Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Góc nhìn Ẩn ức đô thị

Ẩn ức đô thị

Viết email In

1. Hôm trước, một anh bạn ca thán về căn nhà anh đang ở tại quận 7 (TPHCM). Anh dọn về đây hồi năm 2011, khi ấy nền nhà anh cao hơn mặt đường hẻm khoảng một thước. Mùa mưa năm đầu tiên, khi mà nhiều khu vực xung quanh bị ngập cao, hẻm nhà anh chưa hề hấn gì. Vợ chồng anh cảm thấy thật may mắn! 

Nhưng chỉ đến mùa mưa kế tiếp, con hẻm bắt đầu ngập. Nước tràn vào nhiều nhà hàng xóm. Nhà anh nhờ có nền cao nên... chưa sao. Mùa mưa năm thứ ba thì thôi rồi, hôm nào trên đầu trời mưa, dưới đất triều cường nữa thì vợ chồng con cái cứ điện thoại í ới nhau, rằng “hẻm ngập cao lắm, giờ x hẵng về”...  


(Ảnh: Thành Hoa) 

Trải qua mấy năm chịu ngập lụt và không biết bao nhiêu khó khăn, mâu thuẫn, mấy chục hộ dân hai bên con hẻm mới thống nhất được phương án nâng hẻm lên tám tấc. Mùa mưa năm thứ năm hẻm không bị ngập nhưng nhiều gia đình đã phải cực khổ, tốn chi phí nâng nền nhà cao lên theo con hẻm, dù trước khi vào được hẻm, mọi người vẫn phải đi qua những con đường ngập ở bên ngoài! 

Anh bạn tôi đã không thể tin nổi là mùa mưa năm thứ sáu, con hẻm vừa được nâng cao hồi năm ngoái lại bị ngập, lần này thì tràn cả vào sân nhà anh. Anh phải vội vàng cho nâng nền khoảnh sân nhưng rồi mùa mưa năm ngoái, nước cũng lại ngập lênh láng trong nhà, vào đến cả cầu thang bên trong. 

Năm nay, anh không làm gì hết (bó tay!), vì nếu nâng toàn bộ nền nhà lên thì sẽ “phá” cả bộ cửa sắt kéo, bộ cửa pano, rồi cầu thang cũng phải làm lại sao cho khớp với “sinh, lão, bệnh, tử”, mà cũng chưa chắc năm sau sẽ không bị ngập. Với bộ dạng chán chường, anh nói anh đã “chạy” suốt bảy tám năm rồi mà vẫn không khỏi ngập. Năm nào cũng đọc thấy “đỉnh triều cường vượt mức kỷ lục...”.

 

2. Tôi có một cô bạn trẻ hơi đặc biệt. Khác với các đồng nghiệp nữ mỗi khi ra đường thì bịt kín mít từ đầu đến chân, cô vẫn kiên quyết không mặc váy chống nắng, dù trang phục chính của cô là các loại váy, đầm và phương tiện đi lại là xe gắn máy. Cô nói cô dị ứng với loại “đồng phục” ấy, và cũng bởi lúc nào cô cũng bắt gặp trên đường phố nhan nhản cách ngưới ta quấn váy ơ hờ, buông thùa, xộc xệch. Có lần cô chia sẻ: “Chị xem, dành thời gian chọn lựa những chiếc váy đẹp, những đôi giày xinh để làm gì rồi lại không trân trọng mà che giấu chúng đi”.

Ừ, tôi cũng thấy yêu cái cách mà cô ý thức chọn chiếc áo khoác và chiếc khăn choàng khá trang nhã, lịch sự khi đi ngoài đường. Tôi từng nghĩ có lẽ cô là một trong những “cô gái văn phòng” cuối cùng vẫn “dũng cảm” phơi đôi chân đẹp mà tạo hóa và cha mẹ ban cho để mặc cho nó dày dạn với phong trần. Nhưng thật bất ngờ khi vừa mới đây nghe cô nói: “Có lẽ em sẽ mua váy chống nắng chị ạ”. Chuyện là: “Mấy tuần nay ở ngoài đường có thứ gì ấy bám riết da em, cảm giác nóng chân và nhờn suốt cả ngày làm việc.

Thật chỉ có giới chuyên môn mới có thể trả lời liệu gần đây trong không khí có thêm “chất mới”, “chất lạ” gì hay không. Chỉ biết đã tới lúc thêm một “cái đẹp” buộc phải che giấu đi.

 

3. Kẹt xe. Chuyện thường ngày ở thành phố này, nhưng tôi chợt khám phá có điều thay đổi ở buổi kẹt xe hôm nay. Trong nhung nhúc người và xe như thường lệ, tôi không còn “xoắn” nữa mà lại thấy bình thản lạ thường, dù vẫn cảm nhận rõ mồ hôi bên trong áo đang chảy thành dòng dưới trời nắng nóng. Thay vì dán mắt vào những khoảng trống nhỏ hẹp để xoay xở nhích từng chút, tôi tự nhủ: Có gì phải vội? Không nửa tiếng thì một tiếng, không một tiếng thì hơn, rồi cũng sẽ “đi đến nơi, về đến chốn”. Trễ giờ làm ư? “Tôi bị kẹt xe”, sếp có thể thông cảm mà!

Nhưng lạ là nhiều lần kẹt xe trước đây, dù tin là sếp sẽ thông cảm nhưng sự thật trong lòng tôi vẫn thấy áy náy. Sao lần này...? Tôi tự hỏi sự thay đổi đó có đáng mừng hay không. Phải chăng tôi đã có sự thích nghi tốt hơn cho thần kinh, hay sự chai lì đã bắt đầu xuất hiện do bất lực kéo dài? Tôi lặng lẽ nhìn xung quanh. Lạ thật, trước đây trong tình huống thế này, tôi luôn thấy trước mắt mình là cả biển người loi nhoi khổ sở. Hôm nay tôi lại nhận ra không thiếu những người cũng tỏ ra trầm tĩnh như mình. Không rõ họ trở nên như thế từ khi nào: lâu rồi; lúc gần đây; hay mới chỉ từ hôm nay như tôi?

Có khi rồi kẻ trước người sau, sự chuyển đổi tâm trạng cá nhân hôm nay sẽ thành ra một thứ tâm trạng xã hội. Nhưng ai có thể gọi đúng tên nó là điềm nhiên, vô cảm, chai lì, bất lực, hay một thứ gì khác? 

Thanh Phương 

(TBKTSG) 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo