa hai lựa chọn: làm du lịch đại trà bằng việc phát triển hệ thống cáp treo cùng với nhiều dịch vụ phụ trợ tại những danh thắng đặc biệt để thu hút lượng khách lớn, thu tiền ngay nhưng sẽ có những hệ lụy về môi trường; hoặc phải bảo vệ danh thắng, chỉ phát triển những loại hình du lịch đặc thù, khách ít hơn. Đây là sự lựa chọn rất khó khăn nhưng không thể không chọn việc khó làm. 

"Quan điểm cho rằng, địa phương có một danh thắng đặc biệt, một ngọn núi đẹp chưa chắc đã thu hút khách đến nhưng khi có cáp là có người đến coi, muốn làm du lịch phải làm cáp treo là quan điểm thiển cận", ông Hà nói.

Theo ông, có thể những dự án cáp treo sẽ đem lại nguồn thu lớn, lượng khách lớn cho nhà đầu tư cùng địa phương trong một khoảng thời gian nào đó nhưng về lâu dài sẽ gây ra những hệ lụy to lớn về môi trường, phá vỡ cảnh quan, làm xấu hình ảnh điểm đến. Tác hại lâu dài này rất khó để giải quyết. "Hãy nhìn Sapa, sau khi có cáp treo, du khách, chủ yếu là khách trong nước lên ồ ạt. Nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm, không gian đặc kín người, ồn ào nên nét đặc trưng của nơi này dần mất đi. Nhiều du khách nước ngoài không muốn đến nữa", ông Hà nói.

Doanh nhân này và nhiều người khác cho rằng, nên giữ những món quà của thiên nhiên ban tặng làm điểm nhấn thu hút khách. Thay vì làm cáp treo lên Sơn Trà thì nên phát triển dịch vụ du lịch, giải trí đa dạng tại điểm đến để thu hút và níu chân du khách. Cách làm như ở Sơn Đoòng hay xa hơn, ở "Đất nước hạnh phúc" Bhutan là những kinh nghiệm đáng để nhiều địa phương học hỏi. 


Sơn Đoòng.
(Ảnh: Mike Rowbottom / Zing.vn) 

Về Sơn Đoòng, chỉ trong vòng vài năm, với cách hạn chế số lượng người ra vào hang hàng năm, quy định thời gian nghỉ để hang phục hồi cùng những cách quảng bá đặc biệt, người làm du lịch ở đây đã làm nên một thương hiệu nổi bật cho Sơn Đoòng ở trong và ngoài nước. Tuy doanh thu từ việc khai thác du lịch ở đây không nhiều vì mỗi năm chỉ có vài trăm khách, với chi phí tour khoảng 3.000 đô la Mỹ/người nhưng đơn vị tổ chức lại mở ra kênh kiếm tiền khác, bằng việc phát triển những tour mạo hiểm vừa phải, đến những hang có yêu cầu bảo vệ thấp hơn tại vườn quốc gia để gia tăng lượng khách.

Một vị lãnh đạo du lịch ở Quảng Bình từng nói với TBKTSG Online rằng, từ hàng chục năm qua, du lịch Quảng Bình ít được biết đến nhưng chỉ vài năm xây dựng thương hiệu Sơn Đoòng thì đã khác hẳn. Sơn Đoòng không có nhiều khách nhưng điểm đến chung Quảng Bình được hưởng lợi rất nhiều, lượng khách tăng vài chục phần trăm, kèm theo sự tăng trưởnng về dịch vụ nhà hàng khách sạn...

Về Bhutan, một doanh nghiệp kể rằng, khi bà hỏi một quan chức trong Bộ Du lịch Bhutan là, tại sao Bhutan đang là điểm đến "nóng" mà ngành du lịch không nhân cơ hội này để thu hút khách, lại giới hạn visa du lịch mỗi năm chỉ hơn 200.000 người, quan chức này nói rằng, sau này khi khách đến quá nhiều thì du lịch Bhutan sẽ tăng giá thay vì quy định mỗi khách phải chi tiêu 200 đô la Mỹ/ngày như hiện nay thì có thể lên 300-350 đô la. Du khách đến để được hạnh phúc thì người dân vất vả phục vụ du khách cũng phải có thu nhập cao để hạnh phúc và điều quan trọng là phải giữ được thiên nhiên, giữ được sự đặc sắc thì khách mới đến.

Doanh nghiệp này cho rằng, không phải cứ khách đến nhiều là du lịch đã thành công mà quan trọng là kỹ nghệ phát triển dịch vụ để khách phải móc túi chi tiền và ở lại lâu hơn. Để làm được điều này, nhà quản lý phải làm sao để quy hoạch những loại hình dịch vụ cần phát triển, kêu gọi đầu tư dài hạn, hạn chế những dự án ảnh hưởng đến quá trình phát triển lâu dài... Điều này khó nhưng không phải là không làm được. 

Đào Loan 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo