Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Nhìn lại Quy hoạch Hà Nội từ hơn 100 năm trước

Nhìn lại Quy hoạch Hà Nội từ hơn 100 năm trước

Viết email In

Triển lãm “Quy hoạch đô thị và địa giới hành chính Hà Nội giai đoạn 1873 - 1954” diễn ra từ ngày 16/8 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (số 18 đường Trung Yên 1, Cầu Giấy, Hà Nội) và sẽ kéo dài đến hết năm. 68 bản đồ và một số tài liệu dạng văn bản về quy hoạch đô thị được trưng bày là những sử liệu quan trọng đối với Hà Nội.

Triển lãm trưng bày một số tài liệu lưu trữ gốc và một số tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi. Người xem sẽ có cơ hội tận mắt chứng kiến quang cảnh Hà Nội từ các con phố mang tên Pháp, hình ảnh Thành cổ Hà Nội đến các dự án quy hoạch mở rộng Thành phố trong lịch sử.

Có lẽ để hiểu hơn về Hà Nội ngày nay, cũng như để định hướng xây dựng một Hà Nội mới trong tương lai, người ta không thể không tìm hiểu về những “lớp lang” quy hoạch trong quá khứ của Hà Nội. 

  • Ảnh bên : Bản vẽ tổng quát quy hoạch vùng ngoại ô Hà Nội (1940) 

“Trở thành một thành phố châu Âu” 

Ngay từ khi đặt ách đô hộ lên Bắc Kỳ, thực dân Pháp đã đặt ra vấn đề quy hoạch Hà Nội. Ngày 27/1/1886, Hội đồng Bảo hộ Bắc Kỳ, cơ quan đại diện cho quyền lực của Chính quyền thuộc địa Pháp tại Bắc và Trung Kỳ đã được thành lập. Chính tại phiên họp đầu tiên vào ngày 2/5/1886, dưới sự chủ tọa của Paul Bert, Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ đầu tiên, Hội đồng Bảo hộ đã quyết định thành lập tại Hà Nội một Ủy ban Thành phố để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là “làm cho Hà Nội trở thành một thành phố châu Âu”.

Với mục đích trên, người Pháp bắt đầu quy hoạch bằng việc xác định địa giới thành phố Hà Nội. Chính quyền thuộc địa đã phân Thành phố ra làm hai khu vực chính: khu vực dành cho người Âu và người bản xứ.

Ngày 11/5/1886, Tổng Trú sứ Trung-Bắc Kỳ Vial ký quyết định số 1 giao cho Khu Công chính Bắc Kỳ việc đo vẽ bản đồ Thành phố Hà Nội. Các kỹ sư của Khu Công chính có quyền thực hiện nhiệm vụ của mình ở bất cứ nơi nào trong Thành phố, kể cả trong khu vực đất thuộc quyền sở hữu tư nhân của người Âu cũng như người bản xứ. Tiếp đó, Pháp đã ra Nghị định phân định ranh giới ban đầu của Thành phố Hà Nội. Theo đó, Thành phố Hà Nội lúc đó bắt đầu từ Sở Thuế quan (nay là Bảo tàng Cách mạng Việt Nam), qua Blockhaus Nord (Lô Cốt Bắc nay thuộc phố Phó Đức Chính), đường Grand Bouddha (nay là phố Quán Thánh), đường bao quanh Thành Hà Nội, cửa Sơn Tây kéo dài đến đường Phủ Thanh Oai (phố Văn Miếu, một phần phố Quốc Tử Giám và một phần phố Tôn Đức Thắng), Pagode des Corbeaux (Văn Miếu- Quốc Tử Giám), chùa Sinh Từ, đường Huế (nay là phố Huế), công sự Huế, qua đê thuộc khu vực nhượng địa cho đến tận sông Hồng. Diện tích thành phố Hà Nội thời điểm đó là 1220 ha - có thể coi là bức tranh quy hoạch nhỏ nhất về Hà Nội khi bước vào thời cận đại.

Tuy nhiên, trong phiên họp thường kỳ ngày 6/10/1889 của Hội đồng Thành phố, Đốc lý Hà Nội đã cho rằng “ranh giới hiện tại của Thành phố không được rõ ràng, khó nhận biết, khó xác định về đất đai và đã bỏ ra ngoài Thành phố một vài vùng buôn bán và công nghiệp”. Và ranh giới thành phố đã được phân định lại: Phía đông của Thành phố được xác định giáp với dòng chảy của sông Hồng; phía Bắc, phía Tây và phía Nam được xác định bởi một đường thẳng chạy từ cột mốc số 1 đến số 15.

Ngoài việc quy hoạch về địa giới hành chính của Hà Nội, người Pháp tập trung mở rộng khu vực người Âu bằng nghị định bắt phá bỏ nhà tranh vách đất ở khu phố Paul Bert (này là phố Tràng Tiền) năm 1886 rồi đến Nghị định cấm xây dựng và phải dỡ các nhà tranh vách đất trong thời hạn 6 tháng trong khu vực bao gồm các phố mà ngày nay là: phố Trần Hưng Đạo, sông Hồng, phố Lê Duẩn đến tận khu vực Thành Hà Nội.


Bản đồ kiến thiết Hà Nội do KTS Phạm Gia Hiển lập ngày 31/7/ 1951, kí hiệu tra tìm TPT -4512

“Quy hoạch ô bàn cờ”

Bước sang giai đoạn 1895-1928 và các giai đoạn tiếp theo dưới thời thuộc Pháp, việc mở rộng thành phố Hà Nội vẫn được tiến hành để tạo thành các khu dự trữ, vành đai xanh. Diện tích tỉnh Hà Nội năm 1901 đã là 1.300km2.

Đến những năm 1920, người Pháp tập trung vào việc quy hoạch các công trình xây dựng. Điểm đáng chú ý trong giai đoạn này là quy hoạch và xây dựng phát triển theo xu hướng mới. Bên cạnh nhu cầu về sử dụng, người Pháp còn quan tâm nhiều đến thẩm mỹ kiến trúc của mỗi ngôi nhà. Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng các kiến trúc sư giỏi từ Pháp và các thuộc địa khác để thiết kế các công trình lớn tại Hà Nội và một số thành phố khác. Năm 1921, Sở Kiến trúc và Đô thị được thành lập với người đứng đầu là KTS Enest Hébrard.

Nhiều văn bản quy định được ban hành phục vụ quản lý và điều hành công việc quy hoạch và xây dựng trong Thành phố. Nghị định số 91 ngày 7/7/1921 của Thống sứ Bắc Kỳ về các công trình xây mới tại một số đường của Thành phố Hà Nội. Nghị định gồm 7 điều quy định “tại 26 con đường của Thành phố Hà Nội và tất cả các đại lộ được mở trên khu đất của Công ty Điền thổ, từ đại lộ Carnot (nay là phố Phan Đình Phùng) đến đường Duvilliers (nay là phố Nguyễn Thái Học), chỉ được phép xây dựng những căn nhà kiểu Âu, cấm xây nhà kiểu bản xứ hoặc nhà chia ô. Số người sử dụng ở mỗi phòng ngủ tối đa là 1người/25 m2.

Năm 1924, bản quy hoạch đô thị do Enest Hébrard thiết lập tạo cơ sở cho việc quản lý đô thị (theo đạo luật Comudet của Pháp). Mọi công trình xây dựng phải tuân Thủ đồ án quy hoạch và phải có sự phối hợp để tạo ra những không gian đô thị cân đối với bố cục chặt chẽ, có tính tượng trưng, nhấn mạnh trọng điểm. Nhìn trên bản đồ có thể thấy rõ: ngoài việc chỉnh trang khu “36 phố phường”, Thành phố mở ra những khu xây dựng mới theo “quy hoạch ô bàn cờ”, tạo thành những đại lộ, những ô phố khang trang mà nay ta còn thấy rõ ở những “khu phố Tây”.

Ngoài việc quy hoạch và cải tạo các tuyến phố, các công trình rải đá mặt đường, lát vỉa hè, xây dựng hệ thống cống rất được chú trọng. Trong giai đoạn này, nhiều công trình được xây dựng đều mang phong cách kiến trúc Á Đông, tiêu biểu là công trình Trường Đại học Đông Dương.

Nguyễn Mỹ

>> Hà Nội mở rộng: Hướng về Tây theo phong cách phương Đông 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo