Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng của cư dân TPHCM

Ngập nước vẫn là nỗi ám ảnh dai dẳng của cư dân TPHCM

Viết email In

Ngập nước vẫn đang là nỗi ám ảnh đố với người dân TPHCM và có thể kể đến một số "rốn ngập" kéo dài như đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường Cây Trâm, Phan Huy Ích (Gò Vấp), Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) và mưa lớn, triều cao, kênh rạch bị san lấp, thiếu vốn cho dự án chống ngập... tiếp tục được cho là những nguyên nhân khiến ngập còn dai dẳng dẫu rằng cách đây gần 10 năm chính quyền TPHCM đã từng đề ra chương trình đột phá về chống ngập nước.

Trên đây là một số thông tin đáng chú ý được nêu ra tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi được HĐND thành phố tổ chức sáng nay (1/7). 


Ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân TPHCM.
(Ảnh: Văn Nam) 

Cần nhắc lại, năm 2015 chính quyền TPHCM đề ra chương trình đột phá về chống ngập với mục tiêu đến năm 2020 thành phố sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập nước. Mặc dù vậy, đến nay sau hơn ba phần tư chặng đường thực hiện chương trình nhưng theo đánh giá của HĐND thành phố sáng nay thì tình trạng ngập ngày càng gay gắt hơn. 

Các nguyên nhân được cơ quan phụ trách chống ngập cho thành phố nêu ra như: mưa vượt tần suất và hệ thống cống thoát nước không đáp ứng, dự án chống ngập lớn triển khai chậm, thiếu vốn... khiến tình trạng ngập vẫn đang còn rất nan giải và người dân thành phố còn phải vất vả với ngập mỗi khi mưa và triều cường dâng cao.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho rằng TPHCM là một trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Triều cường có đỉnh năm sau cao hơn năm trước (năm 2018 lên hơn 1,71 mét) nhưng khả năng thoát nước chỉ tính tới trận mưa trong 3 giờ với vũ lượng dưới 100 mm nên trận mưa trên 100 mm vài năm gần đây là rất dày làm hệ thống thoát nước quá tải. 

Ngoài ra, dân số tăng nhanh khiến khả năng đầu tư hệ thống thoát nước còn khoảng cách rất xa so với nhu cầu, nhiều quận như Hóc Môn, 12, quận 9… nhiều nơi không có cống hễ mưa là ngập. Chưa kể đến hệ thống cống thoát nước chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu, mới chỉ đạt khoảng 45% so với yêu cầu thoát nước, hệ thống sông kênh rạch với tổng chiều dài trên 5.000 km nhưng nhiều nơi lại bị san lấp, tỉ lệ nạo vét chỉ đạt trên dưới 1%, rác lấp đầy nhiều kênh nên ngập là khó tránh.

“Sau 17 năm thành phố triển khai quy hoạch thoát nước chỉ làm được vùng trung tâm, còn 5 vùng còn lại vẫn chưa có quy hoạch chi tiết về thoát nước, vẫn chưa được 50% hệ thống thoát nước theo yêu cầu”, ông Dũng nêu nguyên nhân và nói thêm thành phố vẫn chưa làm tốt khâu dự báo về tác động biến đổi khí hậu, mưa lớn triều cao làm ngập còn dai dẳng.

Lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố trong buổi trao đổi sáng nay cũng nêu một số nguyên nhân gây ngập cũng gần giống như lãnh đạo trung tâm chống ngập.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM: "Hiệu quả về công tác chống ngập của thành phố đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu".

Tuy nhiên, vẫn chưa thấy lãnh đạo bất cứ đơn vị nào nhận trách nhiệm chính về mình khiến ngập nước vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân dù tiền bạc, công sức đổ vào các dự án chống ngập cho đến nay không hề nhỏ. Ở đây là trách nhiệm về công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch, triển khai các dự án, có đường nhưng không có cống, các công trình chống ngập lớn nhỏ ở thành phố còn chậm triển khai hay vai trò phối hợp giữa cơ quan nhà nước làm công tác chống ngập với các cơ quan, đơn vị khác chưa rõ nét.

Tình trạng ngập ở các tuyến hẻm, trong các khu dân cư thực tế vẫn chưa được đánh giá đầy đủ và có thể nói dù một số điểm ngập tại một số tuyến đường lớn được xóa nhưng phạm vi ngập nước tại thành phố nhìn chung đang có xu hướng lan rộng, trầm trọng hơn, thời gian ngập kéo dài hơn, có nơi ngập cả tuần, theo đánh giá của Ban Đô thị, HĐND thành phố trong sáng nay.

Một người dân tại quận Bình Tân trong buổi trao đổi sáng nay phản ánh rằng một số khu vực như đường Kinh Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm, Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A... vẫn đang còn ngập nặng và người này đề nghị cần đặt thêm máy bơm chống ngập cho khu vực này. Còn người dân tại quận 9 lại cho rằng nhiều nơi quận này vốn là vùng trũng nên vẫn còn ngập kéo dài, đặc biệt là đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển vẫn còn ùn tắc, ngập nước mỗi khi có mưa lớn.

Theo UBND thành phố thì giai đoạn 2016-2020 thành phố cần một khoản vốn rất lớn cho chống ngập với khoảng gần 97.300 tỉ đồng cho các chương trình giảm ngập nước, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, các dự án đã có nguồn vốn và đang triển khai chiếm khoảng gần 23.000 tỉ đồng, còn lại khoảng 74.350 tỉ đồng được huy động từ vốn ngân sách thành phố, ngân sách trung ương và nguồn xã hội hóa.

Hiện nay, TPHCM còn hàng chục điểm ngập nặng và khi thành phố đang bước vào mùa mưa với số trận mưa lớn nhiều hơn thì người dân thành phố lại tiếp tục nơm nớp âu lo về tình trạng ngập úng và trông chờ các dự án chống ngập sớm được triển khai nhanh hơn và sớm phát huy tác dụng. 

Văn Nam 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo