Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Góc nhìn Chính quyền thiếu kiên quyết, dân thi nhau lấn chiếm đất

Chính quyền thiếu kiên quyết, dân thi nhau lấn chiếm đất

Viết email In

Tình trạng lấn chiếm đất cơ đê sông Nhuệ, thuộc ngõ 8 Cầu Bươu, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, HN lâu nay diễn ra phức tạp, làm mất trật tự an ninh khu vực. Trong khi đó UBND huyện Thanh Trì vẫn tỏ ra lúng túng trong khâu xử lý, để tình trạng trên kéo dài.

Càng phạt, càng chiếm

Tình trạng lấn chiếm đất trên cơ đê sông Nhuệ, thuộc ngõ 8 Cầu Bươu từ lâu đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Giữa năm 2009, UBND TP Hà Nội đã phải ra Quyết định số 2555 để giải toả, cưỡng chế hàng loạt công trình xây dựng lấn chiếm đất. Thế nhưng, sau khi giải toả thì chỉ một thời gian ngắn việc tái chiếm lại diễn ra ồ ạt, ngày càng phức tạp.

  • Ảnh bên : Nhiều công trình xây dựng trái phép mọc trên hành lang cơ đê sông Nhuệ.

Theo người dân sống tại khu vực ngõ 8 Cầu Bươu cho hay, việc lấn chiếm đất chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Cách thức thực hiện của những đối tượng lấn chiếm là đổ đất, trồng cây, làm hàng rào, chở vỏ container đến đặt. Tiếp đến là xây nhà tạm để kinh doanh, làm xưởng…Chính vì thế thời gian qua, tại đây chẳng khác gì một công trình xây dựng, với xe máy ủi, máy ép cọc, xe chở đất hoạt động khẩn trương.

Ông Lương Đình Hùng – Phó chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cũng phải thừa nhận, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang đê Sông Nhuệ diễn ra vô cùng phức tạp. Chính quyền liên tục lập biên bản xử lý nhưng các đối tượng lấn chiếm vẫn cố tình vi phạm. Có trường hợp xử lý đến 3 – 4 lần vẫn tái phạm. Tình trạng sáng lập biên bản, chiều dân lại vi phạm khiến chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng, chán nản.

Trước tình hình đó, Cty Thuỷ lợi Sông Nhuệ đã phải gửi những công văn “kêu cứu” lên UBND huyện Thanh Trì. Tuy nhiên tình hình chẳng được cải thiện. Đặc biệt phong trào lấn chiếm đất rầm rộ khi có tin khu đất của Cty cổ phần và sản xuất thương mại Đại Thanh đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch và chấp thuận cho phép thực hiện dự án xây dựng công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh.

  • Ảnh bên : Có cả công trình kiên cố và tạm bợ.
Không kiên quyết, không xử lý được

Mặc dù chính quyền cũng đã xử lý, nhưng từ cuối năm 2009 đến nay vẫn có gần 100 công trình kiên cố, bán kiên cố ngang nhiên mọc lên tại khu vực này. Có thể thấy sự phức tạp trên đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của chính quyền xã. Để tìm hướng giải quyết mới đây, UBND huyện Thanh Trì đã tổ chức họp bàn với các ban ngành chức năng của huyện, xã Tả Thanh Oai và chủ đầu tư. 

Ông Nguyễn Đình Bảo Lâm – Chánh thanh tra xây dựng huyện Thanh Trì cho rằng, nguyên nhân của tình trạng lấn chiếm đất diễn ra phức tạp tại ngõ 8 Cầu Bươu là vì chưa có sự rõ ràng về quản lý khu đất giữa Cty Thuỷ lợi Sông Nhuệ, xã Tả Thanh Oai và Cty Đại Thanh. Đó là kẽ hở để người dân ồ ạt tiến hành hoạt động lấn chiếm. Thế nhưng, đằng sau đó là câu hỏi có hay không sự “bao che” “chống lưng” để các vi phạm lấn chiếm ngang nhiên tồn tại. 

Ông Phạm Hùng Tiến – Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho rằng, để thực hiện tốt công tác quản lý trật tự xây dựng trên phần đất của dự án tại ngõ 8 Cầu Bươu thì phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Công an huyện tăng cường kiểm tra xử lý các phương tiện vận chuyển đất san lấp. Chủ đầu tư và chính quyền xã phối hợp lập chốt chống lấn chiếm. Bên cạnh đó là công tác tuyên truyền đến người dân. 

Tuy nhiên đó cũng chỉ là giải pháp góp phần chống việc lấn chiếm đất phát sinh, còn việc giải toả lập lại trật tự tại khu vực trên, cần có thêm biện pháp cứng rắn, quyết liệt từ phía UBND huyện và sự hỗ trợ của Thành phố thì sự việc mới có thể giải quyết được. 

Lương Kết
 

Lời bình  

 
0 # Nguyễn Thanh Bình 14/11/2010 18:06
Bài phóng sự nêu hiện tượng lấn chiếm đất công ở sông Nhuệ, với những mô tả khá chi tiết về cách thức lấn chiếm và phản ứng của chính quyền. Bỏ qua các tiêu cực có thể có bên trong, một điều có thể nhận thấy rằng: chính quyền đang ứng xử với vi phạm lấn chiếm đất công như là vi phạm trật tự xây dựng – nghĩa là phạt rồi nếu không có nhiều phản ứng XH hoặc khi (tự) xét thấy không có ảnh hưởng xã hội lớn thì cho tồn tại. Thực ra cần coi lấn chiếm đất công là hành vi xâm phạm lợi ích chung và sự phát triển bền vững tương lai của thành phố. Không chỉ cá nhân, mà kể cả các tổ chức nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước cũng không có quyền xâm phạm hay dung túng cho xâm phạm đất công, nhất là những loại đất có ý nghĩa đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố về mặt giao thông, môi trường, cảnh quan.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Nguyễn Thanh Bình 14/11/2010 18:07
Không thể coi đây như những vi phạm thông thường để rồi buông xuôi các vi phạm cho những giải pháp hành chính can thiệp thông thường. Cần coi lấn chiếm vi phạm đất công như các thách thức nghiêm trọng đến luật pháp, sự tôn nghiêm của thể chế, và tương lai phát triển của cả đô thị. Những người vi phạm chỉ là các cá thể, không phải người dân thành phố; họ chỉ vì mưu cầu lợi ích cá nhân mà sẵn sàng xâm phạm lợi ích chung của thành phố. Vì thế, chính quyền thành phố có quyền huy động mọi sức mạnh, thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ tương lai thành phố, duy trì kỷ cương, cho đến khi nào các biện pháp thực thi dẹp bỏ được hoàn toàn các sai phạm.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo