Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Góc nhìn Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ

Chống ngập: Cần một chiến lược căn cơ

Viết email In

Cơn mưa trái mùa chiều ngày 7.3 chỉ với lượng mưa 48mm, diễn ra lúc không có triều cường, nhưng cũng đã đủ sức nhấn chìm nhiều khu vực rộng lớn trên địa bàn TPHCM. Các nhà khoa học cảnh báo, mùa mưa sắp tới tình hình ngập nước có thể còn tệ hơn.

Từ câu chuyện "ngập giữa mùa khô", thiết nghĩ đã đến lúc cần phải có một chiến lược lâu dài và hiệu quả cho việc chống ngập của thành phố.

Ngập triền miên

Trong khuôn khổ đề án Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập khu vực TPHCM giai đoạn 1 - do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thực hiện, đã dẫn lại kết quả nghiên cứu của Tổ chức JICA (Nhật Bản), theo đó mỗi năm TPHCM bị thiệt hại từ 1.500 đến 2.000 tỉ đồng do tình trạng ngập nước gây ra.

  • Ảnh bên : Đường Lê Lai ngập chìm trong nước do cơn mưa chiều ngày 7.3.

Bất chấp những nỗ lực của thành phố,  tình trạng ngập nước trên địa bàn mỗi ngày một thêm tồi tệ. Nếu như trước đây, ngập nước là chuyện của các vùng ven như Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 6... thì nay, ngay cả khu trung tâm thành phố cũng đã trở thành nạn nhân. Thành phố đã phải chi hàng ngàn tỉ đồng cho các công trình, dự án  chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước...; thế nhưng cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Theo tiến sĩ Trịnh Công Vấn - TGĐ Cty cổ phần tư vấn xây dựng thủy lợi II - đối với TPHCM, ngập nước là do các tác nhân như  mưa, thủy triều,  lũ trên các sông như Đồng Nai, Sài Gòn... và ngập nặng là do 2 hoặc 3 tác nhân kể trên kết hợp lại với nhau.

Trong các công trình nghiên cứu làm cơ sở cho chương trình chống ngập trước đây, chẳng hạn như Quy hoạch tổng thể thoát nước đến năm 2020... phạm vi nghiên cứu hẹp, chưa quan tâm đến sự quan hệ hữu cơ trong thoát nước của TPHCM với khu vực lân cận như Long An, Đồng Nai... Đồng thời, cũng không nghiên cứu đến yếu tố lũ thượng lưu trên các sông Đồng Nai, Sài Gòn; không ngăn triều từ xa...

Chống ngập căn cơ

Theo đánh giá của các nhà khoa học, cho đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu nào đặt vấn đề chống ngập một cách căn cơ, triệt để như Quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập khu vực TPHCM giai đoạn 1. Để thực hiện được quy hoạch này, theo tính toán ban đầu cần phải có vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD. Quy hoạch này đề xuất một giải pháp tổng thể để kiểm soát tất cả các yếu tố gây ngập cho thành phố, đồng thời giải quyết được các khiếm khuyết trong quy hoạch thoát nước trước đây.

Theo ông Trịnh Công Vấn, quy hoạch thủy lợi phục vụ chống ngập khu vực TPHCM giai đoạn 1 đề xuất, đối với nguyên nhân ngập do tác động của lũ thượng lưu trên các sông, sẽ có giải pháp để điều tiết lượng nước về hạ lưu  bằng các hồ trên thượng nguồn. Đối với nguyên nhân ngập do thủy triều, sẽ có nhóm giải pháp kiểm soát triều từ xa, thay cho cách kiểm soát triều gần đang áp dụng hiện nay.

Với các giải pháp điều tiết lũ trên các sông, kiểm soát triều từ xa sẽ giúp kiểm soát  được mực nước trên các tuyến kênh thoát nước cấp 1 như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Kênh Tàu Hủ, Kênh Tẻ... luôn luôn ở mức 1m... Như vậy, cho dù bị tác động của một hay nhiều nguyên nhân gây ngập cùng lúc thì thành phố vẫn sẽ khô ráo. Bên cạnh đó, song song với việc kiểm soát các tác nhân gây ngập thì việc cải thiện hệ thống thoát nước cấp 2 - 3 và 4 cũng có ý nghĩa quyết định.

Hệ thống cống đã lắp đặt chưa kết nối hoàn chỉnh

PV Lao Động đã trao đổi với ông Lê Toàn - Phó GĐ Sở GTVT - đơn vị đang quản lý một số dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại TPHCM. Ông Lê Toàn cho biết:

- Hiện nay, Sở GTVT quản lý 2 dự án lớn sử dụng nguồn vốn ODA, đang triển khai thi công cải tạo hệ thống thoát nước của thành phố, nhằm giải quyết ngập khu vực trung tâm, gồm: Dự án  vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Dự án cải thiện  môi trường nước thành phố. Đối với Dự án cải thiện môi trường nước, đến nay đã lắp đặt gần xong hệ thống cống thoát nước, còn Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu lộc - Thị Nghè  vẫn còn khoảng 50km cống chưa lắp đặt xong.

- Một số tuyến đường như: Lê Hồng Phong, Đinh Tiên Hoàng, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phan Đăng Lưu... đã lắp đặt xong hệ thống cống thoát nước, với kích thước của cống khoảng 2x2m, nhưng vì sao vẫn xảy ra tình trạng ngập?

- Tuy một số tuyến đường đã lắp đặt  xong hệ thống cống, song do những tuyến cống này vẫn chưa đấu nối hoàn chỉnh với hệ thống chung nên  xảy ra ngập là không tránh khỏi. Phải đợi đến năm 2010 thì các tuyến cống lắp đặt mới  đấu nối xong, khi đó nước được thu gom về nhà máy xử lý và trạm bơm sẽ bơm nước ra sông.

- Như vậy, hệ thống cống sau khi được kết nối xong sẽ giải quyết hết tình trạng ngập, thưa ông?

- Sau khi hoàn chỉnh đấu nối hệ thống thoát nước vẫn xảy ra ngập nhất định, bởi lượng mưa gần đây khá bất thường, số lượng mưa nhiều,  lượng mưa ngày càng cao. Trong khi đó, mật độ bêtông hoá ở các khu vực hiện nay ngày một nhiều, do đó  dù  đường kính cống có lớn - đang lắp đặt hiện nay vẫn không thể thoát nước nhanh được, nhất là khi mưa to kéo dài;  dĩ nhiên tình trạng ngập sẽ không kéo dài và mức độ ngập không nặng như hiện nay.

- Xin cảm ơn ông!

Trần Phan thực hiện
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo